Tài năng HMF [Truyện ngắn]Kiếp nạn khi nhận cha mẹ nuôi

Lee Hy

Học sinh chăm học
Thành viên
20 Tháng tám 2019
439
671
121
Quảng Nam
cấp3
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

[KHIÊNG QUAN TÀI RỒNG]: KIẾP NẠN KHI NHẬN CHA MẸ NUÔI
(Tiêu đề do dịch giả tự đặt)
Dịch giả : Vịt Om Măng
____________________

Vài năm trước, tại một khách sạn nhỏ ở khu dân cư Hubu Alley thuộc thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, có ông lão nọ đã kể với chúng tôi một câu chuyện vô cùng thần bí, về con trai ông.
Câu chuyện ấy, xảy ra vào hơn 20 năm về trước, khi cậu con trai mới chỉ 7 - 8 tuổi, vào một lần được đưa đi chơi xa, bằng xe lửa.
Hồ Bắc vốn nhiều núi, bởi vậy đường hầm thông qua cũng không ít. Xe lửa băng qua đường hầm, khi sáng khi tối, cậu bé thấy điều mới lạ nên vô cùng thích thú.
Ngày ấy, xe lửa thường xuyên xảy ra vấn đề, động tí là dừng trên đường ray, mấy tiếng sau mới chuyển động trở lại. Cũng không biết là do máy móc trên xe bị trục trặc hay là do gặp phải t.a.i n.ạ.n giao thông.
Ngày bố con ông ngồi trên xe, xe lửa cũng đột ngột dừng như thế. Rất không may, toa xe mà họ ngồi lại mắc k.ẹ.t ngay trong một đường hầm, không gian trở nên vô cùng tối tăm.
Vốn tưởng rằng, chỉ một lúc sau là xe có thể chạy, nhưng chẳng biết lý do vì sao mà ngày hôm đó, xe đã dừng lại cả một đêm.
Ban đầu, cậu bé vẫn còn cảm thấy thích thú, trườn người, nhoài mình nhìn ra ngoài cửa sổ, ngắm nghía khung cảnh xung quanh.
Trời trở lạnh, cửa kính của xe chẳng mấy chốc liền bị bao phủ bởi một lớp hơi trắng xóa, mờ ảo, nom thấy hay hay, cậu bé liền giơ tay ra vẽ lên kính.
Một lúc sau, cậu bé nói có người bên ngoài gõ cửa gọi, rủ cậu xuống dưới chơi.
Đi cả ngày, người lớn ai nấy đều đã thấm mệt, nên chẳng ai để tâm đến lời nói của cậu bé. Thấy vậy, cậu bé cũng không nghịch nữa, ngoan ngoãn nằm gọn trong lòng người lớn ngủ thiếp đi.
Khi trời sáng, xe lửa bắt đầu khởi động, mang theo hy vọng của tất cả mọi người, từ từ lăn bánh tiến về phía trước.
Không một ai biết rằng, buổi tối ngày hôm đó, cậu bé rốt cuộc đã trải qua điều gì, chỉ biết rằng, từ sau tối ấy, cậu bé bỗng trở nên ngơ ngác, thơ thẩn, không còn dáng vẻ thông minh, lanh lợi như trước nữa, nói chuyện hay làm việc gì cũng chậm hơn người khác nửa nhịp.
Sau này, tình trạng ngày càng nghiêm trọng, cậu trở nên ngốc nghếch, khờ khạo, gặp ai cũng cười ngu ngơ, thậm chí còn vốc cả bùn, đá dưới đất bỏ vào miệng.
Cho đến tận khi ấy, mọi người mới chắc nịch đã có chuyện gì đó xảy ra với cậu.
Gia đình nhiều lần đưa cậu đến bệnh viện thăm khám, thứ gì cần kiểm tra đều đã kiểm tra cả, nhưng vẫn không tìm được nguyên nhân phát bệnh. Sau đó bác sĩ có nói nhỏ với ông lão: “Những người y sĩ như chúng tôi, chữa bệnh chứ không thể cứu vãn được vận mệnh, ông nên thử tìm đến “người biết xem” thì hơn.”
