Mình lấy cái này của anh bạn, giúp các bạn có thêm kinh nghiệm học tốt môn anh văn, chúc các bạn thành công
1. Phải học ngoại ngữ hàng ngày, và tập đọc hiểu thường xuyên liên tục.
Mỗi ngày tối thiểu chúng ta nên dành 30 phút để học ngoại ngữ, học vào buổi sáng sớm là tốt nhất.
Học ngoại ngữ phải đọc liên tục, đọc từ tin vắn trên báo, đọc những mẩu chuyện vặt trên tạp chí cho đến những bài dài, nghĩa là tập đọc từ thượng vàng hạ cám, sau mới đọc chọn lọc được khi đã có khoảng 2000 từ trở lên.
Phải thường xuyên tập đọc:
- Đúng chữ cái, đúng vần, đúng từ.
- Đúng các âm biến thể trong vần, trong từ và cụm từ, đúng trọng âm của từ.
- Đúng ngữ điệu, đúng tiết tấu của câu.
Ngoài ra còn:
- Tập đọc ngắt câu, ngắt đoạn, đúng trọng tâm lôgic, đúng ngữ điệu.
- Tập đọc đoán hiểu từ mới dựa theo mô hình cấu tạo từ, dựa theo ngữ cảnh.
- Tập đọc phân tích cấu trúc ngữ pháp cơ bản.
- Tập đọc diễn cảm một đoạn văn xuôi đã phân tích.
2. Phải học một cách sáng tạo, sinh động không gò ép.
Đừng có lao vào học liền một kiểu và cũng đừng học một mạch 3, 4 tiếng liền. Dễ bị bão hoà và chóng chán lắm. Nếu hứng thú học tập giảm sút quá nhanh thì đừng “cưỡng ép” nhưng cũng chớ bỏ học. Hãy nghĩ ra một hình thức sinh động hơn như: nghe đài, xem hoạ báo, đọc từ điển có minh hoạ bằng tranh..miễn là bằng bất cứ cách nào tiếp xúc với tiếng nước ngoài mà mình đang học. Học bất cứ môn nào phải có hứng thú say mê thì mới có hiệu quả, còn “bị đọc, bị học, áp ép phải đọc” thì trước sau cũng quên sạch.
3. Đừng bao giờ học những chữ riêng lẻ tách rời ngữ cảnh.
Tốt nhất là học thuộc lòng một số châm ngôn, tục ngữ của nước ngoài tuơng đương với châm ngôn, tục ngữ của tiếng mẹ đẻ và so sánh cách nói của tiếng nước mình thì mới nhớ lâu. Ví dụ người Pháp thường nói: “Câm như một con cá chép” (Muet comme une carpe). Thế cá trắm, các trôi, cá quả không câm ư? Trong khi đó thì người Việt Nam lại nói: “Câm như hến” hoặc “Im như thóc” hay “Lặng như tờ”. Hoặc giả người Anh nói: “It rains cats and dogs” mà lại dịch là “Trời mưa mèo và chó” thì quả là.. quá ngô nghê và ngớ ngẩn hết chỗ nói, trong khi câu đó có nghĩa là: “Trời mưa tầm tã” mà người Pháp thường nói là : “ll pleut abondamment”.v.v..Có so sánh cụ thể như vậy mới nhớ lâu và hiểu sâu sắc được. Học ngoại ngữ là phải dày công như thế đấy! Không thể lơ mơ loáng thoáng được!
