Làm văn số 5

T

thongoc_97977

)
Thuyết minh Sầm Sơn

Với bãi biển chạy dài gần 6 km từ cửa Lạch Hới đến chân núi Trường Lệ, đây là nơi tắm biển rất tốt. Biển Sầm Sơn với bãi cát vàng thoai thoải, nước trong xanh và nồng độ muối vừa phải rất phù hợp với sức khoẻ con người.
Ngay từ thời Pháp thuộc, làng Núi Sầm Sơn cùng bãi biển dưới chân núi được coi là khu nghỉ mát cho các quan chức người Pháp. Sầm Sơn nhanh chóng trở thành nơi nghỉ mát nổi tiếng của Ðông Dương, và dần dần trở thành bãi tắm lý tưởng thu hút khách du lịch thập phương. Từ nhiều thập niên trước, đã có nhiều biệt thự nghỉ mát mọc lên ở đây. Vua Bảo Ðại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng xây biệt thự riêng ở Sầm Sơn.
Thiên nhiên đã ưu ái cho vùng đất này những bãi biển kỳ thú, nên thơ. Đến với Sầm Sơn du khách sẽ được hoà mình với biển cả mênh mông soi bóng núi Trường Lệ duyên dáng; được nghe bản hoà tấu của biển và núi non với rì rào sóng vỗ bờ, với những hàng dừa xanh lao xao, những rặng phi lao vi vu trong gió, những tiếng sáo diều đánh thức trời xanh…
Biển Sầm Sơn vào mỗi thời khắc trong ngày lại có những vẻ đẹp khác nhau. Du khách tha hồ khám phá và tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt vời ấy. Sáng sớm bình minh lên, bầu trời ửng hồng phía chân trời, từng đoàn thuyền đánh cá của ngư dân làng Núi trở về sau một đêm đánh bắt ngoài khơi xa, những nụ cười rạng rỡ, tràn đầy hạnh phúc báo hiệu một đêm ra khơi thành công. Và chợ hải sản được họp ngay bên bờ biển, với nguồn hải sản vô cùng phong phú của biển Sầm Sơn, du khách có thể chọn lựa và thưởng thức tôm, cua, ghẹ, mực, cá thu… là những đặc sản vừa được cất lên từ biển. Khi mặt trời dần lên cao, biển Sầm Sơn lóng lánh dát vàng, từng cơn sóng vỗ bờ trắng xoá ôm lấy dải cát mịn màng ánh lên trong nắng, những cánh diều rực rỡ giữa màu xanh của bầu trời, núi non và biển cả… Buổi chiều, trời mát dịu, bãi biển tập trung rất đông người xuống tắm. Những tiếng hò reo với những cơn sóng xô, những tiếng vui đùa đuổi nhau trên cát... Du khách cũng có thể nằm phơi mình trên bãi biển, nghe những thanh âm của biển và đón những cơn gió mang theo vị mặn rất đặc trưng để tâm hồn thư thái hơn, êm dịu hơn hoặc cùng nhau xây lâu đài cát rồi lại trả nó về với biển khi những đợt sóng lên cao… Đêm Sầm Sơn, biển mờ ảo dưới ánh trăng, sao, vẫn những đợt sóng vỗ bờ nhưng dường như êm đềm hơn, vẫn là những âm thanh ấy nhưng không phải là tiếng vui đùa của du khách nhảy theo từng con sóng bạc đầu mà là những tiếng thì thầm cùng với biển và sóng…
Đêm Sầm Sơn dường như có hai thế giới trái ngược nhau được ngăn cách bởi bức tường thiên nhiên là những rặng dừa và phi lao duyên dáng. Tạm biệt biển lấp lánh ánh trăng sao, tạm biệt bản nhạc du dương của gió, của sóng…, bước qua khỏi cái hàng rào thiên nhiên ấy, du khách sẽ thấy choáng ngợp trước đường Hồ Xuân Hương dọc theo bờ biển rực rỡ ánh đèn, cửa hàng, cửa hiệu tấp nập người qua lại. Trên vỉa hè ven biển là những sạp hàng bán đồ lưu niệm được làm từ các sản phẩm biển muôn màu sắc. Du khách đến với biển Sầm Sơn hẳn không quên mang về tặng người thân, bè bạn những món quà lưu niệm đầy ý nghĩa. Nếu không muốn bách bộ, du khách có thể đi dạo trên con đường ven biển với những chiếc xích lô xinh xắn mà chủ nhân của nó ai nấy đều giàu lòng mến khách, thân thiện và cởi mở. Họ sẵn lòng giới thiệu tới du khách về những thắng cảnh đẹp trên quê hương Sầm Sơn yêu dấu. Du khách cũng có thể thuê những chiếc xe đạp đôi để cùng bạn bè, người thân tự mình khám phá cuộc sống sôi động về đêm của thị xã biển Sầm Sơn.
Không chỉ có biển thơ mộng cùng bãi tắm đẹp, thiên nhiên còn ban tặng cho Sầm Sơn nhiều danh lam - thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng trên núi Trường Lệ với những truyền thuyết lung linh sắc màu huyền thoại mang đậm chất nhân văn. Hòn Cổ Giải là nơi Trường Lệ tiếp xúc với biển trông như con giải khổng lồ đang vươn ra biển khơi. Ðền Ðộc Cước (còn gọi là đền Gầm) ngự trên đỉnh hòn Cổ Giải, điểm cực bắc của dãy Trường Lệ, ngay cạnh bãi tắm Sầm Sơn. Đền mang tên Độc Cước nghĩa là một chân, gắn liền với truyền thuyết chàng khổng lồ xẻ đôi mình, một nửa ra khơi tiêu diệt thủy quái bảo vệ dân chài, còn một nửa đứng canh trên đỉnh hòn Cổ Giải. Tưởng nhớ công ơn của chàng, người dân Sầm Sơn đã lập miếu thờ chàng ngay bên tảng đá có vết lõm dấu chân khổng lồ tương truyền là bàn chân của chàng và sau này là đền Độc Cước. Trong đền có tượng thần Độc Cước bằng nửa thân người và bước chân khổng lồ trên đá của chàng trai dũng cảm đó.

