Đinh Bộ Lĩnh mặc dù đã hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, lên ngôi Hoàng đế, lập ra vương triều Đinh, nhưng thế và lực chưa đủ mạnh, tình hình vùng châu thổ sông Hồng vẫn còn rất phức tạp và nhà Tống đang lăm le xâm lấn bờ cõi, nên không thể trụ lại ở Cổ Loa hay Đại La, mà trở về đóng đô trên đất bản bộ Hoa Lư, vừa tranh thủ tăng cường lực lượng, vừa giữ an toàn cho triều đình.
Kinh đô Hoa Lư chủ yếu nằm trên địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, được bao bọc bởi hệ thống núi đá vôi khá hiểm trở. Nơi đây từ sớm đã là một tụ điểm cư dân ở vào vị trí yết hầu trên đường trục đường Nam - Bắc, liền sông và không xa biển.
Mạch máu giao thông quan trọng nhất nối Hoa Lư với châu thổ sông Hồng và mọi miền đất nước là con đường thủy qua sông Hoàng Long, sông Đáy, đổ ra cửa biển Thần Đầu (Thần Phù), thông sang Châu Ái và khu vực phía Nam đất nước.
Đinh Bộ Lĩnh cho xây đắp 10 đoạn thành lũy nối liền các quả núi tự nhiên lại với nhau tạo nên hai vòng thành khép kín là Thành Ngoại và Thành Nội. Dấu tích các đền đài cung điện không còn trên mặt đất, nhưng qua kết quả khai quật khảo cổ học có thể cho phép hình dung một cấu trúc tổng thể của kinh đô và những nét độc đáo của công trình xây dựng quy mô lớn đầu tiên của quốc gia Đại Cồ Việt .
Cái chết bất ngờ của Đinh Tiên Hoàng và con trưởng Đinh Liễn đã đẩy triều đình nhà Đinh vốn có dấu hiệu rạn vỡ trước đó vào nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn. Lợi dụng cơ hội này, nhà Tống phát quân xâm lược Đại Cồ Việt. Lê Hoàn được sự ủng hộ của Dương Thái Hậu và triều đình Hoa Lư lên ngôi Hoàng đế, lập ra vương triều Lê (Tiền Lê) và tổ chức kháng chiến.
Sau chiến thắng quân xâm lược Tống, Lê Hoàn tập trung công sức ổn định tình hình đất nước, tổ chức lại chính quyền, phát triển sản xuất. Ông cho tu sửa và xây dựng thêm nhiều đền đài, cung điện.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép vào năm 984: “Làm nhiều cung điện nhà cửa: dựng điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân, cột giát vàng bạc, làm nơi coi chầu; phía đông là điện Phong Lưu, phía tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc. Tiếp đó làm lầu Đại Vân, dựng tiếp điện Trường Xuân làm nơi vua nghỉ. Bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng điện Long Lộc, mái lợp ngói bạc” .
Đến đây quốc gia Đại Cồ Việt đã thực sự có một đế đô tráng lệ, khiến viên sứ thần nhà Tống là Tống Cảo khi đến Hoa Lư vào năm 990 cảm thấy “Hoa Lư không khác Trường An đời nhà Hán”.
Nhà Đinh và nhà Tiền Lê đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình) là đúng đắn và cần thiết, trong bối cảnh cuối thế kỷ X, chính quyền Trung ương đang phải đối phó với sức tiềm ẩn của các thế lực cát cứ trong nước và mưu đồ xâm lược của nước ngoài.
Trong hơn 42 năm (968-1010), kinh đô Hoa Lư đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó, tạo điều kiện cho triều Đinh (968-980) và Tiền Lê (980-1009) củng cố chính quyền trung ương, bảo vệ nền độc lập dân tộc, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ nhất của quân Tống (980-981) và giữ vững nền thống nhất quốc gia, đặt cơ sở cho bước phát triển toàn diện và trội vượt của đất nước.
Định đô Thăng Long
Hoa Lư với địa thế núi non hiểm trở đã dần dần bộc lộ những hạn chế, không còn phù hợp với yêu cầu xây dựng đất nước trên quy mô lớn, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế, mở mang văn hóa.
Mặt khác cũng do sự chuyển đổi của dòng sông, bến bãi, mà từ cái thế “đắc địa” đã làm nên kỳ tích của hai vương triều Đinh-Lê, dần dần Hoa Lư đã mất đi vị trí thuận lợi. Dưới con mắt của Lý Công Uẩn, người sáng lập vương triều Lý năm 1009, thì “thành Hoa Lư ẩm thấp, chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương” , khiến ông “rất đau đớn, không thể không dời”.
