Lòng trung thực ở nhà trường: tồn tại hay không tồn tại?

U

uocmovahoaibao

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

TỪ MỘT CÂU CHUYỆN THẬT TRÊN MẠNG INTERNET…
Tôi (tác giả) sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện về sự trung thực mà một người bạn cũ thời cấp 2 đã dạy tôi. Tình cờ tôi nhớ đến cậu ấy khi tôi dọn dẹp lại đóng bừa bộn sách vở trong phòng và những bài kiểm tra năm đó rơi ra làm hiện rõ từng kí ức của thời đi học…


Có một lần, trong tiết kỹ thuật, thầy kiểm tra đột xuất. Hai đứa tôi đều không có một chữ trong đầu, rồi tôi bảo cậu ta giở tài liệu trong lúc kiểm tra. Kế hoạch thành công tốt đẹp và bài kiểm tra của hai đứa tôi đạt điểm khá cao. Sau khi phát bài, thầy bảo cả lớp đọc điểm để thầy ghi vào sổ. Đó là một sai lầm lớn, nhưng tôi cũng không biết có nên gọi cách mà thầy tin tưởng vào học sinh của mình là một sai lầm không. Thực ra thầy không sai, mà là chúng tôi đã phạm lỗi với chính mình, đã đánh đổi sự trung thực của bản thân để lấy những con số. Hơn phân nửa lớp đã khai gian điểm của mình, người 6 điểm thì đọc thành 9 điểm, kẻ 8 điểm cũng tự nhiên đọc to rằng mình điểm 10. Và thầy vẫn vô tư ghi những con điểm "ảo" đó vào sổ.
Khi thầy gọi gần đến tên cậu bạn tôi, tôi quay sang hỏi cậu ấy:"Chúng nó hét điểm ghê quá mà thầy chẳng biết, H được có 7 điểm, lát H khai 9 điểm đi!". Cậu ta vẫn im lặng. Khi thầy gọi tên, cậu ta dõng dạc đứng dậy và nói: "Thưa thầy 4 điểm ạ!". Cả lớp quay phắt về phía cậu ta như thể đang nhìn một thằng ngốc, tôi cũng há hốc mồm chờ sự đính chính của cậu ấy vì nghĩ rằng có thể cậu ta đọc nhầm. Nhưng không, cậu ấy ngồi xuống, nhìn chúng tôi và cười...
- Cậu ngốc à? Làm thế mình thua thiệt tụi nó bao nhiêu là điểm! - Tôi quay sang gắt gỏng.
- Những con điểm đó chưa đủ nhiều để mua được lòng tự trọng của mình..- Cậu ta nhìn tôi với ánh mắt kiên định, rồi cậu ta kể - T biết không, lúc tụi mình kiểm tra xong, giờ chơi mình thấy A ngồi khóc. Mình hỏi thì bạn ấy nói rằng bạn ấy làm bài chỉ khoảng 6 điểm mặc dù đã học bài rất kĩ. Lúc nãy mình cũng thấy A đọc điểm 6 chứ không hơn. Mình viết thư hỏi tại sao A không đọc điểm cao thì A nói rằng, bạn ấy trân trọng những gì bạn ấy đạt được dù nó có thấp đến đâu chăng nữa. Mình tự thấy dù điểm mình có cao hơn A thì mình cũng đã thua bạn ấy về mọi mặt..
Tôi lặng người nghe câu chuyện của cậu bạn và A. Cậu ta nói rằng 4 là số điểm cậu ta phải có nếu như cậu ấy không giở tài liệu trong lúc kiểm tra. Tôi tin rằng 4 điểm đó còn là một niềm đáng tự hào khi cậu ta đã sơn mình bằng một màu sơn thật khác với mọi người, đã chiến thắng được căn bệnh thành tích và dám đối diện với sai lầm của chính mình. Sau này, con điểm đó sẽ nhắc nhở cậu ấy cố gắng hơn.
***
Tôi nhìn bài kiểm tra kỹ thuật cũ kỹ năm đó với con điểm 7 đỏ chót có một đường gạch bút chì cắt ngang, kế bên là số 4 và những dòng chữ nguệch ngạc bằng bút chì: "Chỉ có 4 điểm thôi, lần sau sẽ cố gắng hơn".
Nếu bạn gặp lại người thầy đó, chắc hẳn ông sẽ không nhớ tôi đã đọc điểm mấy để ông ghi vào sổ, nhưng tháng đó tôi đã bị mẹ la một trận tơi bời vì tội không học bài và điểm kỹ thuật chỉ có 4. Và tôi lại thấy rất vui và nhẹ nhàng khi đã sống trung thực như thế...
(Chuyện kể của Thẩm Quỳnh Trân trên Diễn đàn sinh viên trường ĐH GTVT, http://www.hcmutrans.edu.vn/diendan/showthread.php?t=4069)
 
