Giúp mình một chút nhé :)

R

rutifuentoran

MB:
- Vai trò của gđ
- Hậu quả khi một ngày ko còn tổ ấm ấy nữa và khi bố lấy vợ khác
TB:
- Khái quát về người mẹ đẻ của em
- Vì sao em lại có mẹ kế?
- Giới thiệu người mẹ kế
- tình thương của bà dành cho em, bố và họ hàng
- thái độ của em với người mẹ đó
- Gia đình em còn vui vẻ/ hay cãi nhau nữa ko
KB:
- khẳng định lại vai trò của gia đình
- Cảm xúc về người mẹ kế
 
S

sonsuboy

Để học tốt ngữ văn

Cái này thì tùy thuộc vào ý nghĩ của người viết:người mẹ kế này tốt hoặc không tốt,nhưng theo tớ thì ta nên nghĩ theo chiều hướng tốt nhé!
-ngưòi mẹ kế luôn quan tâm,chăm sóc cho em từng này.
-mẹ luôn cùng em tối tối giải cho em những bài toán khó.
-mẹ luôn ở bên cạnh em mỗi khi em ốm đau,bệnh tật
--->mẹ là một con người tốt,từ khi mất đi người mẹ ruột,em cảm thấy như cuộc đời này trống vắng vậy mà từ khi có thêm người mẹ thứ 2,em cảm thấy dần trở nên hạnh phúc hơn
 
L

leemin_28

Bánh đúc có xương!


“Bao đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng.”
Đã ai từng trải qua mùi vị của bánh đúc có xương ?

Tôi sinh ra đã không được nhìn thấy mặt mẹ. Chỉ được nghe tả lại qua lời nội, mẹ tôi là một người phụ nữ hiền lành, nết na, công dung ngôn hạnh, dịu dàng, thướt tha. Không chỉ vậy, mẹ tôi còn là một người con gái mặn mà, bà có khuôn mặt tròn đầy, làn da tuy phơi sương phơi nắng nhưng hồng hào tươi sắc, mát mẻ mịn màng. Mẹ tôi ăn nói cũng rất dễ nghe, cư xử được lòng hàng xóm và họ hàng nhà chồng. Chỉ tiếc thay, bà chết khi tôi vừa chào đời, bà để lại tôi trong vòng tay cha, để lại trong tôi bao câu hỏi thắc mắc.

Sau khi mẹ tôi mất, bố tôi cam chịu cảnh gà trống nuôi con. Ông làm nghề lái xe ôm. Dù trời có mưa to, nắng lớn, cha tôi cũng gắng sức phơi mặt suốt gần cả ngày trên các con đường của vùng đất đầy nắng gió này. Không may trong một lần đưa khách đi xa, cha tôi gặp tai nạn, bị xe cán gãy hai chân. Nếu như có tiền nhập viện sớm, có lẽ ông đã không bị mất đi hai chiếc chân, nhưng vì nhà nghèo khó, cha tôi đành nhờ người đưa đến trạm xá, chấp nhận cắt đi hai chân để đỡ tiền bệnh.Sau đợt ấy ông yếu đi nhiều, nhưng ông luôn gắng sức lái con xe cà tàng đi hết những con đường quen thuộc, đưa đón khách hàng ngày kiếm vài đồng bạc nuôi tôi ăn học cùng nội đã già yếu. Nội rất thương tôi, cái gì cũng để dành phần tôi, nội thương tôi sớm mất mẹ nên luôn dành cho tôi tình cảm lớn lao với mong ước bù đắp được phần nào khoảng trống trong tâm hồn tôi.

