Giúp em Với !!!!!!!!!

M

meteorlovely

[Văn 10]văn tự sự, nghị luận xã hội

hãy nêu cảm nhận của em về bài thơ sau:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chăn nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
 
C

conan99

Các bà mẹ quê tôi thường ru con:

Rồi mùa toóc rã rơm khô

Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm?

Câu ca dao sinh ra từ mạch sống làng quê, còn chúng tôi lớn lên từ mạch sống lòng mẹ đã dạy dỗ bằng khúc trữ tình dân gian diệu vợi ấy. Ở góc độ phạm trù thẩm mỹ, như là thuộc tính tất yếu của thơ ca, là tiêu chuẩn để đánh giá tư tưởng và nghệ thuật khi bàn về một tác phẩm.

Raxun Gamdatốp ghi lại lời dạy của cha mình rằng: "Bút pháp của con, thủ pháp của con, tức là tính tình và tính cách của con phải đứng hàng thứ hai trong thơ ca. Vị trí thứ nhất phải dành cho tính tình và tính cách của nhân dân. Đầu tiên con phải là người dân miền núi, người Avar, sau đó con mới là Raxun Gamdatốp. Nếu những bài thơ của con xa lạ với tinh thần của những người dân miền núi, với tính cách của họ, thì thủ pháp con sẽ biến thành sự kiểu cách điệu bộ, thơ của con sẽ biến thành thứ đồ chơi xinh đẹp, dù rằng có thể cũng là hấp dẫn. Từ đâu có mưa, nếu không có mây đen? Từ đâu có tuyết, nếu không có bầu trời? Từ đâu có Raxun Gamdatốp, nếu không có Avori và dân tộc Avar"(Đaghextan của tôi).

Cội nguồn của thơ trước hết là dân tộc. Thơ dù cụ thể hoá, hay trừu tượng hoá tới đâu cũng gắn với dân tộc mình, thời mình sống. Thơ tôi không thể bay khỏi xứ sở Miền Trung gió Lào và cát trắng, không thể giã từ cái làng quê một bên trập trùng động cát vàng, chỉ có cây xương rồng mới trụ nổi. Một bên phá Hạc Hải như con mắt đa tình ẩn dưới hàng mi xanh, đó là cánh đồng nơi phát tích những câu ca dao cổ, ở giữa hai nguồn sống đất đai tưởng chừng như "đối trọng ", lại có một lối đi cho người dân quê tôi. Tôi đã đi cùng họ trên con đường bấp bênh đó.

Tôi học ở xứ sở lạ lùng bí ẩn mà tạo hoá đã bày ra cho quê hương mình bao điều về phong tục tập quán, tình yêu lứa đôi, nếp sống hằng ngày, những chuyện đời xưa, các bài vè các điệu hò trên sông nước, học từ lời chào ra ngõ cho đến tiếng nguyền rủa sao cho hợp lý, mà vô cùng đau điếng... Đó là những thang thuốc lá, hương liệu của nó nhất định không giống bất kỳ ở miền quê nào khác.

Tôi chỉ là tôi nếu không bước ra khỏi làng quê bé nhỏ, trên nhịp cầu dân gian, tôi làm quen với bao nhà thơ tiên phong trong phong trào Thơ Mới và các nhà thơ khác sau này. Họ tạo ra những vũ trụ thơ của mình. Không thể chỉ yêu Nguyễn Bính vì bút pháp đậm đà âm hưởng dân gian, mà quên đi bút pháp trí tuệ sắc lạnh của Chế Lan Viên. Không thể chỉ yêu tình yêu đến chết trong thơ Xuân Diệu mà quên đi vũ trụ ca trong thơ Huy Cận. Không chỉ yêu sự cô đọng của Lưu Trọng Lư, Nguyễn Đình Thi mà quên đi sự huyền bí trong Hàn Mặc Tử. Sự phóng túng của các nhà thơ thời chống Mỹ như được nhân lên từ vũ trụ thơ của các bậc tiên phong. Ở thời nào, dù bình hay biến, nam hay bắc, mục tiêu nhân văn nhân nghĩa truyền thống đã hướng cho thơ đi về đích chân, thiện, mỹ của dân tộc Việt Nam ta.

