Làm cha mẹ và hơn thế nữa

S

starlove_trainer

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Mấy ngày nay cả Trên lẫn Dưới đều bàn tán xôn xao, tranh luận quyết liệt về công cuộc cải cách giáo dục nước nhà năm 2015. Nhiều buổi hội thảo được tổ chức để đánh giá, phân tích tỉ mỉ thực trạng giáo dục nhằm tham mưu cho các cấp, ban ngành có trách nhiệm ra quyết định đúng đắn. Tôi cũng theo dõi báo đài về các đề xuất cải cách chính sách lương giáo viên, viết lại sách giáo khoa, nâng cao năng lực đội ngũ quản lý giáo dục, đưa kỹ năng sống vào giảng dạy trong nhà trường,… tất cả những yếu tố đó đều đúng và cấp thiết cần làm ngày. Nhưng tôi thấy rất ít ý kiến đề cập đến một nhân tố vô cùng quan trọng, nếu không nếu muốn xem là tối quan trọng trong việc cải cách giáo dục, đó là nhân tố CHA MẸ. Bởi đơn giản giáo dục không riêng chỉ là công việc của nhà trường, thầy cô.
Bài viết này tôi dành riêng cho quý vị phụ huynh đang có con, những người sẽ có con và tất cả những ai tin rằng mình cần quan tâm đến sự nghiệp giáo dục con cái. Tôi cũng tự hỏi mình lấy tư cách gì để viết khi mà tôi chưa có con, cũng chưa lập gia đình? Thôi thì tự nhận mình là một người có tâm huyết và mong muốn những điều tốt đẹp cho thế hệ trẻ của đất nước mà viết. Không biết vậy có được chấp nhận không? Tôi trăn trở…lo lắng nhiều lắm…thôi thì…cứ viết đại vậy!
chacon.jpg

Tôi nhận thấy có một sự nghiệp mà người lớn ít để ý, thậm chí xem nhẹ so với công việc kiếm tiền hàng ngày, đó là sự nghiệp LÀM CHA, LÀM MẸ. Có thể do đây là công việc quá đặc biệt: không lương, không người thuê, không thăng tiến, không công ty, không đóng thuế,… thậm chí ngược lại còn hao tốn tiền bạc. Nhưng suy cho cùng, đó là một trong những sự nghiệp mang lại giá trị lớn nhất cho xã hội, thông qua “sản phẩm” mình tạo ra là ai, chất lượng đến mức nào và được xã hội sử dụng như thế nào?
Quý vị phụ huynh cần phải có một nhận thức đúng đắn về sự nghiệp làm cha mẹ này. Sản phẩm của người cha người mẹ chính là đứa con. Ít người nhận ra điều đó để thấy được tầm quan trọng của nó. Tôi rất tâm đắc với tư tưởng “Ta là sản phẩm của chính mình” của Thầy Giản Tư Trung, nay xin mạn phép bổ sung thêm một suy nghĩ, đó là “Con cũng là sản phẩm của chính mình”. Câu này đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cha mẹ cũng phải “lao động”, cưu mang chín tháng mười ngày vất vả mới tạo được thành phẩm. Rồi thành phẩm khi xuất xưởng tung ra “thị trường” hoàn chỉnh thì gọi là sản phẩm, thị trường ở đây hiểu là xã hội – nơi sử dụng sản phẩm này. Sản phẩm tốt thì xã hội được nhờ, sản phẩm mà tệ thì xã hội lãnh đủ. Nhiều phụ huynh chỉ xem con là một thành viên của gia đình, một cá thể riêng biệt, điều này dẫn đến thói quen đổ lỗi, không nỗ lực hoặc nỗ lực không tới; rồi để mặc nhiên trách nhiệm ấy lan ra cho xã hội, nhà trường hoặc thậm chí tìm đến các tổ chức đào tạo như một cứu cách cuối cùng. Đành rằng những đối tượng trên cũng có một phần ảnh hưởng đến “sản phẩm” này. Nhưng nghĩ thử xem: Người thầy đầu tiên của các em là ai? Người ảnh hưởng đầu tiên đến các em là ai? Môi trường đầu tiên và quan trọng nhất của các em là ở đâu? Câu trả lời chỉ có thể là gia đình. Nói một cách cụ thể hơn, gia đình ở đây chính là cha mẹ. Phải nhìn nhận như vậy thì mới thấy sự nghiệp sinh con, dưỡng dục con là vô cùng to lớn và quan trọng.

Khi đã nhận thức đúng đắn như trên thì phụ huynh cần chịu trách nhiệm 100% trong quá trình nuôi dạy con. Chịu trách nhiệm 100% tạm hiểu là sự thành bại của con là do cha mẹ; mọi hành vi, lời nói đúng đắn hay sai trái của con cũng xuất phát từ cha mẹ. Tôi nói như thế không có nghĩa là phủ định vai trò thầy cô, bạn bè và xã hội. Tất cả mọi đối tượng đều phải chịu trách nhiệm 100% về phần việc của mình, kể cả các em. Nhưng một lần nữa, cha mẹ vẫn quan trọng nhất.
me-va-be-13.jpg

Tôi rất tâm đắc với chia sẻ của tác giả Doãn Kiến Lợi trong tuyệt phẩm “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt” rằng:
Mọi tình tiết trong cuộc sống đều có thể trở thành sự kiện hàm chứa ý nghĩa giáo dục quan trọng, trong giáo dục trẻ em không có chuyện nhỏ, mỗi chuyện nhỏ đều là “chuyện lớn”, đều có thể phát triển thành một thói quen tốt hoặc tính xấu ở trẻ”.
Thật sự là vậy, khi con hỗn hào, cha mẹ cần xem lại cách mình nói chuyện. Khi con nói dối, cha mẹ hãy tự vấn lương tâm. Khi con không còn muốn tâm sự, chia sẻ với mình, cha mẹ hãy xét cách ta lắng nghe và tôn trọng chúng thế nào,… Tất tần tật mọi thay đổi, biến chuyển của con đều có dấu ấn của cha mẹ. Con trẻ tiếp thu bài học qua chính cách cha mẹ chúng hành xử thường ngày (quý phụ huynh có thể xem thêm clip bên dưới)
Xin nhớ rằng: thông tin và thông điệp là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Chỉ có thông điệp mới có sức mạnh, còn thông tin biết rồi sẽ quên. Thông điệp chính là nhân cách, lối sống và hành động của cha mẹ. Ví dụ thói quen đi làm về phải làm vài ly bia với bạn bè trước khi về nhà mới chịu được; quan niệm dạy con là việc của phụ nữ còn đàn ông lo chuyện ngoài xã hội; bảo con trả lời khách “cứ nói ba mẹ không có ở nhà” trong khi ba mẹ đang ngồi xem ti vi;… Tất cả vô tình mang lại thông điệp tác động đến con trẻ sau này, gây một sự hoang mang giữa điều cha mẹ nói và cái cha mẹ thật sự làm.
Hai điều trên là căn bản nhất mà quý vị phụ huynh cần nhận thức đúng thì mới hành động đúng. Dưới đây là hai phương cách đơn giản nhưng hiệu nghiệm tôi thường chia sẻ với các bậc phụ huynh trong các khóa học của chúng tôi.