Vấn đề đặt ra lúc này là dời đô đi đâu? Lý Công Uẩn đã “xem khắp nước Việt” và nhận thấy chỉ có khu vực thành Đại La mới “là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.
Ông đã thể hiện một cách tuyệt vời tầm nhìn xuyên thấu không gian, xuyên suốt thời gian khi giải thích: “thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng đất này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh” .
Như thế, hơn bất cứ một khu vực nào trong nước, khu vực thành Đại La theo quan niệm của Lý Công Uẩn, vốn là một kinh đô, đã hội đủ được tất cả các điều kiện, các lợi thế để xây dựng một đế đô, kinh sư lâu dài, vĩnh viễn, “trên cho nghiệp đế được thịnh vượng lớn lao, dưới cho dân chúng được đông đúc giàu có” .
Tất cả những điều kiện tự nhiên và kết quả phát triển của lịch sử đã tạo dựng những tiền đề cho Đại La đóng vai trò kinh đô của đất nước thời kỳ phục hưng dân tộc. Lý Công Uẩn không chỉ nhận thức sâu sắc tất cả những tiền đề đó, mà điều quan trọng hơn là ông hoàn toàn ký thác niềm tin của mình ở sức mạnh của đất nước, ở tương lai phát triển của dân tộc.
Quyết định dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La của Lý Công Uẩn là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị, trù tính, tìm chọn của cả dân tộc hàng nghìn năm nên trở thành tuyệt đối đúng, đáp ứng được trọn vẹn không chỉ nhu cầu phát triển của đất nước, ý chí của Hoàng đế và vương triều mà còn là nguyện vọng tha thiết của toàn dân.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ cả về tinh thần lẫn vật chất, vào mùa Thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1010) Lý Công Uẩn đích thân tổ chức việc dời đô từ thành Hoa Lư ra kinh phủ ở thành Đại La. Khi thuyền vừa đến nơi, đang tạm đỗ dưới thành thì bỗng có rồng vàng hiện lên trên thuyền ngự.
Nhân đó Lý Công Uẩn quyết định đổi tên thành gọi là thành Thăng Long . Thành Thăng Long với biểu tượng Rồng Bay vừa mang khí thế vươn lên mạnh mẽ của dân tộc, vừa chứa đựng ý niệm thiêng liêng về cội nguồn Rồng Tiên và ước mơ về nguồn nước, mưa thuận gió hòa của cư dân Văn minh nông nghiệp trồng lúa nước.
Ngay trong mùa Thu năm 1010 lịch sử ấy, Lý Công Uẩn đã tập trung chỉ đạo xây dựng một số cung điện quan trọng nhất làm nơi ở và làm việc của Vua, Triều đình và Hoàng gia, mà trung tâm là điện Càn Nguyên (ở khu nền điện Kính Thiên hiện nay).
Bên tả điện Càn Nguyên ông cho dựng điện Tập Hiền và bên hữu là điện Giảng Võ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết thêm: “Lại mở cửa Long Phi thông với cung Nghinh Xuân, cửa Đan Phượng thông với cung Uy Viễn. Hướng chính Nam dựng điện Cao Minh đều có thềm rồng. Trong thềm rồng có hành lang dẫn ra xung quanh bốn phía. Sau điện Càn Nguyên dựng hai điện Long An, Long Thụy làm nơi vua nghỉ, bên tả dựng điện Nhật Quang, bên hữu xây điện Nguyệt Minh, phía sau dựng hai cung Thúy Hoa Long Thụy làm chỗ cho cung nữ.
Một vòng thành bao quanh các cung điện cũng được xây đắp bằng đất, phía ngoài có hào, mở 4 cửa: Tường Phù, Quảng Phúc, Đại Hưng, Diệu Đức. Ở trong thành Lý Công Uẩn cho dựng chùa ngự Hưng Thiên và tinh Lâu Ngũ Phượng, bên ngoài về phía nam là chùa Thắng Nghiêm…
Năm sau, năm 1011 Lý Công Uẩn còn cho dựng thêm các cung Thái Thanh, chùa Vạn Tuế, kho Trấn Phúc ở trong thành và các chùa Tứ Đại Thiên Vương, Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ ở ngoài thành.