Thời gian bình yên sống trong ngôi nhà chan chứa tình cảm gia đình cứ thế trôi qua một cách êm đềm. Thế rồi đến một ngày, khi vừa đi học về, đập ngay vào mắt tôi là cảnh một người đàn bà ngồi ngoài sân giếng, tay vo gạo, miệng nói niềm nở với nội. Thấy tôi về, nội chạy ra đón, bảo : “Từ giờ Bin có mẹ rồi, con cứ yêu thương, coi dì Luyến như mẹ đẻ của mình nghen con.”
Tôi thực sự muốn nổ tung sau khi nghe những lời nói đó, tôi không thể kiềm chế nổi những cảm xúc mạnh mẽ đang chạy qua trí óc, tôi lao như bay, chộp lấy chiếc xe đạp mà cứ thế lao đi trong nước mắt. Tôi phóng thật nhanh, thật nhanh như để nhờ gió hong khô từng giọt lệ trên đôi mắt đỏ hoe. Lần đầu tiên trong đời, một thằng con trai như tôi phải rơi nước mắt vì những chuyện như thế. Tôi sinh ra đã không có mẹ nên tôi sớm hình thành cách sống cứng rắn, lì lợm, bảo thủ. Cha cũng dạy tôi phải sống ngoan cường trước sóng gió va vập của cuộc đời. Mỗi khi ông đánh mắng tôi, tôi không hề rơi một giọt nước mắt, tôi luôn kiềm nó lại, để dành trong đêm khuya mà lén lút trút ra trong bóng tối lạnh lẽo, tôi cầu mong trên trời mẹ có thể hiểu cho những việc tôi làm. Vậy mà giờ đây, trước một người đàn bà không rõ nguyên do gì tôi có thể đổ lệ nhiều như vậy. Một người đàn bà từ đâu đến lại làm tôi rơi nước mắt ư ? Không, không phải vậy, chính cha, chính ông ta mới là người làm tôi đau khổ. Suốt mười tám năm trời, từng gần đấy năm, ông chưa hề có tình cảm với người đàn bà nào ngoài mẹ tôi cả. Ông luôn dành tâm trí lo cho tôi, ông không bao giờ nguôi nỗi nhớ mẹ tôi, tôi cũng luôn khâm phục, ngưỡng mộ, và trân trọng ông rất nhiều. Vậy mà giờ đây, khi tôi sắp bước vào giai đoạn thi cử quan trọng nhất cuộc đời, ông lại rước từ đâu về một người đàn bà với chức danh “ mẹ” tôi ư ? Thật quá đáng, ông không còn nhớ mẹ tôi, ông không yêu mẹ tôi nữa sao ?

Tôi cứ đi, cứ lao nhanh như bay trong gió chiều, tôi cảm thấy lạc lõng giữa cuộc đời rộng lớn, giờ đây không còn ai quan tâm, lo lắng cho tôi nữa, thật bất hạnh! Tôi đi như vậy hơn một tiếng đồng hồ, rồi dừng lại trước nhà thằng bạn thân. Dắt xe vào nhà nó và kể lại mọi chuyện cho nó nghe. Nó đồng ý cho tôi ở chung phòng với nó. Vậy là từ đó tôi ăn ở tạm bợ trong phòng nó, đi học, rồi đi về cùng nó. Một hôm nó từ đâu chạy về báo tin, nội tôi thương tôi quá, chân chậm mắt mờ chống gậy đi tìm tôi, suýt nữa bị xe cán giữa đường. Tôi thương, tôi lo cho nội, vì vậy tôi quyết định quay về. Tôi vừa bước chân đến đầu cổng, người đàn bà có cái tên Luyến kia đã đon đả chạy ra chào tôi : “ Cu Bin đây hả ? Giống bố quá ta. Con về rồi thì tốt quá. Dì ở đây chăm lo việc cơm nước cho bố con con, con đừng giận dì mà tội dì con ợ, con cứ coi dì như mẹ con, dì sẽ yêu thương, chăm sóc con thay cho phần người mẹ đã khuất của con.” Tôi đáp lại lời nói đó bằng cái liếc, và một câu ngắn gọn : “Cảm ơn.” Rồi tôi đi vào trong phòng, khóa chặt cửa lại. Đến giờ ăn cơm, tôi vẫn cứ ngồi lì trong phòng không chịu ra. Một tiếng con gái gọi vọng vào : “ Anh Bin ơi, ra ăn cơm.” Tôi lừ lừ bước ra mở cửa, thì ra là đứa con gái của “dì Luyến”. Con bé nhoẻn miệng cười thật tươi với tôi. Tôi thì ném lại nó cái nhìn hằn học, quát: “ Tao biết rồi, tao có điếc đâu sao mày nói nhiều vậy.” Rồi tôi nhấc chân, miễn cưỡng bước ra, ngồi xuống cạnh cái mâm với vẻ mặt khó chịu. “Dì Luyến” đưa cơm, mời tôi ăn. Tôi vừa cầm đôi đũa, chưa kịp gắp gì vào bát thì tiếng bố tôi cất lên: “ Giờ dì ấy là mẹ của con, còn đây là Mi, nó là con của dì, hãy coi nó như em ruột Bin nhé!”. Tôi không trả lời lại, chỉ lia lịa và cơm, gắp thức ăn cho vào miệng rồi lại húp xùm xụp. Sau khi ăn no nê, tôi đánh mắt một lần quanh nhà. Nói thực đã lâu lắm rồi tôi mới được ăn một bữa ngon như vậy, bình thường tôi toàn ăn mì tôm, có hôm thì là cơm nắm với muối vừng, chứ chưa ai nấu cho tôi được một bữa cơm đạm bạc trong suốt 18 năm qua. Đồ đạc trong nhà cũng gọn gàng, ngăn nắp hơn. Có bàn tay “dì Luyến” mọi việc đều khác cả, khác theo một chiều hướng tốt. Nhưng tôi vẫn có ác cảm với “ dì”, nếu như mẹ tôi còn sống, bà chắc chắn cũng sẽ làm được tươm tất mọi việc, có khi còn tốt hơn nhiều.
Lại nói chuyện con bé Mi, đứa con của “dì”. Nó y hệt mẹ nó, cứ nhìn thấy tôi là “anh Bin, anh Bin” không ngớt. Hàng ngày tôi phải có trách nhiệm đèo nó đi học bằng chiếc xe đạp mẹ tôi để lại. Nhưng tôi ghét nó, tôi toàn để nó tự đi bộ hơn 5 ki – lô – mét từ nhà đến trường. Nó thì phải dậy sớm từ hơn 3 giờ sáng, phụ “dì Luyến” làm bánh xèo mang ra chợ bán, lúc 5 giớ thì lại phải nhanh tay nhanh chân vác cặp đi đến trường, còn tôi thì ngủ đến tận hơn 6 giờ sáng mới dậy, chần chừ một lúc mới đi làm vệ sinh cá nhân và đi học trên chiếc xe yêu quý, “chiếc xe đạp mẹ tôi để lại”.

