Văn giải thích câu tục ngữ 'lời nói chẳng mất tiền mua , lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau '

hoahongtran05@gmail.com

Học sinh
Thành viên
17 Tháng mười hai 2017
25
16
21
19
Đồng Nai
thcs trảng dài

Akabane Yuii

Học sinh gương mẫu
Thành viên
11 Tháng mười hai 2017
1,421
2,260
309
Hà Nội
Loading...
Ca dao tục ngữ từ xưa đến nay vẫn là một kho tàng quý báu về cách sống, cách làm người mà ông cha ta để lại cho con cháu. Xã hội chúng ta là một tập thể, mọi người đều phải kết nối với nhau, không ai có thể sống một mình. Vì vậy, trong cuộc sống, chúng ta không thể nào tránh khỏi việc giao tiếp với người khác. Vậy chúng ta cần làm như thế nào để có thể làm cho đối phương vừa lòng? Ông cha ta có một câu ca dao về vấn đề này, đó là:
“Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”

Câu ca dao nói về thái độ, lời nói của mỗi chúng ta khi giao tiếp: cần phải nhẹ nhàng, nói những lời lẽ đúng mức, lịch sự, để không gây khó chịu cho đối phương.

Lời nói là của chúng ta. Nói lời hay cũng không sao, mà nói lời dở cũng chẳng vấn đề gì. Tất nhiên là không mất tiền mua, vì đó chính là một thứ xuất phát từ bản thân mình, được coi như một thứ tài sản của mình. Đó không phải là một thứ mình phải tốn công sức, tiền của quá nhiều thì mới có được. Đó là công cụ để chúng ta giao tiếp với mọi người trong cuộc sống hàng ngày. Có những người thì lúc nào cũng nói năng một cách bỗ bã, thô thiển khiến cho người nghe cảm thấy khó chịu. Ngược lại, cũng có những người có cách nói chuyện rất duyên dáng, hóm hỉnh, khiến mọi người rất muốn trò chuyện cùng. Ngoài ra, lời nói cũng phụ thuộc một phần vào trình độ văn hóa và môi trường giáo dục. Nếu như một người được giáo dục một cách cẩn thẩn sẽ khác với một người không đi học, không biết chữ. Như vậy, khi chúng ta giao tiếp với nhau, cần phải chú ý đến đối tượng giao tiếp, để có thể có cách diễn đạt, sử dụng ngôn ngữ một cách hợp lí.

Ông cha ta có câu: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, để diễn đạt một vấn đề có rất nhiều cách để nói. Nếu như chúng ta diễn đạt một cách hợp lí thì sẽ đạt được hiệu quả rất tốt. Và ngược lại, nếu như chúng ta diễn đạt không khéo léo sẽ dẫn đến những hậu quả mà chúng ta không thể tưởng tượng được. Ví dụ, một người giáo viên mà mắng học sinh rằng: “Em học dốt quá!”, sẽ khiến cho em học sinh ấy sợ sệt, và cảm thấy mặc cảm, tự ti. Có thể em ấy sẽ càng ngày càng học kém đi. Nhưng nếu một giáo viên biết cách diễn đạt, biết cách nói ra khuyết điểm của học sinh một cách tinh tế nhất, thì bạn học sinh ấy rất dễ có thể tiếp thu và có động lực để tiến bộ. Một người bác sĩ, khi gặp tình trạng nguy kịch của người bệnh, nhưng vẫn luôn động viên người đó lạc quan để chữa trị, chứ nhiều khi, họ không nói thẳng với người bệnh rằng cuộc sống của họ sắp kết thúc. Có rất nhiều điều kì diệu sẽ xảy ra nếu con người ta vẫn còn nghị lực sống, vẫn còn niềm tin vào cuộc sống. Một người khôn ngoan, khéo léo là một người biết cách lựa chọn cách diễn đạt tốt nhất trong mọi tình huống.