Thứ nhất là dành sự quan tâm đủ cho con
index.jpg


Đây là điều biết rồi khổ lắm nói mãi, nhưng biết mà không làm thì xem như không biết. Tôi gọi đó là tình trạng “vật chất hóa tình cảm” mà ngày nay nhiều phụ huynh sử dụng. Con muốn cái gì là có cái đó: muốn xe xịn thì đây xe xịn, muốn ti vi là có ti vi, muốn iphone cũng chẳng tiếc gì, huống chi là một con ipad,… Vậy mà buồn thay, có một thứ con thiếu thốn ở cha mẹ, đó là sự quan tâm, mà cụ thể là thời gian chất lượng bên con. Theo chứng nghiệm của tôi thì khoảng một tiếng mỗi ngày chỉ có ta và con là tốt rồi. Cha mẹ có thể cùng học với con, cùng đi dạo, đi chơi, trò chuyện, ăn cơm gia đình,… Đây là thứ lẽ ra cha mẹ dễ dàng cho con thì lại trở nên khó thực hiện nhất trong cuộc sống bận rộn ngày nay. Rồi nhiều cha mẹ phải “nhờ” vật chất để bù đắp cho sự thiếu hụt đó. Khi đã không dành đủ thời gian bên con thì làm sao hiểu được con, rồi khi các em làm gì đó không vừa ý thì lại la mắng, đánh đập. Càng thiếu thời gian bên nhau tâm sự thì trẻ càng có khuynh hướng im lặng, chẳng muốn nói gì khi ở cạnh cha mẹ. Để rồi ngày nào đó phát hiện ra những bí mật mà bạn bè chúng ai cũng biết, trừ cha mẹ.

Ngày nay trẻ vô tình được “giáo dục” bởi Internet, ti vi, phim ảnh,… nhiều hơn là cha mẹ. Mà ở các phương tiện ấy, sức cám dỗ của những điều tiêu cực lớn hơn nhiều so với tích cực. Với định hướng mù mờ, nội lực yếu ớt thì các em làm sao chống chọi nổi, để rồi sa ngã lúc nào không hay. Không những thế, một số bậc phụ huynh sẵn sàng trả tiền để khoán luôn cho những đơn vị khác đảm trách phần việc giáo dục con, ví dụ cho chúng vào trường nội trú từ nhỏ (một tuần hoặc một tháng về nhà một lần). Hoàn cảnh chẳng đặng đừng thì mới phải chọn giải pháp ấy, còn không thành thật tôi chẳng ủng hộ điều đó chút nào. Nếu cho con học nội trú mà ý thức được vai trò làm cha làm mẹ để vẫn quan tâm đủ đến con thì cũng chấp nhận. Nhưng giao hẳn cho nhà trường muốn làm gì thì làm thì chẳng khác nào là thiếu trách nhiệm với con, hay đúng hơn với chính “sản phẩm” của mình. Thật là buồn!

Tuy nhiên tôi cũng muốn nói rõ là dành sự quan tâm cho con không có nghĩa là cứ phải bên cạnh con mãi, đưa đón con mọi nơi mọi lúc, theo dõi sát sao lịch trình học hành, thư giãn, đi chơi của con. Cái đó tôi gọi là “cầm tù” con. Tôi từng gặp một số phụ huynh đã làm thế, rồi muốn tôi tư vấn cách nào để giúp trẻ tự lập hơn, khỏi lệ thuộc vào cha mẹ??? Tôi hiểu cũng vì thương con quá mà nhiều bậc phụ huynh trở nên vậy, nhưng tiếc là cách thương ấy không phù hợp. Cha mẹ cần đủ tinh tế để nhận ra lúc nào cho con có những khoảng riêng, lúc nào là bờ vai để con tựa vào. Bởi thế mà người ta nói dạy con là cả một nghệ thuật.

Thứ hai, đó là dưỡng dục con với tình yêu thương và sự tôn trọng
17620112023Con-cai-va-cha-me.jpg

Ông bà ta thường dùng câu “công ơn sinh thành dưỡng dục” để thể hiện công lao to lớn cha mẹ dành cho con cái, tức là đã sinh con thì phải dưỡng dục con. Quan niệm “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” theo tôi không còn phù hợp nữa, trách nhiệm “sinh tính” bây giờ phải thuộc về cha mẹ trong quá trình dưỡng dục con (chịu trách nhiệm 100% là ở đây). Phải hiểu dưỡng dục gồm hai yếu tố: nuôi dưỡnggiáo dục. Làm cha mẹ ắt phải đảm bảo cả hai thứ này, thiếu một trong hai đều dẫn đến sự phát triển khập khiễng ở trẻ. Tức là vừa là cha, là mẹ vừa là người thầy của con. Nhiều phụ huynh dạy con chủ yếu theo bản năng hoặc kinh nghiệm của người đi trước truyền lại; trong đó có cái tốt, nhưng cũng lắm thứ không còn phù hợp. Tôi hiểu rằng trong cuộc sống bộn bề công việc, thật khó để đảm đương nhiều vai trò cùng một lúc. Nhưng thời nào cũng thế thôi, không có lựa chọn khác, phải như vậy nếu muốn “sản phẩm” của mình có giá trị thật.
Tôi nhận thấy sự tôn trọng cha mẹ dành cho con trong quá trình dạy chúng đang suy giảm đáng lo ngại. Rất nhiều gia đình ngày nay thường chọn giải quyết mâu thuẫn bằng cách quát tháo, đánh đập và xem đó là tiêu chí trừng phạt con nhanh, gọn và hiệu quả. Trong những khóa học của chúng tôi có những em tâm sự hoàn cảnh rất đáng thương. Em này bị hở van tim ba lá, đó là di chứng của một trận đòn dã man hồi nhỏ ba đánh em, đánh tới mức phải vào bệnh viện. Khi được hỏi bậc phụ huynh ấy thì anh cho rằng đó là cách của anh, anh thích vậy bởi con anh nó mất dạy lắm, không đánh nó không nghe. Tôi thấy quá tệ!!! Bạo lực luôn luôn là phương pháp dạy con thấp hèn nhất của những người cha mẹ tự cho mình cái quyền hơn con.


