Giúp mình với

  • Thread starter phuthuy_vuitinh@yahoo.com.vn
  • Ngày gửi
  • Replies 2
  • Views 3,707

V

vuiva

CÂU I. 2 Điểm
Đọc kỹ bài thơ sau và trả lời các câu hỏi ở dưới:
TRĂNG NỞ NỤ CƯỜI
Tác giả:Lê Đình Cánh
Đâu Thị Nở , đâu Chí Phèo
Đâu làng Vũ Đại đói nghèo Nam Cao
Vẫn vườn chuối gió lao xao
Sông Châu vẫn chảy nôn nao mạn thuyền
Ả ngớ ngẩn
Gã khùng điên
Khi tình yêu đến bỗng nhiên thành người
Vườn sông trăng nở nụ cười
Phút giây tan chảy vàng mười trong nhau
Giữa đời vàng lẫn với thau
Lòng tin còn chút về sau để dành
Tình yêu nên vị cháo hành
Đời chung bát vỡ thơm lành lứa đôi
1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ gì ? Cách gieo vần ? (0,25)
2. Bài thơ làm anh/chị liên tưởng đến tác phẩm nào đã học trong chương trình phổ thông ? (0,25)
3. Câu thơ “Khi tình yêu đến bỗng nhiên thành người” có ý nghĩa gì ? Liên hệ với nhân vật chính trong tác phẩm mà chúng ta liên hệ ở câu 2. (0,5)
4. Vị cháo hành được nhắc đến trong hai câu thơ sau cũng là một chi tiết nghệ thuật rất đắt trong một tác phẩm của Nam Cao. Từ việc phát hiện ra chi tiết ấy, hãy nêu ý nghĩa của hai câu thơ này với chi tiết nghệ thuật ấy. (1,0)
Tình yêu nên vị cháo hành
Đời chung bát vỡ thơm lành lứa đôi
CÂU 2: (3,0 điểm)
Đọc câu truyện sau
NGƯỜI CHA ĐƯỢC TẠO RA NHƯ THẾ NÀO
Khi ông Trời bắt đầu tạo ra nguời cha đầu tiên trên thế gian, ngài chuẩn bị sẵn một cái khung thật cao. Một nữ thần đi ngang qua ghé mắt coi và thắc mắc: “Thưa ngài, tại sao nguời cha lại cao đến như vậy? Nếu ông ta đi chơi bi với trẻ con thì phải quỳ gối, nếu ông ấy muốn hôn những đứa con mình lại phải cúi nguời. Thật bất tiện!”. Trời trầm ngâm một chút rồi gật gù: “Ngươi nói có lý. Thế nhưng nếu ta để cho nguời cha chỉ cao bằng những đứa con, thì lũ trẻ sẽ biết lấy ai làm tầm cao mà vươn tới?”. Thấy Trời nặn đôi bàn tay nguời cha to và thô ráp, vị nữ thần lại lắc đầu buồn rầu: “Ngài có biết đang làm gì không? Những bàn tay to lớn thường vụng về. Với đôi bàn tay ấy, nguời cha chật vật lắm mới có thể găm kim băng đóng tã, cài nút áo cho con trai, thắt chiếc nơ hồng cho con gái. Bàn tay ấy không đủ khéo léo để lấy những mảnh dằm nằm sâu trong da thịt mềm mại của trẻ”. Ông Trời mỉm cuời đáp: “Nhưng đôi bàn tay to lớn vững chãi đó sẽ dìu dắt bọn trẻ qua mọi sóng gió, cho tới lúc chúng trưởng thành”.
Vị nữ thần đứng bên cạnh nhìn Trời nặn nguời cha với một đôi vai rộng, lực luỡng. “Tại sao ngài phí thế?”, nữ thần thắc mắc. “Thế người cha sẽ đặt con ngồi đâu khi phải đưa nó đi xa? Lấy chỗ đâu cho đứa con ngủ gật gối đầu, khi đi xem xiếc về khuya?”. “Quan trọng hơn, đôi vai đó sẽ gánh vác cả gia đình”, ông Trời đáp.
Ông Trời thức trắng đêm để nặn cho xong nguời cha đầu tiên. Ngài cho tạo vật mới ít nói, nhưng mỗi lời phát ra là một lời quyết đoán. Tuy đôi mắt của nguời cha nhìn thấu mọi việc trên đời, nhưng lại bình tĩnh và bao dung. Cuối cùng khi đã gần như hoàn tất công việc, Trời thêm vào khóe mắt nguời cha vài giọt nuớc mắt. Nhưng sau một thoáng tư lự, Ngài lại chùi chúng đi. Thành ra người đời sau không mấy khi thấy được những giọt lệ hiếm hoi của nguời cha, mà chỉ có thể cảm và đoán được rằng ông ta đang khóc.
Xong việc, ông Trời quay lại nói với nữ thần: “Ngươi thấy đó, người cha cũng đáng yêu như nguời mẹ mà ta đã dồn bao công sức để tạo ra”
Viết bài văn nói lên suy nghĩ của anh/chị về vai trò của người cha trong gia đình.
CÂU 3: (5 điểm)
Thế nào là tư tưởng “Đất nước của nhân dân” ? Chứng minh vẻ đẹp của tư tưởng ấy qua phần II của đoạn trích “Đất Nước” (Trường ca mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm). Liên hệ ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay với quê hương, Tổ quốc của mình.
GV – PHAN DANH HIẾU
(Vui lòng ghi rõ nguồn)