Tuy nhiên, để có thể có khả năng nhận biết tình huống hay nói năng một cách nhẹ nhàng, dễ nghe thì chúng ta phải trải qua một quá trình học tập, rèn luyện rất chăm chỉ. Cần biết để ý, quan sát mọi người xung quanh, để học hỏi và rút kinh nghiệm. Những người biết chú ý quan sát mọi người, sẽ biết được những điều nên làm và những điều nên tránh. Ông cha ta có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Mọi việc trong cuộc sống của chúng ta, ngay từ những việc nhỏ nhặt nhất như việc ăn như thế nào cho lịch sự, nói thế nào cho đúng, cho hay cũng là cả một quá trình. Khi còn nhỏ, chúng ta được thầy cô, cha mẹ dạy phải biết lễ phép với người lớn, hòa nhã với bạn bè, nhường nhịn những người ít tuổi hơn. Và bài học ấy, vẫn luôn theo chúng ta trên mọi bước đường đời. Nếu chúng ta biết thực hiện đúng những điều mà chúng ta được dạy, được học, thì chúng ta sẽ trở thành một người được rất nhiều người xung quanh, vì cách nói chuyện dễ mến, nhẹ nhàng và lịch sự.

Nhưng, coi trọng việc sử dụng ngôn ngữ một cách lịch sử, đúng mực, đúng hoàn cảnh không đồng nghĩa với việc lúc nào cũng nói tốt, mặc kệ có đúng sự thật hay không. Nói hay không có nghĩa là nói sai. Có nhiều người chỉ vì muốn làm cho người nghe vui, hoặc muốn tư lợi cho bản thân mà chỉ toàn nói những lời nói nịnh hót, không đúng sự thật. Những người như thế, thật đáng lên án. Chúng ta cần biết dũng cảm chỉ ra cho bạn bè, người thân biết được những điểm chưa tốt của họ, để họ có thể sửa được và tiến bộ hơn trong tương lai. Không thể vì không muốn người khác buồn, mà không dám chỉ ra khuyết điểm của họ, chỉ toàn khen họ, để họ ảo tưởng rằng họ đã tốt rồi, không cần sửa gì nữa. Như vậy, chính là hại người ấy, chứ không phải là làm cho họ vui. Hay chỉ là vui trong chốc lát mà phải gánh hậu quả về sau. Tuy nhiên, cũng cần biết lựa chọn cách góp ý cho hợp lí.

Trong cuộc sống của chúng ta, có rất nhiều cuộc giao tiếp với nhiều mục đích khác nhau. Chúng ta cần biết cách ứng xử phù hợp với từng tình huống, để có thể đạt được một cuộc giao tiếp vui vẻ, thoải mái cho cả hai bên. Tuy nhiên, cũng cần phải biết thẳng thắn khi đúng lúc, chứ không chỉ lúc nào cũng chỉ vì muốn “vừa lòng nhau” mà nói những lời ngon ngọt, hãy trở thành một người nói chuyện thông minh.
 

