Cây cầu trăm tuổi, là nhân chứng của một thời đạn bom một thời hòa bình, đã có một ngày Thu tháng mười không vội vã. Người bước lên cầu muốn chậm lại để có thể trở về với những ký ức của ngày hôm qua và nghĩ suy cho sự tiếp nối của hôm nay.
Lễ hội Ký ức cầu Long Biên lần thứ nhất (diễn ra trong hai ngày 10 và 11/10/2009) là dịp để cây cầu Long Biên vốn đã hứng chịu bao mưa bom bão đạn được "vinh danh".
Người ta nói và người ta tự hào rằng cây cầu trăm tuổi trong thành phố ngàn năm này có linh hồn. Nhiều người vì cây cầu đã ngã xuống còn cây cầu thì vẫn đứng vững để làm chứng nhân và để nối đôi bờ quá khứ và tương lai.
Đoàn tàu cũ xưa bắt đầu nhấc bánh hướng lên cầu Long Biên (Ảnh: VNN) Hôm nay cây cầu ấy được trang hoàng, được khơi lên hồn vía bằng một lễ hội, như cách người dân tri ân với niềm tự hào đó. Cầu đã từng oằn mình trong chiến tranh, còn nay trong ngày hòa bình, nhất là vào dịp đất Thăng Long kinh kỳ sắp ngàn năm tuổi, người ta muốn khoác lên cây cầu tấm áo của nghệ thuật, của những vẻ đẹp văn hóa... Cây cầu như một dấu mốc của một thời kỳ mới mà con người cần dành nhiều điều kiện hơn để hướng tới cái đẹp và suy tư về ký ức (tất nhiên phải là cách ứng xử có văn hóa, có sự chuyên nghiệp với lịch sử, với nghệ thuật).
Chẳng phải ngẫu nhiên mà đã có thật nhiều ý tưởng về kiến trúc và nghệ thuật được trình làng gắn với những nhịp cầu Long Biên trong suốt nhiều năm qua. Không phải những ý tưởng đầy mộng mơ nào cũng trở thành hiện thực và được tổ chức xuôi chèo mát mái như mục tiêu ban đầu nhưng rõ ràng cầu Long Biên đang được kỳ vọng trở thành một điểm đến của du khách, của những người muốn tìm kiếm những mảnh ghép của lịch sử, văn hóa, truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn vật.
Hàng ngày mỗi nhịp cầu Long Biên gánh trên thân mình hàng ngàn người cùng lúc chiêm ngưỡng nó cũng là ngày nhiều người chọn cho mình nhịp bước chậm giữa bao ngày khác ồn ã, xô bồ trong nhịp sống đô thị Hà thành.
Người ta thức dậy thật sớm để đi Festival cầu Long Biên. Một đoàn tàu cũ kỹ sử dụng đầu máy hơi nước 131 (sản xuất tháng 11/1932) đem theo rất nhiều vị khách khác nhau chuyển bánh từ ga Gia Lâm, chầm chậm trôi qua đường ray giữa thân cầu, sang ga Long Biên. Chẳng thấy khách đi sốt ruột vội vã, mong nhanh cập bến như vốn dĩ hay mải mê đi tìm chút lợi ích riêng nào cho mình. Ai nấy lộ vẻ thanh thản, nhẹ nhõm, như chỉ muốn tìm lại chút ký ức hay gợi đến chút cảm xúc ngọt ngào trước gió sông Hồng dịu mát thổi qua...
Một ngày cầu Long Biên chỉ có đoàn tàu cũ kỹ bình bịch chạy qua là phương tiện giao thông duy nhất. Hàng ngàn người đi bộ qua cầu, thảnh thơi ngắm tranh, ngắm diều, đọc thơ, viết lưu bút, uống nước chè, ăn bánh đúc hay thả hồn ra không gian bao la chung quanh với màu xanh mát mắt và xa xa là cao ốc nhấp nhô...
Một ngày cầu Long Biên thấy được những nụ cười chan hòa nhiều hơn những mệt mỏi, lo toan cực nhọc. Một ngày chậm lại để tìm kiếm ký ức, nhìn ngắm quá khứ và biết rằng hơn một trăm năm rồi mà hôm nay những cảnh sống nghèo vẫn thấp thoáng dưới chân cầu.