Một câu hỏi chúng tôi thường hỏi các bậc phụ huynh khiến họ giật mình: “Tuổi cha mẹ và tuổi con cái ai lớn hơn?”. Câu trả lời là bằng nhau, vì cho đến ngày chúng ta có đứa con thì chúng ta mới được gọi là cha là mẹ. Do đó, người lớn đừng tự cho mình cái quyền hơn con rồi muốn làm gì chúng thì làm.

Chúng ta chỉ lớn hơn chúng về tuổi đời (lớn hơn để định hướng, giúp đỡ chứ không phải để hà hiếp con), nhưng tuổi trong mối tương quan cha mẹ – con cái là bằng nhau. Vì vậy tôi mong các bậc phụ huynh hãy giao tiếp, đối xử một cách tôn trọng với con như hai người bạn. Chỉ khi con cảm nhận được cha mẹ tôn trọng, đủ kiên nhẫn với những sai phạm của chúng thì con mới ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ.
Tất nhiên, tôi biết làm được như thế không dễ chút nào, nhất là khi người lớn cũng chẳng được học cách làm cha, làm mẹ trước khi sinh con. Vì vậy, tôi thật sự khuyến khích quý vị phụ huynh phải chịu học, chịu đọc. Hiện nay có nhiều đầu sách hay về dạy con, cũng như các khóa huấn luyện kỹ năng làm cha mẹ rất thiết thực được tổ chức bởi những trung tâm có uy tín. Không thể đổ lỗi vì bận rộn mà bỏ bê việc này được bởi đơn giản đó là sự nghiệp lớn lao nhất mà chúng ta có thể đóng góp cho xã hội.
 
S

starlove_trainer

Bài khá dài không đủ tiêu chuẩn post bài của hocmai nên mình xin post thêm :

Mỗi lần ra đường nhìn thấy “các tay anh chị tuổi thanh niên” rồ ga, nẹc pô, uy hiếp tinh thần những người đi đường, thậm chí giựt đồ, cướp bóc, nghiện ngập,… (tôi từng bị giựt đồ nên cũng ám ảnh). Tất cả điều đó đang thật sự là gánh nặng của xã hội. Những câu hỏi tôi đau đáu trong lòng mãi: các bạn trẻ đó ở đâu ra? Tại sao các bạn lại trở nên như thế? Đâu phải lúc sinh ra các em đã bị dán nhãn trên đầu chữ “giang hồ”, “nghiện ngập”, “ xã hội đen” để rồi sau này lớn lên trở thành những người như vậy. Xin thưa: tại giáo dục mà ra, mà giáo dục quan trọng nhất là giáo dục trong gia đình. Vậy đó có phải trách nhiệm của các bậc làm cha, làm mẹ không?

Sinh đứa con ra chưa phải là hết, cần nhiều hơn một nhận thức đúng đắn về sự nghiệp làm cha mẹ với phương pháp dưỡng dục con hiệu quả được bảo bọc trong tình yêu thương. Con là tất cả, là niềm tự hào của cha, của mẹ. Ấy thế mà hai chữ CHA MẸ mới thiêng liêng làm sao!

Chuyên gia đào tạo TGM Vũ Đức Trí Thể
 
S

starlove_trainer

Trong nhóm thợ xây đang làm việc cạnh nhà tôi, có một cậu phụ hồ dáng ốm yếu thư sinh, nhưng luôn miệng ca hát.

Cậu vừa tốt nghiệp phổ thông, làm những việc vặt như khiêng vác, sắp xếp đồ đạc, và ở lại công trường vào ban đêm để trông coi vật liệu. Đêm, nằm dài trên chiếu, dưới ánh đèn tờ mờ, xung quanh ngổn ngang gạch cát, cậu vừa đọc ngấu nghiến những tờ báo tôi cho mượn vừa hát vang hết bài này đến bài khác.

Hỏi chuyện mới biết, ba mẹ cậu đều đi làm mướn, cố cho con học hết phổ thông, giờ thì ngặt lắm nên cậu phải lên Sài Gòn làm phụ hồ để kiếm sống và phụ giúp ba mẹ. Rồi cậu nói chắc nịch là sẽ kiếm đủ tiền để mai mốt đi học tiếp. Tôi hỏi cậu thích học ngành học gì. Cậu nói ngay rằng mình sẽ thi vào Nhạc viện.

Một cậu phụ hồ nhà nghèo rớt đang nuôi giấc mơ vào Nhạc viện. Một hình ảnh dường như không thật khớp. Như hiểu ánh mắt ngại ngần của tôi, cậu nói thêm rằng nhiều người đã khuyên cậu nên theo một ước mơ khác, thực tế hơn. Nhưng cậu tin vào bản thân, và không có một con đường nào khác có thể làm cậu xao lãng.

Tôi nghe tim mình nhói lên, vì một điều đã cũ, người nghèo nhất không phải là người không có một xu dính túi, mà là người không có lấy một ước mơ.

Nói cho tôi nghe đi, ước mơ của em là gì vậy?

2. Cách đây lâu rồi, tôi đọc được một cuốn sách của Vũ Hoàng Chương. Cái đầu đề của nó làm tôi mất ngủ nhiều đêm: “Ta đã làm chi đời ta?”.

