Kinh văn:
“Đệ tử quy, Thánh nhân huấn: Thủ hiếu đễ, thứ cẩn tín, phiếm ái chúng, nhi thân nhân, hữu dư lực, tắc học văn”.
“Phép người con, Thánh nhân dạy: Hiếu đễ trước, kế cẩn tín, yêu bình đẳng, gần người nhân, có dư sức thì học văn”.
Tiết học trước chúng ta đã bước vào phần Kinh văn của “Đệ Tử Quy”. Trong phần Tổng Tựa của “Đệ Tử Quy”, chúng ta đã nói đến “Đệ Tử” không chỉ nói về trẻ nhỏ, mà mỗi một người học sinh muốn học tập giáo huấn của Thánh Hiền đều được xưng là “Đệ Tử”. Chữ “Quy” là quy phạm, chúng ta tuân thủ quy phạm này thì có thể khiến cho đức hạnh của chúng ta ngày một nâng cao
1. “Đệ Tử Quy, phép người con, Thánh nhân dạy”
Đây là giáo huấn của Thánh Hiền. Giáo huấn này được trích lục ra từ trong giáo huấn của Khổng Phu Tử. Chúng ta xem thấy câu này ở trong “Luận Ngữ”, phần “Học Nhi Đệ Nhất”.
2. “Hiếu đễ trước”
“Thủ hiếu đễ” (Hiếu đễ trước), chữ “thủ” này chính là nói đến căn bản làm người là ở hiếu đạo và đễ, thương yêu anh em, chị em, tôn kính trưởng bối, “Hiếu” và “Đễ”. Ở trong “Đễ” còn bao gồm một thái độ rất quan trọng, chính là tâm cung kính, cung kính đối với trưởng bối. Đạo đức, học vấn của một người đều là từ trong “hiếu” và “kính” mà không ngừng nâng cao, không ngừng lưu lộ ra. Kỳ thật, một người chỉ cần làm được “hiếu” và “đễ” thì tin tưởng họ có thể tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Các vị cảm thấy nói như vậy có quá khoa trương hay không? Kỳ thật “đại đạo chí giản”, những đạo lý thâm sâu kỳ thật đều là rất căn bản, rất đơn giản.
Chúng ta hồi tưởng lại lịch sử mấy ngàn năm của Trung Quốc, triều đại nào có lịch sử lâu nhất, quốc vận hưng thịnh nhất? Đó là triều nhà Chu. Bao nhiêu năm vậy? 800 năm. Vậy xin hỏi: Vì sao triều nhà Chu có thể kéo dài đến được 800 năm? Dựa vào cái gì vậy? “Hiếu” và “Đễ”. Chúng ta chỉ đọc qua “Triều nhà Chu 800 năm” nhưng không biết được tại vì sao. Chúng ta cũng thường xem thấy con cháu của người khác và tán thán tại vì sao ưu tú đến như vậy! Chỉ nhìn thấy kết quả thì không có lợi ích lớn cho chính mình, nhất định phải tìm ra được nguyên nhân thì chúng ta mới có thể có được khải thị rất tốt từ trong đó.
Triều nhà Chu, khai quốc là Chu Văn Vương, Chu Võ Vương. Ông nội của Chu Văn Vương là Thái Vương. Thái Vương sinh ra ba người con trai, anh cả là Thái Bá, anh thứ hai là Trọng Ung, người thứ ba là Vương Quý. Vương Quý sinh ra Chu Văn Vương. Chu Văn Vương lại sinh ra Chu Võ Vương và Chu Công. Khi Chu Văn Vương mới được sinh ra, Thái Vương vừa nhìn thấy đã cảm thấy Chu Văn Vương có tướng Đế Vương, có tướng Thánh Chủ. Thế nhưng phụ thân của Chu Văn Vương xếp ở hàng thứ ba. Kết quả là người bác lớn của ông là Thái Bá nhìn thấy nét mặt vui tươi của cha mình khi trông thấy cháu nội thì hiểu rõ phụ thân của ông muốn đem ngôi vua truyền cho đứa cháu nội này. Thái Bá rất hiểu tâm cảnh của phụ thân, nên ông không nói không rằng, lấy lý do giúp phụ thân đi hái thuốc rồi hẹn với em kế của ông là Trọng Ung cùng nhau đi lên núi. Sau khi đi rồi thì họ không trở lại nữa. Bởi vì họ hy vọng phụ thân có thể thực hiện được ý nguyện của mình, không cần phải bận lòng bởi vì ông là con lớn, để cha mình có thể trực tiếp truyền ngôi cho con trai thứ ba là Vương Quý, sau đó Vương Quý truyền ngôi cho Chu Văn Vương.
