DANH LAM THẮNG CẢNH QUẢNG NAM
Quảng Nam, mảnh đất đầy nắng và gió, thời tiết khắc nghiệt kéo theo cuộc sống của người dân cũng còn lắm khó khăn. Nhưng người dân nơi đây vẫn tự hào rằng, họ có nhiều điều hay níu chân du khách trong và ngoài nước đến đây. Ngoài hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, những thắng cảnh làm say lòng người, nơi đây còn đang lưu giữ di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.
Đến địa bàn Quảng Nam, phong cảnh núi đồi chập chùng, biển trời xanh mát đập vào mắt du khách. Mọi người sẽ bắt đầu bị cuốn theo nhiều nét độc đáo, quyến rũ khi khám phá vùng đất Quảng Nam. Có nhiều điểm đến thu hút du khách. Nếu thích thú với sóng nước, du khách có thể đến biển Tam Thanh, biển Rạng, biển Bàn Than. Thích thú khám phá, tìm hiểu về các vùng đất cù lao, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này, có thể đến Cù Lao Chàm (TP.Hội An). Ở đây có một vẻ đẹp hoang sơ, đã đi vào văn học. Có nhiều bãi tắm đẹp để mọi người có dịp tung tăng, đắm chìm trong nước biển xanh mướt mắt. Ở đây có bãi cát vàng mịn với những khối đá, làm nên một bức tranh độc đáo, khá nhiều loài san hô, thảm rong, cỏ biển... Trên ngọn núi hùng vĩ soi bóng xuống tạo nên bức tranh hữu tình là nơi cư ngụ của chim yến và mọi người sẽ thích thú khi nhìn thấy những tổ yến cheo leo trên vách núi. Nếu vào mùa thời tiết đẹp, mọi người có thể khám phá một số điều kỳ diệu ở các đảo và tìm cảm giác mạnh với tua vượt biển, lặn biển. Ở đây, còn phục vụ các môn thể thao sóng nước như lướt ván, đua thuyền, chèo thuyền kayak. Đặc biệt là được thưởng thức những món ăn vùng biển tươi nguyên vừa được đánh bắt. Sau những giờ phút thú vị thưởng thức thiên nhiên, sẽ là điều thiếu sót nếu không ghé thăm khu trưng bày và giới thiệu các di tích thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm, Việt với những kiến trúc cổ được xây dựng từ vài trăm năm và xem những cổ vật được tìm thấy trên một chiếc tàu đắm cách nay vài trăm năm...
Rời nơi đây, sẽ là một thiếu sót nếu quý khách không ghé thăm một di sản văn hóa mang tầm quốc tế khác: Phố cổ Hội An. Bỏ lại sau lưng nét quyến rũ say lòng của biển, rừng, bỏ lại những ồn ào của phố thị, mọi người sẽ được bước vào một không gian hoàn toàn khác, nơi một thời buôn bán tấp nập của cả vùng Đông Nam Á thế kỷ XVI, giờ còn vương lại những kiến trúc cổ kính với những dãy phố đặc trưng theo kiến trúc của Nhật, Trung Quốc. Theo sâu vào các dãy phố ấy, vẫn thấy toát lên sự tĩnh lặng, dù đang rất sôi động bởi những làng nghề truyền thống, hàng quán phục vụ du khách. Vào đây, mọi người sẽ thấy được cuộc sống yên bình, thân thiện của những người dân nơi đây qua cách buôn bán, tiếp chuyện với mọi người. Khu phố cổ này đang lưu giữ và bảo tồn gần như nguyên trạng quần thể kiến trúc gồm nhà ở, chùa, hội quán, nhà thờ tộc, giếng, cầu... Du khách sẽ được xem các nghệ nhân thoăn thoắt đôi tay làm từng chi tiết để có thể hoàn thành sản phẩm tranh thêu tay X.Q, đèn lồng, gốm, lụa... Thăm thú xong, sẽ là một thiếu sót nếu mọi người không ghé lại thưởng thức những món ăn độc đáo ở đây như cơm gà, cao lầu, để thư thả một lần nữa thích thú ngắm Hội An. Và rồi khi hoàng hôn buông xuống, vẻ đẹp lung linh huyền ảo của cả một hệ thống đèn lồng dọc trên dãy phố được đốt lên, đưa mọi người trở lại với Hội An xưa... Nếu có dịp đến thăm nơi đây vào đêm rằm hàng tháng, mọi người sẽ thú vị hơn khi bước vào không gian huyền ảo, không có ánh điện, chỉ có ánh sáng từ những chiếc đèn mang nét văn hóa đặc trưng.
Sau khi trải lòng với thiên nhiên hoang sơ, khu phố cổ kính, lung linh, du khách sẽ bước vào một không gian hoàn toàn khác khi đến viếng thăm khu Thánh địa Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên) để tìm lại vết tích của nước Chăm pa thời hoàng kim vẫn còn lưu lại qua hệ thống kiến trúc của tháp, lăng mộ... Đây là di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam. Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, nằm ở một thung lũng được bao quanh bởi đồi núi với bán kính khoảng 2 km. Nhiều người từng so sánh thánh địa này với tổ hợp các đền dài ở một số nước Đông Nam Á như Angkor Wat (Campuchia), Ayutthaya (Thái Lan), Pagan (Myanma)... Quần thể kiến trúc cổ xưa độc đáo, hùng tráng của một thời hoàng kim của vương quốc Chăm pa từ thế kỷ IV đến thế kỷ XV. Theo truyền thuyết, nơi đây là nơi các vị vua mới lên ngôi đến làm lễ và dâng một ngôi tháp thờ thần bổn mạng. Vậy nên, vùng này được xem là đất thánh, chứng kiến những sự kiện trọng đại, trang nghiêm, đậm màu tôn giáo. Hiện tại, quần thể hơn 70 đền tháp đầy rêu phong, nhiều bức phù điêu, tượng, bia đá với nghệ thuật điêu khắc độc đáo của những nghệ nhân Chăm cổ xưa, thể hiện những nét sinh hoạt văn hóa, là một minh chứng hùng hồn về tất cả những nét đặc sắc, độc đáo của nền văn minh Chăm xưa. Những ngôi tháp đã chịu sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian, của chiến tranh, chỉ có một số đang được trùng tu càng tạo nên sự mênh mông, hoang vắng, mặc sức cho người viếng thăm ngẫm nghĩ và tưởng tượng về một thời đã lùi xa, quên lãng. Chạm vào mỗi một chân tường của tháp cổ, miếng đá cổ vương vãi hay những bức tượng các nữ thần, vũ nữ Chăm đều như là chạm vào quá khứ huyền thoại, làm lòng mỗi người như thêm trĩu nặng, suy tư...
--------------------------------------
--------------------------------------------
Tham khảo nha bạn...
Chúc bạn học tốt!!
(
có ích nhớ thanks nha
)