[fiction] Lọ lem đường phố - trò chơi của người quá cố [bản chính thức]

D

daik.dihoc

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Tớ tình cờ đọc qua 1 chap và đã bấn ngay lúc đầu :)

post cho m.n đọc...O:)

Tên fic: Lọ lem đường phố [trò chơi của quá cố]

Tác giả: Quái Vương [BMW]

Rating: không có

Cảnh báo: không có

Tình trạng: đã hoàn thành

Lịch post: mỗi tuần 1 chap.

Đây chính là bản nhà sách sẽ in vào tháng 9. Bản này sẽ có một số chỗ khác bản gốc. Mọi người đọc và cho ý kiến nhé!

Mục lục:

Chương 1: Ứng nghiệm

Chương 2: Di chúc

Chương 3: Âm mưu và thủ đoạn

Chương 4: Cố nhân

Chương 5: Đại tỉ Thiên Ân

Chương 6: Ngày không bình yên

Chương 7: Cá cược

Chương 8: Bất ngờ

Chương 9: Phúc bất trùng lai - Họa vô đơn chí

Chương 10: Cõng

Chương 11: Hai vị khách

Chương 12: Yêu quá ắt sẽ hóa hận

Chương 13: Sét đánh ngang tai

Chương 14: Đã là một năm sau

Chương 15: Giết người không đền mạng

Chương 16: Ai cũng không được

Chương 17: Bão về

Chương 18: Bão chưa qua

Chương 19: Rung động

Chương 20: Kẻ đáng sợ

Chương 21: Người nhà

Chương 22: Thất tình

Chương 23: Đã không còn nữa

Chương 24: Tự tử

Chương 25: Tiếp máu

Chương 26: Tuyên bố chia tay

Chương 27: Đêm ca nhạc từ thiện

Chương 28: Bắt cóc

Chương 29: Lời hứa

Chương 30: Trò chơi của người quá cố

Chương 31: Chín... mười

Ngoại truyện 1: Đỏ tình đen bạc

Ngoại truyện 2: Vệ sĩ nhí

Cuối cùng đọc xong nếu thấy hay thì xin 1 like nhé! Còn nếu không hay chịu khó cm góp ý. Nếu chỉ có lượng view tăng mà không có like hoặc cm thì không post nữa.
 
D

daik.dihoc

Chương 1: Ứng nghiệm

Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái lưu manh tên là Lã Thiên Ân.
Trước khi kể tiếp, tôi muốn các bạn biết rằng đây không phải là một câu chuyện cổ tích. Nó một trăm phần trăm là câu chuyện hiện đại ở thế kỷ 21 này. Vậy tại sao tôi lại bắt đầu câu chuyện bằng câu “ngày xửa ngày xưa” - câu nói kinh điển dùng để mở đầu bất cứ một câu chuyện cổ tích nào?

Tại sao ư?

Vì tôi muốn nó thần kì giống một câu chuyện cổ tích chăng?

Có thể.

Vì tôi muốn gây ấn tượng cho câu chuyện?

Nhiều phần trăm.

Nhưng cái lí do lớn nhất đó là cô gái lưu manh này có hoàn cảnh khá giống một nhân vật cổ tích được yêu thích - lọ lem. Vì thế mà tôi chọn cách bắt đầu câu chuyện giống như truyện “cô bé lọ lem” để kể về nàng lọ lem đường phố của tôi.

Một lọ lem không nhu mỳ, chẳng đảm đang, chưa bao giờ tháo vát. Một lọ lem tin vào những điều kì diệu nhưng không tin vào bà tiên. Với cô, những điều kì diệu là do tự mình tạo ra. Đừng trông chờ thứ từ trên trời rơi xuống! Ngu ngốc nhất là dựa dẫm vào một niềm tin phi thực tế. Cái gì gọi là “tin tưởng để cuộc sống có ý nghĩa hơn?” Đợi bà tiên đến cứu thì đã chết xong mấy lần rồi.