4. Chép ra, không theo thứ tự và học thuộc “câu có sẵn” hoặc “mẫu câu”.
Những mẫu câu có sẵn có thể sử dụng được trong nhiều trường hợp hơn cả, nhất là những mẫu câu đó tương tự như mẫu câu Việt Nam. Chẳng hạn, người Pháp nói: “Le temps est de l’or”, người Anh lại nói “Time is money” (thời gian là tiền) thì Việt Nam cũng có câu tương tự “Thời gian là vàng”. Học những câu đó thật là “dễ vào” vì ý nghĩa nó giống nhau, nên nhớ lâu. Ngoài ra phải chú ý: đa số từ đều có nghĩa khác nhau tuỳ theo ngữ cảnh. Cùng một từ ở trong mỗi ngữ cảnh mang một nghĩa khác nhau. Chẳng hạn cũng một từ “porter” của Pháp nhưng có thể dịch theo nhiều nghĩa khác nhau cho sát như: porter des chaussures = “đi” giầy; porter un chapeau = “đội” mũ; porter une cravate = “đeo” cà vạt; porterune ceiture = “thắt” dây lưng; porter une chemise = “mặc” áo sơ mi...
5. Cố gắng dịch mọi cái đập vào mắt hoặc bất cứ dòng chữ nào mà ta thoáng gặp.
Có người cho là “lẩm cẩm”! Không đâu, có tập dịch vo (dịch trực tiếp) như thế mới thấy “bí”, vì không phải từ nào ta cũng biết hết. Thế là lại phải sử dụng từ điển để tìm hiểu ngữ nghĩa, qua đó vốn từ của chúng ta sẽ phong phú hơn. Đó là chưa kể khi tra từ điển, nếu thích thú ta có thể học thêm, những “từ cùng dòng họ” (mots de même famille) hoặc cụm từ (groupe de mots) Ví dụ học từ “báo chí” thì ta có thể nhớ đến: “báo tuần, báo ngày, báo hình, báo nói, báo tường, báo viết tay, hoạ báo, báo ảnh..” Chưa kể đến các từ liên quan như: “Tạp chí, nguyệt san, bán nguyệt san, kỉ yếu..”. Học một cách tự giác và chịu tìm tòi như thế làm gì mà chẳng giỏi!
Tương tự như thế nếu bất chợt trông thấy những từ mới bằng tiếng nước ngoài ở bảng quảng cáo, ở dòng áp phích..thì hãy chịu khó dịch nhẩm trong đầu đi, không lẩm cẩm đâu mà là một cách học (cần cù và sáng tạo đó)! Nếu không dịch được, rất bực mình, ấm ức là về nhà phải tra từ điển, hiểu cho kì được mới thôi.
6. Chỉ học cái gì chắc chắn là đúng và tập đọc kĩ những bài mẫu
Chỉ đọc thật kĩ những gì mà thầy đã sửa. Đừng đọc đi đọc lại những bài tập chưa được thầy sửa đúng. Khi đã sửa đúng rồi thì cố gắng tìm hiểu xem mình mắc lỗi, sai ở chỗ nào. Nếu chưa thật hiểu, chịu khó xem lại ngữ pháp về chỗ mà mình đã mắc lỗi đó, hoặc hỏi lại thầy cho thật hiểu mới thôi. Mặt khác, những bài mẫu là những bài đã viết đúng, muốn hiểu sâu, nhớ lâu, cần phải:
- Đọc tìm ý chính trong bài
- Đọc tìm những câu trong bài trả lời về những câu hỏi cho trước hoặc cho sau khi đọc.
- Dựa theo nội dung bài đọc trả lời các câu hỏi.
- Làm dàn ý cho bài đọc.
- Tóm tắt nội dung bài đọc.
7. Chép những từ đã học
Hãy làm một cách cổ điển là chép những từ đã học được trong bài vào một quyển vở riêng có hai cột, một cột là chữ cần nhớ, cột kia là nghĩa của nó, không cần theo thứ tự A, B, C...Hằng ngày giở ra xem lại. Nếu từ nào hay quên quá, có thể biên đi biên lại nhiều lần. Nên sử dụng thêm cách gạch dưới bằng các màu mực khác nhau, đóng khung, khoanh tròn, tô màu...cho dễ nhớ. Với mỗi từ, nếu có thể, nên ghi cả những từ cùng một dòng họ, cùng một gốc từ (từ căn), cả những từ đồng nghĩa (mots synonymes) những từ trái nghĩa, phản nghĩa (mots antonymes) với nó.
