hình ảnh người phụ nữ

N

ngocsangnam12

Trong kho tàng văn học Việt nam, văn học dân gian là sự kết tinh quá trình sáng tạo nghệ thuật của nhân dân qua nhiều thế hệ. Những tác phẩm còn lưu truyền đến hôm nay đã được sàng lọc qua thời gian, bởi vậy chúng có giá trị về nhiều mặt. Văn học dân gian không chỉ bồi đắp cho tâm hồn muôn triệu con người Việt nam mà còn là nguồn cảm hứng vô tận đối với các nhà thơ, nhà văn, giúp các nhà thơ, nhà văn học tập được nhiều điều.

Học tập Văn học dân gian ở đây được hiểu là sự tiếp nối, kế thừa một cách sáng tạo những vẻ đẹp của Văn học dân gian. Các tác giả không sao chép một cách vụng về thành tựu của văn học dân gian . Họ "học được văn trong cổ tích, học được thơ trong ca dao" (Đỗ Bình Trị). Sự học ấy không chỉ giản đơn, thoáng chốc trong ngày một, ngày hai mà là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ. Những truyện cổ tích, những áng ca dao cứ va đập trong tâm hồn nghệ sĩ đề rồi hồn văn, hồn thơ dân gian tự nhiên chuyển hoá vào văn học viết chứ không phải là một sự bắt chước sống sượng, vô hồn.
Các nhà văn học được học cách sáng tạo những hình tượng nghệ thuật hoàn hảo; học được nghệ thuật tự sự (cách kể chuyện ) hấp dẫn; học được cách hư cấu và những yếu tố tưởng tượng phong phú đa dạng, cách xây dựng nhân vật, xây dựng không khí truyện huyền ảo, thần bí, cách kết thúc truyện có hậu...trong các truyện cổ tích; Học được cách xây dựng các hình tượng về người anh hùng và lối miêu tả những biến cố lịch sử mang tính cộng đồng trong sử thi; Học được cách nói hài hước, dí dỏm mà sâu sắc trong truyện cười dân...; Học được cách giáo dục sâu sắc của nhân dân qua những câu chuyện ngụ ngôn...

Các nhà thơ học được những yếu tố nghệ thuật đặc sắc của ca dao (cách gieo vần, việc sử dụng các thể thơ, hình ảnh, ngôn ngữ đậm màu sắc dân tộc; các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, ngoa dụ...) để thơ trở nên ngắn gọn, hàm súc, trong sáng , tinh tế và gợi cảm, dễ đi vào lòng người ...; Học được cách nói hàm súc, vần vè, dễ nhớ, dễ thuộc của tục ngữ, câu đố, hò, vè... Các tác phẩm văn học dân gian cứ thế, phả hồn mình trong những sáng tác của các nhà văn, nhà thơ hiện đại. Sự học tập tinh hoa của văn học dân gian là để làm đẹp, làm giàu cho các sáng tác của văn học viết. Đây là một quá trình bền bỉ của nhiều nhà nghệ sĩ ở nhiều nền văn học thế giới.



Văn học dân gian là nền văn học đầu tiên xuất hiện trong lịch sử văn hoá tinh thần của loài người. Nó đồng hành với cuộc sống con người ngay từ buổi sơ khai. Khi con người bắt đầu có ý thức, biết cảm nhận cái đẹp là lúc văn học dân gian ra đời - một nền văn học chỉ lưu truyền trong trí nhớ. Văn học dân gian , đặc biệt là truyện cổ tích và ca dao sống với thời gian bằng sức hấp dẫn nội tại của nó. Vẻ đẹp đó muôn đời vẫn được khám phá, kiếm tìm. Văn học dân gian và văn học viết vừa song hành, vừa tiếp nối nhau. Nền văn học sau tất yếu phải tiếp thu tinh hoa của nền văn học trước. Các nghệ sĩ sau này đã học tập, tiếp thu những vẻ đẹp cả nội dung và nghệ thuật của nó.

