Một trong những nét đẹp trong phẩm chất của con người từ xưa đến nay vẫn luôn được đề cao, đó là đức tính trung thực. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, trong khi thi cũng như trong cuộc sống, sự trung thực, không gian dối luôn là một trong những yếu tố tiên quyết để làm nên phẩm chất của một con người, cũng như để đánh giá chính xác con người đó. Trong văn học dân gian từ ngàn xưa, không mấy ai còn xa lạ với những câu ngạn ngữ đề cao sự trung thực như: “Cây ngay không sợ chết đứng”, “khôn ngoan chẳng lọ thật thà” …Vậy nên sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi một người bố, Tổng thống A. Lin-côn, trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, đã viết: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi…”
Xem ra câu nói trên đây của vị Tổng thống thật quá rõ ràng. Tuy nhiên để hiểu một cách chính xác và không sai lệch về vấn đề này, không phải lúc nào cũng dễ. Sự trung thực trong thi cử thật đã quá rõ ràng, nhưng sự trung thực trong cuộc sống liệu có phải lúc nào cũng phải tuân thủ tuyệt đối. Hay nói khác, trong cuộc sống sự trung thực liệu có phải lúc nào cũng tốt? Chúng ta hãy đi sâu tìm hiểu vấn đề này.
Trước hết, chúng ta cần phải hiểu sự trung thực nghĩa là gì? Hẳn trong chúng ta không ai lại không biết rằng, trung thực là không gian dối, là ngay thẳng, là lời nói đi đôi với việc làm…Xét từ góc độ ngữ nghĩa, trung thực là một từ gốc Hán được cấu thành bởi hai thành tố: trung và thực (trung là ngay thẳng, thực là thật thà). Cũng có thể giải thích “trung” là một dạ một lòng, dù hoàn cảnh nào cũng không thay đổi (kiên trung) và “thực” là lẽ phải, là cái tồn tại thật, chân lí. Nói tóm lại cả hai yếu tố này đều khẳng định đề cao cái đẹp, cái thiên lương của con người trong cuộc sống. Một con người trung thực là một người luôn nói thật với lòng mình, không dối trá, không thay hình đổi dạng dù cuộc sống có khó khăn đến bao nhiêu…
Sự trung thực của con người cũng giống như những thực thể tồn tại của thiên nhiên, như gió mưa và mặt trời, dù êm ả hay dữ dằn, nó vẫn muôn đời diễn ra như thế. Tương tự như vậy, sự gian lận trong thi cử và rộng hơn là trong cuộc sống con người vẫn thường diễn ra ở đó hoặc đây khiến con người không thể không lưu tâm. Cùng một xuất phát điểm như nhau, nhưng có những người kiên trì đi từng bước chậm rãi, khó nhọc vượt qua những chông gai, thử thách để đạt tới thành công, vậy nhưng trong cuộc chạy đua với một kẻ gian dối, họ vẫn là người thua cuộc. Tại sao sự gian lận là điều xấu xa ai ai cũng biết mà nó vẫn có cơ tồn tại trong mọi xã hội và ngay trong cả xã hội ta hiện nay? Có lẽ bởi, trong xã hội của bất cứ thời kì nào, đất nước nào cũng vẫn tồn tại những kẻ lười nhác, ngu ***…nhưng lại luôn đòi hỏi một cuộc sống hơn người. Câu chuyện Lí Thông cướp công Thạch Sanh trong kho tàng truyện dân gian nước ta phải chăng vẫn luôn là một bài học nóng hổi. Nó là một tấm gương để tất cả mọi người phải biết tự răn mình và phải luôn nêu cao cảnh giác. Bởi lẽ, dù có gian dối, xảo trá bao nhiêu, Lí Thông cuối cùng rồi cũng bị trừng phạt. Người có công Thạch Sanh, cuối cùng vẫn cứ được tri ân. Đó là lí do khiến tôi luôn có niềm tin rằng, dù trong cuộc sống vẫn còn sự gian dối, nhưng “thành công” của việc làm gian dối như thế, sẽ không có cơ sở tồn tại lâu dài. Bởi như danh ngôn có câu “Những gì không phải của mình thì rồi nó cũng sẽ nhanh chóng ra đi”, ánh hào quang có được nhờ vào những việc làm gian dối, sớm muộn rồi cũng sẽ tắt. Bởi ánh hào quang ấy không được đốt lên bằng chính nội lực trái tim của mình…