Tìm “người biết xem” mà bác sĩ nhắc đến chính là mời thầy về. Mỗi nơi lại có những cách gọi khác nhau, Đông Bắc gọi là mã tiên, Mân Nam gọi là thầy đồng, Tứ Xuyên gọi là người xem trứng, Hà Bắc là người xem hương.
Gia đình ông lão sống ở Tiên Đào, vậy nên “người biết xem” mà họ cần tìm gọi là đạo sĩ.
Nhưng những người được gọi là đạo sĩ này lại không phải dạng tu hành chính thức trong Đạo giáo, mà họ chỉ lưu lạc trong dân gian, bình thường cũng không mặc đạo bào (áo đạo sĩ), mà mang theo một chiếc la bàn và một thanh kiếm gỗ đào, miệng không ngừng niệm chú, giả thần giả q.u.ỷ, uống rượu đã đành, còn ăn cả thịt. Không ai có thể biết chắc rằng, tìm những người này về liệu có ra bệnh hay không.
Sau khi nghe ngóng và hỏi han tình hình, ông lão đã mời về một người đạo sĩ “không chính thống” như vậy.
Ông đạo sĩ đó đến xem xét một hồi, nói rằng đây là tình trạng m.a q.u.ỷ đeo bám. Năm đó khi sửa sang đường hầm có một vài công nhân đã t.h.i.ệ.t mạng, đường hầm ngày đêm có xe qua lại, mà xe lửa lại là vật mang dương khí nặng, nên những linh hồn ấy mới không thể siêu thoát khỏi nơi bỏ mạng khi xưa.
Do còn là trẻ con, cơ thể yếu ớt, lúc cậu bé dùng tay vẽ lên cửa kính, linh hồn m.a q.u.ỷ ở bên ngoài đã nhìn thấy cậu, cuối cùng còn xuyên qua cửa xe mà nhập vào người cậu với mong muốn thoát khỏi nơi đường hầm tăm tối.
Đạo sĩ nói, cách giải quyết hết sức đơn giản, chỉ cần làm pháp thuật dụ hồn, dẫn “họ” đi, cho đầu thai chuyển kiếp là được rồi.
Ông lão nghe xong vui mừng khôn xiết, nhanh chóng g.i.ế.t gà mổ dê, sắm rượu mua thịt, nhiệt tình tiếp đãi đạo sĩ, đợi sau khi cơm no rượu say, lão đạo sĩ quả thực đã bày đồ làm lễ. Và bất ngờ thay, ngay sau đó, cậu bé đã hồi phục trở lại.
Đạo sĩ nói: “Đứa trẻ này trông thì đã bình phục rồi đấy, nhưng con người sau khi bị ma quỷ nhập thân, nhẹ thì sẽ gặp đen đủi 3 năm, nặng thì bệnh nặng liệt giường. Mà tổ tiên nhà các người phúc đức quá ít ỏi, chỉ sợ phải cho đứa trẻ này nhận cha nuôi, mẹ nuôi mới có hy vọng thay đổi được vận mệnh.”
Ông lão vội vàng hỏi: “Thưa thầy, nhận cha nuôi, mẹ nuôi là sao ạ?”
Đạo sĩ đáp: “Người Trung Quốc ta rất coi trọng việc nhận tổ quy tông, hơn nữa sau khi “áo gấm về làng” còn phải gõ trống khua chiêng, tu sửa phần mộ tổ tiên, bổ sung vào gia phả, lý do là gì?
Chính là bởi, một người có thể đạt được thành công hay không, may mắn là thứ rất quan trọng, hoặc cũng không ngoa khi nói rằng đó là thứ quan trọng nhất.
Người xưa nói rất hay, “Nhất Mệnh - Nhì Vận - Tam Phong Thuỷ”, số mệnh là thứ không thể thay đổi, nhưng vận thế thì lại có thể.
Thứ gọi là vận thế, thực ra chính là công đức của tổ tiên, từng đời từng đời tích luỹ, gom góp vận may. Cuối cùng, chính những phúc đức này sẽ bảo vệ con cháu đời sau của họ. Nói cách khác, là dùng mồ hôi xương máu của hàng ngàn người đời trước để trải con đường xán lạn cho đời sau.
Thế nên, rất nhiều người nói rằng, đời sau của một số gia tộc lại dễ dàng sống sung sướng, no đủ hơn đời trước. Bởi, ngoài tầm nhìn, tiền tài và quan hệ huyết thống thì vận thế cả đại gia tộc cùng tích luỹ cũng chính là một trong số những yếu tố vô cùng quan trọng.
