Bài nè bạn, bạn tham khảo rồi tự làm nhé:
"Chiếu dời đô" của Lý Công Uẩn là tác phẩm quan trọng có ý nghĩa nhiều mặt: sử học, chính trị học, văn học, địa lý học... Từ góc nhìn triết học, "chiếu dời đô" cho thấy tầm nhìn xa, tư duy sâu sắc của Lý Công Uẩn. Vị vua sáng lập triều Lý này đã nối quan hệ giữa đế đô và tiền đồ của triều đại, của đất nước, nhấn mạnh tư tưởng về hành động chính trị phải căn cứ vào xu hướng phát triển của sự việc và chí nguyện của dân.
Kể từ khi Lý Công Uẩn, ông vua có miếu hiệu là Lý Thái Tổ, dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, thời gian đã 990 năm. Trong 990 năm đó, lịch sử đã chứng kiến biết bao thay đổi, tên đất đổi từ Đại La ra Thăng Long (Triều Lý), từ Thăng Long ra Đông Đô (Triều Trần), từ Đông Đô ra Đông Kinh (Triều Lê), từ Đông Kinh ra Hà Nội (Triều Nguyễn), rồi triều đại đã nhiều đổi thay, chế độ đã canh cải, nhưng người dân đất Việt (trừ triều Nguyễn ở trong một hoàn cảnh đặc biệt, chọn Huế làm kinh đô) đều chọn mảnh đất trung tâm của châu thổ sông Hồng này làm quốc đô. Đúng như Lý Công Uẩn trong "Chiếu dời đô" đã nhận định: "Xem khắp đất Việt ta, chỉ có nơi này là thắng địa".
"Chiếu dời đô" là một tác phẩm quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt. Giới học thuật đã nghiên cứu nó trên các lĩnh vực: sử học, chính trị học, văn học, địa lý học,... nhưng nó có giá trị về mặt triết học mà chúng ta cần xem xét.
Nội dung triết học trong "Chiếu dời đô" không phải là những vấn đề thế giới quan, xã hội quan, nhân sinh quan do tiền nhân để lại, mà là những nhận thức, những lý luận về điều kiện của đất đế đô, cả mối quan hệ giữa đế đô với các vùng lãnh thổ khác của đất nước, về cơ sở tư duy của những quyết định và hành động chính trị, những vấn đề mà lúc đương thời còn chưa nhận thức được rõ ràng.
Đế đô phải đặt ở đâu là điều mà các triều đại trước Lý đã suy nghĩ và xác định. Nhà Ngô đóng đô ở Cổ Loa, nhà Đinh và Tiền Lê đóng đô ở Hoa Lư. Sử ghi chép rằng, khi lên làm vua, Đinh Tiên Hoàng đã dụng công chọn đất làm đế đô: "Chọn được chỗ đất hẹp ở Đàm Thôn, vua muốn dựng đô ở đó, nhưng vì thế đất hẹp lại không có lợi về đặt hiểm, nên vẫn đóng đô ở Hoa Lư (Đại Việt sử ký toàn thư). Tư tưởng chủ yếu của Đinh Tiên Hoàng là chọn nơi hiểm trở làm đế đô và Hoa Lư được ông lựa chọn. Lê Hoàn khi lên làm vua, cũng chấp nhận sự lựa chọn đó và không đặt vấn đề thay đổi.
Hoa Lư là vùng đất bằng phẳng, nhưng chật hẹp và bị bao vây bởi các dãy núi đá vôi dựng đứng, ra vào chỉ có một con đường độc đạo. Hiểm thì hiểm thật, song không có lợi cho việc xây dựng triều đại và phát triển đất nước.
Hai triều Đinh và Tiền Lê ở trong đất hiểm, nhưng luôn trong thế không ổn định. Loạn không phải từ ngoài đánh vào mà là từ trong dòng họ thống trị, từ nội bộ triều đình mà ra. Cảnh vua - tôi, cha - con, anh - em dòng họ thống trị luôn nghi kỵ nhau, giành giật ngôi báu của nhau, ám hại nhau liên tục xảy ra. Đinh Liễn giết em là Hạng Lang lúc Đinh Tiên Hoàng còn sống, rồi Đỗ Thích là bề tôi trong cung giết cả Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn; Lê Đại Hành (Lê Hoàn) vừa mất thì ba con của ông đánh nhau, tranh nhau ngai vàng, rồi Lê Long Đĩnh giết em là Lê Long Việt mới làm vua được ba ngày để tự mình lên ngôi,... Cảnh tượng đó khiến người nào làm vua cũng đều có tâm trạng hoang mang, phải đối phó.
