Sử 12 Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 ( Lạng Sơn )

Huỳnh Thị Bích Tuyền

Cựu Mod Sử
Thành viên
10 Tháng tám 2021
1,501
1
1,435
231
19
Cà Mau
Trường THPT Thới Bình
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
LẠNG SƠN
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
LỚP 12 NĂM HỌC 2021 - 2022
Môn thi: Lịch sử lớp 12 THPT
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
(Đề thi gồm 01 trang, 05 câu)
Câu 1 (4,0 điểm).
“Nhân dân ta vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn, từng trải qua những cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất cho độc lập, tự do”. (Lịch sử 12, trang 119, NXB Giáo dục).
Qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta (1858 - 1884), anh/chị hãy làm rõ nhận định trên.
Câu 2 (4,5 điểm).
Đầu năm 1930, khuynh hướng cứu nước dân chủ tư sản chấm dứt vai trò lịch sử của mình. Anh/chị hãy nêu nguyên nhân thất bại và đóng góp của khuynh hướng này đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam.
Câu 3 (4,0 điểm).
Anh/chị hiểu thế nào là “thời cơ chín muồi”? Hãy làm rõ thời cơ “ngàn năm có một” của cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam.
Câu 4 (3,5 điểm).
Văn kiện quốc tế nào lần đầu tiên ghi nhận các quyền dân tộc cơ bản của ba nước Đông Dương? Anh/chị hãy trình bày nội dung và ý nghĩa lịch sử của văn kiện đó.
Câu 5 (4,0 điểm).
Trình bày những điều kiện đưa đến sự bùng nổ phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi và khu vực Mĩ Latinh sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945). Anh/chị hãy làm rõ đặc điểm trên.
Đáp án tham khảo
Câu 1 “Nhân dân ta vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn, từng trải qua những cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất cho độc lập, tự do”. (Lịch sử 12, trang 119, NXB Giáo dục).
Qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta (1858 - 1884), anh/chị hãy làm rõ nhận định trên.

Trả lời
“Nhân dân ta vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn, từng trải qua
những cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất cho độc lập, tự do”. (SGK12,
trang 119, NXB Giáo dục).
Qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta
(1858 - 1884), anh/chị hãy làm rõ nhận định trên.
* Ý kiến: “Nhân dân Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh kiên
cường, không khuất phục trước bất kì kẻ thù nào” là hoàn toàn chính xác.
* Chứng minh:
- Ngay từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, nhân dân ta đã
gác mối thù giai cấp và sát cánh cùng triều đình chống liên quân Pháp - Tây
Ban Nha. Khi triều đình từ bỏ vai trò lãnh đạo, nhân dân tách thành mặt trận
riêng để chống Pháp và triều đình phong kiến.
- 1 - 9 - 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng, nhân dân
dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Tri Phương anh dũng chống giặc, thực dân
Pháp bị sa lầy 5 tháng ở Đà Nẵng, bước đầu làm thất bại kế hoạch “đánh
nhanh thắng nhanh” của chúng.
- Tháng 2 - 1859, Pháp chuyển quân vào đánh chiếm Gia Định. Ngay từ
đầu, nhân dân đã chủ động đánh Pháp. Khi quân triều đình tan rã, quân Pháp
chiếm thành Gia Định, nhân dân vẫn kiên quyết chiến đấu, kế hoạch “đánh
nhanh thắng nhanh” của Pháp thất bại, chúng phải chuyển sang kế hoạch
“chinh phục từng gói nhỏ”.
- Năm 1862, sau khi kí Hiệp ước Nhâm Tuất, triều đình cắt 3 tỉnh miền
Đông Nam Kì cho thực dân Pháp và ra lệnh giải tán phong trào kháng chiến
ở các tỉnh miền Đông… nhưng phong trào vẫn tiếp tục phát triển.
- Năm 1867, Pháp chiếm được 3 tỉnh miền Tây Nam Kì, nhân dân miền Tây
chống lại lệnh bãi binh của triều đình, vẫn kiên trì bám đất bám làng chiến
đấu, các nhà thơ sáng tác thơ văn để cổ vũ tinh thần yêu nước…
- Trong hai lần Pháp tấn công Bắc Kì, triều đình đều để mất thành Hà Nội,
nhân dân vẫn chiến đấu anh dũng, đặc biệt 2 chiến thắng Cầu Giấy (1873,
1883) thể hiện rõ quyết tâm tiêu diệt giặc của nhân dân ta. Khi nhà Nguyễn
hoàn toàn đầu hàng thực dân Pháp, cuộc kháng chiến của nhân dân ta tạm
lắng xuống để chuẩn bị bước sang giai đoạn mới.
- Ngoài cuộc kháng chiến vũ trang của nhân dân ta, các quan lại yêu nước
như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu chiến đấu rất anh dũng, các trí thức
nho sĩ yêu nước đã dùng ngòi bút làm vũ khí chiến đấu đã lên án, tố cáo tội
ác của bè lũ cướp nước và bán nước.
Câu 2 Đầu năm 1930, khuynh hướng cứu nước dân chủ tư sản chấm dứt vai trò lịch sử của mình. Anh/chị hãy nêu nguyên nhân thất bại và đóng góp của
khuynh hướng này đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam.