Tôi có một người bạn, chuyên nghiên cứu văn hoá lịch sử chốn làng quê, ông ấy phát hiện ra, hễ một vùng đất xuất hiện một nhân vật tầm cỡ nào đó, thì cho đến mãi hơn 100 năm sau, cũng sẽ không có thêm một nhân vật nào vĩ đại như vậy nữa.
Ông ấy cảm thấy điều này rất khó lý giải, chỉ có thể quy vào huyền học để giải thích, chính là bởi nhân vật tầm cỡ đó đã dùng hết những vận thế mà vùng đất đó tích lũy hàng trăm năm mới có được.”
Ý của đạo sĩ là, gia đình ông lão vốn là những người chạy nạn từ trận lũ lụt sông Trường Giang đến đây, mới chỉ trải qua ba đời, ngay cả tổ tiên là ai cũng không rõ, đương nhiên lại càng không biết phần mộ người đời trước nằm ở đâu, vậy nên cũng xem như là đã mất căn mất gốc, dẫn đến thiếu đi sự phù hộ của tổ tông. Vì vậy, đứa trẻ muốn sống an yên lại không phải là điều dễ dàng.
Sau đó, đạo sĩ gợi ý tìm cho đứa trẻ một người lớn tuổi đã gom góp nhiều phúc đức làm cha nuôi hoặc mẹ nuôi, mượn vận thế của người khác thì may ra mới có thể vượt qua đại nạn.
Cha hoặc mẹ nuôi, phải là người có cả con trai, con gái, sức khỏe dồi dào, không goá vợ hay chồng và cầm tinh những con vật vận lớn. Ngoài ra, còn phải là những người con, người cháu có hiếu, siêng đến thờ cúng phần mộ tổ tiên.
Sau khi dò hỏi khắp nơi, cuối cùng gia đình ông cũng tìm được một người ở thôn bên. Gia đình ông lão nhờ vả người quen đến nói giúp, may thay cuối cùng đối phương cũng đồng ý.
Bởi chuyện nhận cha nuôi, mẹ nuôi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con cái nhà người đó, dù sao cũng là san sẻ phúc đức nhà người ta, vậy nên nếu không phải là người có quan hệ thân thiết, sẽ khó lòng mà chấp thuận.
Sau đó, lão đạo sĩ chọn ngày lành tháng tốt, làm lễ nhận cha nuôi cho cậu bé.
Nghi thức này rất đặc biệt, đầu tiên đứa trẻ phải dập đầu bái lạy cha nuôi, sau đó cha nuôi sẽ ngồi trước bếp, luồn đồng tiền qua sợi dây thừng màu đỏ, đứa trẻ bao nhiêu tuổi thì luồn từng ấy đồng, cuối cùng buộc chặt hai đầu sợi dây đỏ lại với nhau.
Tiếp đó, mẹ ruột đứa trẻ lấy một chiếc khoá rất dài bằng đồng đã cũ, khoá chuỗi đồng tiền đó lại. Như vậy đã hoàn thành bước đầu của nghi thức.
Khâu quan trọng nhất là đặt chiếc khoá cùng chuỗi đồng tiền dây đỏ này lên trên bếp một buổi tối, giống như đang báo cáo với thiên địa quỷ thần rằng, đứa trẻ đã nhận cha nuôi, vận thế của người cha này sẽ phù hộ cho đứa trẻ, có trời đất, Táo Quân chứng giám.
Sau này, mỗi năm, cứ đến sinh nhật của mình, đứa trẻ đều phải đến nhà cha nuôi, quỳ gối hành lễ. Còn cha nuôi, mỗi năm cứ đến sinh nhật con sẽ phải luồn thêm cho đứa trẻ một đồng tiền nữa, cho tới khi đứa trẻ 18 tuổi.
Sau 18 tuổi mới mở chiếc khóa này ra, cha nuôi sẽ bỏ chuỗi đồng tiền ấy vào trong bếp lò, thiêu cháy cùng ngọn lửa lớn. Ba ngày sau, dọn dẹp tàn tro trong bếp, mọi chuyện xem như được giải quyết triệt để, toàn bộ nghi thức đến lúc ấy mới chính thức hoàn thành.
