b) Hãy đi vào từng khổ.
Câu mở đầu: Sao anh không về chơi thôn Vĩ? là một câu hỏi nhiều sắc thái: vừa hỏi, vừa nhắc nhớ, vừa trách, vừa mời mọc. Giờ đây chẳng ai còn ấu trĩ gán cho nó là câu hỏi của Hoàng Cúc hay của một cô gái nào ở thôn Vĩ nữa. Bởi, là đằng này thì vô lí - không đúng sự thực, là đằng kia thì vô tình - viết để tạ lòng Hoàng Cúc mà lại nghĩ đến cô khác ư? [5] Vả chăng, đâu chỉ có một câu hỏi này. Toàn bài có tới ba câu hỏi. Cả ba đều cùng một chủ thể. Trên kia đã phần nào nói đến việc bài thơ được viết thành ba khổ trên âm điệu chủ đạo của những câu hỏi buông ra, buột lên, không lời đáp. Thực ra, câu hỏi chỉ là hình thức bày tỏ. Nó không đợi trả lời để thành đối thoại. Nó cứ buông ra thế để thành dòng độc thoại bộc bạch tâm tình. Ngữ điệu hỏi càng về sau càng khắc khoải hơn, u hoài hơn. Và, nhờ ngữ điệu nhất quán ấy, mà ba cảnh sắc ở ba khổ thơ vốn đứt đoạn, "cóc nhảy" đã được xâu chuỗi lại tự nhiên khăng khít. Đó là Tử đang phân thân để tự hỏi chính mình. Hỏi mà như nhắc đến một việc cần làm, đáng phải làm, mà chẳng biết giờ đây có còn cơ hội để thực hiện nữa không. Ấy là về lại thôn Vĩ, thăm lại chốn cũ, cảnh xưa. Ta đều biết tuổi nhỏ Tử đã từng học trường Pellerin ở Huế, và khi in xong tập "Gái quê", Tử đã từng đến tìm Hoàng Cúc tại thôn Vĩ mà rồi chỉ nấp nom ngoài rào trúc chứ không dám vào. Giờ đây, nhận được bức thiếp phong cảnh này, niềm khát khao đã cất lên thành lời tự vấn oái oăm vậy. Còn ba câu sau vẽ ra hình tượng mảnh vườn thôn Vĩ:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Mỗi câu là một chi tiết vườn. Tất cả đều hoà hợp và ánh lên một vẻ đẹp thanh tú. Đọc thơ Tử, qua các tập, thấy vườn thực sự là một mô-típ ám ảnh. Nào vườn trần, vườn tiên, vườn chiêm bao... Dù mỗi nơi một khác, nhưng vườn của Tử đều mang chung một diện mạo mà Tử muốn gọi là "chốn nước non thanh tú". Phải, thiên nhiên mà Tử say đắm dứt khoát phải có vẻ đẹp thanh tú! Không thế, Tử khó mà động bút. Dường như các mảnh vườn kia đã hò hẹn nhau đầu thai thành mảnh vườn Vĩ Dạ này. Chả thế mà chi tiết nào của nó dù đơn sơ cũng toát lên vẻ tinh khôi, dù bình dị cũng toát lên vẻ thanh khiết cao sang. Nghĩa là một "chốn nước non thanh tú" hoàn toàn.