Có nhiều người tôi gặp đã từng day dứt bởi những điều giống nhau:
Có phải chính mình đã chọn nghề này không?
Có phải chính mình đã chọn cách sống này?
Sao nó khác những ước mơ thời hoa niên của mình đến vậy?
Hay là mình theo dòng đời đưa đẩy, mình chọn ngả dễ đi, đường êm ái chứ không phải chọn đường mình muốn được đi?
Ước mơ tuổi mười lăm sao không biến mất, mà vẫn đeo bám mình cho đến tận bây giờ?

Năm tháng qua đi, em sẽ nhận ra rằng những ước mơ không bao giờ biến mất. Kể cả những ước mơ rồ dại nhất trong lứa tuổi bất ổn định nhất là tuổi học trò.

Nếu em không theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong em, thậm chí dằn vặt em mỗi ngày. Lúc ấy, có thể em sẽ phải ngậm ngùi mà thốt lên: “Chao ôi, ta đã làm chi đời ta vậy?”

Nếu vậy, sao chúng ta không nghĩ đến điều này ngay từ bây giờ?

Sao ta không ngồi xuống đây trong một ngày cuối năm và tìm kiếm câu trả lời từ đáy tim mình: Ta muốn làm gì? Ta muốn sống ra sao? Ta muốn trở thành ai trong cuộc đời này?

Ta muốn làm chi đời ta?

Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu em nghĩ thật kỹ về điều em muốn vẽ, nếu em dự tính được càng nhiều những màu sắc mà em muốn thể hiện, nếu em càng chắc chắn về chất liệu mà em đã sử dụng, thì bức tranh trong thực tế càng giống với bức tranh mà em hình dung trong tâm trí. Bằng không, có thể nó sẽ là những màu mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, chứ không phải là em.

Đừng để ai đánh cắp giấc mơ của bạn

Dan Zadra
 
S

starlove_trainer

Tin tức TGM
Tin tức sinh hoạt cử nhân
Tin tức Câu Lạc Bộ
Bài viết chia sẻ

6 bước tìm lại chính mình

Hiểu rõ bản thân là yếu tố quyết định sự thành công. Hãy bắt đầu việc này ngay từ đầu năm để tiết kiệm thời gian.

1. Tạo khung thời gian cho riêng mình

Hãy viết tất cả những mục tiêu lớn trong đời mà bạn cần (muốn) đạt được. Sau đó, liệt kê những yếu tố, sự kiện gây ảnh hưởng tới bạn, cản trở bạn trên hành trình chinh phục mục tiêu. Bởi trong suốt chặng đường đó, bạn sẽ dễ dàng bị suy sụp niềm tin khi gặp khó khăn, trở ngại. Nhưng ngược lại, nếu nhìn thấy những điều tốt đẹp hoặc thành công (dù nhỏ thôi) thì bản thân bạn cũng được cỗ vũ rất nhiều. Vì thế, nếu đã tìm được đường đi cho mình, hãy cố gắng thật xứng đáng bằng tất cả sức mạnh, sự hy sinh và nước mắt (nếu cần). Thiết lập một thời gian biểu hợp lý giúp bạn kiểm soát điều này.

2. Bắt đầu lại với việc xóa bỏ điều tiếng xấu

Bạn cần xây dựng cho mình một hệ giá trị và chuẩn mực riêng trên cơ sở nền tảng chung của văn hóa, xã hội. Sau đó, hãy dũng cảm xóa bỏ những hành vi đi ngược lại quy chuẩn mà trước đó từng khiến bạn xấu hơn trong mắt mọi người (ít nhất là người thân thiết).

3. Mở lòng yêu thương mọi người

Trong cuộc sống có người sẽ không được thông minh và dày dặn kinh nghiệm giống như bạn. Đó là điều bạn cần phải chấp nhận để cả bạn và người ấy cảm thấy hạnh phúc hơn. Bởi sự dè bỉu, khinh khi của bạn cũng chẳng giải quyết được gì: không giúp người ấy tốt lên. Và hơn nữa, “chưa biết mèo nào cắn mỉu nào” đâu.

4. Học cách dựa vào chính mình

Sự tự tin là chìa khóa để bạn tìm thấy chính mình. Trước mỗi việc làm, bạn hãy tự động viên rằng mình làm được và bạn sẽ thành công. Có thể thời gian thực hiện không phải là nhanh nhất nhưng kiểu gì cũng có một con đường đi đến đích. Nếu không đi thẳng được thì hãy đi vòng.

5. Ghi lại bài học từ những việc đã xảy ra

Một trong những nguyên nhân cơ bản của thất bại là không biết rút kinh nghiệm. Và thêm một điều nữa là chẳng phải lúc nào bạn cũng có thể nhớ hết tất cả mọi chuyện. Vì thế, sau mỗi thành công hoặc thất bại, hãy ghi lại những bài học bạn rút ra được bằng các từ khóa vào điện thoại/cuốn sổ nhỏ.

6. Sẵn sàng cho những thất bại

Tìm lại bản thân là cả một quá trình, không phải là đích đến. Vì thế sẽ có rất nhiều những thử nghiệm và lỗi lầm. Cái giá trả cho bạn là sự trưởng thành (một cách ý thức hoặc vô thức) sau mỗi hành động. Hãy chuẩn bị tinh thần sẵn sàng khởi động lại mỗi khi bạn bị “game over”.

(Sưu tầm)
 
S

starlove_trainer

Trong vô vàn lựa chọn mà đời người phải trải qua, không phải lúc nào chúng ta cũng đúng. Nhưng, trước những lựa chọn quan trọng nhất, việc đưa ra quyết định sáng suốt sẽ cho chúng ta một cuộc đời “thăng hoa” như mong muốn và ngược lại.

Đối với những người trẻ, điều này lại càng có ý nghĩa hơn bởi họ có cả một tương lai phía trước đang chờ đợi, mà việc đưa ra những lựa chọn đúng được sớm chừng nào lại khiến tương lai ấy rõ ràng hơn chừng đó.

