Giúp với!

C

cunlongxu

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Giúp cun với, cô giáo cho 2 đề văn lựa chọn mà chẳng thấy bài nào có cảm xúc cả, làm hổng được. Mong mọi người giúp mình lập dàn ý và hiểu thêm về hai đề sau nhé!
1. Phân tích quan niệm sống mới mẻ trong bài thơ "Vội vàng" (Xuân Diệu).
2. Phân tích bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" (Hàn Mặc Tử).
Mọi người giúp nhe! Cám ơn trước nhiều!%%-
 
C

conu

Dàn bài phân tích bài thơ Vội Vàng:
(Với đề bài trên thì ta phân tích như bình thường, nhưng chú ý hơn đến việc làm rõ quan niệm sống của Xuân Diệu thể hiện trong từng đoạn thơ và nhắc lại ở phần tiểu kết giữa các đoạn, và rút ra 1 tinh thần chung bao trùm ở kết bài)
1. ĐOẠN MỘT
“Tôi” muốn bộc bạch với mọi người, với cuộc đời.
(thơ mới).
Tôi muốn “tắt nắng” “ buộc gió”, muốn đoạt quyền của tạo hoá, thiên nhiên, đề giữ lại hương vị, màu sắc, giữ lại cái đẹp của cuộc đời.
Cuộc sống trần thế: hoa đồng nội xanh rì, lá cành tơ, khúc tình si, ánh sáng hàng mi, ngon như cặp môi gần...
Cái đẹp say đắm của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ; nhân vật trữ tình như đang ngây ngất trước cuộc sống thiên đường nơi trần thế.
Cuộc đời đẹp lắm, đáng sống, đáng yêu lắm! Hãy tận hưởng cuộc đời đẹp ấy ngay trần thế này! Cần gì phải lên tiên (ý thơ Thế Lữ).
2. ĐOẠN HAI
Mùa xuân: thời xuân sắc nhất của tuổi trẻ, cảnh vật (nào ong bướm, tuần tháng mật, hoa đồng nội, lá cành tơ, khúc tình si, tháng giêng, cặp môi gần)
Nhưng mùa xuân còn là dấu hiệu của bước chuyển thời gian:
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”
Mùa xuân gắn liền với cái đẹp của tình yêu, tuổi trẻ, của cảnh vật, nên “mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”
-Mùa xuân gắn liền với tuổi trẻ, tình yêu, song quy luật cuộc đời,tuổi trẻ không tồn tại mãi, nhà thơ xót xa, tiếc nuối nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời
Nhà thơ không quan niệm thời gian tuần hoàn (thời gian liên tục, tái diễn, lặp đi lặp lại, quan niệm lấy sinh mệnh vũ trụ làm thước đo thời gian)
Quan niệm của nhà thơ về quy luật thời gian:
Thời gian như một dòng chảy xuôi chiều, một đi không bao giờ trở lại. Nhà thơ lấy sinh mệnh cá nhân con người làm thước đo thời gian, lấy thời gian hữu hạn của đời người để đo đếm thời gian của vũ trụ.
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu là cảm nhận mất mát, hẫng hụt:
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt
Hiện tại đang lìa bỏ để trở thành quá khứ, được hình dung như một cuộc chia li
Mỗi sự vật trong đời sống tự nhiên như đang ngậm ngùi tiễn biệt một phần đời của chính nó. Tạo nên sự phai tàn của từng cá thể.
Con gió xinh thì thào trong lá biếc
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa
