Cụ tổ Lương Bá Phiếm - một nho sĩ đời hậu duệ của quan trạng Lương Thế Vinh cùng với các tướng lĩnh, môn đệ của ông Lê Văn Hành - Quốc Tự Giám sinh, cháu nội của vua Lê Thánh Tông vào vùng Cồn Vang ( tên xưa của làng Lệ Sơn) khai canh lập ấp từ năm 1471. Cụ Lương Bá Phiếm sinh hạ được 2 người con trai. Rồi họ sinh con, đẻ cháu, cho đến nay đã có 16 - 17 đời sinh sống tại làng Lệ Sơn ( xã Văn Hóa - huyện Tuyên Hóa - tỉnh Quảng Bình). Dòng họ Lương cùng với 7 dòng họ khác, lập thành" Bát đại tính" sống hòa thuận đoàn kết, chung lưng đấu cật xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng đổi mới trên mảnh đất có sự hội tụ hào khí của sông núi hài hòa và thơ mộng.
Giở gia phả họ Lương đại tôn và gia phả chi tộc họ Lương Duy ra, ta thấy đời thứ 10 có cụ Lương Duy Chí là con trai độc nhất của cụ Lương Tôn Thành.Khi Lương Duy Chí chưa đầy 10 tuổi thì cha lâm bệnh qua đời. Người mẹ phải làm lụng vất vả, dệt vải, vá may.....dể nuôi con khôn lớn. Đến mùa vụ thu hoạch mẹ phải đi mót lúa, mót khoai..... để nuôi con rau cháo qua ngày.
Cậu bé Lương Duy Chí ham học và học giỏi. Thấy cậu bé mồ côi thông minh và sáng dạ, thầy Tú Trần Sòng trong làng đã nhận về dạy dỗ. Cậu học trò nghèo mồ côi cha ấy đêm đêm phải vào đình, chùa miếu mạo lấy chân hương thắp sáng thay đèn để học. Cậu viết bút tre trên lá chuối, đất sét khô, than củi đen trên ván thô. Nhà cậu lúc nào cũng có một thúng đầy cát mịn, mỗi khi học, cậu rắc cát trên nền nhà phẳng, lấy ngón tay viết các bài khóa luận dài trên mặt cát ấy.
Sau hơn 10 năm, được thầy Tú Sòng bày vẽ dạy dỗ, triều đình mở khoa thi, cả 2 thầy trò lên kinh ứng thí. Thầy Tú Sòng đã từng 7 lần đỗ tú tài. Lần này thầy vẫn cứ đỗ tú tài. Trong khi đó, cậu học trò nghèo mồ côi được mình dạy dỗ ấy lại đỗ cử nhân, được sắc phong làm quan tri phủ tại tỉnh Hải Dương. Ngày " vinh quy bái tổ", quan phủ cho người vào mời thầy tới dự, nhưng thầy không nhận lời. Biết mình có lỗi, quan phủ áo mũ chỉnh tề vào nhà thầy, quỳ lạy và đọc mấy câu thơ rằng: " ...Nhất khoa trúng cử thế gian thường tình/ Bát khoa thi đỗ mới vinh/ Trò xin quỳ lạy ân tình mẹ cha/ Xin thầy hai lạy cả nhà/ ơn này cha mẹ ông bà không quên". Thế rồi: Thầy Trần vội đỡ trò lên/ Quan - thầy vui sướng lưu tên đến giờ.
Sau 5 năm làm quan, cụ về quê làm ngôi nhà cho mẹ ở. Ngôi nhà ba gian, 2 chái làm bằng gỗ giỗi, chạm trổ rất tinh xảo thay cho cái trại dột nát xưa kia. Trước hiên nhà được đúc 4 cột nanh. Hai cột giữa có đề câu đối, mãi sau này mới được một người giỏi tiếng Hán dịch là: "Đưa mắt ngắm sông Gianh. Bến nước êm đềm, uốn khúc mạch rồng dòng nước lượn/ Dựa lưng êmThần Lĩnh(1). Núi non cao ngất, âm vang tiếng phượng khoảng trời cao".
