*Mình rất phấn khởi khi lại được tham gia cuộc thi HM Idol. Vui mừng chắc chắn là cảm xúc đầu tiên của mình. Sau một năm, thể lệ cuộc thi phù hợp hơn, số lượng thí sinh cũng đã tăng lên đột biến, điều đó chứng tỏ sự quan tâm của các mem dành cho các cuộc thi trên 4rum cũng như sự phát triển của HM.
Không chỉ HM Idol, khi tham gia bất cứ cuộc thi nào, mục đích của mình trước nhất là giao lưu, học hỏi, kết bạn. Những cuộc thi như HM Idol là môi trường rất tốt để chúng ta phát triển năng khiếu cũng như có thêm thật nhiều bạn mới. Một lý do nữa rất quan trọng đối với mình đó là khẳng định cái tôi của bản thân. Cái tôi là sự thể hiện cá tính của riêng mình. Khẳng định cái tôi chính là khẳng định phong cách, cá tính riêng của mình ở mức độ phù hợp, có chừng mực, từ đó để lại ấn tượng tốt đẹp cho những người xung quanh, không bị hòa lẫn với cái tôi của những người khác.
*Có nhiều ý kiến trái chiều về hiện trạng của nhạc trẻ Việt Nam hiện nay. Tích cực cũng nhiều, mà tiêu cực cũng không ít.
Âm nhạc là một phần cuộc sống của mình. Mình – cũng như rất nhiều bạn trẻ khác – không thể một ngày không nghe một bài hát hay, hoặc ngân nga vài nốt nhạc mà mình cực kết. Nhưng, nếu như mình tạo ra một cuộc khảo sát chỉ trong phạm vi những người bạn mà mình quen biết thì chắc chắn sẽ có trên dưới 70% chọn nhạc nước ngoài làm sở thích. Dù vậy, mình vẫn tin rằng, khảo sát đó chắc chắn cũng đúng nếu mở rộng phạm vi ra toàn lãnh thổ đất nước. Nguyên do không phải vì nhạc nước ngoài cực hay mà bởi nhạc trẻ VN quá thiếu sức hút. Mọi người dân VN đều yêu tiếng Việt, yêu cái sự trầm bổng, ấm áp, mượt mà của tiếng Việt, nhưng nó đã bị một số ca khúc làm mất đi vẻ thanh cao vốn có.
Mình xin lấy ví dụ về nhạc trẻ VN ngay trong gia đình mình. Theo mình, trẻ em dưới 10 tuổi – với trí tưởng tượng và óc sang tạo, cũng như thói quen bắt chước – là một vị “giám khảo” chính xác để đánh giá sự phát triển của âm nhạc cùng thời kỳ. Quay ngược lại những năm 90, đầu năm 2000, lúc mà nhạc trẻ VN bắt đầu khẳng định chỗ đứng của mình trong lòng công chúng. Anh em mình, lúc thì lắc lưu theo điệu nhảy sôi động trong Ôi tình yêu! Của “búp bê” Thanh Thảo, hay ngân nga theo ca sĩ Phương Thanh với Một thời đã xa. Thời đó, nhạc trẻ VN là độc tôn, Đan Trường, Thanh Thảo, Phương Thanh, Minh Quân… là thần tượng số 1, sức hút từ nhạc nước ngoài cùng lắm cũng chỉ lác đác ở những boyband US hay MJ.
Bây giờ, nhìn những đứa em gần nhà mà mình cảm thấy phần nào xót xa cho nhạc Việt. Chỉ mới 7-8 tuổi, nhưng ngày nào chúng cũng lẩm bẩm những lời ca mà đến chúng cũng không biết nó có nghĩa là gì. Và như trên đã nói, nhạc trẻ VN quá thiếu sức hút.
Vậy nguyên nhân của nó là gì???
+ Những năm trở lại đây, ngày càng xuất hiện thêm nhiều những ca khúc viết theo cảm xúc thuận chiều chứ không xem xét kĩ càng. Từ đó, lời ca, giai điệu của nó trở nên vô vị, khô khan. Nhạc Việt chủ yếu đi vào lòng người nghe do lời ca. Nếu một bài hát có lời ca vô vị, khó hiểu, không hợp với giai điệu thì sẽ bị khán giả đánh giá, và đánh giả cả vào thị trường nhạc Việt. Nhạc nước ngoài – tất nhiên đa phần mọi người đều không thể hiểu được câu chữ trong đó nên họ sẽ dựa vào giai điệu, tiết tấu của bài hát. Rõ ràng, một bài nhạc nước ngoài có giai điệu tương đương như một bài hát Việt thì họ sẽ chọn nghe nhạc nước ngoài vì ít nhất, họ tìm thấy cái hay trong giai điệu và không cần để ý đến lời ca.