Bao đời nay thơ đã làm cho con người biết thương con người. Dẫu rằng thơ luôn luôn khai thác số phận con người, niềm vui cũng như nỗi đau, cao thượng cũng như thấp hèn, hùng và bi... với những cung bậc khác nhau, âm hưởng khác nhau.

Nguyễn Du viết:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

Số phận ấy không chỉ riêng cho nàng Kiều, mà cả một dân tộc. Nhưng thơ không là kẻ bạc ác. Thời nào thi sĩ cũng thờ trên đầu chữ tâm - cái gốc rễ sâu bền của dân tộc, của nhân loại. Tôi muốn nói rằng, các nhà thơ trước chúng ta và thời chúng ta không ai cầm bút đứng ngoài dân tộc. Nhưng tiếng đàn chỉ cất cao khi tâm hồn người nghệ sĩ hoà nhập cùng quê hương xứ sở, dân tộc mình. Bằng chức năng sáng tạo nhà thơ góp phần làm giàu cho tâm hồn, tình cảm của dân tộc mình.

Tuy nhiên, nếu nhà thơ tự chôn mình, đóng khung mình lại thì chẳng khác gì con kền kền trên mặt phá lam lũ ở quê hương tôi. Tính dân tộc trong thơ không bất biến mà luôn luôn năng động và phát triển, sự trưởng thành và các thành tựu văn học đã khẳng định điều đó.

Năm 1948 Hoàng Cầm viết:

Ai về bên kia sông Đuống

Có nhớ từng gương mặt búp sen

Những cô hàng xóm răng đen

Cười như mùa thu toả nắng...

Đó là vẽ đẹp người thiếu nữ ngày trước có gương mặt búp sen, bởi đường ngôi của mái tóc rẽ chính giữa vầng trán yêu kiều kia, lại có nụ cười với hàm răng đen nhánh. Bây giờ vào ngưỡng tuổi ấy, cách làm đẹp và diện mạo con người cũng khác rất nhiều. Thơ ca vẫn phải tiếp tục mô tả vẻ đẹp gương mặt thiếu nữ nhưng cần có lối viết mà người đọc thời nay chấp nhận. Chấp nhận tức là tạo ra hình tượng văn học mới phù hợp tâm lý người thưởng thức. Đời sống tâm hồn của mỗi người, sự sống còn của dân tộc, tình cảm nhân loại đi vào thơ như một dòng thác. Cái bể chứa hùng vĩ để tạo nên dòng thác của thơ vẫn là cội nguồn gốc rễ từ quê hương mình, dân tộc mình. Trên dòng thác ấy có con sóng chìm, lại có con sóng nổi, có con sóng tung trời trắng xoá, lại có con sóng dịu êm. Nhận xét rằng chất thơ của Nguyễn Duy da diết mà dân dã, chớ nên phủ nhận thơ Thanh Thảo xa vời với đời sống thường ngày. Thanh Thảo đứng giữa thời mình sống, để nhìn bản chất nhân văn của đời sống quanh mình, bằng lối tư duy của khoa học mỹ học. Tư duy thơ phát triển cùng với sự phát triển của xã hội và trình độ thẩm mỹ của công chúng. Song cũng đừng bắt tất cả các nhà thơ đều viết cho công chúng dễ hiểu, ngược lại cũng không nên bắt công chúng chấp nhận cái mà họ chưa thật yêu thích, nếu nó khoác lên mình chiếc áo giả tạo.

Trên sa mạc cát quê tôi chỉ có hai loài cây thích hợp với điều kiện sống: cây xương rồng đầy gai nhọn và cây cỏ chông. Các cụ già bảo đất ấy thì phải sinh ra loài cây ấy. Cả hai đều ra hoa, hoa xương rồng cánh mỏng mảnh trắng tinh như tờ giấy, còn hoa cỏ chông như quả mặt trời bé thơ, vào ngày nắng tự bứt khỏi cành, lăn qua cồn cát nóng khô rang. Thơ phải nhạy cảm thích nghi với môi trường. Là cây xương rồng nhưng bông hoa thì dịu dàng và thánh thiện. Thơ hiện đại cách tân đổi mới nhưng nhất định phải gửi tới độc giả bông hoa nghệ thuật, chứ không phải trái cây chết người.