Trong thơ Tử, nắng cũng là mô-típ ám ảnh. Ta thường gặp những thứ nắng lạ đầy ấn tượng với những nắng tươi, nắng ửng, nắng chang chang, nắng loạn... Trong mảnh vườn này, Tử chỉ nói giản dị Nắng hàng cau nắng mới lên, cớ sao mà gợi thế! Có lẽ một câu thơ hay không chỉ hay bởi những gì nó mang sẵn, mà còn vì những gì nó có thể gợi ra để người đọc đồng sáng tạo. Ai đã từng sống với cau, dễ thấy cau là một thứ cây cao, thậm chí ở mảnh vườn nào đó, có thể là cao nhất. Nó là cây đầu tiên nhận được những tia nắng đầu tiên của một ngày. Bởi thế mà tinh khôi. Trong đêm, lá cau được tắm gội trên cao, sắc xanh như mới được hồi sinh trong bóng tối, dưới nắng mai lại rời rợi thanh tân. Nắng trên lá cau thành nắng ướt, nắng long lanh, nắng thiếu nữ. Bởi thế mà thanh khiết. Lại nữa, cau có dáng mảnh dẻ, trong nắng sớm, bóng đổ xuống vườn, in xuống lối đi những nét mảnh thật thanh thoát. Thân cau chia thành nhiều đốt đều đặn, khác nào như một cây thước mà thiên nhiên dựng sẵn trong vườn dùng để đo mực nắng. Nắng mai rót vào vườn cứ đầy dần lên theo từng đốt, từng đốt. Đến khi tràn trề thì nó biến cả khu vườn xanh thành viên ngọc lớn... Chẳng phải câu thơ hay còn phải đánh thức dậy bao ấn tượng vốn ngủ quên trong kí ức con người? Song, trọng tâm của hình tượng vườn dường như thuộc về những nét vẽ ở hai câu sau. Mà ấn tượng nhất là câu thơ có vẻ đẹp long lanh này: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Vì nó có sắc "mướt" chăng? Vì được sánh với "ngọc" chăng? Quả là hai chữ ấy đã đập ngay vào trực cảm người đọc. "Mướt" ánh lên vẻ mượt mà óng ả đầy xuân sắc. Còn "ngọc" là tinh thể trong suốt nên vừa có màu vừa có ánh. Nhờ đó, vườn thôn Vĩ như một viên ngọc không chỉ rời rợi sắc xanh, mà còn đang tỏa vào ban mai cả những ánh xanh nữa. Thiếu đi những ánh sắc ấy, mảnh vườn đơn sơ bình dị này khó mà hiện ra vẻ thanh tú cao sang. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở đó không thôi, ta mới chỉ thấy tầng lộ thiên của chữ "ngọc". Ẩn bên dưới, vẫn còn tầng trầm tích nữa. Khảo sát phong cách ngôn ngữ Hàn Mặc Tử, thấy thi sĩ này rất ưa dùng những vật liệu cao sang, nhất là ở giai đoạn cuối. Từ "Thơ điên" trở đi, các trang đều tràn ngập những vàng, gấm, lụa, trân châu, thất bảo, nhũ hương, mộc dược... đặc biệt là ngọc. "Ngọc" vừa được dùng lối ước lệ cổ điển như tay ngọc, mắt ngọc, đũa ngọc... vừa được dùng lối trực quan. Mà dù theo lối nào nó cũng là so sánh ở mức tuyệt đối: "Đức tin thơm hơn ngọc / Thơ bay rồi thơ bay", "Xác cô thơm quá thơm hơn ngọc / Cả một mùa xuân đã hiện hình"... Thi sĩ đang muốn tuyệt đối hoá, tột cùng hoá vẻ đẹp đẽ, quí giá, cao sang của đối tượng. Nhu cầu tuyệt đối hoá này thường xuất hiện khi niềm thiết tha với cuộc đời trần thế dâng trào đến mức đau đớn. Càng đẹp lại càng đau. Cho nên, trong so sánh với "ngọc" luôn thấy chất chồng một cách oái oăm cả hai tâm thái: cảm giác càng tinh tế, cảm xúc càng đau thương. Ở đây cũng thế, Vườn ai mướt quá xanh như ngọc chứa đựng trong đó một cảm nhận về vẻ đẹp ở mức tột bậc và cả niềm thiết tha ở mức đau thương. Cũng phải thôi, lộng lẫy đến thế, ngay trước mắt thế, mà đang vuột ra ngoài tầm tay của mình, thì làm sao tránh khỏi đau thương!
