Bạn có thể tham khảo tại đây nè ,mà đã có người đăng bài giống cậu rồi mà :
(
http://diendan.hocmai.vn/showthread.php?t=69737 )
Hay tớ cóp luôn rùi post lên cho cậu xem nè ( nhớ là của Ngocthinhdan đấy tại trang web trên đó )
Chương trình Ngữ văn lớp 7 đổi mới
Người lớn cũng... phát khùng!
10:58', 19/11/ 2004 (GMT+7)
“Các em học sinh đang rất ngán môn văn”. Đó là nhận định của hầu hết các giáo viên trực tiếp giảng dạy bộ môn Ngữ văn lớp 7 mà chúng tôi được tiếp xúc ở một số trường THCS đóng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Học sinh: Nuốt không trôi
Học sinh lớp 7/B Trường THCS Bàn Cờ (quận 3) ôn bài môn Ngữ văn 7 đổi mới.
Ảnh: C.Th.
Trong một buổi đến chơi nhà người bạn, tôi thực sự ngạc nhiên khi nghe cô em gái của anh bạn tôi ra rả như con vẹt: “Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên, Bán vô bán hữu tịch dương biên, Mục đồng tịch lí ngưu quy tận, Bạch lộ song song phi hạ điền”. Nghe xong mà tôi chẳng hiểu tí ti gì, mở sách ra xem thì mới biết đó là bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” của vua Trần Nhân Tông trong chương trình Ngữ văn lớp 7 đổi mới.
Sau phần phiên âm từ chữ Hán, bài thơ tiếp tục được dịch nghĩa rồi mới dịch thơ. Theo yêu cầu của bài học, các em học sinh phải học thuộc cả ba phần: phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ. Đã vậy, ngay đầu bài còn ghi rõ “Tự học có hướng dẫn”.
Mặc dù là học sinh giỏi năm lớp 6 nhưng em Phạm Trường Thái, học sinh lớp 7 Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) than: “Các môn khác em học thấy thoải mái lắm, nhưng môn văn thì thật chán”. Theo như Thái nói thì để có thể thuộc lòng một bài thơ kiểu như bài “Thiên Trường vãn vọng” hay “Vọng Lư sơn bộc bố” của Lý Bạch, em phải mất những hai ngày trời ngâm nga từng chữ một.
“Ở nhà tụi em thuộc làu làu nhưng lên lớp trả bài chỉ cần quên một chữ là quên hết à”, em Hoàng Mai, học sinh lớp 7 Trường THCS Bàn Cờ (quận 3) cho biết. Theo chương trình đổi mới thì chỉ trong tập một của sách giáo khoa Ngữ văn 7 gồm 17 bài thì phần “văn” đã có tới 8 bài thơ cổ được dịch từ chữ Hán.
Nếu như phần văn được coi là “khó nuốt” thì phần Tập làm văn cũng là cả một vấn đề khiến không ít em học sinh phải “cầu cứu” sự trợ giúp của anh chị hoặc bố mẹ khi học ở nhà. Bởi ngoài các loại văn miêu tả, kể, biểu cảm, trong chương trình Ngữ văn 7 đổi mới các em còn phải “gánh” thêm phần văn nghị luận.
Như đánh giá lâu nay của các nhà nghiên cứu văn học thì văn nghị luận đòi hỏi một tư duy và lôgíc cao. Qua hơn một năm giảng dạy chương trình Ngữ văn 7 đổi mới, nhiều giáo viên đã có chung nhận xét là điểm văn nghị luận của các em không cao. Cũng thật dễ hiểu vì với kiến thức và trí tuệ của học sinh 13 tuổi, các em chưa đủ để lập luận một cách lôgíc các vấn đề.