Sau khi cụ mất, ngôi nhà trở thành nhà thờ của chi tộc họ Lương Duy. Cứ đến ngày mồng 10 tháng giêng âm lịch hằng năm - ngày dỗ cụ, con cháu....lại tập trung đầy đủ, đông đúc để tế lễ Người. Họ hàng con cháu cứ mãi mãi sau này cho đến bây giờ thế hệ chắt chút vẫn giữ được tục xưa. Trong khói hương nghi ngút, người cao tuổi nhất kể lại những câu chuyện về sự hiếu học, thông minh và sự chịu thương, chịu khó để học hành thành tài của cụ. Nhằm giáo dục cho thế hệ cháu chắt... truyền thống vô cùng tốt đẹp ấy. Cụ mãi mãi là tấm gương sáng cho các đời sau học tập và phát huy để kế tục và kế tục xứng đáng với truyền thống của ông cha. Tên tuổi của cụ, sự nghiệp học vấn của cụ, sự say mê, thông minh, chịu thương chịu khó, vẫn trường tồn và lưu giữ cho đến bây giờ.
Lần theo gia phả, cụ sinh được 10 người con trai. Nhưng trong nạn đói khủng khiếp năm1945, nhiều người phải sang Lào, sang Xiêm kiếm sống. Cho đến bây giờ cũng không ai biết người mất, người còn hiện tại đang ở nơi đâu.Gia phả ngày ấy, chỉ ghi con cháu trai, không ghi con gái. Vì vậy, hiện nay chỉ thấy 6 người con của cụ để lại dòng giỏi cho đến bây giờ. Đó là: Cụ Lương Duy Hai, cụ Lương Duy Hàn, cụ Lương Duy Mận( lấy tên con), cụ Lương Duy Khường, cụ Lương Duy Học, cụ Lương Duy Đệ. Các cụ đều là các đồ nho gõ đầu trẻ trong chế độ thực dân phong kiến tại làng Lệ Sơn này. Có cụ thì giữ chức sắc của làng trong chế độ thực dân phong kiến ấy.
Bậc cháu của cụ mà hiện nay chắt chút nội học hành thành đạt, có bằng cử nhân ở các nhánh: Lương Duy Kỉnh, Lương Duy Hinh( con bác Hàn), Lương Duy Mận, Lương Duy Duyệt( con bác Mận), Lương Duy Tâm ( con bác Khường), Lương Duy Mại, Lương Duy ý, Lương Duy Khánh( con bác Học), Lương Duy Du, Lương Duy Chu, Lương Duy Quyền, Lương Duy Niệm ( con của cụ Lương Duy Đệ - người con út của cụ Lương Duy Chí). Hầu hết các bác đều sinh ra và trưởng thành trước cách mạng tháng tám. Họ không có điều liện để học hành lên cao. Chỉ học qua Đíp Lôông, Pờ Ruyme, hoặc bằng yếu lược(2). Duy chỉ có liệt sĩ Lương Duy Khánh là đỗ tú tài thời Pháp thuộc. Các bác hầu hết đã mất. Hiện nay chỉ còn lại thầy giáo Lương Duy Duyệt - nghỉ hưu đã 99 tuổi, thầy giáo Lương Duy Niệm - nghỉ hưu 64 tuổi. Lương Duy Niệm được sinh ra sau cách mạng tháng tám, được sự chăm lo của Đảng của Nhà Nước, được sự chăm chút của gia đình cha mẹ, anh chị, được tiếp thu đầy đủ một truyền thống tốt đẹp của ông cha, dù cha mẹ mất sớm khi còn 8 - 9 tuổi, nhưng Lương Duy Niệm thường lấy gương ông nội mình để học hành thành tài.
Khi Lương Duy Niệm còn bé, dù đã vắng bóng cha mẹ cách đây đã gần 60 năm rồi, nhưng bên tai cậu lúc nào cũng nghe tiếng mẹ mình ru con. " ...Cha thời cày cuốc đường xa/ Các con chăm học cả nhà vui lây/ Các con còn tuổi thơ ngây/ Gắng công đèn sách mai đây nên người/ Con người hơn ở chữ tâm/ Dù nghèo dù khó vạn lần vượt qua/ Cuộc đời con một bông hoa/ Gắng công học tập mẹ cha vui mừng".