Nhưng, bên cạnh những chữ phô ngay ra vẻ quyến rũ ấy, còn có những chữ khác, khép nép bên cạnh, khiêm nhường kín đáo thôi, nhưng dường như lại được Tử yêu tin mà kí thác vào đó những uẩn khúc của lòng mình. Tôi muốn nói đến chữ "ai". Nếu cả bài chỉ có một chữ này thôi thì chưa có gì thật đáng nói. Bởi chữ "ai" thường mang ý phiếm chỉ hoá, ỡm ờ hoá mà thơ truyền thống, nhất là ca dao đã khai thác đến nhàm. Đáng nói vì cả bài có tới bốn chữ "ai" nằm ở cả ba khổ. Chúng gắn với nhau bằng cả sắc thái lẫn giọng điệu tạo thành một "hệ vi mạch" ẩn sâu trong lòng bài thơ, chuyển tải một cảm giác se xót - cảm giác về thực tại xa vời: Vườn ai..., Thuyền ai..., Ai biết tình ai. Thế giới này, cuộc đời này đẹp đẽ là thế, hiện ngay trước mắt thế, vậy mà đã hoá xa vời, vậy mà đã thuộc về Ngoài kia, thuộc về cõi trần ai kia. Sắc thái phiếm chỉ bỗng chốc đã làm tất cả như lùi xa, bỗng như diệu vợi hoá, mông lung hoá. Cũng trong câu này, không thể không dành quan tâm ít nhiều đến chữ "quá", bởi hiệu quả nghệ thuật riêng của nó. Cũng là từ chỉ mức độ, nhưng xem ra chỉ có nó mới đem đến cho câu thơ âm hưởng của một tiếng kêu ngỡ ngàng, trầm trồ như chợt nhận ra vẻ đẹp bất ngờ của khu vườn, mà có lẽ ở khoảnh khắc trước chưa thấy, khoảnh khắc sau cũng chưa hẳn đã thấy. Ta sẽ còn gặp ở khổ cuối tiếng kêu như thế nữa - áo em trắng quá nhìn không ra. Nó cũng là tiếng kêu muốn tuyệt đối hoá vẻ đẹp của đối tượng. Nghĩa là những tiếng kêu hàm chứa nỗi đau thương.
Trong khổ này, câu thứ tư đã gây nhiều tranh luận: Lá trúc che ngang mặt chữ điền. Gương mặt kia là phụ nữ hay đàn ông? Lối tạo hình của nó là cách điệu hay tả thực? Ý kiến xem ra chưa ngã ngũ. Thực ra, làm sao lại có một chi tiết cách điệu lạc vào giữa một bức tranh trực quan thuần tả thực như thế này. Vả chăng, nó diễn tả một khuôn mặt chữ điền ẩn sau những lá trúc loà xoà kia mà. Có người đã cất công để chứng minh dứt khoát đấy là gương mặt phụ nữ. [6] Thiết tưởng muốn xác định là đàn ông hay phụ nữ, trước tiên cần phải trả lời một câu hỏi khác: đó là mặt người thôn Vĩ hay người trở về thôn Vĩ? Nếu xét thuần tuý về cú pháp câu thơ, người đọc có quyền hiểu theo cả hai cách. Nhưng xét trong tương quan với toàn cảnh và trong hệ thống mô-típ phổ biến ở thơ Tử, thì có thể loại trừ được cách không phù hợp. Nếu là người thôn Vĩ (chủ nhân khu vườn), thì hẳn phải là khuôn mặt phụ nữ. Một người đàn ông về thôn Vĩ chắc không phải để ngắm khuôn mặt đàn ông! Còn là người trở về thôn Vĩ, thì người ấy chính là Tử, nói chuẩn hơn là hình tượng của chính Cái Tôi thi sĩ. Tìm trong thơ Hàn, sẽ thấy đây là lối tạo hình khá phổ biến, và cái nhân vật nép mình khi thì sau cành lá, khóm lau, khi thì sau rào thưa, bờ liễu... như thế này thường là hình bóng tự họa của Tử. Mà Tử vẫn có cái "thói" tự vẽ mình một cách rất kiêu hãnh và có phần... vơ vào nữa ("Người thơ phong vận như thơ ấy", "Có chàng trai mới in như ngọc? Gió căng hơi và nhạc lên trời", "Xin mời chàng tài hoa thi sĩ đó / Ngồi xuống đây bên thảm ngọc vườn châu"...). Thực ra, cũng chả riêng gì Tử vơ vào. Nguyễn Bính chân quê cũng "vơ vào" chả kém khi tự hoạ một cách bóng gió trong một khuôn hình gần giống thế: "Bóng ai thấp thoáng sau rào trúc / Chẳng Tống Trân ư cũng Nguyễn Hiền". Nghĩa là khuôn mặt và hình dáng văn nhân cả thôi. Tuy nhiên, khuôn mặt chữ điền sau lá trúc, không chỉ là sản phẩm của "tâm lí vơ vào" dễ thương thế thôi đâu. Sâu xa hơn, nó còn là sản phẩm của mặc cảm chia lìa. Mặc cảm này thường khiến Tử vẽ mình trong các trang thơ như một "kẻ đứng ngoài", "kẻ đi ngang qua cuộc đời", kẻ "đứng cách xa hàng thế giới", là vị "khách xa", kẻ đứng ngoài mọi cuộc vui, mọi cảnh đẹp trần thế. Kẻ ấy thường làm những chuyến trở về với cuộc đời Ngoài kia một cách thầm lén, vụng trộm. Tử hình dung mình trở về thôn Vĩ (hay tái hiện lại cái lần mình đã trở về mà không vào, chỉ nép ngoài rào trúc, thì cũng thế!), vin một cành lá trúc, che ngang khuôn mặt mình để mà nhìn vào, say ngắm vẻ đẹp thần tiên của khu vườn. Hiểu thế mới thấy câu thơ kia, hoá ra là sản phẩm nhất quán của một tình yêu mãnh liệt mà cũng là sản phẩm của một tâm hồn đầy mặc cảm về thân phận mình. Trong đó chẳng phải giấu kín một niềm uẩn khúc đáng trân trọng mà cũng thật đáng thương sao? Song, hẳn sẽ có ý thắc mắc rằng: mạch thơ đang vẽ đối tượng (cảnh nơi thôn Vĩ) sao thoắt lại chuyển sang vẽ chủ thể (cái tôi thi sĩ), liệu có cóc nhảy, phi logic không? Đúng thế. Nhưng, như bạn biết đấy, cóc nhảy và phi logic trên bề mặt chính là một đặc trưng của mạch liên tưởng "thơ điên". Sự chuyển kênh đột ngột ấy, trước sau, vẫn chỉ xoay quanh một niềm thiết tha vô bờ mà cũng đầy uẩn khúc của Tử mà thôi.
Như vậy, trong khổ thơ thứ nhất này, cảnh sắc là thôn Vĩ mà cũng là Ngoài kia, vườn Vĩ Dạ mà cũng là vườn trần gian. Qua lăng kính của mặc cảm chia lìa, cả những cảnh vật đơn sơ cũng trở nên vô cùng lộng lẫy. Với Tử đó là thiên đường trần gian - một thiên đường giờ đây dường như không thuộc về mình nữa, đang tuột khỏi tầm mình. Về thôn Vĩ vốn là việc bình thường, với Tử giờ đây lại thành một ước ao - ước ao quá tầm với, thành một hạnh phúc - hạnh phúc quá tầm tay.
Khổ thứ hai chuyển sang một cảnh khác: cảnh dòng sông. Hiểu là sông Hương cũng được mà dòng sông nào đó của cuộc đời Ngoài kia cũng được.[7] Mặc cảm chia lìa ở đây hiện ra cả trong câu chữ, hình ảnh và nhạc điệu:
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?