Nhưng buổi tối hôm đó, đột nhiên lại xảy ra chuyện ngoài ý muốn.
Buổi sáng ngày thứ hai, khi cha nuôi đến lấy chuỗi đồng tiền trên bếp thì phát hiện, chiếc khóa đã bị mở ra từ lúc nào, những đồng tiền vốn đã được buộc rất chặt, giờ đây lại rơi lả tả trên đất, nhìn thôi cũng cảm nhận được điều chẳng lành.
Biết chuyện, ông lão vội vàng tìm đến đạo sĩ. Đến nơi, đạo sĩ đang ngồi uống rượu, say khướt đến mức nói luôn mồm, ấy vậy mà vừa nghe tin, lão ta đã tá hoả, tỉnh cả rượu, quát lớn: “Hung dữ đến nỗi Táo Quân cũng không áp chế được!”
Đạo sĩ nói, sở dĩ bảo luồn dây qua đồng tiền rồi để trên bếp vì đây là nơi giữ lửa cho cả gia đình, cũng là khu vực dương khí thịnh nhất trong nhà, vậy mà thứ ma quỷ này lại dám gây rắc rối ở đây, phỏng chừng sức mạnh không phải dạng vừa!
Đạo sĩ cân nhắc một lúc rồi nói: “Xem ra, cha nuôi ở dương thế không thể trấn áp được nó rồi, chúng ta phải dùng biện pháp mạnh hơn!”
Đạo sĩ nói với ông lão: “Cách đây bán kính 100 dặm, nơi có linh khí dồi dào nhất chính là gốc cây hoè cổ thụ ở cánh đồng lúa mì.
Trong lịch sử của thôn có ghi chép, từ thời kỳ đầu triều đại nhà Thanh, gốc cây này đã được chính tay một vị tiến sĩ của thôn trồng, tất cả vận thế của thôn đều kết tụ tại đây.
Thế này đi, đạo sĩ tôi đây sẽ chịu tổn hại vài năm tuổi thọ, làm cho ông một trận đại lễ, để con trai ông nhận cây hoè già này làm cha nuôi, tuyệt đối sẽ không còn phải sợ gì nữa, yêu ma quỷ quái đều sẽ thấy hãi mà lui.”
Nhận cây làm cha nuôi, hiển nhiên sẽ khác với nhận người làm cha nuôi.
Đạo sĩ bảo ông lão xé một dải lụa đỏ, viết mấy câu lên đó, với hàm ý mong muốn cho đứa trẻ bái cây đại thụ làm cha mẹ, hy vọng được thần cây phù hộ.
Sau đó đem dải lụa đỏ này buộc lên cây, rồi đi quanh gốc cây ba vòng, rắc rượu, đốt pháo, mở tiệc ăn mừng, là coi như đã kết nghĩa thành người thân.
Ông lão liền làm theo lời đạo sĩ nói, nhưng cho đến ngày hôm sau, ông vẫn cảm thấy vô cùng bất an, mới sáng sớm đã chạy đến gốc cây xem, thì bất ngờ phát hiện dải lụa không biết đã bị thứ gì xé rách, chữ viết trên đó cũng đã mờ hết, giống như bị ngâm ướt.
Ông lão vội vàng nhặt tấm lụa lên, chạy vội đi tìm đạo sĩ.
Lần này, đạo sĩ không uống rượu, cũng không nói năng lộn xộn nữa, do dự hồi lâu, cuối cùng quay sang nói với ông lão, việc này, ông ấy thực sự hết cách rồi.
Ông lão nghe xong, gương mặt liền trở nên xám xịt, mặt cắt không còn giọt máu. Ông quỳ sụp xuống đất, cầu xin đạo sĩ cứu giúp.
Lão đạo sĩ thở dài một hơi, nói: “Không phải tôi không muốn giúp, mà thực sự không đủ năng lực để giúp. Bây giờ chắc chắn con trai ông đang bị tà ma nhăm nhe, đến cây cổ thụ 300 năm còn không trấn áp nổi, ông tìm đến tôi thì có tác dụng gì cơ chứ?”