Tấm gương của ông nội, được cha mẹ và các lớp trước kể lại trong các ngày giỗ, tết. Sự mong mỏi của cha mẹ, anh chị họ hàng, qua những lời hát lời ru...Đồng thời cậu lại được sự chăm lo của Đảng, của chế độ XHCN tốt đẹp, cậu như được chắp thêm đôi cánh cho ước mơ hoài bảo bay cao bay xa hơn. Các yếu tố ấy đã vun đắp cho cuộc đời Lương Duy Niệm là bậc cháu nội duy nhất của cụ Chí có bằng cử nhân cùng trang lứa với thế hệ chắt của cụ về cả tuổi đời cũng như sự nghiệp học vấn, văn chương.
May mắn thay cho bậc hậu thế, thế hệ chắt chút... của cụ được sinh ra, được sống, lao động và học tập dưới chế độ XHCN vô cùng tốt đẹp, dưới sự lảnh đạo của Đảng. Thế hệ chắt chút... của cụ đã phát huy đầy đủ những tinh hoa của một gia tộc, một truyền thống hiếu học của ông cha để lại. Họ đã cố gắng nổ lực hết mình để học hành trở thành những người tài giỏi đặng phục vụ Tổ Quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, tất cả vì sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà Nước ta đang khởi xướng.
Mười hai nhánh cháu nội của cụ đã nói ở trên, mỗi nhánh đều có ít nhất một người con có bằng cử nhân. Có nhánh thì hai, ba cử nhân. Đặc biệt, có thầy giáo Lương Duy Tâm sinh hạ được 9 người con. Đứa con gái đầu lòng của thầy là Lương Thị Bích Tuần bị giặc Pháp bắt đi trong trận càn lên làng Lệ Sơn năm 1950, còn 8 đứa con còn lại của thầy đều có bằng cử nhân cả. Trong 8 người con của thầy có hai phó giáo sư nguyên là cán bộ giảng dạy tại trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội I. Phó giáo sư Lương Duy Trung, phó giáo sư Lương Duy Thứ đã từng viết nhiều sách tiểu thuyết và sách nghiên cứu văn học được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Hoa. Đây có lẽ là một gia đình thành đạt nhất về con đường học vấn của làng Lệ Sơn và của dòng họ Lương Duy của làng.
Trong thời kỳ đổi mới với chủ đề: " Mỗi gia đình chỉ có một đến hai con". Con gái cũng như con trai, nên ngày nay con gái cũng được ghi vào gia phả dòng họ. Thống kê đầy đủ và chính xác, cụ Lương Duy Chí hiện nay có 29 chắt nội và hơn 20 chút nội của cụ có bằng cử nhân ở các ngành khoa học khác nhau.Hiện nay, còn nhiều chút nội của cụ còn nhỏ, còn học ở bậc học phổ thông nên chưa thể thống kê đầy đủ được.
Trong 29 chắt nội của cụ có bằng cử nhân ấy, có hai người đã mất, có 10 người còn trẻ đang công tác và làm việc tại các cơ quan nhà nước. 17 người còn lại đã nghỉ hưu. Trong số đó có hai đại tá là Lương Duy Quý và Lương Duy Cần. Hiện nay đại tá Lương Duy Cần là Phó hiệu trưởng trường sĩ quan Lục quân .
Chưa giám nói một người cố có 29 chắt nội và hơn 20 chút nội có bằng cử nhân là một kỷ lục về mặt số lượng trên toàn đất nước, nhưng một điều chắc chắn có thể nói rằng: đây là một trường hợp hiếm thấy về mặt học vấn của một dòng họ. Vì trong thời kỳ đổi mới: mỗi gia đình chỉ có hai con, thì một người có thể có nhiều nhất là 8 chắt nội mà thôi. Nói như thế, thì người đời có thể nói rằng: vì lớp trước sinh đẻ " vô tội vạ" nên chắt chút ... mới có thể đông như vậy. Nói như thế cũng có ý đúng, nhưng xin thưa rằng: thời ấy - thời kinh tế bao cấp đầy khó khăn gian khổ, mỗi gia đình thật vất vả đói kém, họ lấy đâu đủ tiền của để nuôi con ăn học nơi xa! Việc nuôi con học hành nơi xa đâu phải là chuyện dễ dàng gì! Cho nên việc cụ Chí có 29 chắt nội hiển đạt như thế quả là một chuyện hiếm thấy!