Hãy chép những câu hoàn chỉnh, những thành ngữ và nhớ chúng ở các ngôi số ít. Sau đó tập vận dụng chuyển sang số nhiều và ở các nơi khác nhau. Chuyển sang dạng phủ định và dạng nghi vấn. Nếu có thể biến đổi câu đó thì hiện tại sang thì quá khứ hoặc thì tương lai trong điều kiện có thể.
Ngoài ra nếu có điều kiện hoặc thời gian hãy:
- Tập viết đúng chữ cái, không nên viết ngoáy, viết càng chân phương càng tốt.
- Chép lại từ, cụm từ, câu mới học.
- Viết chính tả những từ, cụm từ, câu, bài đã học
8. Phải công phá, tiến công đồng thời từ mọi mặt, nhiều phía.
Mỗi ngoại ngữ là một thành luỹ kiên cố mà ta phải công phá, tiến công đồng thời từ mọi mặt, nhiều phía: đọc báo, nghe đài, xem phim, xem tranh ảnh chú thích, dự bài giảng bằng tiếng nước ngoài, đọc kĩ sách giáo khoa, chép lại bài khoá yêu thích, nghe băng, nghe đĩa, gặp gỡ và giao tiếp với những người bạn nói thạo ngoại ngữ đó và nếu có thể, với chính người nước ngoài nói bằng tiếng bản ngữ.
Muốn giỏi ngoại ngữ phải coi việc đọc sách ngoại ngữ là tối cần thiết và quan trọng. Phải đọc có chọn lọc, có sắp xếp nên đọc từ rộng đến hẹp, từ chung đến riêng. Cùng một vấn đề có thể tìm đọc ở nhiều sách, tìm ở các bài khác nhau do nhiều tác giả viết cùng chung một đề tài dưới nhiều góc độ khác nhau.
9. Đừng sợ phải nói tiếng nước ngoài.
Nói bừa đi, đừng ấp úng vì sợ sai hoặc mắc cỡ. Nếu sai thì yêu cầu thầy hoặc bạn sửa giúp. Phải mạnh dạn tập nói ngay khi mới bắt đầu học. Nói ở lớp, nói một mình ở nhà như luyện độc thoại vậy. Hãy tự coi mình như một diễn viên kịch và đang học lời thoại trong kịch bản vậy. Nếu có hai người trở lên là tốt nhất, và hai bên sẽ sửa lỗi cho nhau, đồng thời cũng tạo được phản xạ nghe chưa kể có hai người sẽ gây hứng thú học.
Hãy bật băng cát sét lên, nghe giọng mẫu rồi bắt chước nói lại, ban đầu lóng ngóng chưa quen. Cứ lặp đi lặp lại làm cho tới khi nào nói được mới thôi. P. A-riơ-tê, Viện sĩ viện hàn lâm khoa học Et-xtô-nia, nhà ngữ văn học, biết ...40 ngoại ngữ đã bật mí bí quyết của ông:
"Tôi bắt đầu nói bằng ngoại ngữ khi chỉ mới biết ..100 từ mà thôi! Nhiều người biết ngoại ngữ nhưng không dám nói, cứ sợ sai. Nếu cứ sợ sai thì không bao giờ nói giỏi được cả”
10. Hãy tin tưởng vững chắc rằng: “Bạn sẽ thành công trong việc học ngoại ngữ” và hãy luôn luôn ôn tập, củng cố và mở rộng.
Chẳng có lí do gì mà học ngoại ngữ lại không đạt được mục đích nếu bạn có ý chí sắt đá, có phương pháp tốt, kiên quyết học, học đều đặn và thật sự muốn học cho tốt ngoại ngữ đó.