U

uocmovahoaibao

…ĐẾN MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ LÒNG TRUNG THỰC Ở NHÀ TRƯỜNG
Câu chuyện của bạn sinh viên tên Quỳnh Trân trên Diễn đàn sinh viên trường ĐH GTVT có thể gợi lên trong lòng bạn đọc nhiều tâm trạng và suy tư.
Cảm xúc đầu tiên có lẽ là một niềm vui nhẹ nhàng, một cảm giác tích cực dâng lên trong lòng, như khi ta được ngắm một bông hoa đẹp, được ngửi một hương thơm, được hít một bầu khí trong lành, được uống một ngụm nước mát… Ừ nhỉ, ai nói gì thì nói, cái tốt vẫn còn đấy chung quanh ta; sự trung thực đâu chỉ là một khái niệm đạo đức xa vời…
Ta khâm phục sự trung thực của bạn học sinh cấp 2 có tên H trong câu chuyện: dám tự nhận điểm số 4 cho bài kiểm tra của mình, dù đã quay cóp thành công tốt đẹp để đạt điểm số 7 và lẽ ra còn có thể đẩy lên thành điểm 9 nữa!
Ở đây, sự trung thực bao hàm sự dũng cảm. Sự dũng cảm, cũng như sự trung thực, có tính lây lan, lan tỏa: thật vậy, sự trung thực của bạn A trong lớp đã đánh thức sự trung thực nơi bạn H. Tới phiên mình, H lại khiến cho Trân phải giật mình, hồi tâm, lặng người vì chọn lựa của 2 người bạn trong lớp mình: chấp nhận thua thiệt vì lòng trung thực.
Ta nhận ra rằng hành vi trung thực này có cái giá phải trả. Đầu tiên là hậu qủa đối với kết qủa học tập: một điểm số dưới trung bình. Sau đó là cái nhìn ngỡ ngàng, dè bỉu của cả lớp học lên hành vi của H:Cả lớp quay phắt về phía cậu ta như thể đang nhìn một thằng ngốc”. Cả Quỳnh Trân, tác giả của câu chuyện, cũng đã bị mẹ la một trận tơi bời vì cũng đã chấp nhận điểm số thấp nhân danh lòng trung thực.
Lý do gì mà A, H và Trân đã hành động có vẻ “khác người” như thế? Đơn giản vì theo họ những con điểm chưa đủ nhiều để mua được lòng tự trọng”.
Nhưng sau cùng, 3 em học sinh ấy đạt được kết quả gì? Họ biết trân trọng những gì […] đạt được dù nó có thấp đến đâu chăng nữa”. Đó phải chăng chính là lòng tự trọng của một con người? Sự tự trọng ấy dẫn đến một thái độ tích cực “lần sau sẽ cố gắng hơn”. Và sau hết, có lẽ điều quan trọng nhất, là cái được sâu thẳm trong chính con người, đó là niềm hoan lạc và bình an nơi tâm hồn của các em:rất vui và nhẹ nhàng khi đã sống trung thực”.
Nhưng vượt lên trên phạm vi cá nhân, sự trung thực là một điều kiện để đảm bảo công bằng xã hội. Trong câu chuyện trên, nếu thiếu sự trung thực, việc đánh giá kết quả học tập qua hình thức làm bài kiểm tra chỉ còn là một thực hành đầy tính hình thức và vô hiệu.
 
