Chính sách khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp
* Nguyên nhân thúc đẩy cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai:
- Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất ( 1914 - 1918 ), đế quốc Pháp tuy là một nước thắng trận nhưng bị tàn phá nặng nề, nền kinh tế của Pháp bị kiệt quệ. Để hàn gắn và khôi phục kinh tế sau chiến tranh, nhà cầm quyền Pháp vừa tìm cách kết thúc đẩy sản xuất trong nước, vừa tăng cường đầu tư khai thác thuộc địa, trước hết là các nước ở Đông Dương và châu Phi.
- Chương trình khai thác lần thứ hai thực hiện ở Đông Dương do An-be Xa-rô, Toàn quyền Đông Dương vạch ra.
* Những chính sách khai thác về công - nông - thương nghiệp, giao thông vận tải và kinh tế:
Thực dân Pháp đã đầu tư mạnh với tốc độ nhanh, quy mô lớn vào các nghành kinh tế Việt Nam. Chỉ trong vòng 6 năm ( 1924 - 1929 ), số vốn đầu tư vào Đông Dương, chủ yếu là Việt Nam lên đến 4 tỉ phrăng ( tăng 6 lần so với trước chiến tranh ).
- Nông nghiệp:
+ Năm 1924, vốn đầu tư vào nông nghiệp là 50 triệu phrăng, đến năm 1927 đã lên đến 400 triệu phrăng, gấp 10 lần trước chiến tranh.
+ Diện tích các đồn điền cao su, trồng lúa, cà phê,... được mở rộng. Diện tích trồng cao su từ 1500 ha năm 1918 lên đến 78.620 ha năm 1930. Nhiều công ti trồng cây cao su ra đời: Công ti đất đỏ, Công ti Mi-sơ-lanh, Công ti trồng cây nhiệt đới.
- Công nghiệp: Tư bản Pháp chú trọng đầu tư vào khai thác mỏ, trước hết là mỏ than:
+ Nhiều công ti khai thác than mới được thành lập như Công ti than Hạ Long - Đồng Đăng, Công ti than và kim khí Đông Dương, Công ti than Tuyên Quang, Công ti than Đông Triều,...
+ Ngoài than, các cơ sở khai thác mỏ thiếc, kẽm, sắt đều được bổ sung thêm vốn, tăng thêm công nhân và đẩy mạnh tiến độ khai thác. Một số cơ sở chế biến quặng kẽm, thiếc, các nhà máy tơ sợi Hải Phòng, Nam Định, nhà máy rượu Hà Nội, Nam Định, nhà máy diêm Hà Nội, Bến Thủy, nhà máy đường Tuy Hòa, gạo Chợ lớn,... đã được nâng cấp và mở rộng quy mô.
- Thương nghiệp:
+ Ngoại thương có sự tăng tiến hơn trước: trước chiến tranh, hàng hóa Pháp nhập vào Đông Dương mới chiếm 37 %, đến những năm 1929 - 1930 đã lên đến 63 % tổng số hàng nhập. Quan hệ giao lưu buôn bán nội địa cũng được đẩy mạnh.
+ Đánh thuế rất nặng các hàng hóa nhập từ nước ngoài mà chủ yếu là của Trung Quốc và Nhật Bản nhằm nắm chặt thị trường Việt Nam ( và Đông Dương ) cho tư bản độc quyền Pháp.
- Giao thông vận tải:
+ Mục đích: phát triển giao thông vận tải nhằm phục vụ công cuộc khai thác và vận chuyển nguyên vật liệu, lưu thông hàng hóa trong nước và nước ngoài.
+ Cụ thể:
• Đường sắt xuyên Đông Dương được nối thêm đoạn Đồng Đăng - Na Sầm ( 1922 ), Vinh - Đông Hà ( 1927 ). Đến năm 1932, Pháp đã xây dựng 2389 km đường sắt trên lãnh thổ Việt Nam.
• Hệ thống giao thông đường thủy tiếp tục được khai thác. Ngoài các cảng đã có từ trước như cảng Hải Phòng, Sài Gòn, thực dân Pháp xúc tiến xây dựng các cảng Hòn Gai, Bến Thủy.
• Các đô thị được mở rộng và dân cư đông hơn.
- Kinh tế:
+ Ngân hàng Đông Dương nắm trọn quyền chỉ huy kinh tế Đông Dương: phát hành giấy bạc và cho vay lãi. Ngân hàng Đông Dương còn có cổ phần trong hầu hết các công ti và xí nghiệp lớn.
+ Thi hành biện pháp tăng thuế nặng nên ngân sách Đông Dương thu được năm 1930 tăng gấp 3 lần so với năm 1912.
=> Chính sách khai thác thuộc địa của chúng nhìn chung về căn bản vẫn không thay đổi: hết sức hạn chế sự phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng như các nghành luyện kim, cơ khí, hóa chất,... nhằm cột chặt Đông Dương vào nền công nghiệp của nước Pháp và biến Đông Dương thành thị trường độc chiếm của tư bản Pháp.
* Những chính sách về chính trị, văn hóa, giáo dục của thực dân Pháp:
- Sau chiến tranh, chính sách thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương vẫn không thay đổi mà còn tăng cường để phục vụ sự thống trị của chúng và đẩy mạnh khai thác thuộc địa. Đó chính là chính sách chuyên chế, mọi quyền hành đều nằm trong tay thực dân Pháp và bọn tay sai trung thành của chúng. Bộ máy đàn áp, cảnh sát, mật thám, nhà tù vẫn tiếp tục được củng cố và hoạt động ráo riết. Một số tổ chức chính trị, an ninh, kinh tế được thành lập:
- Thực dân Pháp thi hành một vài cải cách chính trị - hành chính để đối phó với những biến động đang diễn ra ở Đông Dương:
+ Mở rộng các công sở cho người Việt.
+ Tăng thêm số người Việt trong các Phòng Thương mại và Canh nông ở các thành phố lớn.
+ Lập Viện Dân biểu Trung Kì ( 2 - 1926 ), Viện Dân biểu Bắc Kì ( 4 - 1926 ).
+ ở làng, xã, chúng thông qua bộ phận cầm đầu ở hương thôn để nắm sâu xuống các địa phương.
- Văn hóa, giáo dục cũng có sự thay đổi:
+ Đến tháng 12 - 1917, Toàn quyền Đông Dương lập Hội đồng Tư vấn học chính Đông Dương với chức năng đề ra những quy chế cho nghành giáo dục.
+ Hệ thống giáo dục được mở rộng gồm các cấp tiểu học, trung học, cao đẳng và đại học. Mô hình giáo dục có tính hiện đại đang hình thành ở Đông Dương.
+ Cơ sở xuất bản, in ấn xuất hiện ngày càng nhiều với hàng chục tờ báo, tạp chí chữ Pháp và chữ Quốc ngữ. Nhà cầm quyền Pháp sử dụng báo chí, văn hóa,... để phục vụ công cuộc khai thác và thống trị của chúng; ưu tiên khuyến khích xuất bản các sách báo theo chủ trương Pháp - Việt đề huề.
+ Các phong trào tư tưởng, khoa học - kĩ thuật, văn hóa, nghệ thuật phương Tây có điều kiện tràn vào Việt Nam.
+ Các nghành văn học, nghệ thuật ( hội họa, điêu khắc, kiến trúc,... ) đã có những biến đổi mới về nội dung, văn hóa mới tiến bộ và ngoại lai nô dịch cùng tồn tại, đan xen, đấu tranh với nhau.