Tôi cứ thong thả nhìn trời ngắm mây, còn con bé Mi kia cứ phải gọi là ba chân bốn cẳng mới lết xác được đến trường đúng giờ. Có hôm con bé quên quyển tập ở nhà, phải chạy hồng hộc từ trường chạy về. Lúc tôi dắt xe ra chuẩn bị đi học thì thấy nó lao như bay vào nhà, chỉ kịp chào qua tôi rồi chạy ngay vào phòng lấy quyển tập mang ra. Nó nhìn tôi, rồi tôi nhìn lại nó, không nói gì, tôi phóng xe đi trước, để lại cái dáng hình nhỏ bé ấy chạy theo trên con đường đến trường. Hôm đấy nó đi học muộn, bị phạt đứng ngoài cửa lớp, trực nhật toàn bộ lớp rồi mới được về. Tôi đi qua cửa lớp, thấy nó đang cặm cụi quét sàn, tôi cười kinh bỉ, rồi ném lại cho nó một cái nhìn đầy khiêu khích. Và cả những ngày mưa nữa, đường trơn như đổ lên một lớp mỡ, con bé vẫn phải tự túc đi bộ, men theo rìa cỏ mà đi, quần áo lấm lem bùn đất, còn tôi thì vẫn với cái dáng điệu thong thả hết chỗ nói, đi qua trước mặt nó mà không có chút cảm xúc gì. Nhiều lần như thế, nên có lần bố tôi nhìn được cảnh tôi cho nó đi bộ về, ông bắt tôi cởi trần, nằm sấp xuống sàn, lấy roi da quất từng cái quất trời giáng nên tấm lưng vốn đã chai sần đầy những vết sẹo dài của tôi. Con bé Mi từ đâu chạy ra, đỡ tay bố tôi rồi van nài năn nỉ, xin ông đừng đánh tôi, “dì” cũng chạy ra khuyên giải bố tôi hãy tha cho tôi một lần, vì “thằng Bin còn nhỏ nên trót dại.” Sau đó “dì” dìu tôi vào phòng, sức dầu xoa cho tôi, còn con bé Mi thì đứng núp bên cánh cửa, giọng run run mà nói : “ Em xin lỗi anh Bin.” Tôi ném lại nó: “ Mày có tội gì đâu mà phải xin lỗi , mai mày nhớ gọi tao dậy sớm, tao đèo mày đi học.” Thế là từ đấy, ngày ngày tôi đèo nó đi học, ngày ngày cùng đi và cùng nó về trên con đường đất đỏ, đã phơi qua nhiều những ngày nắng đổ lửa.


Ảnh này đã được định lại kích cỡ. Bấm vào thanh này để xem ảnh gốc. Ảnh gốc có độ phân giải 660x397.