U

uocmovahoaibao

…VÀ CÒN CHÚNG TA, TÔI VÀ BẠN TRONG MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC HÔM NAY?
Đã bao nhiêu lần, bạn và tôi cũng có thể rơi vào một tình huống tương tự như câu chuyện của Quỳnh Trân?
Khi đó, chọn lựa nào là tốt nhất? Bạn đã sẵn sàng để cho lòng trung thực lên tiếng, dẫu phải trả giá bằng những thua thiệt, ví dụ như một điểm số thấp, như cái nhìn “kỳ lạ” của những người xung quanh đối với hành vi của bạn?
Nhưng nếu đó là một kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 hay đại học, là một luận văn cử nhân, hoặc cao học, hay tiến sĩ, khi sự việc liên quan đến một điều quan trọng đối với xã hội Việt Nam là bằng cấp, là danh tiếng, thì hình như cuộc chiến giữa trung thực và gian dối sẽ trở nên khốc liệt trong nội tâm của bạn… Liệu có một giới hạn cho lòng trung thực không?
Suy cho cùng, trung thực là gì, bạn nhỉ? Nó có sẵn trong gen khi ta sinh ra đời, hay nó phải được gieo mầm, nuôi dưỡng, gìn giữ băng qua năm tháng thời gian, thông qua giáo dục, từ gia đình, nhà trường cho tới xã hội? Nếu tôi không trung thực trong những chuyện nhỏ nhặt trong gia đình tôi, trong lớp tôi, liệu tôi có thể ứng xử trung thực trong cơ quan, ngòai xã hội hay không?
Vậy cho nên, tận sâu thẳm, hình như ai cũng mơ ước nhà trường là mảnh đất màu mỡ cho hạt mầm trung thực được đơm hoa kết trái. Nhưng làm gì đây và làm như thế nào nếu đất ấy đối diện với nguy cơ cằn cỗi, khô hạn? Giữa một thái độ than vãn, bất mãn, chê bai, chỉ trích, và một thái độ thờ ơ bàng quan, hình như vẫn còn chỗ cho một thái độ tích cực hơn: cùng mang lấy vấn đề, để cùng suy nghĩ, ưu tư, trăn trở, để thảo luận đưa ra sáng kiến và đề xuất, và cùng hành động, dù là một hành động rất nhỏ.
Tôi không tin có những giải pháp dễ dàng, thần kỳ để thay đổi một thói xấu, một lối sống, một quan điểm. Nhưng tôi tin mọi sự có thể bắt đầu thay đổi khi lòng người thay đổi, khi bản thân mỗi người thay đổi.
Trong cách nhìn đó, cuộc thi “Thách thức & Sáng kiến cho một nền giáo dục sạch tại Việt Nam” của CLB FACE Đại học Hoa Sen (http://faceclub.hoasen.edu.vn), với sự hỗ trợ của Tổ chức Hướng về Minh bạch (Towards Transparency) và Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), dành cho các em học sinh cấp 3 và sinh viên đại học, cao đẳng đang học tập tại TP Hồ Chí Minh, mong muốn là một không gian mở để đón nhận mọi suy tư, sáng kiến để tính trung thực trở thành một mục tiêu quan trọng của giáo dục tại Việt Nam. Đó không phải là công việc của một vài chuyên gia về đạo đức, về khoa học giáo dục, của các ban giám hiệu, nhưng là của tất cả chúng ta, dù là sinh viên hay học sinh, giảng viên hay bất cứ ai làm việc trong môi trường giáo dục.
Hãy nói tiếng nói của bạn, hãy kể câu chuyện của chính bạn hay của những người xung quanh bạn: câu chuyện của những người muốn vươn tới sự trung thực, thường rất lặng lẽ, âm thầm, nhưng luôn đầy cam go và phải trả giá.
Hãy cho phép mình có quyền mơ ước, có quyền mong đợi một môi trường giáo dục minh bạch nơi đó lòng trung thực sẽ như một bầu không khí trong lành lan tỏa, len lỏi vào mọi ngõ ngách, bầu không khí mà mỗi chúng ta đều cần và mong được hít thở no thỏa.
 
Top Bottom