Quý vị thân mến! Gia tộc này cái gì cũng đều có thể nhường, thiên hạ mà cũng có thể nhường được. Hành động nhường thiên hạ này thành tựu được đức hạnh hiếu đạo, có thể hiểu rõ ý muốn của phụ thân, có thể viên mãn tâm ý của phụ thân. Hơn nữa, họ không chỉ làm được hiếu đạo, mà còn làm được yêu thương anh em. Ngay đến thiên hạ còn có thể nhường thì còn có thứ gì mà anh em không thể nhường nhau chứ. Ngoài việc làm ra hiếu đạo, làm ra được “đễ”, họ còn làm được “trung”, trung với nhân dân thiên hạ. Bởi vì họ nhường như vậy, có thể để cho một Thánh Chủ lãnh đạo nhân dân toàn quốc, do vậy cái nhường này là đức hạnh chân thật, gia phong chân thật. Vì vậy, Khổng Lão Phu Tử tán thán đối với Thái Bá và Trọng Ung là “đức chi chí dã” (đức hạnh cao tột). Nếu không có được đức hạnh cao tột như vậy thì tuyệt đối không làm ra được hành vi như thế. Cho nên có “hiếu” thì có “đễ”.
Chu Văn Vương đối với phụ thân của ông là Vương Quý đều là sáng sớm, buổi trưa, buổi tối, một ngày ba lần thăm hỏi, nên gọi là “sáng thăm tối viếng”. Trong ba lần thăm viếng phụ thân, vừa đến thăm thì xem thần sắc của phụ thân, tiếp theo là xem tình hình ăn uống của phụ thân. Nếu như phụ thân ăn uống được rất tốt, ông liền cảm thấy rất an tâm. Nếu như phụ thân ăn rất ít thì ông rất lo lắng. Do bởi có được thân giáo như vậy, nên con trai của ông là Võ Vương và Chu Công cũng học theo rất tốt. Chu Võ Vương cũng rất hiếu thuận đối với Chu Văn Vương. Có một lần Chu Văn Vương bị bệnh, Chu Võ Vương hầu ở bên cạnh mười hai ngày không hề cởi áo giải đãi, mũ trên đầu cũng không lấy xuống, hầu hạ phụ thân ông mười hai ngày nghiêm túc. Do bởi hiếu tâm như vậy, bệnh của phụ thân ông rất mau khỏi. Tục ngữ có câu: “Người gặp việc vui tinh thần phấn chấn”. Còn việc gì có thể làm cho cha mẹ vui hơn là việc con cái hiếu thuận! Khi một người vui vẻ, chức năng của hệ thống miễn dịch sẽ được nâng cao, đây đều là có căn cứ khoa học.
Bởi vì hiếu đạo của họ được truyền thừa lại, nên một nhà “hiếu” thì một nước liền “hưng hiếu”. Khi người dân xem thấy người lãnh đạo mà họ sùng kính đều hiếu thuận đến như vậy, họ sẽ rất cảm động, sẽ bắt chước làm theo. Cho nên trong sách “Đại Học” có nói: “Một nhà có lòng nhân thì một nước có lòng nhân. Một nhà biết lễ nhường thì một nước biết lễ nhường”. Lễ nhường của họ sẽ dẫn dắt nhân dân toàn quốc biết lễ nhường, rất nhiều việc tranh giành tự nhiên liền sẽ giảm ít. Bởi vậy, trên làm dưới noi theo, việc này đích thực là cảm ứng không thể nghĩ bàn.
Ngoài việc Chu Võ Vương kế thừa hiếu đạo của Chu Văn Vương ra, Chu Công cũng kế thừa tình huynh đệ hữu ái từ các bác là Thái Bá và Trọng Ung. Có một lần Chu Võ Vương bị bệnh, Chu Công liền ở ngay trước mặt của tổ tông (vào lúc đó gọi là Thái miếu) viết ra một bài văn mong cầu giảm bớt đi thọ mạng của chính mình để cho huynh trưởng của ông có thể tăng tuổi thọ. Chúng ta cảm nhận được, ông không chỉ là yêu thương anh em của mình mà còn mong muốn huynh trưởng được khỏe mạnh sống lâu để có thể trị vì thiên hạ được tốt. Khi Chu Công đọc xong bài văn cầu tuổi thọ, chí thành có thể cảm thông, vì vậy sức khỏe của Chu Võ Vương liền được hồi phục. Bài văn cầu thọ này còn để ở trong Thái miếu.