HƯỚNG DẪN GIẢI


Câu I. (2,0 điểm)

1.Trong đoạn thơ trên, nhà thơ đã sử dụng thể thơ lục bát. Cách gieo vần: Vần chân và vần lưng.
2. Đoạn thơ trên làm ta liên tưởng tới truyện ngắn "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao.
3. Câu thơ "Khi tình yêu đến bỗng nhiên thành người" cho chúng ta thấy tình yêu có sức mạnh cảm hóa con người và làm cho con người trở nên thực sự "người hơn". Trong tương quan với truyện ngắn "Chí Phèo" , câu thơ đã cho ta thấy sức mạnh tình yêu với biểu tượng "bát cháo hành" mà Thị Nở dành cho Chí đã khiến phần người ngủ quên trong hắn bao lâu nay thực sự thức tỉnh. Chí Phèo không còn là một con quỷ dữ mà đã khao khát quay về làm người lương thiện nhờ cảm nhận được hương vị của tình yêu.
4. "Bát cháo hành" là chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao.
+ Giải cảm, giải độc
+ Biểu hiện của sự yêu thương, chăm sóc ân cần.
+ Biểu hiện của tình người.
+ Một ẩn dụ của tình yêu thương đưa Chí Phèo từ quỷ dữ trở về với xã hội lương thiện. Chứng minh cho chân lý “Chỉ có tình thương mới có thể cứu rỗi cho những linh hồn khổ hạnh”.
Câu II . (2 điểm)