Băng _Băng-water

Học sinh chăm học
Thành viên
1 Tháng mười một 2017
244
233
99
22
Thái Bình
Các bạn giúp mink giải thích câu tục ngữ '' lời nói chẳng mất tiền mua , lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau ''
cám ơn các bạn nhìu nghen :r50:r50
Lời nói là phương tiện để con người trao đổi tư tưởng, tình cảm và kinh nghiệm với nhau (bao gồm cả kinh nghiệm xử thế, lao động sản xuất, học tập... ). Vì thế, nó có giá trị đặc biệt trong đời sống. Để khuyên bảo mọi người cách nói năng sao cho đạt hiệu quả cao nhất trong giao tiếp, ông cha ta đã từng căn dặn:
Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Trong cuộc sống hằng ngày, con người thường xuyên phải dùng ngôn ngữ làm phương tiện giao tiếp. Nếu biết lựa chọn lời nói thích hợp thì mọi người sẽ hiểu nhau hơn, công việc sẽ thuận lợi hơn, kết quả sẽ cao hơn. Mỗi người bình thường đều có khả năng nói lên mọi điều nhưng có lời hay, lời đẹp mà cũng có lời thô, lời vụng. Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe. Ta có thể chọn lựa được lời nói tùy theo ý định và trình độ văn hóa của mình. Ông cha ta nhận thấy lời nói như một thứ công cụ dễ kiếm, dễ chọn trong tầm tay của mọi người. Nếu chọn đúng, lời nói sẽ tạo hiệu quả lớn, còn lựa sai, thì lời nói sẽ làm mất lòng nhau.
Hiệu quả của lời nói đẹp là làm vừa lòng nhau. Lời nói đẹp tạo ra sự cảm thông, sự ăn ý và hiểu biết lẫn nhau. Đó là cơ sở để con người đạt được mục đích trong giao tiếp. Để cho vừa lòng nhau, cần phải biết lựa chọn lời nói thích hợp với đối tượng, với hoàn cảnh, với sắc thái tình cảm.
Cùng nói về một hiện tượng là cái chết nhưng có nhiều cách diễn đạt khác nhau: sư già đã viên tịch; người chiến sĩ ấy đã hy sinh vì Tổ quốc; ông cụ nơi khuất núi... Người có văn hóa khi giao tiếp thường biết lựa chọn cách nói thích hợp. Một lời nói hợp cảnh, hợp tình sẽ làm cho quan hệ thêm tốt đẹp và việc làm thêm hiệu quả. Một lời nói hớ hênh, vô ý sẽ làm hỏng hết mọi dự định. Chọn được những lời nói thích hợp chính là ta đã làm tốt việc lựa lời.
Nhưng để có khả năng lựa lời, chúng ta phải học tập, rèn luyện liên tục, lâu dài. Ông cha ta đã từng để lại rất nhiều lời khuyên về sự cẩn trọng trong cách nói năng của con người: Ăn phải nhai, nói phải nghĩ; Học ăn, học nói, học gói, học mở.
Tuy chú ý đến việc lựa lời để để đạt được hiệu quả giao tiếp nhưng người xưa không bao giờ cho rằng mục đích giao tiếp là để vừa lòng nhau.
Cần phải chọn lời nói thích hợp, nhưng đúng đắn chứ không phải chỉ quan tâm đến sự đồng tình của người nghe, bởi vì có những khi nói thật mất lòng. Một lời nói êm tai, nhẹ nhàng nhưng giả dối không thể coi là một hành vi giao tiếp đúng đắn. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, lời nói thích hợp trước hết phải là lời nói chân thật, sau đó mới là lời nói đẹp.
Lời nói là công cụ giao tiếp, lời nói thể hiện phẩm chất, trình độ của mỗi con người . Biết dùng lời nói thích hợp sẽ tạo được hiệu quả tốt trong giao tiếp. Vì vậy, chúng ta cần phải tự rèn luyện cách nói năng văn minh, lịch sự để đạt được mục đích như mong muốn.
 