Trải qua một khoảng thời gian, Chu Võ Vương qua đời, tiếp theo là Chu Thành Vương kế vị. Chu Công phò tá ông. Bởi vì Thành Vương vẫn còn trẻ, Chu Võ Vương giúp Chu Thành Vương chọn được một số thầy giáo, Thái sư là Khương Thái Công, Thái Bảo chính là Chu Công. Nếu như con cái của quý vị có Khương Thái Công dạy, lại có Chu Công dạy thì có tốt không vậy? Tốt phải không. Cho nên chúng ta phải tìm thầy giáo tốt cho trẻ nhỏ. Các vị không nên gấp, chỉ cần quý vị có tâm chí thành, nhất định sẽ có nhân duyên tốt đến. Ngày nay con cái của chúng ta ngoài chúng ta ra thì đã có một thầy giáo tốt, đó là “Đệ Tử Quy”. Quyển sách này có thể làm cho gia phong của gia đình quý vị nâng cao, tiếp nối dài lâu.
Khi Chu Thành Vương lớn lên, có được thầy giáo tốt đến như vậy dìu dắt, ông có thể trị vì thiên hạ. Vào lúc đó trong nước xuất hiện những lời đồn đại là có phải Chu Công muốn đoạt lấy thiên hạ hay không? Có rất nhiều lời đồn đại như vậy. Chu Công không đợi cháu của ông lên tiếng, ông tự mình dời đến Sơn Đông, để cho cháu ông dễ xử, không bị những lời sàm ngôn này ảnh hưởng. Kết quả là khi Chu Thành Vương đang đi trên đường, đột nhiên nhìn thấy trên không có một số dị tướng, trời trong xanh mà có sấm chớp. Người thời trước rất có thái độ kiểm điểm lại bản thân. Ông xem thấy trên trời có dị tướng thì liền nghĩ:“Có phải là Thiên tử ta đã làm ra việc gì sai rồi không?”. Quý vị thân mến! Đó có phải là mê tín không? Không phải vậy. Lòng người và thiên địa vạn vật có sự giao cảm. Lòng người thiện thì mưa thuận gió hòa, lòng người ác thì tai nạn triền miên. Lòng người hiện tại của chúng ta là thiện hay là ác? Tôi không nói chúng ta. Lòng người ác mới có tai họa, thiên tai nhân họa nhiều đến như vậy. Cho nên chúng ta xem thấy những dị tướng này thì phải xét lại nội tâm của chính mình (phản quan nội tỉnh), phải bắt đầu cố gắng gìn giữ tốt cái tâm này, để cho nó hướng thiện. Chu Thành Vương xem thấy hiện tượng này, khi trở về cố gắng kiểm điểm lại bản thân, liền nghĩ đến có phải việc mà ta để cho chú ta rời khỏi nơi đây là không đúng rồi không? Cho nên Chu Thành Vương cũng đến Thái Miếu để sám hối với Tổ tông. Lòng người ngày trước rất thuần phác, “thận chung truy viễn, dân đức quy hậu” (thành tâm lo việc tang lễ, hoài niệm tổ tiên thì phong khí xã hội sẽ trở nên thuần phác), đều sẽ cẩn ghi những lời giáo huấn của Tổ tông. Khi Chu Thành Vương đang sám hối thì nhìn thấy văn cầu thọ của Chu Công cầu thọ cho anh của mình là Chu Võ Vương. Ông cầm nó lên xem, thấy chú của mình vì muốn huynh trưởng của mình có thể kéo dài tuổi thọ mà cầu xin ông trời giảm bớt đi tuổi thọ của chính mình. Chu Thành Vương xem thấy rồi rất cảm động, lập tức dùng thân Thiên tử, đích thân dẫn văn võ bá quan đến nghinh đón Chu Công trở về. Tình anh em của Chu Võ Vương và Chu Công cũng đã truyền cho con cháu đời sau của họ.