Những câu chuyện cổ tích, những câu ca dao như được tái sinh trong văn học viết sau này. Nhưng sự học tập của các nhà văn, nhà thơ không phải là sự sao chép, bê nguyên cổ tích, ca dao vào trong trang viết. Bản chất của văn học là sáng tạo. Văn chương sẽ đi về đâu nếu các nghệ sĩ chỉ lặp lại những điều đã có. Các tác giả đã tiếp thu mà không quên sáng tạo. Các tác giả đem cái hồn văn của cổ tích, mô típ nhân vật, kết cấu, cách cảm, cách nghĩ của người xưa vào văn mình, đem cái hồn thơ lấp lánh của ca dao vào trong thơ của mình. Tự lúc nào, cổ tích, ca dao người Việt đã ngấm sâu vào muôn nẻo hồn thơ, muôn nẻo hồn văn của các nghệ sĩ hôm nay.

Mỗi lần đọc truyện Kiều, đọc thơ Xuân Hương, thơ Nguyễn Bính, Tố Hữu, Nguyễn khoa Điềm... ta lại thấy thấp thoáng trong mỗi trang thơ hồn ca dao đi về muôn thuở. Vì đâu truyện Kiều có thể trở thành tiếng hát tâm hồn dân tộc? Vì nhà thơ đã tiếp thu được những tinh hoa trong ca dao. Chính Nguyễn Du từng nói: "Thôn ca sơ học tang ma nữ" (Trong nơi thôn xóm, ta học được tiếng hát của trồng dâu, trồng gai). Nguyễn Du đã học ngôn ngữ, hình ảnh, thể thơ lục bát truyền thống...từ tiếng hát tâm hồn người lao động. Hình ảnh nàng Kiều phải chăng là điển hình cho những người phụ nữ khôn khổ mà ta đã từng gặp trong những câu hát than thân: Thân em như hạt mưa sa; Thân em như hạt mưa rào?... Nguyễn Du đã bắt nhịp tâm hồn cùng tiếng khóc của người phụ nữ dưới đáy cùng bể khổ để cất lên khúc hát đau thương về số phận con người. Cảm hứng ấy chẳng phải được khơi nguồn từ ca dao sao? Song có lẽ, Nguyễn Du chịu ảnh hưởng nhiều nhất ở ca dao trong lối sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ, thi liệu. Những vầng trăng, những câu thề nguyền, hò hẹn...đi vào truyện Kiều từ miền ca dao cũ . Vầng trăng trong Kiều:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường

được học từ vầng trăng trong ca dao một thuở:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng.

Vầng trăng trong con mắt người biệt ly nhuốm đầy tâm trạng. Vì người phải chia phôi nên trăng cũng thành xẻ nửa. Thực chất trăng vẫn tròn đầy viên mãn trong cái nhìn của người không cô đơn. Còn trong cuộc chia ly của Kiều và Thúc Sinh này, mỗi người chỉ mang trong mình một nửa vầng trăng. Trong vần thơ Nguyễn Du như phảng phất cuộc chia ly của cô gái-chàng trai thuở nào.. Nếu không học tập ngôn ngữ, hình ảnh của người bình dân, sao Nguyễn Du có thể viết nên hai câu thơ bất hủ đó, hai câu thơ góp phần không nhỏ làm nên vẻ đẹp toàn bích của truyện Kiều?..

Không chỉ có Nguyễn Du, tiếng thơ Nguyễn Bính cứ thấp thoáng đi về một "người nhà quê", một hồn quê với những nỗi nhớ tương tư của con người Việt Nam thuở trước... Hồn thơ Nguyễn Bính đầy ắp chất ca dao. Những từ mình, ta, anh, nàng...lối tỏ tình mộc mạc, thể thơ lục bát với những giai điệu trữ tình mênh mang trong ca dao được Nguyễn Bính học một cách triệt để, khiến ta như được trở về với ca dao:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người

Gió mưa là bệnh của giời...

Đúng là cách bày tỏ kín đáo, vòng vo của ca dao. Tình cảm là của mình nhưng cứ không dám nhận, cứ gán cho đối tượng nào đó xa xôi lắm. Cứ như là "Mận" hỏi"Đào" trong ca dao vậy. Chàng thi sĩ "quê mùa" ấy đã phả vào thơ mình một chất thơ lấy từ ca dao.