Tôi cũng đã bắt đầu đối xử dịu hơn với mẹ con “dì Luyến”. Nhưng vẫn với cái bản tính hách dịch, tôi luôn bắt con bé chép bài, có khi là bắt nó làm cả bài tập về nhà cho tôi. Con bé học kém tôi hai lớp, nhưng nó giỏi hơn tôi nhiều, có những bài toán của lớp lớn, nó đã giải bằng những cách rất đơn giản phù hợp với kiến thức lớp dưới, chữ nó lại rất đẹp, tròn đều và ngay ngắn. Nó trông còi nhom, mặt mũi thì đen nhẻm, vậy mà luôn dẫn đầu khối trong học tập cũng như công tác tập thể. Tôi có phần nể nó vì thành tích ngang ngửa đấy của nó.

Năm đấy tôi thi đại học, với mơ ước cứu được những sản phụ không may mắn như mẹ tôi, những mảnh đời bất hạnh không có tiền đi viện như bố tôi, tôi đã gieo hi vọng vào cái nghề bác sĩ để cứu người, cứu đời. Sau bao tháng ngày miệt mài kinh sử, dưới dự kiềm soát ngặt ngòe của con bé Mi, tôi cũng may mắn đỗ được trường đại học Y trên Hà Nội với số điểm vừa vào khoa thấp nhất của trường.

Ngày tôi lên đường, “dì Luyến” bùi ngùi khóc lóc, dặn dò tôi cẩn thận từng li từng tí một : “ Bin lên Hà Nội học, nếu thiếu thốn cái gì cứ nhờ người gọi về nói dì biết, dì sẽ gửi tiền lên cho con, dạo này dì bán hàng được khá khẩm hơn nhiều rồi, con đừng lo gì nhé, cứ cố gắng học hành chăm chỉ nghen con.” “Dì” còn dúi vào tay tôi gói thuốc đã chuẩn bị từ đêm qua lúc tôi đang say giấc nồng mà dặn dò kĩ, khi bị bệnh cứ lấy thuốc trong này mà uống, đừng để bệnh nặng chỉ khổ thân mình. Rồi nội, bố cũng trao tôi những lời ân cần, thiết tha nhất, dặn là sau khi lên đến nơi, nhớ gọi về báo cho mọi người yên lòng. Tôi lên đường với tâm lí thoải mái nhất. Đi tàu hỏa từ 4h sáng đến gần giữa trưa tôi mới lên được đến trường, mất nửa ngày đi kiếm phòng trọ, lại mải mê dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp đồ đạc nên quên mất không gọi điện về nhà. Đêm hôm ấy, khi tôi vừa chợp mắt, bỗng có tiếng gõ cửa, mở ra mới biết là “dì Luyến”, “dì” ở nhà đợi điện thoại tôi gọi về mà không thấy, lo cho tôi quá nên lặn lội mò lên tận đây xem tình hình tôi thế nào, lại đi tìm nhà trọ của tôi mất nhiều giờ, bây giờ nhìn “dì” như một con mèo hen, người ngợp tanh nồng mùi mồ hôi, đầu tóc bết dính, mặt mũi tèm nhem bao nhiêu là bụi bẩn đường phố Hà Nội. “Dì” thấy tôi bình an, vậy là yên lòng, không vào phòng nghỉ ngơi, “dì” lại lặn lội đường xa trở về nhà lo chuyện dưới ấy, “dì” nói : “Một ngày dì đi là bao nhiêu việc ở nhà bỏ bê, dì đi thì lấy ai lo chuyện cơm nước cho gia đình, lấy ai chăm sóc nội, lấy ai đi bán bánh, bỏ một bữa là mất một ngày công.” Vậy là “dì” lại tức tốc đi bộ ra bến, bắt xe về nhà, "dì" chưa kịp tắm rửa, nghỉ ngơi cho bớt mệt. Nhìn bóng dáng người đàn bà ấy khuất dần trong bóng đêm mà lòng tôi chợt trùng xuống, sống mũi có cảm giác cay cay, bất ngờ ... từ khóe mắt, một giọt lệ lăn dài trên má.

Từ ngày tôi đi, mọi việc nhỏ lớn trong nhà, một mình “dì” gánh vác, cứ cuối tháng “dì” lại lặn lội đường xa mang tiền, gạo, chuối, trứng, và có khi là cả món xôi nếp cẩm mà tôi thích ăn nhất lên tận căn phòng trọ chật chội của tôi. Rồi cứ vậy, chưa kịp nghỉ ngơi “dì” lại đeo nón lá lên đầu, tức tốc quay về nhà “lo chuyện dưới ấy”. Có lần tôi giữ “dì” lại được mươi phút hỏi chuyện học hành của con bé Mi. “Dì” nhắm mắt lại, quay mặt ra sau một hồi rồi mới quay lại, mỉm cười mà rằng : “ Con bé Mi học hành tốt con ợ, nó luôn dẫn đầu khối, làm dì vui lắm.” Nghe vậy tôi cũng an tâm hơn, đưa “dì” ra cửa, không nói được một lời chào tạm biệt, chỉ biết lặng người nhìn theo bóng người phụ nữ xiêu xiêu trong nắng chiều Hà Nội.