Thực tế trên khiến Lý Công Uẩn phải thay đổi quan điểm về nơi dựng đế đô khi ông mở đầu triều đại nhà Lý. Ông cho rằng quan điểm lựa chọn đế đô của hai triều Đinh và Tiền Lê là có tính chất phòng ngự, cố thủ, thiển cận. Ông đã phê phán: "Hai triều Đinh, Lê vẫn theo ý riêng mình,... cứ đóng yên đô thành ở đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau xót về việc đó! Không thể không dời đô". ("Chiếu dời đô"). Và một lập trường khác, một quan niệm khác đã hình thành ở ông.
Không xuất phát từ mục đích phòng ngự mà xuất phát từ sự mong muốn làm sao "để vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh" ("Chiếu dời đô"), Lý Công Uẩn đã hình thành nên các điều kiện của một mảnh đất được chọn làm đế đô. Đó là, nơi có thể mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, nơi trung tâm của đất nước, nơi có thế đất bằng phẳng, cao ráo, không bị thiên tai đe dọa, nơi có sản vật phong phú, nơi có thể tụ hội bốn phương đất nước,... Thành Đại La mà khi chuyển đến ông đặt tên là Thăng Long đã thỏa mãn được các điều kiện trên, vì vậy ông đã lựa chọn.
Nhưng dời đô là vấn đề lớn, nó sẽ gây cho triều đình mới được xây dựng của ông nhiều trở ngại: việc chuyển dời sẽ vất vả, tốn kém, nơi sắp chuyển đến không phải là chỗ hiểm trở, tâm lý lo sợ sự không an toàn xuất hiện. Song trở ngại lớn nhất trong đó là nó trái với thói quen thích yên vị của truyền thống, trái với sự lựa chọn được xem là thích hợp của hai triều đại trước. Khó khăn này có thể là chỗ dựa để cho những người vốn không thần phục có cơ sở để chống đối, thậm chí đi đến kích động tâm lý làm loạn. Ông thuyết phục mọi người bằng cách dẫn ra các tư liệu lịch sử để họ yên lòng: "Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh có đến năm lần dời đô, nhà Châu đến vua Thành Thang cũng có ba lần dời đô". Tuy vậy, ông vẫn chưa thể yên tâm.
Tình thế buộc ông phải tìm ra lý luận làm cơ sở cho chủ trương và hành động thực tế. Lý luận đó đã được nêu ra, trong đó có tư tưởng quan trọng là: "Trên kính cẩn mệnh trời, dưới theo ý chí của dân, nếu thấy tiện lợi thì thay đổi ngay" ("Thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân chí, cẩu hữu tiện triếp cải"). Luận điểm này vừa là sự kế thừa tư tưởng của quá khứ, vừa là sự đúc kết lịch sử, thể hiện sự sáng tạo của ông. ở đây cần sự phân tích, lý giải cụ thể.
Viện dẫn đến tư tưởng "mệnh trời" ("thiên mệnh"), nhưng ở đây ông không phải là con người duy tâm thần bí. Trong truyền thống của triết học phương Đông, khái niệm "mệnh trời" có nhiều nghĩa, có nghĩa là mệnh lệnh của ông trời có nhân cách, nhưng đồng thời cũng có nghĩa là xu hướng vận động tất yếu của sự vật khách quan. "Mệnh trời" trong "Chiếu dời đô" thuộc nghĩa thứ hai. Lý Công Uẩn dùng tư tưởng "Mệnh trời" chỉ có ý là: dời đô là việc tất yếu, có dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La thì mới có điều kiện làm cho triều đại vững bền, đất nước hưng thịnh.
Nêu ra tư tưởng "theo ý chí của dân" thể hiện quan điểm chính trị của ông khác với hai triều Đinh và Tiền Lê. Lý Công Uẩn không những nói tới dân mà còn nói tới "dân chí". Dùng khái niệm "dân chí" là có ẩn ý bên trong. Cùng một loại tư tưởng về dân có các khái niệm: "dân tâm", "dân vọng", "dân chí". "Dân tâm" là lòng dân, nhưng lòng dân có lúc thế này, có lúc thế khác. "Dân vọng" là "sự mong mỏi của dân", thường chỉ tâm trạng mong đợi bề trên biết đến đời sống khổ cực của dân. Còn "Dân chí" là ý chí đã dựa trên cơ sở hiểu biết của dân, có ý nghĩa về mặt nhận thức luận. "Nhân dân chí" là dựa theo ý chí đã có cơ sở nhận thức của người dân. Tính tất yếu vì vậy càng rõ.
