M
Moderator
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!! ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.
Hướng dẫn ôn tập và đề thi mẫu của kỳ tốt nghiệp THPT môn Văn do Bộ GD-ĐT cung cấp.
A. ĐỐI VỚI CHƯƠNG TRÌNH VÀ SGK HIỆN HÀNH
I. Về hạn chế chương trình ôn tập
Chương trình ôn tập thi tốt nghiệp THPT môn Văn bao gồm toàn bộ phần văn học Việt Nam và phần văn học nước ngoài ở lớp 12.
- Đáng lưu ý là mặc dù có in trong sách giáo khoa Văn học 12 tập I, phần văn học VN nhưng 4 bài sau đây không có trong phạm vi ra đề thi: Vãn cảnh (trích Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh); Thời và thơ Tú Xương của Nguyễn Tuân; Huệ Chi trước lễ cưới (trích Cửa biển) của Nguyên Hồng; Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi
Ngoài ra, có 4 bài sau đây, đề thi chỉ rơi vào đoạn trích học trong phần chính khóa: Tâm tư trong tù của Tố Hữu; Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm; Các vị La Hán chùa Tây Phương của Huy Cận; Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên.
- Phần văn học nước ngoài, chương trình thi gồm 6 tác giả với 6 tác phẩm hoặc đoạn trích, gồm: Gorki với tác phẩm Một con người ra đời; Lỗ Tấn - Thuốc; Êxênin - Thư gửi mẹ; Aragông - Enxa trước gương; Hêminguê - Ông già và biển cả (trích); Sôlôkhôp - Số phận con người (trích)
II. Về yêu cầu ôn tập
1. Văn học VN
- Đối với bài khái quát giai đoạn văn học, cần lưu ý những thành tựu văn học qua các thời kì phát triển và một vài đặc điểm chung.
- Đối với bài khái quát về tác gia, cần phải nắm chắc quá trình sáng tác và đôi nét về phong cách nghệ thuật của từng tác gia.
- Đối với những bài giảng văn, phải nhớ chính xác tên tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh ra đời và thể loại của tác phẩm; tóm tắt chính xác, đầy đủ nội dung tác phẩm (nếu là truyện), phải học thuộc lòng những bài thơ ngắn, những đoạn thơ tiêu biểu của những bài thơ dài hoặc những đoạn trích dài.
Nhất thiết phải nắm chắc giá trị nội dung và nghệ thuật của từng tác phẩm. Ngoài ra, còn phải biết tập hợp các tác phẩm thành từng nhóm; từ đó rút ra những nét chung của chúng; đồng thời thấy được sự độc đáo của từng tác phẩm trong nhóm tác phẩm.
2. Văn học nước ngoài:
- Phải nắm sơ lược về tiểu sử, sự nghiệp sáng tác của mỗi tác giả, giá trị bao trùm của tác phẩm hoặc đoạn trích.
3. Bên cạnh việc ôn tập về kiến thức, HS cần chú ý nhiều đến việc ôn luyện kĩ năng làm văn, từ kĩ năng dùng từ, đặt câu đến kĩ năng dựng đoạn, đưa dẫn chứng, phân tích dẫn chứng...
III. Về số lượng và dạng thức đề thi
- Theo quy định hiện hành, bài Làm văn có hai đề thi. Học sinh được chọn một trong
hai đề và làm bài trong thời gian 150 phút.
- Mỗi đề thi bao gồm hai hoặc ba câu; không có đề thi chỉ có một câu
- Trong mỗi đề thi đều có câu chủ yếu yêu cầu học sinh tái hiện kiến thức và có câu chủ yếu đòi hỏi các em vận dụng kiến thức.
Dưới đây xin giới thiệu một bộ đề thi tốt nghiệp THPT môn Làm văn để làm ví dụ:
ĐỀ 1
Câu 1 (2 điểm): Enxa Tơriôlê đã có vai trò như thế nào trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Lui Aragông ?
Câu 2 (8 điểm): Anh chị hãy phân tích sức sống mãnh liệt của nhân vật Mị (kể từ khi cô bị bắt làm con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra tới khi trốn khỏi Hồng Ngài) trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài.
ĐỀ 2
Câu 1 (2 điểm): Anh chị hãy trình bày ngắn gọn những điểm cần lưu ý về hoàn cảnh ra đời bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.
Câu 2 (2 điểm): Vì sao có thể nói, truyện Đôi mắt của nhà văn Nam Cao là tuyên ngôn nghệ thuật của cả một thế hệ nhà văn đi theo cách mạng ?