Trả lời
* Khuynh hướng dân chủ tư sản ở Việt Nam thất bại vì:
- Giai cấp tư sản Việt Nam nhỏ yếu cả về kinh tế và chính trị nên không đủ sức
giữ vững ngọn cờ lãnh đạo cách mạng.
- Ngọn cờ tư tưởng tư sản tuy còn mới mẻ đối với người Việt Nam, nhưng
không đủ khả năng giúp nhân dân Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ.
- Giai cấp tư sản Việt Nam thiếu đường lối chính trị đúng đắn và phương pháp
cách mạng khoa học.
- Tổ chức chính trị của giai cấp tư sản Việt Nam, tiêu biểu là Việt Nam quốc dân đảng, rất lỏng lẻo, thiếu cơ sở trong quần chúng, nên không đủ sức chống đỡ
trước sự tiến công của đế quốc Pháp.
- Về khách quan, đây là lúc thực dân Pháp đang mạnh, đang củng cố được nền thống trị ở Đông Dương. So sánh lực lượng chưa có lợi cho phong trào yêu
nước, thời cơ cách mạng cũng chưa xuất hiện.
* Khuynh hướng dân chủ tư sản thất bại nhưng có đóng góp to lớn:
- Cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam, bồi đắp thêm cho
chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
- Đào tạo, rèn luyện một đội ngũ những nhà yêu nước cho những phong trào đấu
tranh mới về sau.
- Góp phần khảo nghiệm một con đường cứu nước, chứng tỏ con đường giải
phóng dân tộc theo khuynh hướng tư sản là không thành công.
- Giúp cho những người yêu nước Việt Nam hướng đến một con đường cứu
nước mới.
3. Anh/chị hiểu thế nào là “thời cơ chín muồi”? Hãy làm rõ thời cơ “ngàn năm có một” của cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam.
Trả lời
* Thời cơ chín muồi là khi những điều kiện chủ quan và khách quan thuận lợi
nhất cho cách mạng diễn ra thắng lợi:
- Kẻ thù hoàn toàn suy yếu, không còn khả năng kháng cự.
- Toàn Đảng, toàn dân đã chuẩn bị sẵn sàng.
- Các lực lượng trung gian ngả hẳn về phía cách mạng.
* Thời cơ “ngàn năm có một” của cách mạng tháng Tám:
- Ngày 15 - 8 - 1945, Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Ở Đông
Dương, phát xít Nhật và tay sai hoang mang cực độ, không còn khả năng thống trị. Điều kiện khách quan thuận lợi cho tổng khởi nghĩa đã đến.
- Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với kẻ thù đã phát triển đến cao
độ. Toàn Đảng, toàn dân đã sẵn sàng cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền
tháng 8 - 1945.
- Các tầng lớp trung gian (địa chủ, tư sản,…) lúc này đã hoàn toàn ngả về phía
cách mạng.
- Thời cơ cách mạng chín muồi nhưng không kéo dài, vì theo thỏa thuận của
Hội nghị Pôxđam, các thế lực đế quốc dưới danh nghĩa quân Đồng minh
đang ráo riết vào Đông Dương. Với bản chất đế quốc, chúng có thể dựng lên
chính quyền tay sai trái với ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
- Như vậy, thời cơ “ngàn năm có một” chỉ tồn tại trong thời gian từ sau khi
quân Nhật đầu hàng Đồng minh đến trước khi quân Đồng minh kéo vào giải
giáp quân đội Nhật (từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9 - 1945), đó là lúc kẻ thù
trực tiếp đã gục ngã, kẻ thù mới chưa kịp đến. Cuộc Tổng khởi nghĩa Tám dưới sự lãnh đạo của Đảng đã diễn ra đúng trong khoảng thời gian đó và
giành thắng lợi.
 
Last edited:
Top Bottom