Để lên đền Độc Cước du khách phải qua 40 bậc đá. Đền được lập từ đời Trần, dựng lại vào thời Lê và đã qua trùng tu nhiều lần. Độc Cước không chỉ là một ngôi đền đẹp mà còn là một thắng cảnh của Sầm Sơn. Đứng ở phía sau đền, du khách sẽ được chiêm ngưỡng biển Sầm Sơn bao la và núi Trường Lệ kỳ vĩ chạy dài theo mép biển, một bức tranh thuỷ mặc tuyệt vời.
Theo sườn núi quanh co giữa những vạt thông reo là hòn Trống Mái lãng mạn tình tứ, một thắng tích độc đáo và kỳ thú. Đứng sát cạnh du khách chỉ thấy hai khối đá lớn nằm chênh vênh trên một tảng đá bằng phẳng gọi là hòn Đá Bạn. Nhưng càng lùi xa, trông chúng càng giống một đôi chim đá khổng lồ đang nằm châu mỏ vào nhau. Truyền thuyết kể rằng có đôi vợ chồng yêu nhau, chết biến thành chim vẫn quấn quýt không rời. Các tiên nữ xuống bãi Tiên tắm, cảm cái tình ấy mới biến họ thành đôi chim đá để họ vĩnh viễn bên nhau.
Phía nam dãy Trường Lệ còn có một bãi tắm rất đẹp, cảnh quan môi trường còn rất nguyên sơ, đó là bãi tắm Tiên ẩn vào chỗ lùi của chân dãy Trường Lệ như một thung lũng nhỏ rất nên thơ. Nơi đây hứa hẹn một khu du lịch nghỉ dưỡng hiện đại trong tương lai. Trên đỉnh núi là đền Cô Tiên uy nghi, cổ kính, nơi thờ vọng Thần Độc Cước và Mẫu Liễu Hạnh. Đó là những nơi mà du khách thường tới viếng thăm mỗi khi đến Sầm Sơn.
Sầm Sơn với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ quả là vùng sơn thuỷ hữu tình, biển cả bao la đầy chất thơ cùng những thắng tích và huyền thoại mang đậm chất nhân văn và lòng mến khách của người dân nơi đây. Biển Sầm Sơn hứa hẹn một kỳ nghỉ hè đầy hấp dẫn và lý thú.
 