Câu 3 (6 điểm): Cảm nhận của anh, chị về bài thơ dưới đây:
Chiều tối
Hồ Chí Minh
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không;
Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng.
(Trích Nhật kí trong tù. Theo Văn học 12, NXB Giáo dục 2002)
B. CHƯƠNG TRÌNH PHÂN BAN THÍ ĐIỂM
I. Về hạn chế chương trình thi:
Chương trình thi tốt nghiệp ở Ban Khoa học xã hội cũng như Ban Khoa học tự nhiên trung học phân ban thí điểm bao gồm toàn bộ chương trình Ngữ văn lớp 12 (cả 3 phần Đọc văn, Tiếng Việt và Làm văn).
II. Về yêu cầu ôn tập
- Phải nắm được tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Phải thấy được nộidung của văn bản (như đề tài, chủ đề, cốt truyện, chi tiết, hệ thống nhân vật,…) và hình thức của văn bản (như đặc điểm thể loại, các phương thức biểu đạt, ngôn ngữ,…).
- Tiếp đến, phải có những tri thức và kĩ năng đọc – hiểu văn bản.
- Đối với phần văn họcVN, yêu cầu ôn tập giống như ở chương trình đại trà (đã nêu ở trên).
- Tăng cường thực hành các nội dung tiếng Việt, gắn với các văn bản tác phẩm trong
phần Đọc văn và gắn với các tình huống giao tiếp. Đồng thời, cần thông qua thực hành để nâng cao hiểu biết về loại văn bản nghị luận, rèn luyện kĩ năng tạo lập và phát triển luận điểm, kĩ năng lập luận, kĩ năng kết hợp những thao tác khác nhau,… để hoàn thiện bài viết.
III. Về số lượng và dạng thức đề thi
- Theo quy định hiện hành, môn Làm văn có hai đề thi. Học sinh được chọn một trong hai đề và làm bài trong thời gian 150 phút.
- Mỗi đề thi bao gồm hai phần. Một phần kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm và một phần kiểm tra theo lối tự luận.
Phần trắc nghiệm bao gồm 15 câu, mỗi câu được 0,2 điểm, trả lời đúng tất cả các câu được 3 điểm/10 điểm. Phần này nhằm kiểm tra các kiến thức về đọc -hiểu văn bản và kiến thức về tiếng Việt.
Phần tự luận bao gồm 1 hoặc 2 câu, điểm tối đa là khoảng 7điểm/10 điểm. Phần này chủ yếu nhằm kiểm tra năng lực vận dụng kiến thức, năng lực phân tích, cảm thụ tác phẩm và kĩ năng làm văn, thông qua việc viết bài hoặc đoạn văn.
Dưới đây xin giới thiệu hai đề, mỗi đề dùng cho một ban có dạng thức tương tự như đề thi tốt nghiệp trung học phân ban:
BAN KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
Phần trắc nghiệm (3 diểm)
Anh/chị hãy trả lời các câu hỏi trắc nghiệm sau bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đứng đầu phần mà mình cho là đúng nhất. (Mỗi câu trả lời đúng được 0,2 điểm).
Câu 1: Tác phẩm nào dưới đây thuộc văn học thời kì từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1975?
A. Truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
B. Bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.
C. Vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng.
D. Tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng.
Câu 2: Hai thể loại văn học nào đạt được thành tựu xuất sắc nhất trong văn học Việt Nam thời kì từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến cuối thế kỉ XX?
A. Tuỳ bút và phê bình văn học.
B. Phóng sự và tiểu thuyết.
C. Kịch bản văn học và phóng sự.
D. Thơ và truyện ngắn.
Câu 3: Nhận xét nào không đúng với văn học Việt Nam từ sau năm 1975 đến hết thế
kỉ XX?
A. Phát triển đa dạng hơn về đề tài, chủ đề, phong phú hơn về thủ pháp nghệ thuật.
B. Chủ yếu được sáng tác theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
C. Đề cao cá tính sáng tạo của nhà văn, đổi mới cách tiếp cận đời sống, khám phá và thể hiện con người trong mối quan hệ phức tạp.
D. Có tính chất hướng nội, khai thác sâu sắc số phận cá nhân và thân phận con người.
Câu 4: Nhà văn nào được đánh giá là một trong những người đi tiên phong trong việc đổi mới văn học Việt Nam sau năm 1975?
A. Nguyễn Minh Châu.
B. Nguyễn Khải.
C. Anh Đức.
D. Chu Văn.
Câu 5: Xét đến cùng, vì sao tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường hấp dẫn người đọc?