Dương Sảng

The Little Angel |Bio Hero
Thành viên
28 Tháng một 2018
2,884
2,779
451
Hà Nội
HMF
Sở dĩ con người khác với con vật ở chỗ con người biết sử dụng lời nói làm phương tiện giao tiếp với người khác, bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của mình. Đó là những ý nghĩa khái quát chung của câu nói “Lời nói gói vàng” hay “Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” muốn gửi gắm cho ta. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa thực tiễn của hai câu nói trên trong cuộc sống.
Để hiểu hai câu nói trên, ta phải hiểu được những từ ngữ mà nó chứa đựng.
Thế lời nói là gì? Lời nói là một phương tiện giao tiếp bằng ngôn ngữ, một công cụ của loài người giúp cho ta có thể giao tiếp, bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, trao đổi kinh nghiệm, thông tin…Mỗi người chúng ta có thể nói ra điều mình muốn, không cần một yếu tố nào tác động, vì thế lời nói “chẳng mất tiền mua”. Nếu lời nói đã “chẳng mất tiền mua” thì ta nên “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lựa lời là chọn lọc những từ ngữ diễn đạt thích hợp với vai vế của từng người, từng hoàn cảnh, từng sắc thái hoàn cảnh khác nhau. Chẳng những thế, ở câu nói “Lời nói gói vàng”, lời nói được ví như vàng, một vật có giá trị về vật chất, được nâng niu, gìn giữ, nghĩa là lời nói cũng quý giá như thế, cũng cần có sự cẩn thận trong khi sử dụng nó. Như vậy, hai câu nói trên muốn khẳng định nếu biết chỉnh chu lời nói thì ta sẽ được mọi người tôn trọng, yêu mến, xây dựng được các mối quan hệ xã hội lành mạnh, tốt đẹp và đạt được tình cảm, mục đích giao tiếp khi nói, không làm tổn thương người khác, gắn kết tâm hồn con người lại với nhau, viết nên những cảm xúc, ấn tượng đẹp trong giao tiếp. Sở dĩ ta phải ăn nói thật cẩn thận như thế là vì lời nói vừa có thể xây dựng các mối quan hệ xã hội và cũng có thể hủy hoại nó. Nhất là trong kinh doanh hay ngoại giao, lời nói còn quyết định sự thành bại của cuộc đời ta và có thể là của cả một quốc gia. Ngoài ra, về giá trị tinh thần, lời nói thể hiện tác phong đaọ đức lẫn như trình độ văn hóa của từng người. Nếu ta biết lựa chọn đúng những từ ngữ khéo léo, phù hợp với hoàn cảnh thì sẽ thu được sự đồng tình, tình cảm, sự tôn trọng của đối tượng giao tiếp. Ngược lại, nếu ta ăn nói quá thô lỗ thì có thể gây mất lòng người khác hay gây ra những hiểu lầm khiến cho quan hệ giữa người với người trở nên căng thẳng hay xảy ra thù hận, căm ghét, hậu quả tai hại khó lường!
Tuy thế, trong cuộc sống, có những lời nói có thể làm lắng đọng lòng người, tạo cảm xúc đẹp trong khi giao tiếp, xóa tan khoảng cách giữa hai con người xa lạ với nhau. Giống như ở Quảng trường Ba Đình ngày 02 tháng 09 năm 1945, Bác Hồ đã nói: “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?” đã làm mọi người xúc động về ngôn từ gần gũi của vị lãnh tụ. Cùng với đó, âm nhạc là một nghệ thuật, sự thăng hoa tuyệt vời từ lời nói, nó tạo cho ta cảm giác tươi đẹp, lâng lâng theo từng nốt nhạc. Và ngược lại, chỉ vì những xích mích trong lời nói mà có thể dẫn tới chiến tranh, lòng thù ghét giữa con người với nhau hay những vụ ẩu đả giữa những đấng trí thức có học.
Mặt khác, ở đời có những lời nói khó nghe, làm mất lòng ta của những người thẳng tính nhưng họ chỉ có ý tốt là muốn ta sửa sai, thấy được lỗi lầm của mình, điều đó chân thành và đáng quý biết bao, đó là những “lời thật mất lòng”. Tuy thế, có những lời ngọt ngào, êm tai, rất đựơc lòng ta, nhưng đó là những lời dối trá, xu nịnh, không hề tạo cho ta một điều tốt nào cả, đấy là những “lời ngọt chết ruồi” của những kẻ xảo quyệt, gian ngoa. Thế nên, trong lời nói cần có sự chân thành, không vị kỷ, không vụ lợi thì mới đạt được thành công trong giao tiếp.
