Giới thiệu lòai hoa

P

pinkylun

Đối với tuổi học trò, cây phượng và cây bàng là hai loại cây đẹp nhất và có nhiều ký niệm nhất. Nhưng ở đây, em chỉ xin nói đến một loài cây mà gắn bó với em trong suốt quãng đời học sinh, đó là cây phượng.

Cây phượng quả là một loài cây biết tạo cho thế hệ học sinh như chúng em những cảm xúc, niềm say mê trong học tập. Nhìn thấy chúng, em cảm thấy như cuộc đời tươi đẹp hơn vì quãng đời học sinh còn dài, bao nhiêu tình cảm như được cây phượng chia sẻ, cảm thông và mách bảo rằng hãy cố gắng tiến bước không được lùi bước trước khó khăn thử thách.

Mỗi ngày đến trường em đều nhìn thấy cây phượng khoe những cành lá rung rinh như chào em. Những cây phượng cao hơn nóc nhà nhưng cành lá không dược sum suê như cây bàng, không che rợp dược cả một quãng đường. Thân cây xù xì, chỉ cần một vòng tay là ôm đủ. Những chiếc rễ lớn nổi gồ trên mặt đất làm nứt nẻ cả nền xi măng quanh gốc. Mỗi sớm mai tiếng chim hót líu lo trong tán lá xanh nghe thật vui tai. Khi nghe được tiếng chim hót này, một ngày mới đã bắt đầu cuộc sống nhộn nhịp và sôi động. Lá phượng là một loại lá kép, gồm nhiều lá nhỏ, mỏng, màu xanh sẫm không giống như lá cây bàng to có thể che đầu lúc mưa lúc nắng, lá mọc song song hai bên cuống, trông xa như đuôi con chim phượng. Ngày còn bé, bọn trẻ con trong xóm tuốt hết lá đi rồi buộc túm cuống lại với nhau thành một cây vợt bắt bướm, rất thú vị.

Xuân qua, hè tới, cây phượng bắt đầu trổ bông: Hoa phượng nở thành chùm lớn, có năm cánh (bốn cánh màu đỏ tươi và một cánh màu đỏ lốm đốm trắng). Nhuỵ hoa phượng thường được làm để chơi chọi gà, là một túi phấn hình bầu dục, dài và cong.

Khi tiếng ve kêu ra rả cũng là báo hiệu mùa hè đến, mùa thi sắp đến và cùng là mùa của sự chia tay. Và đây cũng là lúc hoa phượng nở nhiều nhất. Cá một màu đỏ nồng nàn như lửa bao phủ khắp ngọn cây, làm rực sáng cả một khoảng trời bừng bừng sức sống, cây phượng già như được trẻ lại.

Hết mùa hè, hoa phượng tàn dần, cánh phượng rơi lả tả bay theo chiều gió. Lúc này, quả phượng non, có màu xanh, mỏng, dài khẽ đung đưa trên cành. Cây phượng trở lại với vẻ đẹp mộc mạc, thân quen của nó.

Nhắc đến phượng thì không thể không nhắc đến những kỷ niệm của tuổi học trò "nhất quỷ, nhì ma" này. Lúc ra chơi, mọi người thường ngồi xuống ngắm cành hoa lá, dựa vào thân cây nho nhỏ và xù xì; cũng có thể ngồi học bài, đọc sách. Lúc đó cảm tưởng mọi việc trở nên yên tĩnh, cuộc sống không còn sự ồn ào náo nhiệt.

Vì cây phượng đẹp như vậy, đáng yêu như vậy nên mọi người thường dành cho cây phượng những tình cảm tốt đẹp nhất và đặt cho nó một tên gọi thân thương: hoa học trò. Sau này khi lớn lên, tuồi học sinh đã qua nhưng mỗi khi nhìn thấy cây phượng chắc chắn những kỷ niệm sẽ hiện lên, trào dâng trong lòng như chính thời điểm đó.