Sau cùng, đạo sĩ nói, sự việc đã tới nước này, chỉ còn một cách duy nhất, tuy nhiên rất kỳ quái, nói không chừng còn có thể làm hại đứa trẻ.
Có bệnh thì vái tứ phương, ông lão cũng không nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ đành cầu xin đạo sĩ nói ra cách thức cứu vớt tia hy vọng cuối cùng này.
Theo đạo sĩ, cách làm này, ông cũng mới chỉ được nghe từ người khác, chưa từng thử lần nào. Bởi nó rất kỳ quái, thậm chí còn vô cùng hiểm độc, chỉ một chút sơ suất nhỏ, sẽ khiến đứa trẻ gặp nguy hiểm dẫn tới mất mạng.
Cách này chính là, để đứa bé cởi trần, quấn lụa đỏ quanh người, nằm trong một cái quan tài, đục lỗ nhỏ để thở, sau đó đặt quan tài ở cạnh sông Trường Giang, nửa sau của quan tài để dưới sông, nửa trước ở trên bờ, cứ để như vậy trong một đêm.
Thật ra, đây chính là cách thức người cổ đại tế người sống cho Long Vương sông Trường Giang. Theo lẽ thường, trong quan tài phải để một bé trai và một bé gái, sau đó đẩy quan tài ra giữa sông. Nhưng về sau, một vài đạo sĩ đã dùng cách làm ở trên để “đánh lừa” Long Vương.
Một phần quan tài nằm dưới nước, mang hàm ý đã dâng lên “vật tế”, nhưng hơn nửa người vẫn ở trên bờ, do đó Long Vương sẽ không “ăn” được, cứ để như vậy, nếu chống chọi qua một đêm, đứa bé sẽ nhận được sự bảo vệ của Long Vương, không bị ma quỷ lôi kéo nữa.
Cách này, được gọi là “Khiêng quan tài rồng”.
Ông lão nghe đạo sĩ nói xong, hỏi: “Vậy thằng bé có bị c.hết không?”
Đạo sĩ lắc đầu: “Không biết”.
Lão ta bảo, bản thân cũng chỉ mới nghe người khác kể lại. Ngày xưa, mỗi năm sẽ có một nhà phải cống vật tế cho vị thần cai quản sông nước, năm đó đến lượt nhà họ phải dâng con làm vật tế cho Long Vương, khi ấy họ nghĩ, dù gì cũng phải tế, chi bằng cược một phen, sau đó sử dụng cách này và thành công.
Ông lão nghe xong trầm ngâm hồi lâu rồi thở dài, nói rằng việc nguy hiểm như này, ông cần phải về nhà bàn bạc với mẹ đứa trẻ.
Đạo sĩ gật đầu đáp: “Cũng được, tôi đi cùng ông, tiện xem xem thằng nhỏ sao rồi.”
Về đến nhà, mẹ đứa trẻ hoảng hốt không nói thành lời, mặt đầy lo lắng, cứ ngóng chồng về, nói có việc chẳng lành, đứa bé không biết bị làm sao, bỗng nhiên mũi và miệng chảy đầy m.áu, không cách nào cầm lại được.
Đạo sĩ vội chạy qua, quan sát đứa trẻ một lúc, thấy máu cứ chảy liên tục không ngừng, ông ta liền bốc một nắm tro trên bàn thờ, nhét vào mũi nó, sau đó lại ấn vào nhân trung nó mấy cái, đứa bé mới dần tỉnh lại, máu mũi cũng ngừng chảy.
Đạo sĩ lắc đầu nói: “Sức khỏe nó đã dần cạn kiệt rồi, cùng lắm chỉ sống được 3 - 5 ngày nữa thôi.”
Câu nói này đánh thẳng vào chút do dự cuối cùng của ông lão, không suy nghĩ gì thêm, ông cắn răng nói: “Hãy làm theo cách ông bảo đi!”
Buổi lễ cúng bái lần này, do chính tay đạo sĩ chủ trì, ông ta bận rộn chạy vạy khắp nơi, thậm chí còn vay tiền mua một chiếc quan tài tốt, đích thân ở lại bờ sông quan sát động tĩnh của đứa trẻ.
Ngày hôm sau, ông lão vội vội vàng vàng chạy ra bên bờ sông, mở nắp quan tài. Lúc này, ông phát hiện bên ngoài quan tài giống như bị ai té nước vào, nắp quan tài vốn được đóng chặt, nay cũng đã bị mở hé ra một chút.