"Trên kính cẩn mệnh trời", "dưới theo ý chí của dân", ở trong một câu như là hai vế của một tư tưởng, nhưng thực ra chỉ là một. "Mệnh trời" ở đây cũng là "chí dân". Thiên "Thái Thệ, trung" trong sách "Thượng Thư" từng nói: "Trời trông thấy là ở dân ta trông thấy, trời nghe thấy là ở dân ta nghe thấy" ("Thiên thị tự ngã dân thị, Thiên thính tự ngã dân thính"). Riêng "chí dân" đã là sức mạnh, "chí dân" đó còn phù hợp với xu hướng diễn biến khách quan tức là "mệnh trời" thì sức mạnh đó càng được nhân lên gấp bội. Câu "Trên kính cẩn mệnh trời, dưới theo ý chí của dân, nếu thấy tiện lợi thì thay đổi ngay", có nghĩa là phải dời đô ngay, vì đó là sự tất yếu, là thể theo ý chí của người dân.
Nêu lên mối quan hệ mật thiết giữa đế đô với tiền đồ của triều đại, của đất nước, nêu lên những yếu tố cần thiết làm tiêu chí cho việc lựa chọn nơi làm đế đô của một nước, nhấn mạnh tư tưởng về hành động chính trị phải căn cứ vào xu hướng phát triển của sự việc và chí nguyện của dân và nêu lên lý lẽ: nếu thấy tiện lợi thì thay đổi ngay,... cho thấy Lý Công Uẩn là người có tầm nhìn xa, có tư duy sâu sắc. Tư duy đó không phải bất cứ một nhân vật lịch sử nào của dân tộc cũng đều cảm nhận được. Tư duy đó không thể không xem là có giá trị về mặt nhận thức luận triết học.
Các sử gia phong kiến Việt Nam tuy còn chê trách ông ở mặt quá tín ngưỡng vào đạo Phật, chê trách cơ cấu tổ chức của triều đình ông không phù hợp với quan niệm của họ, nhưng tất cả đều thừa nhận ông là người sáng suốt. Nhà sử học Lê Văn Hưu nói: "Lý Thái Tổ lo tính lâu dài... nên noi theo họ Lý (Đại Việt sử ký toàn thư). Nhà sử học Ngô Sĩ Liên nói: "Lý Thái Tổ biết nghĩ xa hơn Lê Đại Hành". Sự nhận định của họ là có cơ sở khách quan.
"Bài chiếu" ra đời trước lúc diễn ra việc dời đô. Những phân tích và nhận định trong lúc ấy đang còn ở dạng giả thiết, song sự việc diễn ra dưới triều đại ông cũng như dưới các triều đại nhà Lý tiếp theo, cho thấy giả thiết đó từng bước trở thành hiện thực. Sự tiện lợi mọi mặt của đất Thăng Long đã làm cho triều Lý vững vàng về mặt chính trị, hùng mạnh về mặt quân sự, phát triển nhanh về mặt kinh tế, văn hóa, đạt đến mức độ phồn thịnh chưa từng có trong lịch sử trước đó. Nếu xét về mặt mong muốn chủ quan thì triều Lý cũng như các triều Đinh, Tiền Lê đã qua, đều muốn cho dòng họ mình trị vì được lâu dài, nhưng triều Đinh chỉ được hai đời vua và kéo dài 13 năm (968-980), triều Tiền Lê được ba đời vua và kéo dài được 29 năm (981-1009), còn triều Lý thì trải qua chín đời vua (kể cả Lý Chiêu Hoàng) với thời gian 216 năm (1010-1225). Triều Lý trường tồn như vậy có nguyên nhân ở việc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long.
Theo đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hà Nội ngày càng có vị thế quan trọng trong cả nước và khu vực, nhưng dù Hà Nội có phát triển như thế nào ở nay mai, cũng không thể quên được tiền thân của nó là Thăng Long mà người đặt nền tảng đầu tiên là Lý Công Uẩn.
990 năm, 1.000 năm hay đến các tuổi tròn lớn hơn nữa của Thăng Long - Hà Nội trong tương lai, nếu xét đến ngọn nguồn của đất quốc đô, người ta không thể không nhớ tới tư duy triết học sâu sắc và con mắt nhìn xa trong "Chiếu dời đô" của Lý Công Uẩn.
Chúc bạn làm bài tốt. Thân.
p/s: nhớ thanks.