Do đâu mà có sự hiển đạt ấy? Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó là yếu tố nội tại mà khoa học gọi là "gen". Đó là yếu tố hoàn cảnh xã hội đã giáo dục rèn luyện mỗi một con người mà có, vv...và vv...Nhưng một nguyên nhân hết sức quan trọng là việc giáo dục truyền thống hiếu học của mỗi dòng họ, mỗi gia đình đã góp phần vào việc có được sự hiển đạt này.
Tôi có đến bàn thờ gia tiên của anh Lương Duy Ngọc ( bậc chắt của cụ Chí) là một ví dụ để minh chứng cho luận điểm nói trên. Trên bàn thờ, có câu đối" Sơn son thiếp vàng" bằng chữ tròn rất trang trọng và đẹp mắt. Nội dung câu đối là: " Lương văn lưu thiên cổ/ Lê đức truyền đời sau". Thực ra đọc xong câu đối, tôi đã hiểu, nhưng để hiểu hết nguồn cội, tôi hỏi bà Lê Thị Tuyết (mẹ của Lương Duy Ngọc): " Xuất phát từ đâu mà lại có câu đối này ở bàn thờ gia tiên?". Bà Tuyết nói với tôi bằng nỗi niềm thành kính và rất đổi tự hào: " Bốn đời trước của gia đình hai họ Lương - Lê lấy nhau. Con cháu đều tiến bộ về mặt học hành, đức độ ngoan ngoãn biết cầu tiến. Ba của Ngọc đã làm câu đối này nhằm nhắc nhở con cháu mỗi khi linh nghiêm nhìn lên bàn thờ phải biết sống, lao động, học tập, làm sao cho xứng đáng với bậc tiên tổ, ông bà. Nhất là theo nghiệp học vấn của dòng họ và luôn biết sống đức độ, biết thương yêu nhau, biết yêu nước thương nòi. Nhất là nhắc nhở các cháu gái phải biết sống " Công - Dung - Ngôn -Hạnh". Ba của Ngọc nói: " Bậc con cháu khi vái, lạy, nhìn lên bàn thờ, thấy câu đối, chắc chắn chúng nó phải biết sống cho ra sống để khỏi hổ thẹn với lớp ông cha. Chắc chắn chúng nó không thể thành người hư được"!
Hiện nay, mỗi gia đình, mỗi chi nhánh đều có cách giáo dục con cháu của mình bằng mỗi cách riêng, nhưng đều tập trung vào giáo dục truyền thống. Ngày dỗ cụ, cho đến nay vẫn hương hoa tế lễ như nếp xưa. Việc kể lại các mẫu chuyện về cụ vẫn được duy trì. Gần đây, Phó giáo sư Lương Duy Trung có gửi về 30 triệu đồng để một phần tu sữa nhà thờ, một phần nửa dùng làm quỹ khuyến học, dùng để phát thưởng, động viên cho những con cháu hiển đạt về mặt học hành vào ngày dỗ cụ.
Ngoài 29 chắt nội và hơn 20 chút nội có bằng cử nhân, dòng họ Lương Duy này còn có 49 giáo viên các cấp, kể cả những giảng viên các trường Đại học đã và đang giảng dạy trong các nhà trường.Các thế hệ của dòng họ đang thường xuyên giáo dục cho con cháu hãy phát huy hơn nữa truyền thống hiếu học của ông cha để kế tục và kế tục xứng đáng với lớp trước mà cha ông đã để lại. Đóng góp phần nhỏ bé vào việc : " Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài" cho đất nước, cho toàn xã hội và ngày càng làm sáng danh ân đức tổ tiên. Nhằm đáp ứng tốt trong thời đại công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, trong thời kỳ hội nhập và trong thời đại nền kinh tế tri thức này./.