Nguồn: Từ Cuộc Thi Cây Bút Trẻ Hocmai.vn
 
L

leemin_28

[Tiếp theo ...]

Vào một ngày cuối đông, trong đêm giá buốt, một tiếng gõ cửa dồn dập phòng trọ tôi, như đoán được chuyện gì đó không hay đã xảy ra, tôi lao nhanh ra mở cửa, lại là một người phụ nữ, thân hình gầy gò, chiếc áo nâu giống “dì”, nhưng bỏ chiếc nón lá ra là gương mặt thanh tú, duyên dáng của một người con gái đôi mươi, tôi bất ngờ ngắm nhìn một hồi rồi cuối cùng cũng nhận ra đó là … con bé Mi, sao nó đến thăm tôi vào cái giờ “quỷ quái” này chứ. Chưa kịp mắng nó thì con bé đã khóc òa lên, kể lại mọi chuyện cho tôi nghe, “dì Luyến” bị cảm nặng, đã nghỉ bán hàng mấy ngày, nhưng bệnh vẫn không giảm mà càng ngày càng nặng thêm, tình hình rất xấu, có khả năng dì không qua khỏi đêm nay, giờ “dì” đang rất yếu, “dì” muốn gặp tôi, rất muốn được gặp tôi lần cuối. Nghe vậy, tôi cùng nó tức tốc chạy ra bến tàu hỏa, bắt chuyến xe về chuyến sớm nhất trong đêm. Tôi về nhà khi trời vừa hửng sáng, chạy vào căn phòng lạnh ngắt của “dì”, đến bên người “dì” tội nghiệp, tôi ngồi đó, ngồi nghe những lời trăn trối cuối cùng của “dì”. Nhũng lời cuối cùng đó của "dì" cứ in sâu mãi, không bao giờ phai nhòa, không bao giờ mờ đi trong tâm khảm tôi, luôn thường trực bên tôi mỗi khi tôi nhớ về "dì" - một người phụ nữ bất hạnh ...“Dì” muốn một lần được nghe tôi gọi “dì” bằng tiếng "mẹ" thân thương. Một ước mong nhỏ nhoi vậy thôi mà tôi cũng không làm được cho “dì”. Tôi cứ ngồi thừ ra, không nói gì, đầu theo đuổi những suy nghĩ mông lung, lúc tôi vừa cất miệng kêu tiếng “Mẹ” thì tay dì lạnh ngắt, buông thõng xuống, rời xa khỏi bàn tay tôi. Một tiếng nấc ngẹn ngào, tôi như điên như dại hét lên những tiếng “Mẹ” xé lòng … Những ngày sau khi dì mất, tôi mới biết chuyện “con bé Mi bỏ học từ khi mày lên Hà Nội được 3 tháng, dì mày không có tiền nuôi nó học, mọi tài sản trong nhà dì mày bán hết đi lấy tiền chu cấp cho mày học đại học, còn con Mi thì dì mày sắm cho thúng hoa quả, đi bán rong ngoài đường” Vậy sao ? Thì ra cái “mỉm cười” của dì khi tôi hỏi chuyện học hành con bé Mi là một chiếc mành che đi nỗi lòng đau như cắt của “dì” - một người mẹ không cho con được cắp sách đến trường như bao bạn bè trang lứa sao. Trời ơi sao “dì” đối tốt với con quá “dì” ơi, giờ đây con mới thấy hối hận khi đã có những cư xử sỗ sàng, không biết trên dưới của con với “dì”. Con mong cho thời gian có thể quay trở lại, để con kịp gọi hai tiếng “Mẹ ơi” …

Giờ đây, tôi đã là bác sĩ đa khoa trong một bệnh việc có tiếng của Hà Nội, tất cả những gì tôi có được ngày hôm nay, đều do một tay “dì” gây dựng cho cuộc đời tôi, chỉ tiếc rằng, “dì” đã không còn trên đời để chứng kiến ngày tôi thành đạt. Tôi vẫn xé lòng mỗi khi đi ngoài đường, nghe vọng ra câu hò ảm đạm:

“Bao đời bánh đúc có xương,
Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”


Nguồn: Từ Cuộc Thi Cây Bút Trẻ Hocmai.vn
 
Top Bottom