Nhà thơ Tố Hữu cũng sử dụng thể thơ lục bát và đem vào thơ kết cấu mình- ta, mượn cách tỏ tình đôi lứa trong ca dao để diễn đạt những tình cảm lớn lao đối với đất nước, dân tộc:

Mình về mình có nhớ ta,

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng...

Nguuyễn Khoa Điềm trong trường ca"Mặt đường khát vọng" cũng tìm về ca dao để cắt nghĩa, lý giải sự sinh thành, phát triển của đất nước ở bề sâu văn hoá:

Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi

Đất nước có trong những cái ngày xửa, ngày xưa mẹ thường hay kể

Đất nước bắt đầu với những miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn...

Và rất nhiều, rất nhiều nhà thơ khác nữa sau này đã học tập chất thơ- từ ngữ, hình ảnh, cấu tứ, giọng điệu ở ca dao để viết nên những vần thơ đi vào lòng người.

Không chỉ học tập chất thơ trong ca dao, các nhà thơ còn học tập chất văn trong cổ tích. Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài là thiên truyện thấm đầy chất cổ tích và hiện thực. Những mô típ nhân vật và chất văn trong văn học dân gian được Tô Hoài tái hiện trong cảm xúc nhân văn mới. Nhân vật Mỵ tiêu biểu cho những cô gái nghèo bất hạnh, cô phải chịu nhiều đau khổ trong cuộc đời nhưng lại mang trong mình những khoảng sáng của những phẩm chất tốt đẹp. A Phủ là hiện thân cho mô típ các nhân vật mồ côi, hoàn toàn không có gì cả song lại có một sức sống bền bỉ, dẻo dai. Họ không có gì cả nhưng lại mang trong mình những vẻ đẹp vô giá. Đọc Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài ta như gặp lại Chử Đồng Tử trong A Phủ, gặp lại cô Tấm dịu hiền trong hình ảnh Mỵ. Lối kết thúc có hậu của truyện cổ tích cũng được sử dụng trong truyện ngắn. Nhân vật A Châu, người chiến sĩ cách mạng là hình ảnh của những ông Tiên, vị Phật đem lại hạnh phúc cho những chàng trai, cô gái bất hạnh. Có thể thấy ở Vợ chồng A Phủ , Tô Hoài đã học được rất nhiều trong truyện cổ tích xưa...

Văn học dân gian là kho tàng trí tuệ, tình cảm và thẩm mỹ của nhân dân lao động. Văn học dân gian như một dòng sông muôn đời bồi đắp cho người sáng tạo. Nhà văn cần phải biết khai thác và tiếp thu có sáng tạo những thành tựu của văn học dân gian . Những nhà văn, nhà thơ lớn của của dân tộc phần nhiều đều là những người biết tìm về truyền thống văn học dân gian để tiếp thu và sáng tạo, để làm cho tác phẩm của mình đậm đà tính dân tộc, tính nhân dân...Các nhà văn, nhà thơ muôn đời vẫn học được nhiều điều từ truyện cổ, ca dao.

HK


Người phụ nữ em nhé!
 
Last edited by a moderator:
N

naruto2001

P/s: Nam làm lạc đề

Đề 1: Trong vương quốc văn học, “biên giới” là hai từ không bao giờ tồn tại. Minh chứng rõ nhất là từ xa xưa cho đến nay, đề tài về số phận và vẻ đẹp người phụ nữ luôn là một đề tài nóng, được vô số tác giả khám phá và thể hiện. Tô Hoài, Kim Lân, Xuân Quỳnh, Nguyễn Minh Châu- bốn tác giả ở bốn giai đoạn khau nhau, với bốn phong cách nghệ thuật riêng nhưng đã gặp nhau ở hình tượng người phụ nữ trong tác phẩm của mình. “Vợ chồng A Phủ” với nhân vật Mị, “Vợ nhặt” với nhân vật Thị, “Sóng” với hình tượng “em” hay “Chiếc thuyền ngoài xa” với người đàn bà hàng chài, bốn người phụ nữ ấy đã làm nên bức tượng đài người phụ nữ Việt Nam mà trong mỗi hoàn cảnh, họ mang số phận và vẻ đẹp riêng.