A. Vì đặc điểm hết sức tự do, nhà văn không tuân theo một quy định chặt chẽ nào của thể văn bút kí.
B. Vì sự hiểu biết tường tận của Hoàng Phủ Ngọc Tường về dòng sông Hương, về thiên nhiên và con người Huế.
C. Vì sự gắn bó máu thịt, tình yêu thiết tha của nhà văn đối với sông Hương, nền văn hoá Huế và con người xứ Huế.
D. Vì cái tôi tài hoa, uyên bác, giàu tình cảm, trí tưởng tượng lãng mạn, mê say cảnh sắc và con người xứ Huế của tác giả.
Câu 6: Ở truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, các nhân vật chính diện không có đặc điểm nào trong các đặc điểm dưới đây?
A. Yêu nước thiết tha, thuỷ chung với cách mạng.
B. Luôn thâm trầm, điềm tĩnh và kín đáo.
C. Bộc trực, hồn nhiên, giàu tín nghĩa.
D. Thẳng thắn, lạc quan và gan góc.
Câu 7: Trong truyện ngắn Một người Hà Nội của Nguyễn Khải, có chi tiết cây si cổ thụ bị bão đánh bật rễ rồi lại hồi sinh và đấy có thể thường được coi là một biểu tượng nghệ thuật nói về Hà Nội, người Hà Nội. Theo anh/ chị, qua chi tiết đó, nhà văn muốn gửi đến người đọc ý tưởng gì?
A. Khẳng định sức sống bền bỉ, mãnh liệt của người Hà Nội.
B. Ngợi ca tinh thần gìn giữ, bảo vệ môi trường ở Hà Nội.
C. Nói lên sức mạnh của truyền thống đối với Hà Nội hôm nay.
D. Chất Hà Nội có thể bị mai một, nhưng Hà Nội vẫn sẽ đi lên.
Câu 8: Qua truyện ngắn Chữ người tử tù và nhất là tuỳ bút Người lái đò Sông Đà, anh chị thấy nhận xét nào không đúng về đặc điểm sáng tác của của nhà văn Nguyễn Tuân?
A. Mộc mạc, dân giã trong cách khắc hoạ cảnh vật và con người dù ở quá khứ hay hiện tại.
B. Uyên bác trong cách viện dẫn, trong lối trình bày kĩ lưỡng "có ngọn, có ngành".
C. Luôn khám phá và miêu tả sự vật dưới góc độ văn hoá, thẩm mĩ của chúng.
D. Tài hoa trong cách dựng người, dựng cảnh với những liên tưởng, so sánh táo bạo, bất ngờ.
Câu 9: Học tiểu luận Nhận đường của Nguyễn Đình Thi, điều cốt lõi nhất cần nắm được là gì?
A. Tiểu sử và sự nghiệp sáng tác của tác giả.
B. Hoàn cảnh ra đời của tiểu luận Nhận đường.
C. Cách thức triển khai luận điểm của nhà văn.
D. Quan điểm của tác giả về văn nghệ thời chống Pháp.
Câu 10: Nội dung bao trùm trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu là gì?
A. Ngợi ca tinh thần yêu nước chống xâm lược của nhân dân Việt Bắc.
B. Khẳng định vẻ đẹp đa dạng và thơ mộng của núi rừng Việt Bắc.
C. Tình cảm và lòng biết ơn sâu nặng Việt Bắc của người cán bộ cách mạng.
D. Ca ngợi cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ của dân tộc Việt Nam.
Câu 11: Theo anh/chị tiểu sử của nhà văn Lỗ Tấn có điểm nào cần đặc biệt lưu ý để hiểu thêm truyện ngắn Thuốc, cũng như toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông?
A. Bút danh Lỗ Tấn là ghép từ họ mẹ (bà Lỗ Thụy) và chữ tấn có nghĩa là đi nhanh lên.
B. Lỗ Tấn đã học nhiều nghề, nhưng sau cùng chọn nghề sáng tác văn chương để chữa bệnh tinh thần cho quốc dân.
C. Lỗ Tấn hay nói đến chữ nhẫn (nhẫn nại, bền bỉ) và coi đấy là phẩm chất không thể thiếu của mỗi một con người.
D. Quê Lỗ Tấn ở Phủ Thiệu Hưng, tỉnh Triết Giang, miền đông nam Trung Quốc.
Câu 12: Tác phẩm Ông già và biển cả của tác giả nào?
A. Hêminguê.
B. Mác Tuên.
C. Tago.
D. Puskin.
Câu 13: Qua truyện Số phận con người, chủ yếu Sôlôkhôp muốn gửi đến người đọc thông điệp gì?
