Chào quocdong10a4!
Chị có thể gợi ý giúp em một vài ý sau đây:
"
Kẻ ham học sẽ có trí tuệ, kẻ say mê thực hành sẽ nên người, kẻ biết hổ thẹn sẽ có dũng khí."
- Về cơ bản hai ý đầu của câu nói trên là những câu bàn luận về việc học:
+
Kẻ ham học sẽ có trí tuệ: những con người biết tìm tòi, ham học học sẽ trau dồi cho mình một khối lượng kiến thức phong phú, đa dạng, sẽ trở nên hiểu biết. Ham học ở đây không chỉ nói đến vấn đề về kiến thức học vấn mà còn nói đến cả những kiến thức về xã hội, về tất cả các khía cạnh của đời sống.
=> Đánh giá và khẳng định tầm quan trọng của việc học
La Sơn Phu Tử cũng đã từng nói: Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lí (Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo) để thấy được việc học quan trọng như thế nào.
+
Kẻ say mê thực hành sẽ nên người: ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hành. Học phải đi đôi với hành bởi “Học không hành thì học vô ích” (Hồ Chí Minh). Những gì chúng ta học được sẽ chỉ là những lý thuyết suông nếu như chúng ta không đi vào thực hành, không áp dụng, không dùng nó vào trong đời sống của mình. “Mọi lý thuyết chỉ là màu xám”.
Tại sao lại nói
Kẻ say mê thực hành sẽ nên người? Câu nói này có đúng không?
Trong khi thực hành, chúng ta sẽ phải trải qua quá trình: Thử và sai, càng thực hành nhiều chúng ta càng có kĩ năng và càng thu được nhiều kết quả. Nếu sai chúng ta sẽ phải tìm ra nguyên nhân tại sao sai? Cách sửa như thế nào. Nếu đúng thì chúng ta có thể áp dụng cho những lần sau đó.
Có thể nói vế câu này rất đúng và mang ý nghĩa sâu xa. Say mê thực hành ở đây không chỉ thể hiện trong lĩnh vực chuyên môn học vấn, mà suy rộng ra đó còn là thực hành ở trường đời. Càng say mê thực hành chúng ta càng học được nhiều đức tính tốt, đó là sự kiên trì, nhẫn nại, là tình yêu với công việc, là cách biết sửa chữa khi ta làm sai…Thế chẳng phải chúng ta đang dần hoàn thiện bản thân mình đó sao?
Hai vế đầu của câu nói diễn đạt hai ý khác nhau nhưng lại thống nhất, có mối quan hệ tác động qua lại: đó chính là mối quan hệ giữa việc học và hành.
(Em có thể đọc tham khảo 2 ý này ở link:
http://diendan.hocmai.vn/showthread.php?t=206691
+ Kẻ biết hổ thẹn sẽ có dũng khí
Khi nào chúng ta hổ thẹn? Khi chúng ta làm sai việc gì đó, chúng ta cảm thấy có lỗi không chỉ với người khác mà còn thấy có lỗi với chính bản thân mình. Chúng ta thấy ăn năn, lương tâm thấy cắn rứt. Như vậy cũng chính là chúng ta đã dám nhìn thẳng vào lỗi lầm của mình, dám đối mặt với nó. Một khi đã dám đối mặt với lỗi lầm của mình, chúng ta sẽ tìm cách để sửa sai và vượt qua nó để hoàn thiện mình. Đó là việc mà không phải ai cũng có thể làm được. Như thế cũng có nghĩa chúng ta là người có dũng khí.
* Đánh giá chung:
Câu nói thể hiện quan niệm đúng đắn, tích cực về việc học, về tầm quan trọng của nó. Học ở đây là học kiến thức, học luân lý xã hội.
=> Bài học: học phải đi đôi với hành, phải biết đối diện với những cái sai của mình thì mới tiến bộ, mới có thể hoàn thiện bản thân theo hướng tích cực.
Trên đây là một số gợi ý, chúc em học tốt!
Thân ái!