Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên
Mục đồng, địch lí ngưu quy tận
Bạch lộ song song phi hạ điền
Một bức tranh chiều đẹp yên ả được bắt nguồn từ một tinh thần thần thân dân tha thiết của một bậc đế vương đời Trần. Bài tứ tuyệt nhỏ nhắn xinh xắn miêu tả cảnh thôn xóm làng mạc. Thi nhân đứng ở phủ Thiên Trường trông ra. Phía trước là xóm, phía sau là thôn... Cả xóm thôn bắt đầu chìm dần vào sương khói. Có lẽ trời đã cuối thu đầu đông nên bóng chiều man mác, nhẹ nhàng ẩn hiện chập chờn như có như không.
Bốn chữ: “Thôn hậu thôn tiền” liên kết với cụm từ “ bán vô bán hữu” tạo nên sự cân xứng hài hoà về ngôn ngữ gợi lên cảnh xóm thôn gần xa đông đúc trù phú. Trong bóng chiều nhạt nhòa, xóm thôn phủ mờ khói sương nhẹ bay trên mái nhà tranh sau luỹ tre làng . Đó là vẻ đẹp mơ màng nơi thôn dã... Cách tả cảnh của nhà thơ tả ít gợi nhiều, là nét đặc sắc trong thi pháp cổ đã làm hiện lên một không gian nghệ thuật về cảnh sắc làng quê trong một buổi chiều tà phủ mờ sương khói và ánh tà dương yên tĩnh nên thơ. Hết vẻ thanh nhẹ, cảnh vật bao la tĩnh lặng. Phải chăng cảnh sắc này được cảm nhận và rung động từ một tâm hồn tinh tế, từ một tình yêu thiên nhiên say đắm, từ một trái tim luôn mở ra với tạo vật bao la, từ một cảm quan nhân sinh trong trẻo đến lạ kì.
Hai câu thơ cuối với âm thanh tiếng sáo của trẻ mục đồng dẫn trâu về, với sắc trắng của cánh cò đã tạo nên vẻ đẹp chấm phá của cố thi. Đây là hai hình ảnh tiêu biểu cho đồng quê khi chiều về. Đó là cảnh êm đềm, thanh bình trầm lắng, cảnh đơn sơ nhưng vẫn đậm đà sắc quê, hồn quê mà không quạnh hưu vì ở đây vẫn ánh lên sự sống của con người. Con người hoà nhập vào cảnh vật, làm cho cảnh vật sống động và có hồn vía hơn.
Là một bậc đế vưong nhưng tâm hồn và trái tim của Trần Nhân Tông lại thấm đẫm chất thi sỹ. THIÊN TRƯỜNG VÃN VỌNG là một bài thơ bất tử trong lòng hậu thế.
Nguồn: blogtiengviet.net