Trở lại lời “cầu xin” của Tổng thống Mĩ A. Lin-côn với thầy hiệu trưởng cho đứa con trai của mình, bản thân tôi là một học sinh đang đi thi, tôi thấy vô cùng thấm thía. Là người đứng đầu một đất nước, hẳn Lin-côn không khó khăn gì để trải “tấm thảm hoa” cho đứa con trai của mình, không phải chỉ những năm còn học trong trường, mà cả khi đã trưởng thành trong cuộc sống. Thậm chí ngay cả khi ông không trực tiếp yêu cầu điều đó, ở một nơi, sự trung thực không được đặt ở tiêu chí hàng đầu, những kẻ thiếu trung thực dưới quyền ông cũng có thể sẵn sàng làm điều đó. Chẳng phải vì họ quan tâm đến ông, mà đó là quan tâm đến chính họ. Một người biết nhìn xa trông rộng, biết vì cái đại thể mà quên đi lợi ích của riêng mình, tôi nghĩ rằng không ai lại không đồng cảm với vị Tổng thống Lin-côn. Thêm nữa, biết đâu, vị Tổng thống đáng kính ấy còn suy nghĩ sâu xa hơn, sự vấp ngã trong một kì thi nhỏ, sẽ ngáng chân con trai ông trong trong suốt cả cuộc đời. Trong cuộc đời con người còn có biết bao kì thi, mà không chỉ có những kì thi công khai, có ban giám khảo, phải cạnh tranh với nhiều người, mà còn có cả những kì thi của chỉ riêng một người, kì thi với chính bản thân mình, kì thi của lòng trung thực. Theo tôi hiểu, sự trung thực luôn nên là bài học đầu tiên cho tất cả mọi người ngay cả khi chưa bước chân đến trường. Bởi lẽ, suy cho cùng, so với cả một cuộc đời dài, thì con người ta trải qua thi cử với đúng nghĩa của nó chỉ trong một thời gian ngắn. Vì thế, bài học về sự trung thực vẫn cứ phải luôn được “nằm lòng” trong suốt cả cuộc đời. Trung thực trong cuộc sống là trung thực trong công việc, trong quan hệ với tất cả mọi người xung quanh và với cả chính bản thân mình. Tôi cũng nghĩ, đôi khi ta cũng nên hiểu, sự trung thực trong cuộc sống, giữ được nó thật khó lắm thay. Vì thế, không nên vận dụng nó một cách máy móc. Nhà văn Anh O. Henri trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng kể câu chuỵện một hoạ sĩ vì muốn cứu mạng sống một đứa bé tội nghiệp lâm bệnh nặng đã buộc phải vẽ chiếc lá xanh trên tường, để đánh lừa chiếc lá vẫn còn tươi. Người nghệ sĩ kia đã nói dối đứa bé, nhưng lại “trung thực” với lương tâm của mình, thì rõ ràng hành động cao đẹp của ông là đáng được ca ngợi. Cũng như thế, một người bác sĩ hay người thân của một bệnh nhân đang mang trong mình căn bệnh nan y, trung thực với bệnh nhân hay nói dối anh ta, nên lựa chọn giải pháp nào. Tôi nghĩ rằng, chắc ai cũng sẽ tự tìm cho mình câu trả lời đó. Và đó chính là điều khó khăn trong việc vận dụng sự trung thực của mọi xã hội, chứ không phải riêng ở nước Mĩ, hay ở nước ta.
Nói tóm lại, trung thực trong thi cử cũng như trong cuộc sống là một đức tính cần được đề cao và ý thức rõ trong mỗi người chúng ta trong xã hội hiện nay. Một xã hội muốn tốt đẹp thì bản thân mỗi người phải là một cá thể đẹp. Để xoá bỏ hoàn toàn “bệnh thành tích”, những gian dối trong thi cử, trong công việc hàng ngày, trong cuộc sống, rất cần sự đấu tranh của số đông người, của tập thể cũng như ý thức tự giác của mỗi cá nhân. Sự thật sẽ luôn là sự thật cho dù nó vẫn luôn là một liều thuốc đắng với tất cả mọi người, kể cả vị Tổng thống Mĩ A. Lin-côn.