T
tuyen_13
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!! ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.
Trào lưu Graffiti ở Việt Nam
Graffiti - thú chơi vẽ tranh tường, tranh đường xuất hiện ở Mỹ từ thập kỷ 60 - 70 của thế kỷ trước, ngày càng phát triển trở thành một bộ phận của văn hóa hip-hop đang lôi cuốn giới trẻ Việt Nam 10 năm gần đây. Động lực tâm lý - văn hóa của phong trào này là nhu cầu thể hiện mình, chia sẻ tình cảm với nhau trong không gian công cộng và ý thích phiêu lưu, liều lĩnh, bất chấp luật lệ trong tâm lý tuổi teen.
Nhận diện Graffiti
Theo từ điển mạng Wikipedia, nguồn gốc lịch sử của Graffiti là những dòng chữ của các băng đảng da màu lang thang trên đường phố New York vẽ trên tường để xác định chủ quyền lãnh thổ làm ăn. Dần dà, chúng lan ra các nơi công cộng như ga tàu điện ngầm, ga xe lửa. Từ những chữ ký, những dòng chữ thô sơ nguệch ngoạc ban đầu, nghệ thuật Graffiti đã phát triển lên thành những hình vẽ 3 chiều, những mẫu hình tinh xảo. Cho đến ngày nay, hội họa Graffiti xuất hiện hầu hết trên những sản phẩm của nền văn hóa hip-hop, quần áo, xe ô tô, đĩa CD, nhà cửa.
Hoạt động "sáng tác" tranh tường của giới say mê Grafiti luôn gắn liền với sự phiêu lưu, đột nhập bất hợp pháp vào các không gian công cộng để bôi xịt màu, xâm phạm sự nguyên vẹn của tài sản xã hội với cảm hứng của những anh hùng sáng tạo. Chẳng hạn, ở nước ngoài một nhóm thanh niên đường phố có thể nổi hứng leo lên Nhà hát Lớn thành phố vào ban đêm và xịt màu trang trí, ký tên lên nhà hát thành một bức tranh khổng lồ đầy những hình thù kỳ quái, những tuyên ngôn và những biệt danh của cộng đồng "dân hip-hop". Từ góc độ tâm lý, ta có thể thấy việc Graffiti nhanh chóng trở thành một trào lưu cuốn hút sự đam mê của giới trẻ, hình thành các nhóm vẽ tranh tường, tranh đường có nguyên nhân từ tâm lý thích phiêu lưu, liều lĩnh, bất chấp các ranh giới pháp lý về tài sản công cộng và tài sản cá nhân. Chính vì thế Graffiti chưa bao giờ được sự cho phép và chấp nhận của chính phủ. Mới đây, tại New York chính quyền thành phố định bỏ tù Alan Ket, người được coi là cha đẻ của Graffiti New York. Sự kiện này đã gây tranh cãi xung quanh vấn đề thiết chế quản lý văn hóa với mức độ tự do sáng tạo của những cộng đồng nghệ sĩ tự do. Thành phố Philadelphia (Mỹ) đã thành lập mạng lưới ngăn ngừa Graffiti từ năm 1984 để ngăn chặn và xóa bỏ các hình vẽ liên quan đến bạo lực. Chính quyền cũng phát động phong trào tranh tường nghệ thuật ở các nơi công cộng, thay thế những hình vẽ khiêu khích. Ai vi phạm sẽ bị phạt nặng.
Sự phát triển của trào lưu hip-hop với sự lan rộng của thú vẽ tranh tường đã tìm được một đối tác lợi hại vừa cộng sinh, vừa truyền giáo, đó là trò game online về họa sĩ giang hồ. Từ cuối thập kỷ 90, hãng sản xuất The Collective đã tung ra game online Getting Up: Contents Under Pressure trong đó Trane, nhân vật chính là người say mê vẽ tranh tường. Trane vừa là một họa sĩ tài hoa, vừa là một võ sĩ giang hồ, không bao giờ sợ hãi, một kẻ đam mê thể hiện bản thân đến mức cực đoan, luôn muốn trở thành một huyền thoại trong thế giới giang hồ đường phố ở New Radius. Khi những bức vẽ trên những bức tường khổng lồ khắp thành phố của anh trở nên nổi tiếng, anh trở thành một huyền thoại Graffiti, đe dọa lấn lướt vị trí độc tôn của Gabe, một họa sĩ hè phố khác và đồng thời cũng là thủ lĩnh của băng xã hội đen tập hợp những tay đam mê tranh tường du thủ du thực, thì Trane trở thành đối thủ của Gabe. Bên cạnh đó, việc liều lĩnh xâm nhập vào mọi ngóc ngách của thành phố để vẽ lên phố phường, tàu điện, kho tàng... những bức tranh tường hoành tráng và quái dị, Trane cũng trở thành đối tượng săn đuổi của cảnh sát với trực thăng và các loại vũ khí siêu hạng. Nhưng Trane với võ nghệ cao cường của mình đã vượt qua mọi thử thách do xã hội đen và cảnh sát gây ra. Để thực hiện được những bức tranh tường như mong muốn, Trane cũng phải vượt qua những chặng đường cheo leo hiểm trở, thậm chí phải treo người ra ngoài sườn tàu điện ngầm để vẽ lên nóc và vách hầm lúc tàu điện chạy vun vút trong đường hầm nhập nhoạng, vừa vẽ vừa tránh những chướng ngại vật có thể quét bay đầu mình.
Có thể nói trò game mạo hiểm này vừa ăn theo trào lưu Graffiti, vừa kích thích sự phát triển của trào lưu đó do nó kết nối được sở thích vẽ tranh tường với các loại hình game hành động phiêu lưu và các mối quan hệ trong giới giang hồ đường phố.
Trào lưu Graffiti ở Việt Nam
Trong thời gian gần mười năm qua, trào lưu Graffiti đã xâm nhập vào Việt Nam qua phim ảnh, internet và đã phát triển rất nhanh, tạo thành những nhóm có tên tuổi như Street Jockey, Devil days, S5 Crew, G2 Crew, Zappy 1988... Mỗi nhóm có một lịch sử riêng, nhưng đều có chung một lộ trình đi từ bóng tối ra ánh sáng, từ thú chơi thuần túy đến ý thức kinh doanh. Các cơ quan quản lý văn hóa và các tổ chức xã hội ở ta có chính sách đưa phong trào Graffiti của lớp trẻ vào tổ chức, hoạt động công khai trong các cuộc thi, các festival như một "liên hoan". Graffiti được tổ chức vào cuối năm 2005 tại Hà Nội để tạo cơ hội cho những cá nhân, những nhóm vẽ Graffiti hàng đầu thi thố tài năng trên những không gian được quy định. Nhưng phải đến năm 2007, trào lưu Graffiti của giới trẻ Việt Nam mới cho ra đời một "sản phẩm" có giá trị văn hóa xã hội cao đó là bức tranh rồng thể hiện theo môtíp "lưỡng long chầu nguyệt" được trưng bày tại Festival nghề truyền thống Huế. Các sinh viên thuộc dự án GAS (Graffiti in Art School) của Đại học Nghệ thuật Huế đã sử dụng ngôn ngữ hip-hop để vẽ trên hai dãy bờ tường chắn tôn dài 170m với tổng diện tích gần 4.300m2 bao quanh công trường xây dựng trung tâm thương mại Bắc Tràng Tiền hình tượng một đôi rồng có kích thước lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay.
Bên cạnh những hoạt động do chính quyền tổ chức, giới Graffiti vẫn tiếp tục tự tổ chức các hoạt động sáng tác và "triển lãm" ở các khu vực công cộng như cầu Chương Dương, đường bao quanh Hồ Tây (Hà Nội) và làm dịch vụ vẽ lên đồ dùng, xe máy, mũ bảo hiểm và các văn phòng của người ngoại quốc, một dich vụ khá đắt khách có đăng báo quảng cáo hẳn hoi. Thực tế, các hoạt động Graffiti trong giới trẻ ở Việt Nam đã đi từ mỹ thuật tội lỗi đến mỹ thuật ứng dụng với những dấu hiệu tích cực và lành mạnh.
Theo SK&ĐS