Triều nhà Chu bởi vì có “hiếu – đễ” mới có thể kéo dài đến 800 năm. Một gia đình có “hiếu – đễ” có thể kéo dài được bao lâu? Trong nhiều thời đại của Trung Quốc, đức hạnh của Khổng Lão Phu Tử là tốt nhất. Đức hạnh của ông cũng có thể cảm hóa đến con cháu nhiều đời, nhiều thế hệ của ông. Cho nên gia phong của ông hơn 2.000 năm không suy. Giả như ngày nay đột nhiên quý vị nhận được một tin tức mình là hậu duệ của Khổng Lão Phu Tử, quý vị có cảm thấy ngày hôm nay và ngày mai tuyệt đối không như nhau không. Đột nhiên quý vị sẽ cảm thấy ta không thể làm mất mặt Khổng Lão Phu Tử. Khi đi ra, lời nói, hành vi đều sẽ rất cẩn trọng. Phong khí đạo đức có thể ảnh hưởng dài lâu đến như vậy.
Khi tôi dạy học ở Hạ Môn, gặp được một thầy giáo. Bởi vì chúng tôi đã giảng qua năm ngày, nên mời những thầy cô này lên bục để chia sẻ cảm tưởng. Có mười thầy cô giáo làm đại diện. Khi vị thầy giáo này vừa lên bục, ông liền nói: “Năm ngày nghe giảng bài đã làm tôi hiểu được căn bản của đức hạnh ở chỗ nào. Đó là ở chỗ hiếu đạo. Câu này có từ Hiếu Kinh, chương thứ nhất phần Khai Tông Minh Nghĩa: Phù hiếu – đức chi bổn dã (Hiếu là cái gốc của đức hạnh)”. Tiếp theo ông nói, ông có một cảm xúc sâu sắc đối với câu nói này. Bởi vì trong thôn của họ có bốn mươi mấy hộ gia đình đều cùng một họ là Ngô (do hai chữ Khẩu và Thiên hợp lại). Bốn mươi mấy hộ gia đình này sinh ra 109 người, trong đó có 108 người tốt nghiệp đại học, tố chất rất tốt. Còn người thứ 109 này đã thi lên đại học, nhưng học được hai năm, do một nguyên nhân nào đó mà ngưng không học tiếp. Có thể nói thế hệ sau của họ hoàn toàn có trình độ đại học. Tiếp theo ông lại nói, cuối cùng ông biết được tại vì sao thế hệ này của họ có thể hưng vượng đến như vậy. Bởi vì trưởng bối trong thôn đều nói với họ: “Dù đi học hay đi làm nhưng hễ đến ngày nghỉ thì phải nhớ trở về nhà thăm cha mẹ”. Ngày mùng một mỗi năm, họ nhất định phải đi theo cha mẹ đến chùa miếu để lễ lạy, để cầu phước, không hề làm những việc nào khác. Hiện tại quý vị nào có con cháu ngày mùng một năm nay đi theo quý vị vào chùa lạy Phật xin giơ tay lên. Quý vị xem, hết thảy gia tộc của họ đều làm được như vậy.
Ngoài việc đi theo cha mẹ đến chùa lễ lạy ra, sau khi trở về họ liền đi đến những nhà hàng xóm lân cận để chúc Tết các bậc trưởng bối, đến những nhà trong thôn xóm để mừng tuổi cho các bậc trưởng bối, họ đã làm được tôn kính trưởng bối. Đây là “đễ”. Sau khi mừng tuổi các trưởng bối xong, những thanh niên hàng xóm đồng lứa tuổi với nhau này tụ họp lại trong một trường tiểu học ở trong thôn, cùng nhau thảo luận là năm nay bạn đi học có được thu hoạch gì, năm nay làm việc có được kinh nghiệm hay gì. Mọi người cùng nhau thảo luận, giúp đỡ lẫn nhau. Họ đã làm được việc gì? Hiếu học.
Có “hiếu”, có “đễ” lại ham học, cho nên con cháu đời sau ở trong thôn này có thể có được sự phát triển tốt đến như vậy. Tuyệt đối không phải là ngẫu nhiên, tuyệt đối không thể nói bên đó có long huyệt, phong thủy rất tốt. Hơn nữa, tất cả hoàn cảnh, hết thảy phong thủy ở một địa phương cũng sẽ do lòng người mà chuyển biến. Do đó, Khổng Lão Phu Tử nói “Hiếu đễ trước”. Ngay khi một người có thể làm được “hiếu” và “đễ” rồi, một người có lòng hiếu thuận, họ biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Khi họ hiếu thuận đối với cha mẹ của chính mình, thì họ đối với cha mẹ của người khác cũng sẽ đối đãi cung kính giống như vậy. Bởi vậy, “Đệ Tử Quy” có dạy: “Việc chú bác, như việc cha. Việc anh họ, như anh ruột”.
———-
Con cũng muốn trở thành một người con hiếu thảo ạ.
Nam Mô A Di Đà Phật
15/11/2023