GG :D
 
K

kute2linh

Chẳng riêng gì màu phượng vĩ, chẳng riêng gì giọng ve khi cái nắng chớm hè đổ xuống bắt đầu gay gắt, mỗi sáng sớm ra, nhìn lên hàng cây trên những con đường mình đi qua, màu bằng lăng tím ngăn ngắt như nỗi niềm chờ đợi. Tháng Năm, mùa của bằng lăng, mùa của nỗi nhớ, mùa của chờ đợi, và mùa của những kỷ niệm đâu đó chợt ùa về...
Ðã bao mùa đi qua, mà sao một buổi sáng tình cờ, tôi vẫn giật mình khi bất chợt gặp màu hoa bằng lăng dịu lại trong nắng, chợt ngỡ ngàng trước con đường qua một đêm giờ đã tím bằng lăng. Bằng lăng tựa hồ như một thiếu nữ đã trải nghiệm nhiều, nhớ tiếc nhiều những niềm nỗi xưa xa. Bằng lăng cứ lặng lẽ nhuộm tím miền ký ức chưa xa, đẹp như những trang thơ trong cặp học trò. Nhẹ bước dưới tán bằng lăng, cứ sợ mình sẽ làm xao động một miền ký ức thẳm nơi xa ấy.
Chẳng nhớ đã đọc ở đâu đó những dòng chữ nói về mùa bằng lăng, khi mà màu tím ấy gợi nhớ bao điều mộng mơ, gắn liền với nhiều kỷ niệm của một thời còn cắp sách đến trường. Như một nốt nhạc đánh dấu mối tình đầu của đôi trai gái trên sân trường, hay chứng kiến những tháng năm bên nhau đèn sách, những mùa thi... Và hình như ở đâu đó, cái màu tím ấy còn là nhân chứng trong buổi chia ly của chàng trai lên đường nhập ngũ, còn nhớ mãi ánh mắt người yêu dưới vòm hoa tím...
Tình yêu thì trẻ mãi, đời người thì già theo năm tháng. Mà bằng lăng mỗi hè về vẫn tím như tự thủa ngàn xưa. Hoa bằng lăng đẹp nhưng không ai nỡ đem bán. Ðể các chàng trai vẫn hái vài chùm hoa tặng bạn gái, tặng người yêu với lời nhắn nhủ thầm kín tự đáy lòng. Vẫn nhớ hồi còn đi học, mấy đứa bạn cùng lớp cứ bảo nhau rằng những ai yêu màu tím thì tâm hồn đa cảm đa sầu, dù thủy chung nhưng tình duyên lại rất lận đận truân chuyên. Có lẽ...
Bên những con đường nhỏ lặng yên, bằng lăng tím khiêm nhường để con đường vốn đã thơ mộng, giờ lại càng trở nên lãng mạn hơn. Cứ thế, những chiếc váy xinh bồng bềnh dưới tán hoa, điệu đà cùng sắc bằng lăng. Mấy cụ già ngồi trên ghế đá, ngắm màu bằng lăng lãng đãng mà mơ về một thời xa lăng lắc... Hoa bằng lăng từ những bờ sông, từ mấy làng quê đã đi vào thi ca từ lâu lắm. Bằng lăng quyến rũ lòng người vào những sáng tinh sương hoặc sau những cơn mưa chiều vừa dứt hạt bởi màu tím rưng rưng rất thơ, rất là con gái.
Bằng lăng cũng nở hoa đúng vào dịp đầu hè. Vậy mà, khi nói đến mùa hạ, người ta thường chỉ nhắc loài hoa có màu rực lên như lửa, cánh hoa như cánh bướm xòe ra mà bỏ quên một loài hoa khiêm nhường mang màu kỷ niệm tuổi học trò. Ngày trước, khi mà giống bằng lăng ngoại chưa được trồng nhiều ở xứ mình, thi thoảng lắm mới thấy một vài cội bằng lăng rừng nép mình lặng lẽ ở một góc vườn hay bơ vơ đứng bên vệ đường quê vắng vẻ, hiu hiu buồn.
Bây giờ, bằng lăng đã được trồng trên nhiều trên những con phố của đô thị, dù là giống lạ. Có nhiều con đường dù đã có tên nhưng vẫn được không ít người gọi là đường bằng lăng, một cách thân thương, trìu mến như gọi với hoài niệm của mình. Vì hình như hàng cây vốn có tình với con đường, đám mây có tình với bầu trời, mùa hạ có tình với con người như cuộc đời có tình với vạn vật. Ðể rồi một mai này khi những chiếc lá bằng lăng đã đổi màu, chỉ còn màu hoa bằng lăng cứ tím ngắt, sáu cánh xòe ra ôm trọn vẹn những dỗi hờn, nhớ thương một mùa nào đã xa xôi lắm...



ST
Nguồn net
 
Top Bottom