A. Trong khó khăn con người hãy biết yêu thương, nương tựa vào nhau để mà sống.
B. Dù trong bất cứ hoàn cảnh bi đát nào, con người cũng phải hướng tới tương lai.
C. Tác hại to lớn của chiến tranh đối với mỗi gia đình và mỗi con người Xôviết.
D. Biểu dương khí phách anh hùng và tấm lòng nhân hậu của người lính Nga.
Câu 14: Anh/chị hiểu thế nào là thao tác giải thích?
A. Từ một nhận xét chung suy ra những trường hợp cụ thể khác nhau.
B. Từ trường hợp cụ thể rút ra nhận xét chung mang tính khái quát.
C. Dùng lí lẽ và dẫn chứng để làm sáng tỏ cơ sở lí luận của vấn đề.
D. Dùng sự hiểu biết giảng giải, cắt nghĩa giúp người khác hiểu vấn đề.
Câu 15: Câu "Vừa qua, nhà trường rất quan tâm thắp sáng những tài năng mới trong lĩnh vực sáng tác văn chương" mắc lỗi gì ?
A. Dùng từ Hán Việt không chính xác.
B. Dùng biện pháp tu từ ẩn dụ không đúng.
C. Thiếu thành phần nòng cốt của câu.
D. Dùng quan hệ từ chưa chuẩn xác.
Phần tự luận (7 điểm)
Câu 1(2 điểm): Nhiều người rất thích câu tục ngữ "Ở hiền gặp lành" và lấy đó làm phương châm sống. Nhưng có người lại cho rằng điều đó chưa hoàn toàn đúng, nhiều khi ở hiền mà không gặp lành.
Anh / chị hãy trình bày ý kiến của mình về vấn đề này. (Lưu ý: Chỉ cần viết ngắn gọn)
Câu 2 (5 điểm): Cảm nhận của anh/chị về nhân vật bà Hiền trong truyện ngắn Một người Hà Nội của Nguyễn Khải.
BAN KHOA HỌC TỰ NHIÊN
Phần trắc nghiệm (3 điểm)
Anh/chị hãy trả lời các câu hỏi trắc nghiệm sau bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đứng đầu phần mà mình cho là đúng nhất. (Mỗi câu trả lời đúng được 0,2 điểm).
Câu 1: Bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi có sự đan xen những câu thơ với độ dài ngắn khác nhau. Điều đó chủ yếu có tác dụng gì?
A. Tạo ra sự khác biệt về hình thức so với một số bài thơ khác cùng thời.
B. Khiến cho bài thơ gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày của quần chúng.
C. Diễn tả những cảm xúc khác nhau, tạo âm hưởng và chuyển ý tự nhiên.
D. Làm cho ý thơ liền mạch, tránh bị lộ những chỗ lắp ghép từ của hai bài thơ khác.
Câu 2: Theo anh/chị, nội dung nào dưới đây là quan trọng nhất giúp người đọc hiểu thêm giá trị đặc sắc trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng?
A. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh trí thức như Quang Dũng.
B. Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn và có vẽ tranh, làm nhạc.
C. Tây Tiến là đơn vị được thành lập năm 1947, có nhiệm vụ bảo vệ biên giới
Việt - Lào.
D. Nhà thơ nhớ đơn vị cũ nên viết bài thơ Tây Tiến, lúc đầu lấy tên là Nhớ Tây Tiến.
Câu 3: Nội dung nào không có ở bài tuỳ bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân?
A. Tình yêu thiết tha đối với quê hương, đất nước.
B. Nỗi sầu nhân thế, nỗi buồn trước thiên nhiên.
C. Ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc.
D. Ngợi ca vẻ đẹp của con người Tây Bắc.
Câu 4: Vì sao ở Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân lại miêu tả con sông Đà với hai nét tính cách đối lập nhau vừa hung bạo lại vừa trữ tình?
A. Phản ánh trung thực con sông Đà ở ngoài đời: đoạn thì bằng phẳng êm ả, đoạn thì lắm thác ghềnh.
B. Có cơ hội thể hiện chất tài hoa trong việc miêu tả những phương diện khác nhau của cảnh vật.
C. Biến sông Đà trở thành nhân vật có linh hồn, có cá tính, không thuần nhất, hấp dẫn người đọc.
D. Có điều kiện bộc lộ vốn sống phong phú, vốn văn hoá đa dạng về miền núi, về mảnh đất Tây Bắc.
Câu 5: Ý nào dưới đây không phải là đặc sắc nghệ thuật trong bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên?