Thơ ca từ xưa đến nay, người phụ nữ luôn gánh trên vai một số phận long đong, bất hạnh, một nỗi đau xuyên thời gian, không gian và tìm gặp nhau ở điểm chung:

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

(Nguyễn Du)

Mị trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài phải gánh chịu trên lưng kiếp sống của một con vật, dù mang danh con dâu nhà thống lí (con dâu gạt nợ). Song hành với Mị luôn là hình ảnh con trâu con ngựa, con rùa lùi lũi… cho thấy một kiếp người bất hạnh, sống không bằng con vật. Quyền sống dường như không nằm trong tay cô: vì cha mà cô không đành lòng tự tử, rồi vì A Sử ngăn cản bắt trói vào cột mà cô không thể đi chơi trong đêm tình mùa xuân… Một cuộc sống ngột ngạt tù túng, quyền con người bị tước đoạt- đó là hiện thân của xã hội mà kẻ thống trị có thể giày xéo bất cứ người dân nào.

Không chịu kiếp sống con vật như Mị nhưng người vợ nhặt trong “Vợ nhặt” của Kim Lân lại phải sống lay lắt, vật vờ trong nạn đói khủng khiếp những năm 1945. Chính cái đói đã làm mất đi vẻ đẹp nữ tính của một cô gái trẻ, đẩy Thị vào bi kịch: theo không người ta về làm vợ để có cái ăn. Hoàn cảnh xô đẩy, bản tính người bị che lấp, còn đâu lòng tự trọng và vẻ đẹp nhân cách nữa. Thị chính là một minh chứng cho “nạn nhân của hoàn cảnh”.

Gây sốc cho bạn đọc chính là số phận bất hạnh đến bi thảm của người đàn bà hàng chài: cuộc sống khổ cực trên thuyền trên biển đã đẩy gia đình mụ từ ấm êm, hòa thuận đến bạo hành, đói nghèo. Nguyễn Minh Châu đã khắc họa một con người chất chứa mội nỗi khổ to lớn, khiến người đọc nhìn vào cũng đau lòng. Cứ ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng, mụ phải chịu đựng những trận đòn roi của người chồng vũ phu- đau xót làm sao! Người đàn bà hàng chài sống cam chịu, nhẫn nhục như chính mụ lựa chọn số phận bất hạnh ấy mà chẳng hề phản kháng, đấu tranh.

Mỗi người một số phận, hình tượng “em” trong “Sóng” của Xuân Quỳnh lại mang một nỗi đau về tinh thần. “Em” trong tình yêu luôn trăn trở, suy tư, ngẫm nghĩ và đặc biệt luôn khát khao hạnh phúc. Trong sự đổ vỡ của tình yêu, Xuân Quỳnh luôn phập phồng lo lắng:

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa…

Chung quy lại, trong cả bốn tác phẩm, dù ở thời đại nào, không gian nào, hoàn cảnh nào, người phụ nữ vẫn luôn là phái yếu chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh… Đau đớn là vậy, nhưng hình tượng người phụ nữ trong văn học luôn ẩn chứa một vẻ đẹp nội tâm sâu sắc đáng trân trọng.

Nếu như ta đã thấy Mị sống kiếp con vật khi làm dâu gạt nợ nhà Thống lí Pá Tra; thì ta cũng sẽ nhận ra một cô Mị hiếu thảo, chăm chỉ, yêu tự do qua câu nói “Con nay đã biết cuốc nương, làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu”. Trốn về nhà sau khi bị bắt làm dâu gạt nợ, định tự tử bằng nắm lá ngón nhưng nhìn người cha già yếu, cô không đành lòng để cha một mình gánh vác nợ nần. Thật hiếm thấy một người con gái hiếu thuận như vậy! Chính vẻ đẹp tâm hồn ấy, chứ không phải là nhan sắc rực rỡ khiến “trai đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị”, cũng không phải tài năng thổi sáo giỏi, đã giúp Mị tỏa sáng trong ấn tượng của người đọc.