+Giá trị của cuộc sống cá thể, mỗi khoảnh khắc trong cuộc đời con người đều quý giá, thiêng liêng
+Con người phải biết quý từng giây, từng phút của đời mình! Biết làm cho từng khoảnh khắc của đời mình tràn đầy ý nghĩa thiêng liêng!
3. ĐOẠN BA
-Ta muốn ôm..
-Ta muốn riết... -say, thâu, cắn...
Cảm xúc tràn trề, ào ạt, vồ vập hăm hở... động từ mạnh, tăng tiến dần...Một chuỗi câu lặp lại: ta muốn... ta muốn...
-Tiếng lòng khao khát, mãnh liệt của chủ thể trữ tình, gắn với mỗi ước muốn là một biểu hiện cụ thể của trạng thái:
“Cho chếnh choáng...”
“Cho đã đầy...”
“Cho no nê...”
Tận hưởng cuộc sống thanh tân tươi trẻ:
Sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Mây đưa và gió lượn...
Cỏ rạng, mùi thơm, ánh sáng, thời tươi xuân hồng, cái hôn...
Vội vàng chạy đua với thời gian, thể hiện khao khát sống mãnh liệt, cuồng nhiệt chưa từng thấy! của cái “tôi” thi sĩ.
+lí lẽ: vì sao phải sống vội vàng?
Trần thế như một thiên đường , bày sẵn bao nguồn
hạnh phúc kì thú!
Con người chỉ có thể tận hưởng hạnh phúc ấy khi đang còn trẻ; mà tuổi trẻ lại vô cùng ngắn ngủi! Vậy chỉ còn một cách là chạy đua với thời gian! phải “vội vàng” để sống, để tận hưởng!
+Cảnh thiên nhiên quyến rũ, tình tứ, kì thú:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Cảnh vật mang tình người tràn trề xuân sắc, Xuân Diệu miêu tả cảnh vật bằng cảm xúc và cái nhìn trẻ trung! của “Cặp mắt xanh non và biếc rờn”! Khai thác vẻ xuân tình của cảnh vật và nhà thơ trút cả vào cảnh vật xuân tình của mình!
+Quan niệm mới mẻ, độc đáo của Xuân Diệu: giá trị lớn nhất của đời người là tuổi trẻ! Hạnh phúc lớn nhất của tuổi trẻ là tình yêu! Đó là cái nhìn tích cực giàu giá trị nhân văn!
4. CHỦ ĐỀ
Bài thơ miêu tả cuộc đời đẹp lắm, đáng sống, đáng yêu. Để từ đó nhà thơ bày tỏ nhận thức mới về thời gian, tình yêu, tuổi trẻ và giục giã sống hết mình, mãnh liệt để tận hưởng cuộc đời này!
III. CỦNG CỐ
-Cái tôi của Xuân Diệu điển hình cho thời đại mới:
+Cách cảm nhận cái đẹp của cuộc đời
+Quan niệm về thời gian, tuổi trẻ
+Thể hiện cách sống cuồng nhiệt, say sưa
luyện tập
+Hình ảnh thiên nhiên, sự sống quen thuộc quanh ta được tác giả cảm nhận:
Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa => niềm vui cuộc đời được thần thánh hoá. Tháng giêng ngon... cảm nhận bằng cảm giác nhục thể! hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi
Cách miêu tả như giãi bày, mời mọc mọi người hãy tận hưởng thiên đường trần thế của cuộc đời này!
+Khát khao giao cảm với đời, với vẻ đẹp của thiên nhiên chính là để khẳng định vẻ đẹp của con người. Mùa xuân cũng nõn nà, tươi tắn như con người! Qua cách nhìn trẻ trung của cặp mắt “xanh non, biếc rờn” của thi sĩ!
+Hồn thơ yêu đời, yêu sống đến cuống quýt, vội vàng, giục giã, tha thiết mời gọi... hãy sống hết mình, mãnh liệt, cuồng nhiệt, để tận hưởng...
(nguồn:diễn đàn thptngoquyen.net)
 
