Vấn đề này của bạn thực ra cũng là vấn đề chung của khá nhiều bạn trẻ, trong thời đại các tác phẩm văn học và cả phi văn học bán tràn lan và nhiều khi không được kiểm duyệt kỹ: đó là đọc thế nào, đọc gì và cảm thụ thứ mình đọc như thế nào ?
Thứ nhất , tôi không phê bình truyện kiếm hiệp. Bản thân tôi cũng đã đọc nhieu tác phẩm kiếm hiệp và rất say mê. Vì nhìn từ góc độ nào đó, một số tác phẩm kiếm hiệp là những câu chuyện thực sữ có giá trị: là những bài học về lối sống, về quá khứ và cả cách làm người. Những câu chuyện của Kim Dung, của Cổ Long trước nay vẫn làm say lòng rất nhiều bạn đọc thế hệ trẻ, và thực tế cả hai nhà văn đều đã được công nhận là những người viết chân chính, cũng như truyện của họ được đón nhận nồng nhiệt ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Nhưng vấn đề chung là: bạn tiếp thu một tác phẩm như thế nào. Sau khi bạn đọc một câu chuyện, bạn thấy mình ở đâu, phải đi đâu và làm gì. Tôi nhậ ra bạn dường như quá chú tâm vào các tình huống chém giết, hơn thế: còn khập khiễng đem nó vào truyện cổ của Việt Nam (?).
Trước hết, tôi cần phải khẳng định ngay rằng: so sánh của bạn là khập khiễng. Bởi vì mỗi câu chuyện đều hàm chứa một ý nghĩa mà nhà văn, nhà thơ muốn chúng ta nhận thấy được. Do đó, không thể so sánh , kể cả những cách “chém , giết “ mà bạn nói từ một tác phẩm này sang một tác phẩm khác, càng không thể ở hai mảng đề tài khác xa nhau: kiếm hiệp và cổ tích..
Dường như bạn không hiểu, tất cả mọi tư tưởng trong truyện cổ mà cha ông muốn truyền tải, chúng ta đều dễ dàng nhận ra: đó là thiện thắng ác (Tấm Cám hay Thạch Sanh), hay là chất bi hùng thường thấy trong sử thi, nỗi đau mất nước và kẻ bán nước cần phải bị trừng phạt, bất kể là vô tình hay hữu ý (Mị Châu-Trọng Thuỷ). Nói khác hơn, chừng nào chúng ta còn thấy căm phẫn cho sự ác độc của mẹ con Cám hay chàng Lý Thông, chúng ta còn thương cho cô Tấm và Thạch Sanh, chúng ta buồn cái buồn mất nước ảm đạm trong An Dương Vương, thì truyện cổ tích vẫn còn giữ nguyên giá trị của mình: người đưa đường từ dĩ vãng.
Thực chất, tất cả những cái bạn gọi là “bạo lực” trong truyện cổ, phần nó xuất phát từ một hình thức của tư tuởng “đấu tranh tự phát”(theo C.Mác) của nhân dân lúc đó còn chưa có người dẫn dắt, mong chống lại bất công; phần lại xuất phát từ quan niẹm bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền (kẻ bán nước luôn phải bị trừng trị, bất luận là như thế nào), phần gián tiếp phản ảnh quá trình dựng nước (như trong Lạc Long Quân hay Sơn Tinh, Thuỷ Tinh). Vì thế mọi nhân vật trong truyện cổ đều mang tính hình tượng , là đại diện cho một tập thể, một giai cấp, một dân tộc (khác với những nhân vật trong các tiểu thuyết hiện đại), mọi hành động của nhân vật đó cũng là phản ảnh một điều gì đó của dân tộc trong quá khứ. Không thể nói là bạo lực, càng không thể nói gây kích động, bởi mỗi chúng ta từ nhỏ ít nhiều đều cảm được, tiếp thu được một chút gì đó của cha ông để lại trong câu chuyện xưa.
Một phần khác, do xuất phát từ dân gian, nên đó là thái độ của quần chúng nhân dân, là một tập thể mà bạn thuộc về. Nhân dân ta tuy không khoan nhượng trước cái ác, trước kẻ thù, nhưng cũng sẵn sàng tha thứ cho những sai lầm không đáng có. Nhân dân ta trừng phạt những vẫn thương cho nàng Mị Châu chung thuỷ. Đó là tâm nguyện, là tiếng nói chung của dân tộc Việt Nam, của dòng giống lạc hồng, quê hương nơi bạn sinh ra và lớn lên. Chừng nào bạn còn gắn bó với mảnh đất này, thì bạn vẫn còn hiểu ra những gì cha ông để lại. Truyện cổ tích làm sao kích động bạn được.
Trong khi trong truyện kiếm hiệp, thì những hình tượng nhân vật phần nhiều là hình tượng cá nhân , suy nghĩ cũng là suy nghĩ cá nhân (có lẽ đó là nguyên do những câu chuyện này bị cấm lưu hành những năm trước đổi mới), đòi hỏi bạn phải có một tầm cảm thụ sau hơn. Ẩn sau mỗi nhân vật, dĩ nhiên vẫn là những câu chuyện mà nhà văn muốn kể ta nghe. Nhưng vì nó cá nhân quá, nó chẳng đại diện cho cái gì hết, mà tuổi trẻ thường nông nổi cho nên thường nhầm nó với cái bồng bột trong mình mà bắt chước theo. Như vậy rất có hại cho những suy nghĩ còn non trẻ của các bạn.
Truyện kiếm hiệp không phải là không nên đọc, nhưng đọc như thế nào để hiểu được những gì mà tác giải muốn truyền tải để rút ra kinh nghiệm sống cho mình (thực chất một vài truyện của Kim Dung đã được đưa vào chương trình học của trung quốc). Mà những điều này lại được các nhà văn đặt sau những tình huống “bạo lực”, bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ không chịu khó tìm hiểu và nghiền ngẫm chắc chắn sẽ chỉ thấy những tình huống đâm , chém, tranh giành vô nghĩa. Đó hăn là những điều nhà văn khôgn muốn chúng ta làm, nhất là khi có ngày càng nhiều “nhà văn” cho ra đời các tác phẩm kiếm hiệp ít giá trị hơn vàg tăng tính bạo lực để câu khách.