Không đẹp cũng chẳng tài năng nhưng cô vợ nhặt của nhà văn Kim Lân lại lấy được thiện cảm của người đọc dần dần bằng chính hành động của mình. Kim Lân tả thị lúc đầu là một cô nàng chao chát chỏng lỏn, vì miếng ăn mà quên mất lòng tự trọng; nhưng càng về sau, ngòi bút của ông lại đầy cảm thông, thương xót. Thị chua ngoa nhưng cũng là một cô gái biết e thẹn khi về làm dâu, biết lễ nghĩa khi ra mắt mẹ chồng. Làm dâu, làm vợ rồi, thị dần bộc lộ hết những vẻ đẹp của một người phụ nữ: chăm chỉ giúp mẹ chồng dọn dẹp nhà cửa, cư xử lễ phép và tế nhị…

Sự chuyển biến ở thị đã khiến người đọc ngạc nhiên, thì hẳn sẽ không khỏi sửng sốt khi khám phá ra vẻ đẹp ở người đàn bà hàng chài của Nguyễn Minh Châu. Chưa ở đâu, chưa một tác phẩm văn học nào mà người phụ nữ lại bộc lộ rõ thiên tính nữ như trong “Chiếc thuyền ngoài xa”. Mụ xấu xí, thô kệch, mặt rỗ, tấm lưng áo bạc phếch… khiến người đọc mới làm quen đã thiếu thiện cảm… Nhưng dần dần, vẻ đẹp tâm hồn của một người phụ nữ từng trải đã thuyết phục chúng ta. Mụ sâu sắc và vị tha, giàu đức hi sinh: mụ thấu hiểu nỗi khổ của chồng, cam chịu bị đánh mà không một lời oán trách ca than. Mụ chăm chỉ tần tảo kéo lưới suốt đêm khiến gương mặt tái nhợt đi, để đàn con được ăn no. Mụ trải đời sâu sắc nên chỉ ra và phân tích rõ cho Phùng và Đẩu thấy những bất cập trong chính sách của nhà nước. Đặc biệt, tình mẫu tử mụ dành cho các con thật là vô biên…

Nếu người đàn bà hàng chài sâu sắc và từng trải trong cuộc sống thì “em” trong thơ Xuân Quỳnh lại sâu sắc và thấu hiểu trong tình yêu. “Em” đẹp như sóng và cũng mạnh mẽ như sóng. “Em” “dữ dội” đấy nhưng cũng rất “dịu êm”, đôi lúc “ồn ào” nhưng có những khi thật “lặng lẽ”. “Em” trong thơ Xuân Quỳnh với cảm xúc nồng cháy đã ánh lên những phẩm chất cao đẹp: thủy chung “Dẫu xuôi về phương Bắc- Dẫu ngược về phương Nam- Nơi nào em cũng nghĩ- Hướng về anh một phương”, tin tưởng vào tình yêu “Ở ngoài kia đại dương- Trăm ngàn con sóng đó- Con nào chẳng tới bờ- Dù muôn vời cách trở”, sẵn sàng hi sinh để bất tử hóa tình yêu “Làm sao được tan ra- Thành trăm con sóng nhỏ- Giữa biển lớn tình yêu- Để ngàn năm còn vỗ”…

Quả thật, số phận bất hạnh không làm mờ đi vẻ đẹp của người phụ nữ trong văn học, tiêu biểu cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam: tảo tần, chăm chỉ, thủy chung, sâu sắc, từng trải, giàu đức hi sinh, giàu lòng vị tha, yêu gia đình… Đó là những vẻ đẹp khuất lấp cần khám phá để thấy được chiều sâu nhân văn trong mỗi tác phẩm.

Trong cuộc sống, trong tình yêu, người phụ nữ nào chẳng khao khát có được hạnh phúc, có một mái ấm gia đình đúng nghĩa. Và đó cũng là vẻ đẹp tâm hồn nổi bật nhất của những người phụ nữ trong các tác phẩm văn học.