Giả sử nếu thế giới không có lời nói, lại càng không có âm nhạc thì đời sống tinh thần của con người sẽ rất nghèo nàn, thế giới sẽ như chìm vào băng giá của sự lạnh lùng, sòng phẳng và khô khốc trong buồn tẻ. Vì thế, mỗi ngày được sống, ta hãy biết chọn những lời hay ý đẹp mà nói, phù hợp với những đạo lý làm người, hướng tới ý nghĩa cao đẹp của lời nói để làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa của nhân loại.
Để đạt được những tình cảm trong lời ăn tiếng nói, ta cần phải biết kiềm chế những cảm xúc tiêu cực như nóng nảy, giận dữ, quát mắng, nhất là với những người thân yêu đối với ta. Và một điều rất quan trọng nữa là ta nên suy nghĩ thật cẩn thận trước khi nói ra điều mình nghĩ, xem điều đó có phù hợp với sắc thái hoàn cảnh lúc ấy hay không để tránh làm tổn thương người khác, điều đó có nghĩa là
“Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”.
Cần tránh lối nói thô kệch, cộc lốc, hớ hênh, vô phép bởi những điều đó tạo ra định kiến xấu về phẩm chất của ta. Cũng không nên dùng những từ ngữ quá bóng bẩy, kiêu kỳ bởi mụch đích giao tiếp không phải là sự nể nang mà là sự đồng tình quan điểm, tình cảm của đối tượng giao
tiếp . Như thế, ta cần phải luyện cho mình một kỹ năng nói đúng cách, giản dị, sáng suốt, bình tĩnh và phù hợp với những đạo đức xã hội. Điều này, ta nên học tập ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người có tác phong sống giản dị trong lời nói, bài viết, đời sống thường ngày và đời sống chính trị. Và trên hết, cần tránh lối nói chen vào ngôn ngữ khác trong khi giao tiếp bằng tiếng Việt, đây là lối sống không tốt đang được giới trẻ phổ biến. Vì thế, nếu biết “lựa lời mà nói” thì ta sẽ giành được tình cảm của mọi người, khẳng định được giá trị của bản thân. Đồng thời, nói năng bằng tiếng Việt thuần túy cũng
là cách giữ gìn những nét đẹp của ngôn ngữ dân tộc.
Nét đẹp ngôn ngữ của dân tộc Việt Nam là ở dân ca, ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Trong câu nói: “Lời nói gói vàng” hay “Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, dân gian muốn khuyên ta rằng: lời nói có giá trị quyết định phẩm chất, đạo đức của con người ta và nhờ thế ta có được những mối quan hệ xã hội lành mạnh, tốt đẹp. Vì thế, để học tập những kinh nghiệm quý báu ấy, em sẽ bắt đầu rèn luyện cách đối đáp hay, ngắn gọn, rành mạch, lễ phép thông qua các họat động luyện nói trong bộ môn Ngữ văn, phát biểu trong lớp
--------------
Ngôn ngữ hay nói cách khác là lời nói là một trong nhiều tiêu chí để đánh giá con người và qua lời nói ta có thể thể hiện thái độ tình cảm với mọi người. Vì vậy cần có những lời nói đúng chừng mực và phải suy nghĩ thật kĩ trước khi nói. Đó chính là nội dung của câu tục ngữ: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Chắc hẳn chúng ta đã từng nghe câu: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Đúng như vậy, qua lời nói ta có thể đánh giá được phần nào tính cách, hay trình độ văn hóa của người nói. Câu tục ngữ: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” đã nêu lên một bài học kinh nghiệm cho con người ta, cần nói ra những lời hay ý đẹp, và phải suy nghĩ thật kĩ trước khi nói. Có như vậy thì người nghe mới cảm thấy hài lòng.
loi%20noi%20chang%20mat%20tien%20mua%20lua%20loi%20ma%20noi%20cho%20vua%20long%20nhau.jpg

