hững phản hồi trên đã cho thấy những chủ trương, chính sách đúng nhưng việc thực thi tuyển dụng và chế độ đãi ngộ trong hệ thống hành chính nhà nước đang có những vấn đề bất cập. Lớn hơn, sự bất cập đó ít nhiều đã làm thui chột ngọn lửa tuổi trẻ nhiệt thành muốn cống hiến cho quê nhà của nhiều trí thức trẻ, mảnh đất nơi họ sinh ra và lớn lên.
Nhiều bạn dù cũng trong hoàn cảnh bị “hắt hủi nhân tài” nhưng vẫn hiểu một điều đúng và sâu sắc: thu hút nhân tài là một chủ trương lớn và đúng đắn của các địa phương. Tuy nhiên trong quá trình thực thi, từng lúc, từng nơi vẫn có những cán bộ thực thi chính sách làm sai, dẫn tới một số nơi chính sách bị biến dạng. Đó cũng là điều các nhà hoạch định và thực thi chính sách ở địa phương cần điều chỉnh để chủ trương đẹp đẽ thu hút nhân tài đi vào cuộc sống.
Việc thực thi chủ trương, chính sách tuyển dụng và đãi ngộ không phải là một khái niệm hay phương thức bất biến và xơ cứng, nó phụ thuộc công tác lãnh đạo của từng địa phương, từng tổ chức, ban ngành. Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM... là những địa phương có những chương trình quy hoạch cụ thể với nhóm người trẻ có năng lực, với sự uyển chuyển trong tuyển dụng và linh hoạt trong bố trí công việc.
Vấn đề khác gợi ra từ diễn đàn chính là thái độ lựa chọn môi trường làm việc. Nhiều ý kiến cho rằng không nên cực đoan mặc định yêu quê hương thì phải quay về bản quán làm việc mới là cống hiến đích thực. Nói như bạn Nguyễn Diệp Lãm: “Ở bất kỳ đâu trên đất nước này cũng là quê hương Việt dấu yêu cả. Một khi mình có thực tài, tìm một môi trường tốt nhất để tạo được nhiều giá trị xã hội lớn nhất có thể từ lao động của chính mình, điều đó tốt hơn là cứ khư khư quay về bản quán. Nếu quay về mà môi trường làm việc kém, hiệu quả công việc không cao, giá trị xã hội tạo ra thấp thì rõ ràng mình đang chệch chuẩn, bởi với người tài lượng tài sản hữu hình và vô hình mà họ tạo ra phải gấp nhiều lần người bình thường”.
Dĩ nhiên, từ vấn đề thực thi chủ trương, chính sách tuyển dụng và chế độ đãi ngộ người tài qua câu chuyện của Phan Thị Cảnh và từ diễn đàn “Chọn lối đi cho mình”, hi vọng sẽ phần nào có giá trị tham khảo với những người hoạch định chính sách, với các nhà chức trách có trách nhiệm cầu hiền ở từng nơi, từng lúc và với chính các bạn trí thức trẻ.
Không có lối đi nào chung cho tất cả mọi người. Xin khép lại diễn đàn bằng một câu danh ngôn nhiều người yêu thích: ”Lối đi ngay dưới chân mình”.