Trong Vợ chồng A Phủ, Mị lầm lũi là vậy bởi sống lâu trong cảnh khổ, Mị đã quen khổ; thế nhưng khi nghe tiếng sáo từ lấp ló ngoài đầu núi, đến văng vẳng ở đầu làng, rồi lửng lơ bay ngoài đường… sức sống trong Mị như hồi sinh. Mị thấy yêu đời trở lại, Mị thấy mình trẻ, Mị khao khát tự do và muốn được đi chơi. Tất cả đã cho thấy người phụ nữ dù trong đau khổ tù túng thì trái tim họ vẫn luôn hướng về, luôn hi vọng và khát khao hạnh phúc. Chính vì thế, Mị đã chạy theo A Phủ, chạy theo hạnh phúc của mình, rời bỏ mảnh đất Hồng Ngài đau thương.

Trong “Vợ nhặt” của Kim Lân, người vợ nhặt cũng vậy, thị theo Tràng về chẳng qua cũng vì muốn tìm một mái ấm gia đình, một nơi được bao bọc trong tình yêu thương. Thị đã khơi dậy ở Tràng hình ảnh lá cờ đỏ bay phấp phới và đám người đói đi phá kho thóc của Nhật- đó là minh chứng rõ nhất cho khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc đang rực cháy trong tâm hồn thị.

Hay như người đàn bà hàng chài, trong đau khổ bất hạnh, khuôn mặt mụ vẫn “ửng sáng lên như một nụ cười”, khi nhắc đến chuyện “ở trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ”. Mụ thương con và hiểu chồng, mụ cố gắng chắt lọc lấy hạnh phúc chứ nhất quyết không li hôn với gã chồng vũ phu.

Đặc biệt, khát khao hạnh phúc được Xuân Quỳnh thể hiện mãnh liệt thông qua hình tượng “són” và “em”. “Em” trăn trở, giàu lòng trắc ẩn, day dứt về tình yêu chính vì “em” luôn tìm kiếm hạnh phúc trọn vẹn “Bồi hồi trong ngực trẻ”. Yêu say đắm, tha thiết, nhưng khát khao tình yêu đích thực, khát khao hạnh phúc vẫn luôn thường trực trong trái tim người phụ nữ.

Trong văn học, hình tượng người phụ nữ không mới mẻ nhưng dưới ngòi bút của mỗi tác giả, hình tượng ấy lại đem đến cho bạn đọc cảm giác khác nhau thông qua những tác phẩm khác nhau. Dù là thơ, truyện hay tiểu thuyết, các tác giả vẫn luôn tập trung làm nổi bật hình tượng người phụ nữ với số phận bất hạnh nhưng ẩn sâu những vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam với khát khao hạnh phúc mãnh liệt.

Đọc kĩ đề! Văn học dân gian chứ!
 
Last edited by a moderator:
N

naruto2001

vì lý do không đủ giấy nên làm thành 2 lần nhé

2) Bài làm của học sinh Nguyễn Thị Bích Ngọc lớp 12D1 (khóa 2011- 2014)

Trong cuộc đời mỗi con người chúng ta không thể thiếu vắng hình ảnh những người phụ nữ, đó là những người bà, người mẹ chở che, những người chị đảm đang, người vợ tảo tần… Văn học Việt Nam cũng vậy, luôn tôn vinh hình tượng người phụ nữ với tất cả những gì tốt đẹp nhất.

Ta bắt gặp một cô gái trẻ với đôi mắt khát khao được sống phía sau khung cửa nhà Thống lí Pá Tra, cô gái ấy là Mị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài. Tôi thấy một người phụ nữ với sự dịu dàng, đảm đang ẩn sau vẻ “chao chát chỏng lỏn” trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. Tôi rung động trước con “Sóng” lòng của thi sĩ Xuân Quỳnh. Tôi càng chua xót và thương cảm hơn khi nghĩ về người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Tuy xuất hiện trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều hiện lên là một hình tượng mẫu mực bậc nhất trong nền văn học Việt Nam- hình tượng người phụ nữ. Họ đã từng xuất hiện là người phụ nữ dân tộc xuất hiện trong thơ Nguyễn Khoa Điềm địu con con lên rẫy bẻ ngô, ru con ngủ mà mồ hôi ướt đẫm; hay là Dít, là Mai với đôi mắt đen láy cương nghị trong “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành…