1. Chọn LẼ để SỐNG

Lẽ sống chính là hoài bão và sứ mệnh của cuộc đời, là giá trị nền tảng, chuẩn hành xử của của chính mình. Xác định lẽ sống chính là trả lời câu hỏi: “Mình là ai, mình sống để làm gì, mình sẽ dùng cuộc đời của mình vào việc gì và việc đó có đáng để dùng hay không?”.

Xác định lẽ sống cũng chính là việc chọn cho mình lý do để sống (rốt cuộc ý nghĩa của cuộc đời mình nằm ở đâu) – được coi là “đích đến”, “bánh lái”, hay sẽ là “ma đưa lối, quỷ đưa đường” trong cuộc đời chúng ta. Đây là lựa chọn quan trọng bậc nhất, ảnh hưởng tới tất cả những lựa chọn còn lại. Không phải ai cũng chọn được đúng “đích đến” và “bánh lái” cho mình và hậu quả là cuộc đời của họ nhiều khi sẽ rất uổng phí hoặc vô cùng bi kịch. Con người sinh ra vốn dĩ là lương thiện, nhưng chọn lẽ sống khác nhau thì sẽ có những con người khác nhau, cuộc đời khác nhau và số phận khác nhau.

2. Chọn NGƯỜI để LẤY

Phải bắt đầu lựa chọn này từ việc mình muốn có một gia đình như thế nào. Tình yêu là một phạm trù hoàn toàn mang tính cảm xúc nhưng hôn nhân lại có cả yếu tố lý trí. Lấy vợ, lấy chồng thì có lẽ ai cũng làm được (chỉ trừ những người không thèm lấy hoặc không tìm được người phù hợp). Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm cho mình được một người vợ, người chồng, và đồng thời cũng là một người bạn đời!

Người ta hay nói là trong tất cả các kiểu bạn (bạn xã giao, bạn tâm giao, bạn tư giao, bạn tri kỷ…) thì chọn bạn đời là khó nhất. Khi chọn bạn đời, điều kiện cần là tình yêu thương nhưng quan trọng hơn là cả hai phải chia sẻ được lẽ sống và hệ giá trị suốt cả cuộc đời. Có thể khi cưới nhau, vợ chồng chưa thực sự là bạn đời, chưa xác định rõ lẽ sống, chưa có chung một hệ giá trị nhưng họ sẽ cùng thay đổi nhau và thay đổi chính mình để không chỉ là người chồng, người vợ của nhau, mà còn là người bạn trên hành trình còn lại của cuộc đời. Được như vậy, cuộc đời sẽ thăng hoa!

3. Chọn VIỆC để LÀM

Thực tế cho thấy đang có xu hướng chọn nghề và đổi nghề theo “mốt”. Nghề nào được gắn mác “thời thượng” là giới trẻ đổ xô vào tìm “vận may”. Thậm chí khi đã thành công với một nghề nào đó thì phần đông lại cùng tìm đến một nghề, đó là nghề chính trị. Thực ra, xã hội có nhiều đỉnh chứ không chỉ có một đỉnh là quyền lực: Trở thành một chính trị gia tài ba là một đỉnh; trở thành một nhạc sĩ lớn cũng là một đỉnh; trở thành một bác sĩ giỏi cũng là một đỉnh, trở thành một kiến trúc sư danh tiếng cũng là một đỉnh… Thực ra, làm một bác sĩ giỏi vẫn tốt hơn là làm một viện trưởng tồi, làm một giáo sư giỏi thì quan trọng hơn là làm một hiệu trưởng kém.

Thực ra, làm sếp hay làm lính, làm thầy hay làm thợ, làm quan hay làm dân, làm chủ hay làm thuê… đều không quan trọng, mà quan trọng là làm cái gì mà mình giỏi nhất, phù hợp với tính cách của mình nhất và tạo ra giá trị nhiều nhất (cả giá trị tài chính và giá trị xã hội).

Bên cạnh chọn công việc và nghề nghiệp phù hợp để làm,chúng ta cũng cần tìm cho mình một nơi làm phù hợp để gắn bó (công ty, tổ chức nào, ngành nào,lĩnh vực nào, vùng miền nào…). Điều này rất quan trọng vì công việc không chỉ là chỗ để đóng góp, mưu sinh mà còn là nơi để học tập và phát triển. Ngày nay, người ta bị ảnh hưởng bởi chính nơi mình làm việc nhiều hơn là nơi mình học. Cũng đều tốt nghiệp một trường đại học, đều học giỏi như nhau nhưng sau mấy năm ra trường sẽ có 2 cuộc đời khác nhau, 2 tương lai khác nhau mà nguyên nhân là vì đã có 2 lựa chọn về công việc khác nhau.

4. Chọn THẦY để HỌC

Sự học luôn là một trong những “sự nghiệp” quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người. Dưới đây là 5 “người thầy” gần gũi và hữu ích nhất:

Thầy

Đây là những người thầy bằng xương bằng thịt, trực tiếp khai sáng trí tuệ và nuôi dưỡng tâm hồn cho chúng ta. Thầy thì có nhiều nhưng không phải ai cũng là người thầy đúng nghĩa, không phải ai cũng có thể dẫn dắt người học làm chủ quá trình học và khám phá thế giới vô tận của tri thức. Vì thế mà việc chọn đúng người để học, để tôn làm thầy có ý nghĩa quan trọng là vậy.

Sách

Sách là một trong những con đường dễ nhất, rẻ nhất và nhanh nhất cho sự học của mỗi người. Sách không chỉ là người thầy mà còn là người bạn tri kỷ, luôn tử tế, nhẫn nại, chờ đợi và chịu đựng chúng ta. Học từ sách là học từ những bộ óc vĩ đại nhất của loài người, là việc biến túi khôn của nhân loại vốn đã được đúc kết trong sách thành của mình. Chúng ta có thể đưa những người thầy vĩ đại nhất của thế giới, từ cổ tới kim, từ Đông sang Tây, về tận nhà để dạy cho mình, bất kể thời điểm nào mà chi phí nhiều khi chỉ bằng… tô phở.

Tuy nhiên, không đọc sách thì chắc chắn là không giỏi nhưng đọc sách nhiều cũng chưa chắc tạo ra giá trị. Vấn đề còn nằm ở chỗ chọn sách nào để đọc, đọc như thế nào và học được gì từ sách.