A. Mở bài: nêu vấn đề : vai trò người cha trong gia đình.
B. Thân bài:
1. Tóm tắt câu truyện: thí sinh tự tóm tắt khoảng 5 dòng.
2. Bàn luận về vai trò của người cha dựa trên câu truyện đã cho:
+ Người cha gánh vác mọi trọng trách của gia đình (dạy con, làm việc nặng, lao động tạo ra của cải vật chất nuôi sống gia đình...)
+ Người cha chỗ dựa lớn lao về mặt tinh thần (vì người cao lớn, đôi tay cứng cỏi, tâm hồn cao thượng, không yếu mềm...)
+ Cùng với người mẹ, người cha tạo ra một mái ấm hạnh phúc mang đến thuận hòa trong gia đình.
+ Phê phán những người cha thiếu trách nhiệm với gia đình, con cái và trở thành gánh nặng của gia đình, của xã hội. Lên án thói vũ phu, bạo hành của người cha, người chồng trong gia đình. Nhưng cũng cần thiết phải lên án hành động ngược đãi của con cái đối với cha mẹ mình.
3. Bài học rút ra từ câu chuyện:
+ Trân trọng và yêu thương người cha, người mẹ trong gia đình.
+ Bảo vệ người cha và lên án thói ngược đãi của con cái trong gia đình.
C. KẾT BÀI: Suy nghĩ của bản thân.
Câu III. (5,0 điểm)
A. Mở bài: nêu vấn đề “Tư tưởng đất nước của nhân dân”.
B. Thân bài.
1. Khái quát:
- Giới thiệu tác giả tác phẩm, xuất xứ.
- Khái niệm “Tư tưởng đất nước của nhân dân”: Thời trung đại người ta quan niệm rằng, đất nước là của vua, đất nước thuộc về các triều đại, do các triều đại quản lý. Đến thời hiện đại, người ta nhận ra được sức mạnh của nhân dân, nhân dân chính là người đã đổ mồ hôi, sôi giọt máu, đã cống hiến và hi sinh, đã góp tuổi tên, số phận, cuộc đời mình để làm nên Đất nước nên đất nước đó phải thuộc về nhân dân. Từ đó mà tư tưởng “Đất nước của nhân dân” ra đời.
2. Nội dung
a. Tư tưởng đất nước của nhân dân thể hiện ở vai trò của nhân dân trong việc phát kiến địa lý, mở rộng bờ cõi và góp công sức, tuổi tên, số phận, cuộc đời, nếp sống... của mình trong việc tạo nên những địa danh tươi đẹp, kỳ thú.
- Mỗi một địa danh không phải là một dòng tên vô nghĩa mà là tên đất, tên làng, tên xã, tên sông... gắn liền với những cuộc đời, số phận nhân dân, gắn liền với kỳ tích, huyền thoại.
b. Nhân dân là những con người vô danh đã làm nên lịch sử, truyền thống, phong tục... để lại văn hóa vật chất và tinh thần.
- Nhà thơ không điểm lại các triều đại, cũng không nhắc đến những anh hùng mà tập trung nói về những con người vô danh “không ai nhớ mặt đặt tên/ nhưng họ đã làm ra đất nước”.
- Nhân dân vô tận cũng là những con người đã tạo nên giá trị vật chất và tinh thần: hạt lúa, ngọn lửa, tiếng Việt, đắp đập be bờ, chống ngoại xâm, nội thù...
c. Nhân dân còn là những con người sáng tạo nên văn hóa, sáng tạo nên ca dao thần thoại với đời sống tâm hồn lãng mạn:
- Nhà thơ đã chọn ba phương diện phẩm chất của nhân dân để nói lên lối sống, tình yêu và truyền thống:
+ Tình yêu trong sáng và thủy chung: “Dạy anh biết yêu em từ thuở trong nôi”.
+ Biết quý trọng nghĩa tình: “Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội”.
+ Quyết liệt trong căm thù và bền bỉ trong tranh đấu: “Biết trồng tre đợi ngày thành gậy”.
3. Đánh giá chung về nghệ thuật và liên hệ:
- Nghệ thuật: giọng thơ trữ tình chính luận; thể thơ tự do; ngôn ngữ thơ mộc mạc bình dị; sử dụng nhuần nhuyễn và sáng tạo nhiều chất liệu văn học, văn hóa dân gian; ...
- Liên hệ: Tư tưởng “Đất nước của nhân dân” là tư tưởng lớn của thời đại Hồ Chí Minh; giúp ta nhận thức được sự gần gũi của một đất nước thân thương, bình dị có mặt trong đời sống tinh thần của mỗi người. Vì đó là đất nước của nhân dân, đất nước của chúng ta.
+ Tuổi trẻ cần: Thấy được giá trị của cuộc sống hòa bình, độc lập; Tôn trọng và thể hiện lòng biết ơn với quá khứ, với cội nguồn; phát huy thành tích học tập và lao động không ngừng đưa đất nước đến với “tháng ngày mơ mộng” đẹp tươi; sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc kêu gọi; đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, phản động làm tổn hại đến nhà nước và nhân dân ....
C. Kết bài: đánh giá chung.(st)
 
Top Bottom