Trong “Vợ chồng A Phủ”, Mị hiện lên từ cuộc sống câm lặng trong kiếp làm dâu gạt nợ nhà Thống lí. Ta không thể quên Mị đã từng kiên quyết nói rằng thà đi làm nương chứ không chịu bị gả vào nhà Thống lí. Sự mạnh mẽ ấy cuối cùng không thể giúp Mị thoát khỏi kiếp làm dâu gạt nợ. Mị đã muốn chết nhưng rồi không thể, nắm lá ngón hái về đành vứt xuống đất. Mị muốn thoát khỏi nhà Thống lí, Mị đã khóc nhiều đêm liền, nhưng rồi nước mắt cũng cạn, Mị đành “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, chỉ còn biết thả mình theo tiếng sáo để trở về ngày xưa cũ, khi Mị còn tự do. Sức sống tiềm tàng của Mị tạo nên một ấn tượng khó phai về người con gái này, cô câm lặng nhưng không cam tâm chết. Thế nhưng trong đêm cởi trói cho A Phủ, cũng như bao lần Mị thổi lửa hơ tay hơ lưng giữa đêm để lưu giữ hơi nồng nơi tâm hồn; nhưng đêm nay giọt nước mắt A Phủ đã khiến Mị trỗi dậy lòng thương người, đã hâm nóng và thổi lên ngọn lửa trong tâm hồn Mị. Không còn gương mặt “buồn rười rượi”, gương mặt Mị giờ sáng bừng lên quyết liệt. Mị giống như vị cứu tinh cứu lấy không chỉ cuộc đời A Phủ mà còn cứu lấy chính mình.

Cũng ra đời trong kháng chiến chống Pháp nhưng thị trong “Vợ nhặt” không giống Mị. Thị xuất hiện với vẻ ngoài xấu xí, cái miệng chua ngoa nhưng lại trở nên rụt rè khi về tới nhà Tràng. Mang thân vợ nhặt về làm dâu nhà người, thị đã đối xử với mẹ con Tràng bằng tất cả lòng biết ơn và tình yêu của mình: thị quét tước sân vườn sạch sẽ, kín đầy ang nước, phơi cả đống quần áo đã vắt khươm mươi niên ở góc nhà. Thị không một lời oán trách khi và vào miệng miếng cháo cám chát xít và nghẹn bứ. Ở thị, tôi thấy một người phụ nữ sắc sảo trước thời cuộc, đảm đang, cam chịu và sẵn sàng chia sẻ yêu thương giữa những ngày đói kém nhất. Thị mang đến một làn gió mới tươi mát thổi vào tâm hồn Tràng, cụ Tứ và cả người dân xóm ngụ cư.

Bông “hoa dọc chiến hào” Xuân Quỳnh lại mang đến chút tự tình lãng mạn trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt bằng bài thơ “Sóng”. Nhạy cảm, tinh tế, Xuân Quỳnh trong vai “em” đã đứng trước biển lớn để giãi bày khao khát yêu thương, mạnh dạn xóa đi rào cản của quan niệm về người phụ nữ thụ động trong tình yêu. Trải qua bao trăn trở, Xuân Quỳnh quyết định hóa thân tan thành “trăm con sóng nhỏ” để vỗ mãi ru êm tình yêu muôn thuở. Một người phụ nữ nội tâm, tràn đầy khao khát và giàu đức hy sinh như vậy đã vẽ nên hình ảnh mềm mại của “Sóng” trong làng thơ Việt Nam.

