Văn hoá học đường - một thuật ngữ khoa học còn khá mới mẻ - gần đây đôi lần thấy xuất hiện trên một số phương tiện thông tin đại chúng, văn hoá học đường đang là một vấn đề thời sự nổi cộm và có thể nói, nơi nơi người người quan tâm tốn không ít giấy mực của báo chí
Cuộc sống trong trường học của chúng ta hiện nay phức tạp hơn trước nhiều. Ở một số nơi, với một số người, giáo dục và văn hoá dường như đã không còn gắn kết, phát triển theo tỷ lệ thuận với nhau (học vấn càng cao, văn hoá càng đẹp) mà có khi, thậm chí còn ngược lại. Cả xã hội đang rất quan tâm đến đạo đức của học sinh, sinh viên, nhiều khi cả của các nhà giáo nữa, coi đây là trọng điểm của chất lượng giáo dục – đào tạo. Đã đến lúc xây dựng văn hoá học đường phải là mối quan tâm của tất cả mọi nhà trường. Bộ GD-ĐT đã phát động phong trào “Xây dựng nhà trường thân thiện”. Nội dung của phong trào này gắn liền với văn hoá học đường. Xây dựng văn hoá học đường là một yếu tố bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo. Văn hoá học đường góp phần quan trọng chấn hưng - cải cách nền giáo dục nước nhà.
Văn hoá luôn đi liền với giáo dục, giáo dục đi liền với văn hoá. Cả hai đều là sản phẩm đặc thù của loài người, chỉ có loài người mới có. Lênin đã khẳng định: giáo dục là “phạm trù vĩnh hằng” - tồn tại mãi mãi cùng loài người: thế hệ trước phải truyền cho thế hệ sau các kinh nghiệm lịch sử-xã hội, tạo nên tiến hoá không ngừng của loài người. Giáo dục (bao gồm cả đào tạo) được coi là nhân tố cực kỳ quan trọng quyết định sự trường tồn của quốc gia-dân tộc. Ở nước ta, trong Cương lĩnh Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1991 ghi rõ giáo dục là quốc sách hàng đầu. Có lẽ ai cũng biết bản chất (tính người, tình người, năng lực, nhân cách...) của con người được hình thành, phát triển từ ngoài xã hội vào - được xã hội hoá, nhập tâm vào não bộ, lĩnh hội, biểu hiện ra hành vi, hành động, hoạt động. Đứa trẻ từ bào thai chào đời như một sinh thể muốn thành người phải đắm mình vào quá trình giáo dục (theo nghĩa rộng của từ này).
Gần đây, hiện tượng học sinh đánh nhau, thanh toán nhau, trong đó có nhiều vụ nữ sinh đánh bạn học vì những lý do rất đơn giản xảy ra ngày một nhiều. Nhiều học sinh đánh bạn vì lý do “nhìn mặt thấy ghét”, “ỷ học giỏi mà chảnh”, có nhóm học sinh bắt nạt, trấn lột học sinh khác buộc em này phải lấy cắp tiền bạc, tài sản của gia đình cống nạp. Dư luận xã hội băn khoăn, bức xúc.