Mở đầu bài thơ với hai câu thực chứa đựng tâm trang cô đơn, buồn tủi của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:
“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn”
Thời gian được nhắc đến ở đây là “đêm khuya”, đó là khoảng thời gian từ nửa đêm trở về sáng, một khoảng thời gian thích hợp để gọi dậy biết bao nỗi niềm tâm sự của con người. Những ồn áo, náo nhiệt của cuộc sống hằng ngày đã mất đi, nhường chỗ cho đời sống của cõi lòng, cho tiếng nói của tâm tư, tình cảm cất lên. Từ láy tượng thanh “văng vẳng” miêu tả âm thanh từ xa vọng lại. Ở đây, nhà thơ đã dùng biện pháp lấy động tả tĩnh, một nghệ thuật thường thấy của thơ ca trung đại. Không gian hẳn phải tĩnh lặng và thanh vắng lắm, nên nhà thơ mới nghe được rõ rệt âm thanh từ xa vọng lại như vậy. Và ta cũng đã bắt gặp từ “văng vẳng” trong bài Tự tình I của Hồ Xuân Hương:
“Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom
Oán hận trông ra khắp mọi chòm.”
Vậy âm thanh được nói đến ở đây là gì? Đó không phải là tiếng gà gáy sáng trên bom mà đó chính là tiếng trống canh dồn. Người xưa dùng trống để điểm canh, vì thế mọi người thường gọi là tiếng trống canh. Tiếng trống ấy lúc thưa, lúc nhặt, gõ vào không gian thanh vắng. Thế tại sao tác giả lại dùng tiếng “trống canh dồn”? Phải chăng tiếng trống ấy không còn là âm thanh thông thường nữa, mà đã được lồng vào cảm xúc riêng của nhà thơ. Tiếng trống tâm trạng, tiếng trống của nỗi niềm, tiếng trống báo hiệu những bước đi dồn dập của thời gian nên khoảng cách giữa các canh như được rút ngắn lại, trở nên xô đuổi cả vào nhau. Đứng trước thời gian thôi thúc ấy, tâm trạng của con người không thể bình lặng được, nó trở nên ngổn ngang, rối bời. Dường như trái tim và cõi lòng của nhà thơ đã hoà chung nhịp đập của tiếng trống ấy.
Trong khoảng thời gian và không gian ấy, nổi lên một thân phận đầy bẽ bàng, chua xót:
“Trơ cái hồng nhan với nước non.”
Con người được nói đến ở đây thông qua hình ảnh “hồng nhan”. Hồng nhan là má hồng, một từ hoán dụ để chỉ người phụ nữ đẹp. Thế nhưng, đứng trước nó là từ “cái”, đã đẩy giá trị cao đẹp của phận má hồng xuống đến mức rẻ rúng và coi thường. Từ “cái” đã cụ thể hoá đối tượng mà đáng ra phải nâng niu, coi trọng. Ngoài ra, nó còn kết hợp với từ “trơ”. Động từ này và cách đảo ngữ có tác dụng nhấn mạnh, làm bật lên sự chua chát, bẽ bàng của nữ sĩ. Từ “trơ” ở đây có rất nhiều nét nghĩa. Trước hết, nó chỉ sự trơ trọi và cô đơn, góp phần thể hiện tình thế mà nhân vật trữ tình xuất hiện trong bài thơ, một người phụ nữ phòng không chiếc bóng trong đêm khuya thanh vắng. Hơn nữa, nó còn có nghĩa là tâm trạng bẽ bàng, tủi hổ. Nhan sắc và tuổi xuân của người phụ nữ cứ trơ ra giữa đất trời, không ai đoái hoài, không ai quan tâm. Ngoài ra, nó còn dùng để diễn tả sự trơ lì, sự chai đi, không còn có cảm giác, phản ứng gì nữa. Nỗi đau tận trong tâm can dường như đã dâng lên đến đỉnh điểm, khiến con người tựa như gỗ đá, không còn thiết tha với cuộc đời. Bên cạnh đó, bà lại đem “cái hồng nhan” đối lập với “nước non”, làm nổi bật lên sự nhỏ bé đến đáng thương của người phụ nữ, sự bẽ bàng, chua xót nhưng cũng đầy thách thức, hiên ngang của con người trước vũ trụ rộng lớn. Nó gần gũi với ý thơ của Bà Huyện Thanh Quan qua bài “Thăng Long thành hoài cổ”: “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.” Trong các bài thơ của mình, Hồ Xuân Hương thường đặt con người trong thế đối sánh với non nước, điển hình như “Nín đi kẻo thẹn với non sông” trong “Dỗ người đàn bà khóc chồng” hay “Bảy nổi ba chìm với nước non” trong “Bánh trôi nước”. Tuy nhiên, nhịp ngắt trong câu thơ “Trơ cái hồng nhan với nước non rất đặc biệt.”, nó khác hẳn với những bài thơ khác của bà. Cách ngắt nhịp đặc biệt 1/3/3 càng cho thấy thế đứng đầy ngang tàng, thách thức của con người trước tạo vật, sẵn sàng đối diện với dông bão của cuộc đời.
Mình sẽ phân tích như thế này
Liên hệ với nhiều bài thơ.
Ở đây, mình đã liên hệ phần nội dung này với bài Tự tình 1, với thăng Long thành hoài cổ và với các bài thơ nổi tiếng khác của HXH như Dỗ người đàn bà khóc chồng, Bánh trôi nước,... v.v. để làm nổi bật lên cái hay và cái khác biệt của 2 câu thơ này, trong cả nội dung lẫn nghệ thuật.
Đây là về mặt thơ, còn nếu bạn muốn phân tích truyện thì càng phải học nhiều lí luận văn học hơn nữa.
Nếu bạn muốn phân tích truyện gì thì nói cụ thể, mình sẽ ví dụ.