T

tiendat_no.1

Đền Cô Tiên (Sự tich)

Cuối dãy Trường Lệ về phía Tây Nam là hòn Đầu Voi, hòn thứ hai trong bảng phân loại dân gian. Hòn Đầu Voi tên chữ là "Tượng Đầu Sơn" cùng nghĩa với núi Đầu voi. vì dãy Trường Lệ đang chạy dài, đến chỗ này chợt nhô ra hòn núi hình dang tương tự đầu voi. Trên giữa đỉnh đầu con voi đá núi ấy sừng sững ba lớp nhà kiến trúc cổ : "Hậu cung - Trung đường - Tiền sảnh" được mang cái tên khá xinh đẹp và thơ mộng "Đền Cô Tiên".

Sự thực Đền Cô Tiên là nới được nhân dân xã Trường Lệ lập nên vào thời Lý thờ vọng Thần Độc Cước (theo Thanh Hóa Tỉnh chí) phía trước bên phải ngôi đền Độc Cước thứ hai này, hòn Đầu Voi nhô ra một mỏm đá, người ta tưởng tượng đó là cái "Vòi" của con voi. Trên đó vào đầu thế kỷ XX mọc lên một ngôi Đền thờ bà chúa Liễu Hạnh. Chúa Liễu Hạnh có tên chính là Giáng Tiên (có tài liệu gọi là Giáng Hương), là nàng Tiên trên Thượng giới, vì phạm lỗi nên bị Thượng đế đầy xuống trần gian. Yêu người mến cảnh, Nàng ở lại hạ giới và trở thành một khách lãng du, thường dạo chơi nơi non xanh biển biếc, những nơi có phong cảnh kỳ thú đều in dấu chân nàng (Bà chính là cô gái làm nghề hái thuốc cứu nhân độ thế ...).

Do chiến tranh và thiên nhiên tàn phá, các con nhang đệ tử không có điều kiện để dựng lại ngôi Đền, đành rước thần vị, bát hương để thờ vào nơi thờ vọng Thần Độc Cước, lấy đó làm nơi cúng lễ Đức Mẫu (Chúa Liễu Hạnh) của họ. Trước còn tạm thời, về sau họ coi việc đến đây để lễ Nữ thần Văn Cát là sự tự nhiên như chính nới đó để thờ Bà.

Và lại vào những thời gian đó, cả mấy chục làng xã chỉ có nơi này thờ Chúa Liễu Hạnh nên thu hút con nhang đệ tử đến lễ ngày càng đông, nhất là sau những lần giặc Pháp, giặc Mỹ ném bom phá hoại Đền Sòng, nơi đây trở thành nổi tiếng là nơi ban tài, phát lộc, Dần dà, những nơi thờ Thần Độc Cước không đến lễ cầu ở đây nữa mà tập trung về Đền Độc Cước ở phía Hòn Cổ Giải; từ người "ăn nhờ ở đậu" chúa Liễu Hạnh trở thành ngôi chi của Đền thờ vọng Thần Độc Cước và từ đó Đền được mang tên mới gọi là Đền Cô Tiên.

Năm 1960, Bác Hồ và thăm Thanh Hóa, đất biển Sầm Sơn vinh dự được in dấu chân Người. Đền Cô Tiên chính là nơi Người đã dừng lại nghỉ ngơi và ngắm cảnh. Sau khi tham gia kéo lưới với dân chài xã Quảng Vinh, Bác đã về nghỉ ngơi trong Đền nơi chiếc bệ gạch thấp, chỗ ngồi sắm lễ của khách hành hương. Năm 1975, Ty Văn hóa Thanh Hóa chủ trương tu bổ lại ngôi Đền và khánh thành vào dịp kỷ niệm 85 năm ngày sinh của Người. Đền Cô Tiên chính trở thành nới lưu niệm dấu tích Bác Hồ kính yêu của chúng ta.