Kết quả khai quật Khảo cổ học những năm gần đây tại 18 Hoàng Diệu và khu khuôn viên Hội trường Ba Đình đã phát lộ một phần phía Tây của Cấm Thành thời Lý, trong đó những di tích kiến trúc cho phép hình dung quy mô bề thế, cấu trúc hợp lý, cân đối, hài hòa của các cung điện được xây chồng lên các di tích Đại La với các loại vật liệu xây dựng và đồ gốm sứ minh chứng cho một trình độ kỹ thuật cao và nghệ thuật tinh xảo.
Thành Thăng Long từ thời Lý đã gồm 3 vòng thành, trong đó Cấm Thành là trung tâm chính trị của Vương triều. Phía ngoài, cùng với một số cung điện, chùa tháp là khu vực cư trú, buôn bán, làm ăn của dân chúng gồm các bến chợ, phố phường và cả các thôn trại. La Thành là vòng thành ngoài cùng có chức năng vừa là thành lũy bảo vệ vừa là đê ngăn lũ lụt.
Ngay từ khi kiến lập kinh thành Thăng Long, Lý Công Uẩn đã triệt để tận dụng địa thế tự nhiên trong quy hoạch xây dựng nhằm biến những sông, hồ thành những con hào tự nhiên, những đường giao thông thủy thuận tiện và một hệ thống thoát nước liên hoàn, điều tiết môi trường, bảo vệ cảnh quan sinh thái.
Công việc tạo dựng kinh đô mới thật gian nan vất vả. Thế mà chỉ vài ba năm sau, một kinh đô “đủ làm chỗ ở của đế vương” đã thành hiện thực. Nhà sử học đời Trần Lê Văn Hưu (1230 - 1322) trách Lý Công Uẩn đã “tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể” . Lời trách ấy gián tiếp xác nhận những cố gắng phi thường của ông.
Sau Lê Văn Hưu gần nửa thiên niên kỷ, sử thần Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780) đã có đủ cơ sở để nhìn nhận và đánh giá đúng tầm vóc của sự kiện định đô Thăng Long của Lý Công Uẩn: “Đất Long Đỗ là nơi Cao Biền đóng đô ở đấy, núi Tản Viên chống vững một cõi, sông Phú Lương như hào trời sinh ra, ngàn dặm bằng phẳng, trăm họ giàu có; phía tây thông với Sơn Tây, Tuyên Hưng; phía Bắc thấu đến Ninh Sóc Kinh Bắc.
Miền đông nam thì vận chuyển bằng thuyền, miền tây bắc thì liên lạc bằng trạm, là nơi trung tâm của nước, bốn phương chầu về, núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng là sông, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiểm, rộng mà dài, có thể làm cho nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền.
Hình thế nước Việt thật không nơi nào hơn được nơi này. Cho nên trước kia nhà Đinh, nhà Lê bỏ đất đó mà ở Hoa Lư, sau đó nhà Hồ cũng bỏ đất đó mà ở An Tôn thì đời làm vua ngắn ngủi, thân bị bắt, nước bị mất, là vì không được “địa lợi” đấy! Lý Thái Tổ lên ngôi, chưa vội làm việc khác, mà trước tiên mưu tính việc định đô đặt đỉnh, xét về sự quyết đoán sáng suốt, mưu kế anh hùng, thực những vua tầm thường không thể theo kịp.
Cho nên truyền ngôi hơn 200 năm, đánh giặc Tống, dẹp giặc Chiêm, nước mạnh dân giàu, có thể gọi là đời rất thịnh trị. Các vua đời sau noi theo đều gìn giữ được ngôi vua, chống chọi với Trung Quốc. Lý Thái Tổ có thể nói là một bậc vua biết mưu tính việc lớn đấy!” .
Lý Công Uẩn là người sáng lập ra Vương triều Lý (1009 - 1226) - Vương triều rạng rỡ văn trị, võ công, khai mở và xác lập thời kỳ phát triển toàn diện và rực rỡ nhất của lịch sử Việt Nam.
Là con người kết tinh của lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Lý Công Uẩn khéo biết đúc kết và kế thừa toàn bộ tri thức, kinh nghiệm của cha ông, vươn tới nhãn quan chính trị rộng lớn và tầm nhìn thiên niên kỷ. Ông là nhà thiết kế, nhà thi công, tác giả đầu tiên, vĩ đại nhất của kinh đô Thăng Long - Kinh đô, Thủ đô của quốc gia Đại Việt, của đất nước Việt Nam nghìn năm qua và mãi mãi về sau.
(hết roài đó bạn)