A. Sáng tạo được nhiều hình ảnh gợi cảm.
B. Liên tưởng phong phú táo bạo, bất ngờ.
C. Trần thuật linh hoạt, phóng túng mà chặt chẽ.
D. Cảm xúc luôn gắn với sự suy tưởng, triết lí.
Câu 6: Chân lí rút ra từ truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành là gì?
A. "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" (Hồ Chí Minh).
B. Còn quân xâm lược thì không bao giờ nhân dân có hạnh phúc, quê hương có tự do.
C. Nhân dân miền Nam muốn thoát khỏi sự đè nén, áp bức của kẻ thù thì phải tự vũ trang chiến đấu.
D. Khi nhân dân đã đoàn kết thành một khối thì có thể chiến thắng bất kì một kẻ địch hung bạo nào.
Câu 7: Chất Tây Nguyên trong truyện Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành chủ yếu không thể hiện qua yếu tố nào trong các yếu tố dưới đây?
A. Cách đặt tên nhân vật như Tnú, Prôi, Blom, …
B. Miêu tả đậm nét cây xà nu, rừng xà nu.
C. Những chi tiết đặc trưng của Tây Nguyên.
D. Ngôn ngữ trang trọng, giọng điệu trang nghiêm.
Câu 8: Ở nhân vật bà Hiền trong truyện Một người Hà Nội, Nguyễn Khải đã hầu như không nói đến phẩm chất gì trong những phẩm chất dưới đây ?
A. Trẻ trung, hào phóng.
B. Ung dung, tự tại.
C. Khôn ngoan, sâu sắc.
D. Lịch lãm, sang trọng.
Câu 9: Trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ, có một lời thoại hết sức quan trọng: "Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn !".
Theo anh/chị, câu đó của nhân vật nào ?
A. Đế Thích.
B. Hàng thịt.
C. Trương Ba.
D. Cái Gái.
Câu 10: Nhận xét nào đúng nhất về đặc điểm giọng văn của Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa?
A. Sôi trào, mãnh liệt.
B. Tha thiết, gấp gáp.
C. Thờ ơ, lạnh nhạt.
D. Trầm tĩnh, thủ thỉ.
Câu 11: Ai là người đề xướng nguyên lí “Tảng băng trôi”?
A. Hêminguê.
B. Êluya.
C. Tago.
D. Máckét.
Câu 12: Vì sao, tuy học nhiều nghề, nhưng sau cùng Lỗ Tấn đã chọn nghề viết văn?
A. Vì muốn nhanh chóng có tên tuổi.
B. Vì muốn kiếm được thật nhiều tiền của.
C. Vì muốn chữa bệnh tinh thần cho quốc dân.
D. Vì muốn đến được nhiều nơi khác nhau.
Câu 13: Trong các câu sau đây, câu nào diễn đạt thiếu logíc?
A. Hè về, bãi biển nhộn nhịp bước chân những người tứ xứ.
B. Phía chân trời, mây trắng đùn lên như những núi bằng bạc.
C. Mai ngừng đọc sách, ngước nhìn lên vòm trời trong xanh.
D. Mắt bé Thuỷ tròn xoe, đen lay láy, ôm chặt lấy gốc cây dừa.
Câu 14: Trong các câu dưới đây câu nào không dùng biện pháp tu từ ẩn dụ ?
A. Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
(Ca dao)
B. Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn của nước ta, đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ dân tộc, nhất là trong lúc này. (Phạm Văn Đồng).
C. Nhiều thế kỉ qua đi, sông Hồng đã tạo nên đồng bằng Bắc Bộ phì nhiêu, màu mỡ. (Nguyên Anh).
D. Sắt lửa mặt trận đang đúc nên văn nghệ mới của chúng ta. (Nguyễn Đình Thi).
Câu 15: Câu văn nào trong các câu dưới đây cần sửa chữa ?
A. Tổ 4 đã đóng góp những bông hoa rực rỡ vào phong trào thi đua học tốt của cả lớp 12 A.
B. Ngoài thành tích học tập, phải kể tới thành tích rèn luyện thân thể và hoạt động văn nghệ.
C. Trong nhà có rất nhiều vị khách mặc những bộ trang phục sang trọng, đắt tiền.
D. Nhưng không dừng lại ở đó, vấn đề gay cấn này còn được bàn luận rất nhiều.
Phần 2: Tự luận (7 điểm)
Anh/chị cảm nhận như thế nào về hai nhân vật Việt và Chiến ở truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi (in trong SGK thí điểm Ngữ văn 12, NXB Giáo dục, năm 2005)?
(Nguồn: Bộ giáo dục và Đào tạo)