Chúng ta đang chạm vào ngưỡng cửa của nền văn minh trí tuệ. Do vậy thơ cũng phải tiếp tục chuẩn bị cho cuộc hành trình vào thế kỷ mới không chút ngỡ ngàng. Chưa bao giờ lực lượng làm thơ đông đảo như hôm nay, cũng chưa bao giờ thơ được xuất bản nhiều như hôm nay. Có phải đây là hiện tượng không bình thường? Tôi cho rằng đây là hiện tượng bình thường, nó giống như nơi tập kết hội thơ dân tộc. Ở đó có sự trắc nghiệm nghiêm khắc giữa thơ với công chúng, giữa thơ với thơ, một sự lựa chọn sòng phẳng. Không nên nhân danh tính hiện đại, cách tân vì tiêu chuẩn nhân loại mà cho tất cả những gì khác trước là mới nhất, rồi chê bai phủ nhận cái đã có. Một cánh diều đang vút lên bầu trời cao rộng, trong buổi chiều thật dịu êm, cứ nghĩ rằng chỉ cần cắt sợi dây dưới mặt đất, nơi xuất phát, cánh diều sẽ bay cao và xa hơn. Ước vọng thật hão huyền. Cánh diều sẽ rơi ngay lập tức, khi không còn sợi dây kia nữa. Thơ sẽ rơi vào tình trạng bế tắc chữ nghĩa, ngôn từ của thơ không còn thần sắc, không chứa đựng nổi ý đồ tư tưởng, nếu tự mình cắt đi sợi dây nối từ cội nguồn thơ ca dân tộc. Đọc thơ Hàn Mặc Tử với những câu Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi / Hổn hển như lời của nước mây hay là Chị ấy năm nay còn gánh thóc / Dọc bờ sông trắng nắng chang chang... chúng ta nghe như mới viết hôm qua. Hồn thơ còn quanh quẩn đâu đó, bởi thi sĩ bậc tài này đã rút ruột mình ra mà sống, xé lòng mình ra mà viết.

Trái lại cũng không nên nhân danh truyền thống, sự bảo tồn bản sắc, đặc thù của dân tộc mà ném đi, không thương tiếc, bỏ ra ngoài tai những sản phẩm sáng tạo có ý thức tìm tòi. Điều ấy chẳng khác gì chỉ thấy mặt đất và cánh diều trong tay mình, không tin cánh diều kia sẽ bay lên. Các nhà văn nhà thơ tiền chiến đã làm một cuộc cách mạng cần thiết, họ đã xây được toà lâu đài thơ Việt Nam hiện đại. Cũng cần nói thêm rằng nếu không có nền công nghệ cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, nếu không có các trào lưu văn hoá tiến bộ của nhân loại, đặc biệt trào lưu văn hoá Pháp thì cuộc cách mạng thơ ca 1930 - 1945 không dễ dàng diễn ra một cách thuận lợi và nhanh chóng có kết quả.

Thế kỷ 21 với nền công nghiệp phát triển chưa từng thấy, thơ mãi mãi vận hành theo thiên chức của mình. Yếu tố dân tộc vẫn là sợi dây nối liền mặt đất nhân hậu và cánh diều thơ bay bổng. Thơ vẫn là bông hoa cỏ lông chông tự bứt mình, di chuyển trên mặt cát trắng quê hương huyền bí và kỳ diệu. Độc giả sẽ chối từ những bài thơ dẫu nói đến hàng triệu người mà lại xa lạ với chính con người. Độc giả sẽ rất hoan nghênh dù rằng nhà thơ chỉ nói đến bản thân mình, cái tôi của mình nhưng lại có sức rung động hàng triệu trái tim nhân loại. Khai thác mọi khía cạnh trong đời sống hằng ngày, thơ nhằm mục đích góp phần bồi dưỡng, hình thành nhân cách con người. Đó là yếu tính của thơ, một phạm trù triết học mà người làm thơ hướng tới.
 
Top Bottom