C

conu

Phân tích bài "Đây thôn Vĩ Giạ của HMT, em có thể tham khảo dàn bài dưới đây:

Phân tích

1. Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Vĩ Giạ một làng cổ đẹp nổi tiếng bên bờ Hương giang, ngoại ô cố đô Huế. Phong cảnh êm đềm thơ mộng. Với Hàn Mặc Tử chắc là có nhiều kỷ niệm đẹp? Câu mở bài như một lời chào mời, như một tiếng nhẹ nhàng trách móc: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Cảnh Vĩ Giạ được nói đến là hàng cau với nắng mới lên, một bình minh rạng ngời. Là màu xanh của cây trái của “vườn ai”, ngỡ ngàng bâng khuâng, rồi thốt lên “mướt quá xanh như ngọc”. Sắc xanh mượt mà, láng bóng ngời lên. Một so sánh rất đắt gợi tả sức xuân, sắc xuân của “vườn ai”? Câu thứ 4 có bóng người xuất hiện thấp thoáng sau hàng trúc: “gương mặt chữ điền”. Nét vẽ “lá trúc che ngang” là một nét vẽ thần tình gợi tả vẻ kín đáo, duyên dáng của người con gái thôn Vĩ. Và cho biết “vườn ai”, ấy là vừn xuân thiếu nữ. Cau, nắng, màu xanh như ngọc của vườn ai, lá trúc và gương mặt chữ điền - 5 nét vẽ, nét nào cũng tinh tế, tao nhã, gợi nhiều thương mến bâng khuâng.

2. Thuyền ai đậu bến sông trăng đó…

Một miền quê thoáng đãng, thơ mộng. Có gió, mây, cỏ hoa, có dòng nước. Cảnh đẹp đầy thi vị, cổ điển. Gió mây đôi ngả phân li. Dòng nước buồn thiu, buồn xa vắng mơ hồ. Hoa bắp nhè nhẹ “lay” cũng gợi buồn.

“Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”
Khổ một nói đến “nắng mới lên”, nắng bình minh. Khổ 2, nói đến “bến sông trăng”, bến đò trong hoài niệm. Vầng trăng của thương nhớ đợi chờ. “Thuyền ai” có lẽ là con thuyền thiếu nữ? Vần thơ trăng đẹp nhất trong thơ Hàn Mặc Tử. Có bến sông trăng, có con thuyền trăng. Thật thơ mộng, tình tứ:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”

Câu thơ của Hàn Mặc Tử về bến sông trăng và thuyền ai gợi nhớ đến vần ca dao thuyền nhớ bến… bến đợi thuyền. Và vì thế nó gợi lên một mối tình thương nhớ, đợi chờ man mác, mơ hồ, bâng khuâng.

3. Ai biết tình ai có đậm đà?

Một chữ “mơ” đầy tình tứ trong câu thơ có nhạc điệu chơi vơi: “Mơ khách đường xa, khách đường xa”. Du khách hay thôn nữ Vĩ Giạ? Chắc lại là giai nhân mà thi nhân từng mơ ước: “Áo em trắng quá nhìn không ra”. Vừa thực vừa mông. Con người của thực tại hay con người trong hoài niệm? Sương khói của bến sông trăng hay miệt vườn Vĩ Giạ đã làm mờ nhân ảnh của giai nhân? Trong cảnh có tình. Trong tình có màn sương khói, một thứ tình yêu kín đáo, e dè, thiết tha:

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”

Toàn bài thơ có 4 từ “ai” đại từ phiếm chỉ cùng xuất hiện trong các câu hỏi tu từ, không chỉ góp phần tạo nên âm điệu lâng lâng, ngỡ ngàng mà còn dẫn hồn người đọc nhớ về một miền dân ca Huế man mác sâu lắng, bồi hồi, thiết tha:

“Núi Truối ai đắp mà cao,
Sông Hương ai bới, ai đào mà sâu?
Nong tằm ao cá nương dâu
Đò xưa bến cũ nhớ câu hẹn hò…”

Kết luận

“Đây thôn Vĩ Giạ” ngỡ là một bài thơ tả cảnh, nhưng đích thực là một bài thơ tình - tình trong mộng tưởng. Cảnh rất đẹp, rất hữu tình, âm điệu thiết tha, tình tứ. Tình cũng rất đẹp nhưng chỉ là mộng ảo. Bến sông trăng còn đó, nhưng con thuyền tình có kịp chở trăng về tối nay? Xa với, mênh mông. Áo trắng giai nhân, màu trắng trong trinh nữ ấy đã trở thành hoài niệm trong miền thương nhớ của thi sĩ đa tình mà nhiều bất hạnh. “Đây thôn Vĩ Giạ” là bài thơ để ta nhớ và ta thương.
(nguồn: ôn thi)
 
Top Bottom