Ngày 17, 18 tháng 7 năm 1960 Bác Hồ về thăm Sầm Sơn, người nghỉ tại Đền Cô Tiên đã cùng kéo lưới với Ngư dân, thăm già, bế trẻ, thăm trại thương binh, thăm cụ Miền Nam tập kết ...
 
T

tiendat_no.1

Đền Độc Cước(Đền Thượng)

Đền Độc Cước(Đền Thượng) ở hòn Cổ Giải còn gọi là hòn Miết Cảnh trên dãy núi Trường Lệ. Thần Độc Cước (một chân) xuất hiện vào thế kỷ thứ II sau Công nguyên để dẹp trừ loài quỷ biển.

40 Bậc đá sẽ lên tới đền

Đền tọa lạc trên đỉnh núi Cổ Giải hay còn gọi là hòn Miết Cảnh thuộc dãy núi Trường Lệ ngay cạnh bãi tắm Sầm Sơn. Đền mang tên Độc Cước nghĩa là một chân, gắn liền với sự tích chàng trai khổng lồ đã tự xé đôi thân mình để vừa đánh giặc quỉ biển ngoài khơi và đánh giặc trong đất làng cứu dân làng. Tưởng nhớ công ơn của chàng, người dân Sầm Sơn đã lập miếu thờ chàng ngay bên tảng đá có vết lõm dấu chân khổng lồ tương truyền là bàn chân của chàng và sau này là đền Độc Cước.

Đền Độc Cước

Muốn lên đền phải qua 40 bậc đá. Đền được lập từ đời Trần (1225 - 1400), dựng lại vào thời Lê và đã qua trùng tu nhiều lần. Phía sau đền có Môn lâu dựng năm 1863 bằng gỗ. Trong đền có tượng thần Độc Cước bằng gỗ chỉ có một tay, một chân. Chân tượng dựng vững chắc trên hòn đá tảng, tay tượng có cây búa ở tư thế đang vung về phía sau lấy đà chém loài quỷ biển. Đền có hai pho tượng ngựa đúc bằng đồng, cặp tượng phổng tạc bằng đá khối, nhiều câu đối chữ nho ca ngợi công đức của thần Độc Cước.

Đền đã qua nhiều lần trung tu. Năm trùng tu xưa nhất được giữ ở thượng lương gian tiền đường ghi niên hiệu Chính Hoà (1675 - 1705). Còn tiền đường mới hiện tại có niên đại Tân Mão (1891), với dòng chữ: 'Hoàng triều Thành Thái tam tam niên tuế thứ Tân Mão hạ huyệt trọng xuân lưu nhật quang thời tân tạo tiền đường thụ đại cát'. Tạm dịch: 'Đời vua Thành Thái thứ 3, năm Tân Mão, mùa xuân tháng Ba ngày tốt, làm ngôi tiền đường'. Qua hai cuộc kháng chiến, từ 1945 đến 1974, bom đạn liên miên, nhưng đền Độc Cước hầu như vẫn nguyên vẹn, với những chiếc cột bằng gỗ lim, gỗ chò và một số đồ thờ, bia, tượng, có phong cách nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XVIII, XIX.


Qua nhiều thế hệ vị thần được tôn: "Độc Cước Chân Nhân" "Sơn tiên Độc Cước " vị thần đã có công lớn giúp các Triều đại đánh đuổi giặc ngoại xâm nên được các nhà vua ban nhiều sắc phong " Thượng đẳng Phúc Thần" cho nhân dân bốn mùa cúng tế. Ngôi đền đã trải qua các đời Lý - Trần - Lê - Nguyễn ..... Vẫn giữ được nguyên dáng vẻ kiến trúc cổ.