Tôi tìm thấy “hạt ngọc ẩn giấu của tâm hồn con người” nơi người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Trong con giông bão của “đêm trước ngày đổi mới”, chị phải vất vả xoay xở, một bên là nỗi lo cho từng miếng cơm manh áo, một bên là nỗi đau thân xác từ những trận đòn roi. Chị nói rằng “đàn bà hàng chài không thể sống cho mình”, bởi cuộc đời chị đã bất hạnh từ nhỏ: sinh ra trong gia đình khá giả nhưng ngoại hình xấu xí, chị may mắn được anh con trai hàng chài yêu thương. Sóng gió cuộc đời ập đến, phá vỡ hạnh phúc nhỏ nhoi ấy khi “thuyền quá nhỏ, nhà lại thêm đông con”. Những trận đòn roi mà gã chồng vũ phu giáng xuống tấm lưng gầy của chị không chỉ đơn thuần là vì hắn “khổ quá” như chị vẫn thường nói, đó còn là trận đòn từ những éo le, bất hạnh do hoàn cảnh xô đẩy tấm thân chị. Thế nhưng từ sâu trong bùn đất, chị sáng lên với vẻ đẹp tâm hồn rạng ngời- vẻ đẹp của mẫu tính. Chị chỉ hạnh phúc nhất khi thấy các con được ăn no, chị không đau lòng khi bị đánh, chị chỉ cần cho con thuyền được êm ấm “tuyệt mĩ”. Người đàn bà mặt rỗ, khắc khổ với tấm lưng áo bạc phếch đã phản ánh hiện thực đời sống phức tạp dưới ngòi bút của Nguyễn Minh Châu.

Bốn tác phẩm khác nhau hoàn toàn về tác giả cũng như hoàn cảnh ra đời nhưng lại có chung một góc nhìn về người phụ nữ. Họ tuy có những cảnh ngộ riêng, gánh chịu những bất hạnh, khổ đau, mang những nỗi niềm riêng, nhưng đều là những gì đẹp nhất, dịu dàng nhất, thuần khiết nhất. Mị đại diện cho tuổi trẻ, cho sức sống tiềm tàng dù bị đày đọa thân xác, cho cả tình yêu thương con người vô bờ bến bất chấp mọi nguy hiểm, thậm chí cả cái chết. Thị- vợ anh Tràng- trong những tháng ngày đói khát nhất của dân tộc lại tỏa sáng vẻ đẹp tâm hồn với sự sắc sảo mà dịu hiền, mạnh mẽ chọn cho mình chỗ dựa qua ngày đói bất chấp dị nghị. Có lẽ Thị sẽ trở thành một người mẹ tốt với bản năng sẵn có của một người mẹ, Thị sẽ yêu thương con mình như yêu thương Tràng và bà cụ Tứ- những người đã cứu vớt đời Thị. Xuân Quỳnh trong nỗi đau đổ vỡ tình yêu, đã mạnh mẽ sẵn sàng bất chấp quan niệm cũ để tìm hạnh phúc riêng. Và với vẻ đẹp mẫu tính sáng ngời, cũng giống như Quỳ trong “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”, Nguyễn Minh Châu khắc họa người đàn bà hàng chài với tình thương yêu vô bờ bến, đức hy sinh và sự nhẫn nhục, cam chịu để chiến đấu với giặc đói giặc *** bao vây. Những người phụ nữ ấy không quá đẹp ở ngoại hình nhưng lại khiến người đọc bị thuyết phục bởi vẻ đẹp nhân cách. Sẽ còn là Từ trong truyện ngắn “Đời thừa” của Nam Cao, là chị Chiến trong “Những đứa con trong gia đình” là bà cụ Tứ mẹ Tràng trong “Vợ nhặt”… Trong mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, mọi giai đoạn lịch sử, ta đều bắt gặp những người phụ nữ “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” như Bác Hồ từng nói. Vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam đã, đang và sẽ còn tỏa sáng trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Phụ nữ giống như những bông hoa, mỏng manh nhưng không kém phần kiên cường, có đóa hoa đẹp về màu sắc nhưng có đóa hoa lại ngát hương thơm, nhưng tất cả đều có chung một nhiệm vụ đó là nuôi dưỡng sức sống cho cuộc đời, luôn hết mình khoe sắc và giữ gìn giống nòi cho muôn đời sau. Ý thức được điều đó, bằng ngòi bút nhân đạo của mình, các nhà văn nhà thơ hiện đại, đặc biệt là qua các tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” ; “Vợ nhặt” ; “Sóng” và “Chiếc thuyền ngoài xa” đã xây dựng hình tượng người phụ nữ hiện lên như những tượng đài bất khuất, đại diện cho những người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ, luôn sáng ngời mẫu tính, tình thương yêu, sự dịu hiền, đảm đang và tình cảm chân thành nhất nơi tâm hồn con người.

Đọc kĩ đề! Văn học dân gian chứ!
 
Last edited by a moderator:
Top Bottom