loading...
Lời nói ra của bản thân mình, do mình phát ra chứ ta không phải dùng tiền bạc để mua bất cứ của ai, vì vậy mới nói “lời nói chẳng mất tiền mua”, dẫu rằng như vậy nhưng mỗi khi lời nói được phát ra thì lại là vô giá, như câu ví “lời nói gói vàng” là như vậy. Ông cha ta đã có câu: “phải uốn lưỡi bẩy lần trước khi nói” cũng là để làm rõ hơn về giá tri của lời nói. Cho dù một ai có mắc lỗi đi chăng nữa nhưng thay vì chửi bới, dùng những lời lẽ thô tục để nói họ thì hay giữ thái độ bình tĩnh và ôn tồn nhẹ nhàng nói với họ, như vậy vấn đề sẽ dễ dàng giải quyết hơn. Nhưng “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” ở đây cũng không có nghĩa là phải nói dối, che giấu sự thật để người nghe được vừa lòng, đó không phải là “lựa lời” mà là “nói dối”, điều này không được mọi người ủng hộ. Thay vì nói dối thì hãy nói đúng sự thật nhưng với một thái độ chân thành nhất, đây cũng là một cách “lựa lời”.
Câu tục ngữ đưa ra một bài học, một cách sống nghe có vẻ dễ dàng, tuy vậy nhưng vẫn còn rất nhiều người không thực hiện được. Những người này vẫn có những lời lẽ thiếu suy nghĩ, thậm chí xúc phạm đến người khác. Ta luôn nhớ mãi hai câu thơ của Tố Hữu: “Còn gì đẹp hơn đời như thế/ Người với người sống để yêu nhau”. Vậy thì có lý do gì mà chúng ta không dành những lời nói tốt đẹp cho nhau để xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, và cuộc sống thêm ý nghĩa.
Câu tục ngữ nào cũng truyền đạt cho ta một bài học quý giá và câu tục ngữ này cũng vậy, bài học về cách sử dụng lời nói trong đời sống hàng ngày là một bài học rất thiết thực và ý nghĩa
Sống trong xã hội, con người luôn phải giao tiếp và ứng xử với nhau. Vì vậy ta cần thận trọng khi dùng lời ăn tiếng nói để giao tiếp. Ca dao có câu:
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
Đây là một bài học dạy ta về cách đối nhân xử thế.
Như chúng ta cũng biết thì giữa con người với nhau luôn có những mối quan hệ, mỗi mối quan hệ khác nhau thì có những cách giao tiếp và trao đổi khác nhau nhưng dù trong mối quan hệ nào thì khi trao đổi, giao tiếp với nhau ta cũng nên dùng những lời lẽ ôn hòa, lịch sự để cho người nghe được hài lòng vừa ý. Hay nói cách khác là ta phải nói năng lễ phép, hòa nhã để tạo tình đoàn kết, thân ái khi giao tiếp.
Bởi lẽ, chúng ta không sống lẻ loi mà tập hợp thành một xã hội. Xã hội con người là một xã hội có tổ chức, có văn hóa, giữa con người với con người từ lâu có mối quan hệ mà lời nói là công cụ để giúp ta trao đổi, giao tiếp với nhau trong cuộc sống. để giữ mãi tình cảm tốt đẹp, mối quan hệ khăng khít với nhau ta phải biết lựa lời mà nói, tức là ta phải chọn lời hay ý đẹp để người nghe không buồn lòng phật ý. Lời nói lịch sự, hòa nhã khiến cho người nghe dễ dàng tiếp thu ý kiến của mình, dù đó là những lời phê bình. Biết lựa lời khi trao đổi là ta trọng người trọng mình . điều này làm cho người nghe kính nể ta hơn. Lời nói khiếm nhã, thô lỗ không những mất tình đoàn kết, có khi dẫn đến những tai họa khôn lường. Chẳng hạn, một người lãnh đạo nói năng khiêm tốn, cởi mở, vui vẻ luôn luôn được ủng hộ, đồng tình của người duwois quyền . bạn bè thật tình khuyên bảo sửa sai nhau bằng những lời lẽ ôn hòa, dịu dàng tất nhiên bạn dễ chấp nhận tiếp thu….Đây cũng là bí quyết giúp ta thành công trong cuộc sống, đồng thời mối quan hệ giữa người với người trong xã hội trở nên gắn bó, đoàn kết và tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên không phải để cho vừa lòng nhau mà ta nói những lời xu nịnh, a dua. Cách xử thế như vậy không tốt cần phải tránh .
Lời ca dao là một bí quyết giúp ta thành công trong cuộc sống, giúp ta biết cách đối xử ở đời. Đây cũng là một bài học rèn luyện tu dưỡng đạo đức giúp con người trở thành một người có văn hóa, lịch sự.
 
  • Like
Reactions: wyn.mai
Top Bottom