Qua 40 bậc đá đến cổng Tam quan có hai thớt voi chầu. Ngôi đền gồm có 3 cung. Tiền đường, trung đường, hậu cung kiểu chuôi vồ. Trong đền còn có nhiều dấu tích lịch sử quý: Hai tượng phỗng nô lệ hậu cung có tượng "Thờ" Thần Độc Cước: Trung đường là bức tượng "Nghệ thuật" Thần Độc Cước và những bước chạm cổ tinh xảo. Trong tổng thể khu Di tích ở một địa thế đẹp độc đáo tạo sự quan sát sinh động, nhiều chiều cho du khách. Đền có gác nghêng phong (đón gió) phá Bắc, có Phủ Mẫu phía Tây Nam có Miếu Thổ Thần, miếu Sơn Thần, đảm bảo cho dân du cảnh
 
M

mia_kul

Tham khảo :
laban95 said:
Bãi biển Sầm Sơn thuộc thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 16km. Bờ biển dài, bằng phẳng, phong cảnh hùng vĩ, đã được người Pháp khai thác từ năm 1906.
Bãi biển Sầm Sơn là nơi tắm biển rất tốt mà người Pháp đã biết khai thác từ năm 1906 và Sầm Sơn nhanh chóng trở thành nơi nghỉ mát nổi tiếng của Ðông Dương. Từ những thập kỷ trước, đã có nhiều biệt thự nghỉ mát mọc lên ở đây. Vua Bảo Ðại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng xây biệt thự riêng ở Sầm Sơn. Sầm Sơn có nhiều cảnh đẹp: hòn Trống Mái, đền Ðộc Cước, núi Cô Tiên...
Bờ biển Sầm Sơn dài 10km bằng phẳng và nhiều hải sản quý như tôm he, cá thu, mực... Sầm Sơn có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, vùng biển bao la với những thắng tích và huyền thoại mang đậm chất nhân văn và lòng mến khách. Bãi biển Sầm Sơn là một trong những bãi biển rộng và đẹp ở phía bắc.
Theo Tổng cục Du Lịch
Bãi biển Sầm Sơn chạy dài gần 6 km từ cửa Lạch Hới đến chân núi Trường Lệ. Bãi cát thoai thoải, sóng êm, nước trong xanh và nồng độ muối vừa phải rất phù hợp với sức khoẻ con người.
Ngoài bãi tắm đẹp, thiên nhiên còn phú cho Sầm Sơn nhiều danh lam - thắng cảnh nổi tiếng và lung linh sắc màu huyền thoại. Đó là dãy núi Trường Lệ chạy dài theo mép nước bốn mùa thông reo, là hòn Trống Mái lãng mạn tình tứ, là đền Độc Cước, Cô Tiên uy nghi cổ kính; là Vọng Hải đài- nơi du khách có thề ngắm cả một vùng trời nước mênh mông. Các truyền thuyết còn kể lại rằng: Núi Trường lệ là một thiếu nữ hóa thân để che chắn phong ba bão táp cho dân làng, hòn Trống Mái được sinh ra từ một mối tình thuỷ chung của đôi vợ chồng trẻ còn Đền Độc Cước là nơi thờ vị thần một chân, một anh hùng thần thoại đã tự xẻ thân làm hai nửa, một trên bờ bảo vệ dân làng, một xuống nước diệt trừ Thuỷ quái.
Đền Độc Cước và Đền Cô Tiên đều là những kiến trúc được xây dựng từ cuối đời Nhà Lê ( thế kỷ 17 ) ( đền Cô Tiên là nơi thờ vọng thần Độc Cước và Mẫu Liễu Hạnh) theo lối kiến trúc cổ. Đó là những nơi mà du khách thường tới viếng thăm mỗi khi đến Sám Sơn.
Phía Nam dãy núi Trường Lệ còn có một bãi tắm rất đẹp, cảnh quan môi trường còn rất nguyên sơ, nơi đây hứa hẹn một khu du lịch nghỉ dưỡng hiện đại trong tương lai.
 
Top Bottom