Ông lão dùng hết sức mở nắp quan tài ra, nhưng chân tay đều đã mềm nhũn, không thể mở nổi.
Trong lòng ông vừa hoảng sợ, vừa đau khổ, nước mắt giàn giụa, ông biết, con mình chắc chắn đã c.hết rồi.
Lúc này, từ trong quan tài bỗng phát ra âm thanh vô cùng quen thuộc: “Cha ơi!”
Đứa trẻ chưa c.hết.
Không những không c.hết, sau khi nghỉ ngơi một thời gian, nó đã lớn vọt hẳn lên, khỏe mạnh, lại còn trở nên thông minh, có thể nói là hơn trước gấp nhiều lần.
Ông lão cười nói: “Mấy người biết không, nó còn thạo viết bút lông đấy, lại còn tỏ tường mấy thứ như đàn tranh, nghe nó đánh có vẻ rất chuyên nghiệp, hiểu biết sâu rộng.”
Ông lão cười lớn nói tiếp: “Đời tôi, nuôi được đứa con như vậy, cũng coi như có phúc ba đời.”
Khi đó tôi cũng mừng thay cho ông, còn mời ông ta uống một ly. Cuối cùng, ông lão say khướt, đẩy cửa quán ra về, nói rằng hôm nay sinh nhật, con trai ở nhà đã mua sẵn bánh kem đợi ông về cùng ăn.
Sau đó, tôi đem chuyện này kể cho đạo sĩ Mã ở Chung Nam Sơn nghe.
Đạo sĩ Mã hỏi lại tôi một vấn đề: “Lão đạo sĩ kia đi đâu rồi?”
Tôi nhớ lại câu chuyện, ông lão từng nói, vị đạo sĩ đó mất tích rồi, từ tối hôm làm lễ bên bờ sông trở đi, không ai trông thấy ông ta nữa.
Đạo sĩ Mã thở dài, không nói gì.
Tôi vội vàng hỏi chuyện.
Ông ta đáp lại, tính cách và bản chất của một người, quả thực có thể thay đổi, nhưng nhiều thứ, không phải cứ dựa vào nỗ lực là có thể làm được. Ví dụ như viết bút lông và đánh đàn tranh, đều cần nhiều năm tháng tích lũy mới có được, làm gì có chuyện một người nào đó bỗng nhiên trở nên rất giỏi, trừ khi…
Tôi vội vã hỏi: “Trừ khi gì?”
Đạo sĩ Mã nói: “Trừ khi, người đó, là một người khác. Người này, rất am hiểu về thư pháp và đàn tranh, chỉ có điều mọi người không hề nhận ra mà thôi.”
Tôi trầm lặng một lúc, hỏi lại: “Ông đạo sĩ đó… làm phép thay hồn đổi x.ác?”
Đạo sĩ Mã lắc đầu: “Có lẽ thứ gì đó ở trong nước làm cũng nên.”
Tôi có chút hoảng sợ, nhớ lại dáng vẻ chất phác thật thà của ông lão, hỏi đạo sĩ Mã: “Thế chúng ta có nên giúp ông lão kia không?”
Đạo sĩ Mã lắc đầu nói: “Đạo pháp phải dựa theo lẽ trời, ông ấy không cầu cứu ta, thì ta cũng không có cách nào giúp được. Nhưng, theo lời kể, đứa bé đó đối xử với ông ấy rất tốt, cũng coi như an ủi phần đời còn lại của ông ấy rồi.”
Tôi có chút không chấp nhận được sự thật này, nói: “Nhưng, đây không còn là đứa trẻ ban đầu nữa rồi!”
Đạo sĩ Mã cười: “Một đứa trẻ muốn trưởng thành, phải trải qua “tam tai bát nạn”, nếu vượt qua được, coi đó là kiếp, còn nếu không, thì đó là nạn, làm gì có chuyện đơn giản như vậy? Vả lại, anh tưởng rằng, những đứa trẻ ở trên thế gian này, đều là những đứa trẻ ban đầu hay sao?
- HẾT -
cre: (facebook )Dịch bởi: Vịt Om Măng: Group Weibo Việt Nam
 
Last edited:
Top Bottom