Thầy trò căng thẳng
Từ năm học 2003, theo chủ trương của Bộ Giáo dục-Đào tạo, chương trình giảng dạy môn Ngữ văn 7 đổi mới bắt đầu triển khai thực hiện. Đây là môn học được đổi mới đáng kể so với các môn học khác cùng cấp. Nếu trong chương trình cũ, môn Ngữ văn được chia làm 3 môn là Văn, Tập làm văn và Tiếng Việt thì trong chương trình đổi mới chúng được gom lại thành một môn là Ngữ văn. Mà nói như các nhà biên soạn thì đó là đổi mới “theo hướng tích hợp” nhằm “giảm tải”. Thế nhưng, “tích hợp” thì đã thấy mà “giảm tải” thì chưa, thậm chí còn làm “tăng tải”.
Theo cô Trần Thị Cẩm Vân, giáo viên dạy Ngữ văn 7 Trường THCS Bàn Cờ (quận 3), chương trình đổi mới thực sự là một gánh nặng cho học sinh và giáo viên. Vì theo hướng tích hợp nên mỗi bài thường có 3 phần: Văn (văn bản); Tiếng Việt (từ, câu…) và Tập làm văn (biểu cảm, nghị luận…) ***g vào nhau. Trong đó, phần Văn là nặng hơn cả.
Đã vậy, chủ yếu là văn thơ thời trung cổ như của Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Lý Bạch, Đỗ Phủ…, giáo viên muốn hiểu hết ý nghĩa của các loại thơ văn đó đã khó, huống hồ học sinh. Vả lại, những thể loại văn thơ ấy không thích hợp với tâm sinh lý các em. Chính vì vậy, ngay khi vào lớp 7, tâm thế các em học sinh đã rất “ngán” môn Ngữ văn khiến các em không mặn mà lắm với môn học này.
So sánh giữa chương trình cũ và đổi mới, cô Trần Thị Ngọc Anh, trưởng bộ môn Văn Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình) cho rằng, với chương trình mới học sinh chủ động bày tỏ ý kiến cảm nhận, còn giáo viên chỉ dẫn dắt. Điều này buộc các em phải bỏ nhiều thời gian soạn bài, chuẩn bị bài kỹ thì đến lớp mới hiểu bài được, nghĩa là áp lực đè lên các em nhiều hơn.
Trong khi ở chương trình cũ, giáo viên là chủ đạo, giảng giải cặn kẽ cho học sinh rồi tự học sinh rút ra ý nghĩa kết luận. Riêng ở phần “văn” không tuân theo một trình tự “văn học sử” nên rất khó cho giáo viên khi hệ thống phương pháp giảng dạy. Vì vậy, nói là áp dụng phương pháp giảng dạy mới nhiều cô giáo vẫn “xài” phương pháp truyền thống.
Về phần Tập làm văn, nhiều giáo viên cho rằng phần nghị luận là “quá sức” đối với học sinh lớp 7 (chương trình cũ không có phần nghị luận). Điều đáng nói nữa là tuy đã “tích hợp” nhưng thực tế đang có sự mâu thuẫn giữa dung lượng thời gian và nội dung chương trình. Với thời lượng 4 tiết/tuần, mỗi tiết 45 phút, “thời gian hết mà bài chưa hết”. Chẳng hạn ở bài “Phò giá về kinh” (Tụng giá hoàn kinh sư) của Trần Quang Khải, giáo viên không những cho học sinh đọc phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ, rồi giảng nghĩa mà để hiểu được bài ít nhất cũng phải biết hoàn cảnh xuất xứ của bài thơ, mà riêng phần giới thiệu xuất xứ cũng đã hơn 15 phút.
Vì thế, Ban giám hiệu một số trường đã tự tăng tiết môn Ngữ văn để giải quyết áp lực bài vở cho các em, nhưng thực tế tăng tiết cũng đã quá tải với các em. Giáo trình như vậy, đừng nói là trẻ con, đến người lớn cũng phát khùng nếu phải học. Thật nghịch lý khi đổi mới để giảm tải lại thêm quá tải!