Kinh nghiệm

Trên đời này có những cái mà không trả giá thì không thể học được, nhưng cũng có những cái không cần trả giá cũng có thể học được. Cuộc đời chúng ta sẽ không thể tránh khỏi những thất bại, vấn đề là sau mỗi thất bại thì cần phải rút ra được những bài học để những thất bại tương tự không còn tái diễn trong tương lai. Có những người cho rằng, nếu muốn không thất bại thì tốt nhất là đừng có làm gì nữa, nhưng nếu vậy thì sẽ có một thất bại cực lớn khác, đó là thất bại cả cuộc đời. Để hạn chế thất bại và trả giá, cần phải học rất nhiều từ 2 “người thầy” đầu tiên (thầy và sách).

Nhân vật

Họ có thể là các bậc thức giả (để chúng ta học tri thức) hoặc những nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội (học tinh thần, ý chí). Chính những câu chuyện thành công, thất bại, những trải nghiệm, tư tưởng, tài năng và nhân cách của họ sẽ là bài học quý giá cho mình trên con đường tự khai sáng bản thân mình và những người quanh mình.

Tuy nhiên, phải có năng lực thẩm định, biết mình là ai, biết ai là ai, cái gì là cái gì, nếu không thì sẽ vô cùng nguy hiểm, người đáng khinh thì lại trọng, người đáng trọng lại khinh.

Internet

Được coi là một trong những phát minh quan trọng nhất của thế kỷ 20, làm cho cả nhân loại thay đổi một cách sâu sắc và khác biệt hẳn so với những thời kỳ trước đó, Internet thực sự là công cụ hữu hiệu cho sự học của mỗi người. Thời đại Internet hình thành 2 loại người: “Công dân mạng” và “Sâu mạng”. “Công dân mạng” là những người sử dụng Internet như một công cụ để nâng cao kiến thức của mình, phục vụ cho công việc và cuộc sống. Còn “sâu mạng” là những kẻ phung phí phần lớn thời gian, sức lực của mình vào những trò tiêu khiển trên mạng hoặc phá hoại, có thể có “sâu cuốn lá” (game online), “sâu đục thân” (coi phim sex), “sâu chat” (tán chuyện gẫu); “sâu phá hoại” (hacker mũ đen)… Là “công dân mạng” hay “sâu mạng”, đó cũng là một lựa chọn quan trọng đối với người trẻ trong thời đại này.

5. Chọn BẠN để CHƠI

Nói đến con người là hàm ý tới con người xã hội với nhiều mối quan hệ đan xen, và cũng chính những mối quan hệ đó định hình chân dung một người. Chẳng hạn, phương Tây có câu: Hãy nói cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói bạn là ai. Còn ông bà mình, khi nhận xét về một người hoặc một nhóm người nào đó thì thường nói: “Mã tầm mã, ngưu tầm ngưu” hoặc “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” (ngoại trừ một số ít người quá đặc biệt, quá cá tính thì gần mực sẽ không đen, mà gần đèn cũng chẳng sáng).

Trong đời người, ngoài người bạn quan trọng nhất là bạn đời thì cần phải có bạn tâm giao, bạn thâm giao, thậm chí là bạn tri kỷ, chứ không phải chỉ có những người bạn hời hợt, quen biết xã giao, ngoại giao. Họ là những người cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, chia sẻ một hệ giá trị và những lý tưởng sống, giá trị sống. Dẫu vậy, họ có thể có những con đường khác nhau trên hành trình lập thân, lập nghiệp.

Có thể nói bạn bè chính là “tài sản” của mỗi người (“Giàu vì bạn, sang vì vợ”), là nguồn chia sẻ, động viên, hỗ trợ khi cần thiết. Song, như thế không có nghĩa là tận dụng bạn, lợi dụng bạn. Ngược lại, chơi với bạn cần phải xác định là để giúp bạn cùng phát triển và tiến bộ. Một tình bạn nếu được xây đắp trên tinh thần như vậy thì sẽ vô cùng bền vững và tốt đẹp.

Chọn Lẽ để sống là chọn “đích đến” và “bánh lái”, là chọn “hệ điều hành” cho cuộc đời; Chọn Người để lấy là lựa chọn cho mình một gia đình, một tổ ấm, một nơi chốn bình yên để đi về, để là “bệ phóng” của nhau trong cả cuộc đời; Chọn Việc để làm là chọn cho mình một sự nghiệp, để hiện thực hóa giấc mơ cuộc đời; Chọn Thầy để học là chọn những nhân vật hoặc phương cách để trang bị cho mình những hiểu biết và năng lực để hoạch định và thực thi chiến lược cuộc đời; Chọn Bạn để chơi là kiếm tìm và nuôi dưỡng những tình bạn đẹp nhằm làm giàu có thêm cho cuộc đời của mình. Tất cả những lựa chọn quan trọng này cần phải được đặt ra và thi triển hết sức nghiêm túc, để những câu hỏi ở đầu bài: Mình là ai? Mình sống để làm gì? Cuộc đời mình sẽ đi đâu về đâu? Rốt cuộc là mình sẽ dùng cuộc đời mình vào việc gì và việc đó có đáng để dùng hay không? Mình muốn có một cuộc đời ra sao?… được trả lời một cách trọn vẹn. Bằng cách đó người trẻ sẽ có một cuộc đời đáng sống, như có thể đúc kết thành: “Your Choices, Your Life” (Lựa chọn của bạn quyết định cuộc đời của bạn), “Your Values, Your Fate” (Giá trị bạn chọn sẽ quyết định số phận của bạn”).
 
S

starlove_trainer

Đối với mỗi người chúng ta trong cuộc sống, thế giới rộng lớn luôn có nhiều điều mới lạ chờ ta khám phá, mới đầu chỉ là làm quen hoặc thử cho biết, dần trở thành thói quen và là những điều không thể thiếu mỗi ngày như hơi thở vậy. Dĩ nhiên, những gì áp dụng thường xuyên sẽ trở nên tiến bộ rất nhiều. Làm cha mẹ ai cũng mong muốn con của mình tự bản thân khám phá và nhận thức được những điều mới lạ, hấp dẫn đang đổi mới hàng ngày, thậm chí từng giờ trong cuộc sống. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng đủ dũng cảm, tự tin lao vào khám phá, tìm hiểu môi trường xung quanh để mở rộng tầm nhìn. Để giúp trẻ làm được điều này, cốt lõi của vấn đề là: “Tự tin”. Vì có tự tin, mới dễ dàng tiếp cận mọi người xung quanh để quen biết và tìm kiếm thông tin. Làm thế nào để giúp chúng mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp? Đó là mối ưu tư của những người làm cha mẹ như chúng ta.