+ Một bộ phận đông bạn trẻ có ác cảm với nhạc Việt. Một số người có tâm hồn nhạy cảm, khi nghe một bài hát “không ra hồn”, sẽ đánh giá tương đương về thị trường nhạc trẻ. Một số người đã “lỡ” antifan một ca sĩ Việt, và cũng chẳng ưa gì những ca sĩ khác, thế là quay sang hâm mộ những ca sĩ Hàn, Mỹ, ngoại hình cũng hơn hẳn xì ta Việt. Fan Việt là những người nhạy cảm. Chúng ta nghe một bài hát, lời ca, tiết tấu rất hay, rất chuẩn mực, chúng ta khen, chuyền tai nhau nghe bài hát đó. Nhưng khi có một bài hát “trời đánh” với tiết tấu chẳng giống ai, lời ca thì dở tệ và ca sĩ hát cũng không ra hồn, ngay lập tức sẽ bị các bạn trẻ-cộng đồng mạng phê phán gay gắt, lập hẳn những topic khiếm nhã (điển hình là Da nâu của Phi Thanh Vân hay Vọng Cổ Teen-tất nhiên ca khúc này đã có những ý kiến trái chiều)
+ Âm nhạc Việt Nam vẫn chưa phát triển. Ở Hàn Quốc, một fan trung thành có thể đợi suốt ngày đêm, không ăn không ngủ cốt chỉ thể thấy mặt thần tượng. Xe của thần tượng đi qua, con đường lập tức tắc nghẹt bởi dòng fan 2 bên đường tràn xuống chỉ để ngắm hoặc tung những lời có cánh giành cho thần tượng. Và “fan cuồng” cũng là điều không thể thiếu. Hàn Quốc đã có hẳn một kế hoạch phát triển lâu dài nhằm đem nhạc Hàn vươn ra thế giới. Và họ đã thành công vang dội. Trong khi đó, âm nhạc VN-cụ thể là nhạc trẻ-vẫn phát triển một cách chậm nhưng không chắc. Nguyên do là bởi những người có trách nhiệm vẫn chưa có những định hướng cho nhạc trẻ VN, mặt khác kinh tế VN vẫn chưa cho phép để tiến hành những chiến lược lâu dài (VN chưa thể có một Công ty quản lý với quy mô lớn, có tính cạnh tranh, phần lớn chỉ là nhỏ, trung bình hay manager)
Những ý kiến trên tuy chỉ là chủ quan, nhưng nó cũng đã phần nào nói lên thực trạng của nhạc trẻ VN hiện nay. Nhưng, nhạc trẻ VN có phát triển mạnh mẽ được hay không phần lớn là nhờ sự ủng hộ của người Việt cho nhạc Việt. Cha ông ta đã nói: “Hậu phương vững chắc thì tiền phương chắc thắng”. Chúng ta phải ủng hộ, tôn trọng nhạc Việt thì nó mới phát triển và vươn đến tầm châu lục cũng như thế giới.
*Như đã trình bày ở trên, cách cảm thụ âm nhạc của giới Việt trẻ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của âm nhạc Việt-mà cụ thể là nhạc trẻ VN. Dường như cách cảm thụ của chúng ta vẫn còn khá lạc hậu và cần phải sửa đổi. “Tồn tại” vẫn là điều xa xỉ đối với nhữn con người theo nghiệp nghệ thuật với vóc dáng xấu xí có tài năng thiên phú ở VN.
Những người du học ở trời Tây trở về đều nói rằng người da trắng lịch thiệp, có ý thức hơn người VN rất nhiều. Và điều đó là chính xác. Người phương Tây thực dụng, bảo thủ nhưng họ rất tôn trọng tài năng của người khác. Giả sử “giọng ca thiên thần” Susan Boyle mà đến VN thi VN Idol thì chắc chắn 100% sẽ bị đánh rớt ngay từ vòng loại đầu tiên ở Top 10. Vì dụ cụ thể là thí sinh Nguyễn Thị Phương Anh (người mà có ngoại hình chắc chắn hơn Susan Boyle rất nhiều). Cô có giọng ca khỏe khoắn thậm chí được ví với chính GK Siu Black và được đánh giá sẽ vào sâu nhưng đã bị loại ở ngay vòng đầu tiên Top 10. Đó không phải là điều lạ với một cuộc thi phụ thuộc nhiều vào khán giả như VN Idol. Và không chỉ VN Idol, Sao Mai Điểm Hẹn-một chương trình rất có uy tín cũng tương tự. Hãy để ý vào giải thưởng Ca sĩ được yêu thích nhất trong 4 lần tổ chức cuộc thi. Đó đều là những ca sĩ – chất lượng chưa tính đến – nhưng có một ngoại hình rất tốt.
“Tư duy âm nhạc của chúng ta có vấn đề” – Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã phải thốt lên như vậy. Đúng thế, cách cảm thụ âm nhạc của người Việt trẻ hiện nay dựa nhiều vào cảm tính. Như những nữ sinh cấp 3, cứ thấy những hotboy – chưa cần biết tốt xấu ra sao – là đã xiêu lòng. Khán giả trẻ cứ thấy ca sĩ nào có ngoại hình thật đẹp, thật ổn và hát không tệ - là lập tức Idol. Hãy nhìn sang nền Âm nhạc nước Mỹ. Nhiều ca sĩ có lượng fan thần tượng đông đảo – nhiều lúc còn hơn dân số VN nhưng nếu thần tượng mình mắc sai lầm và không nhận lỗi, chưa cần đến nhà phê bình, chắc chắn những fan ruột của họ sẽ đánh giá trước tiên, và cực kỳ gay gắt. Tất nhiên, họ vẫn yêu mến thần tượng của mình, nhưng họ tìm cách để thần tượng mình sống tốt hơn, tránh mất điểm trong mắt người hâm mộ. Người trẻ VN vẫn tư duy âm nhạc theo kiểu “Châu Á” – tức là xem xét ngoại hình trước rồi mới đến giọng hát. Điều đó cũng là biện chứng cho việc fan nhạc nước ngoài nhiều hơn fan nhạc Việt. Bởi nói một cách thẳng thắn, ngoài hình của star Việt không thể bằng Hàn Quốc được. Vì thế, hiện nay ngoại hình là một nhân tố cực kỳ quan trọng để quyết định sự thành công của một nghệ sĩ. Điều đó nói lên tiếng nói của người hâm mộ quan trọng như thế nào trong thế giới giải trí.
Dường như chúng ta vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của mình. Chúng ta hãy cùng thay đổi – dù chỉ là chút ít – cách cảm thụ âm nhạc để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho Nhạc trẻ VN./.