1/ Trước hết, ta phải tìm cách giúp trẻ biết yêu thương chính bản thân mình. Vì điều này làm cho trẻ cảm thấy tự tin hơn nhiều.

Trong công việc của mình tôi đã từng tiếp xúc với hàng nghìn các em học sinh sinh viên, cũng như các bậc phụ huynh từ nhiều vùng miền trong nước. Và tôi phát hiện ra một điều, đa số các bậc cha mẹ thường đối đáp với con của mình như những đứa trẻ (bởi vì trong mắt cha mẹ con luôn bé dại như ngày nào). Chính vì vậy, cha mẹ chúng ta đã góp phần khiến trẻ kém tự tin mà vô tình không hay biết. Ta thường hay than vãn, biểu lộ cho trẻ thấy những khiếm khuyết của vẻ bề ngoài hay một tật xấu nào đó làm cho trẻ mặc cảm, không còn tự tin ở bản thân mình nữa. Có trẻ còn chán ghét, xem thường bản thân mình đến nỗi muốn hủy hoại đi. Vậy, để giúp con trẻ tự tin, cha mẹ chúng ta hãy tìm ra những điều tích cực trong khiếm khuyết của con, cho con nhận thấy không có gì sai hay kém cỏi trong những thiếu sót đó. Từ đấy, trẻ sẽ biết trân trọng, yêu thương bản thân mình, thay vì lo lắng và muốn thay đổi bằng mọi giá. Nhất là hình thức bên ngoài của trẻ.

Ví dụ: cha mẹ vẫn thường nói đùa “Sao con ăn như hạm thế? Nhìn con chẳng khác gì mấy con heo nhà bác Tám ấy!”

Câu nói ấy tưởng chừng vô hại, nhưng thật ra ta đã vô tình làm cho trẻ lo lắng về điều đó, cộng với những trêu chọc của mọi người xung quanh sẽ làm cho trẻ càng trở nên tự ti hơn. Thay vì chê bai, trêu chọc, ta hãy tìm ra những điểm đáng yêu để khen ngợi thay cho khiếm khuyết không thể thay đổi và ngầm giúp trẻ tìm cách khắc phục những điểm khuyết có thể sửa chữa một cách khéo léo. Tôi tin, từ đó trẻ sẽ hoàn toàn tự tin về bản thân mình và còn hợp tác với ta để thay đổi nữa.

Tôi cũng là một cậu bé mập mạp từ nhỏ tới lớn, bởi vì tôi khó mà điều khiển mình trước sự hấp dẫn của thức ăn. Mẹ vừa giúp tôi giảm cân vừa hay nói với tôi: “Những người mập béo, sau này họ thường là những diễn viên hài nổi tiếng thế giới.” Câu nói đó tưởng chừng chẳng ăn nhập gì, nhưng nó lại là nguồn động lực to lớn để tôi vượt qua những trêu chọc của lũ bạn khi chúng nó nói về ngoại hình quá khổ của mình. Tôi vẫn thản nhiên không hề tức giận, dần chẳng còn đứa nào hứng thú trêu chọc nữa.

2/ Hãy là hoa tiêu của con (Người dẫn đường)

Bạn biết đấy, con bạn sẽ học mọi thứ từ bạn. Cho nên trước khi than phiền rằng con rụt rè, hay không đủ can đảm để khám phá học hỏi thêm những điều mới lạ; bạn cần nghiêm khắc xem lại chính bản thân mình.

Bạn có hay than phiền về những chuyện xảy ra ở công ty?
Bạn có thường kể lể về những cuộc gặp gỡ của bạn với người khác?
Bạn có hay tỏ thái độ lo ngại khi tham dự những buổi tiệc?
Bạn có sẵn sàng để tham gia những thử thách hay những trò chơi mạo hiểm?
Bạn có hay than vãn về cuộc sống của mình?
Bạn có rụt rè khi tiếp nhận công việc mới?
Bạn có luôn đổ lỗi khi thất bại trong công việc hoặc chán nản bỏ cuộc?
Bạn có sẵn sàng tham gia mọi việc trong gia đình bằng thái độ hào hứng, hăng say?[/pullquote]

Thử trả lời những câu hỏi trên, và suy nghĩ thêm về những việc bạn thường làm hằng ngày, bạn sẽ nhận thấy rõ ràng: “Con của bạn hành xử trước những tình huống trong cuộc sống đúng như cái cách mà cha mẹ chúng vẫn thường phản ứng”. Cho nên, nếu bạn muốn thay đổi con của mình, muốn con tự tin hơn từ ngày hôm nay thì chính bản thân bạn cần làm điều đó ngay từ ngày hôm nay trước đã.

3/ Hãy là người bạn đồng hành thay vì là người thầy khó tính

Trong cuộc sống với muôn vàn biến đổi, con người cũng phải thay đổi theo từng ngày. Bạn lo lắng cho tương lai của con, sợ những điều tiêu cực, xấu xa của xã hội ảnh hưởng đến tính cách, cuộc sống của chúng. Làm sao để ngăn ngừa trẻ giao du với bạn bè hư hỏng?… Thay vì chỉ suy nghĩ và lo lắng, bạn hãy tìm ra hướng giải quyết cho con, cho chính bản thân mình nữa.

Cách tốt nhất cần phải làm, chính là giao tiếp với con, khi giao tiếp với con bạn nhớ quan tâm đến mấy điều sau:

Lắng nghe và thấu hiểu con thay vì vội vàng phán xét. Tôi luôn tin rằng, đằng sau mỗi hành động của một con người nếu hành động đó không có chủ ý hại ai thì nó luôn ẩn chứa một ý nghĩa tích cực nào đó.
Chấp nhận ý kiến của con thay vì cho rằng con suy nghĩ không đủ chín chắn. Xin lưu ý bạn, con chưa đủ chín chắn nên chúng mới cần nhờ đến sự hỗ trợ của cha mẹ.
Tin tưởng và bình tĩnh trước những điều con chia sẻ, để câu chuyện của con được trọn vẹn. Sau đó ta cũng chia sẻ với con những kinh nghiệm bản thân để con lựa chọn thay vì áp đặt. Bởi vì, bạn sẽ không hiểu mọi chuyện bằng người trong cuộc.

Sau một thời gian, bạn nhớ hỏi con đã giải quyết mọi chuyện ra sao? Đóng góp với con những suy nghĩ tích cực, để con có thêm kinh nghiệm giải quyết rắc rối những vụ việc tương tự. Đừng bao giờ, để con bạn cảm thấy đơn độc, không ai hiểu mình sinh ra khép kín. Trở nên một con người tự ti, mất niềm tin trong cuộc sống.

Chuyên gia đào tạo TGM Trần Đăng Triều
 
S

starlove_trainer

Benjamin Franklin nổi tiếng là một chính trị gia lỗi lạc, một nhà khoa học xuất chúng, cũng là một tác giả, một nhà phát minh, và một trong những người thành lập nước Mỹ. Ông luôn kể lại rằng ông học được bài học đầu tiên, và quan trọng nhất, về tài chính cá nhân từ hồi còn rất nhỏ.

Đó là khi cậu bé Benjamin mới 7 tuổi, cậu nhìn thấy một đứa trẻ khác đang thổi cây sáo. Benjamin thích mê âm thanh du dương đó, đến mức cậu dốc sạch túi, có bao nhiêu tiền đưa hết cho cậu bé kia để mua được cây sáo. Cậu bé thổi sáo cũng rất hí hửng và đồng ý trao đổi ngay.

Benjamin rất sung sướng với món đồ mới của mình và đem nó về nhà, vui vẻ thổi khắp nơi. Tuy nhiên, niềm vui đó đã bị tắt ngóm khi các anh chị của cậu biết được rằng em mình đã bỏ bao nhiêu tiền để mua cây sáo đó: họ nói rằng Benjamin đã bị “hớ”, vì đã trả mức giá cao gấp 4 lần tiền mua một cây sáo bình thường!

“Sự thật đó khiến tôi phải chịu nỗi phiền muộn lớn hơn là niềm vui do cây sáo mang lại” – Franklin kể.

Nhưng ông đã rút ra được một bài học vô giá từ “sai lầm của tuổi trẻ” đó.

(Trích từ lá thư của Benjamin Franklin gửi Madame Brillon, năm 1779)

“Dù sao, điều này sau đó cũng rất có ích cho tôi. Cái ấn tượng đó cứ còn mãi trong đầu tôi; đến mức rất thường xuyên, khi tôi cảm thấy bị cám dỗ, muốn mua một thứ không cần thiết gì đó, tôi lại tự nhủ: “Đừng trả quá nhiều cho một cây sáo”. Và tôi tiết kiệm được tiền của mình.

“Khi tôi lớn lên và bước chân vào thế giới, và quan sát nhiều hành động của con người, tôi nghĩ mình đã gặp nhiều, rất nhiều người trả quá nhiều cho một cây sáo.

“Khi tôi thấy một người quá tham vọng, hy sinh cả thời gian của mình để có mặt ở những buổi tiệc tùng, hy sinh cả giờ nghỉ ngơi, cả tự do, thậm chí cả đạo đức, và có thể cả bạn bè, để đạt được những tham vọng đó, tôi đã bảo với chính mình: “Người này đang trả quá nhiều cho cây sáo của anh ta”.

“Khi tôi nhìn thấy một người khác cứ muốn được nổi tiếng, liên tục lao đầu vào những mớ bòng bong bận rộn mà quên mất cả những vấn đề riêng của mình, và tự hủy hoại chính mình, tôi lại tự nói: “Rõ ràng là anh ta đang trả quá nhiều cho cây sáo của anh ta”.

“Tôi biết một kẻ khốn khổ, đã từ bỏ mọi cách sống dễ chịu, mọi niềm vui được giúp đỡ người khác, mọi sự yêu quý của những người xung quanh, và cả mọi niềm an ủi của những tình bạn trong sáng, chỉ để theo đuổi sự giàu có; tôi lại nói: “Tôi nghiệp anh bạn, anh đang trả quá nhiều cho cây sáo của anh”.

“Khi tôi gặp một người chỉ biết hưởng thụ mà chẳng bao giờ quan tâm đến việc cải thiện chính con người, tư duy của mình, chỉ biết đáp ứng nhu cầu vật chất cá nhân, và hủy hoại cả sức khỏe của mình để theo đuổi khoái lạc, tôi lại nói: “Con người sai lầm, anh đang đem đến đau đớn cho chính mình chứ chẳng phải là hạnh phúc; anh đang trả quá nhiều cho cây sáo của anh”.

“Khi tôi nhìn thấy một người quá bận tâm với ngoại hình, quần áo đẹp, nhà đẹp, đồ đẹp, xe đẹp, vượt cả khả năng của mình đến mức phải đi vay nợ, rồi đến kết cục chẳng ra sao; tôi lại nói: “Trời đất ơi, anh ta đã trả nhiều, quá nhiều, cho cây sáo của anh ta…”.

“Nói tóm lại, tôi nhận ra rằng phần lớn trong những khổ sở của con người là do họ tự chuốc lấy vì họ đánh giá sai lầm về giá trị của đồ vật – và từ đó, họ trả quá nhiều cho những cây sáo của mình”.

Thục Hân (dịch)
 
D

dvthongtin

Thật sự là vậy, khi con hỗn hào, cha mẹ cần xem lại cách mình nói chuyện. Khi con nói dối, cha mẹ hãy tự vấn lương tâm. Khi con không còn muốn tâm sự, chia sẻ với mình, cha mẹ hãy xét cách ta lắng nghe và tôn trọng chúng thế nào,… Tất tần tật mọi thay đổi, biến chuyển của con đều có dấu ấn của cha mẹ. Con trẻ tiếp thu bài học qua chính cách cha mẹ chúng hành xử thường ngày
 
Top Bottom