Lọ lem đường phố - cô gái lưu manh - trong từ điển của cô không có hai từ “cam chịu”. Cô mạnh mẽ và vô cùng ngạo mạn. Ông trời thử thách cô? Cô sẽ thách thức ngược lại. Làm tổn thương cô? Cô sẽ đạp bẹp tất cả tổn thương. Một lọ lem không cho phép ai đứng trên đầu mình mà sai bảo. Mẹ kế? Em kế? Muốn hành hạ sao? Cửa sổ cũng không có.

Viết về lọ lem thì không thể không nhắc đến bạch mã hoàng tử. Thế nhưng lọ lem của chúng ta lại là người đặt tình yêu sau nhiều thứ. Với cô, tình yêu không quá quan trọng và cũng chẳng phải là tất cả. Tương lai mới là thứ phải bỏ nhiều công sức.

Nói nhiêu đó đủ rồi, bây giờ chúng ta bắt đầu câu chuyện thôi nào!

 
D

daik.dihoc

Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái lưu manh tên Lã Thiên Ân. Giống như bao cô gái lưu manh khác, trước khi trưởng thành thì cô là một đứa trẻ, và chắc chắn rằng cô có một tuổi thơ. Một tuổi thơ mà nói là vui cũng đúng mà nói buồn thì cũng chẳng sai. Nhưng dù sao nó cũng đã trôi qua nên hãy thôi nhắc lại quá khứ.

Và ngày hôm nay chính là ngày số phận của lọ lem được ứng nghiệm trên cô - ngày ba cô mất.

Những lẵng hoa tươi đủ màu sắc rực rỡ đặt khắp nhà như để làm rõ hơn nét héo úa trên gương mặt những người đang đội chiếc khăn tang. Khói nhang trầm bay nghi ngút làm căn nhà có phần mờ ảo, ảm đạm. Cảm giác mất mát thê lương bủa vây mọi ngóc ngách trong ngôi nhà.

Trên bàn thờ, đặt ngay trước linh cữu là tấm hình người đàn ông có gương mặt phúc hậu đang cười hiền từ. Trong chiếc quan tài láng bóng còn thơm mùi PU, cũng chính người đàn ông đó đang nằm duỗi thẳng hai chân, hai tay đan trước ngực, gương mặt bình thản với đôi mắt đã nhắm mãi không bao giờ mở ra.

Mọi người đều quá mệt mỏi vì đã khóc quá lâu, chỉ có hai người lì lợm vẫn còn quỳ dưới đất khóc rũ rượi như sợ người ta không biết mình đau lòng.

Một trong số đó là người không thể thiếu trong việc làm nên cuộc đời lọ lem - bà mẹ kế - Nguyễn Ánh Mai. Bà đang gục đầu vào vai cô con gái của mình mà gào thật to, gương mặt nhăn nhó quằn quại để người ta không nhìn thấy rằng mắt bà không hề có một giọt nước mắt nào.

Bên cạnh bà, người đang bị mẹ mình gục đến rã vai là cô con gái ruột - Lã Uyên Đan. Một cô gái vô cùng duyên dáng và thướt tha. Đến cả cái cách lau nước mắt và nấc lên cũng duyên dáng và thướt tha nữa. Dù sao cũng là cha ruột, những giọt nước mắt kia có thể tính là thật lòng.

Còn cô gái đang đứng phía xa dựa người vào bức tường, gương mặt trơ ra như gỗ đá, chẳng có vẻ gì là đau buồn trước cái chết của ba ruột chính là cô gái của chúng ta - Lã Thiên Ân.

Bà con họ hàng xì xào chỉ chỏ không ít. Những câu hỏi kiểu như “ba mất mà sao con bé vẫn tỉnh bơ vậy?” cứ lạo xạo bên tai cô.

“Chết tiệt! Muốn biết thì tới hỏi thẳng tôi này, ở đó bàn tán thì có thể tìm ra câu trả lời sao?” - Ân lẩm bẩm, đôi mắt cơ hồ ánh lên vẻ khó chịu.

Rời khỏi bức tường, với những bước chân lững thững, cô tiến về phía quan tài.

Không quỳ, không khóc, một nén nhang cũng không đốt, cô đứng trơ ra nhìn chằm chằm vào người đàn ông đã trút hơi thở mười hai tiếng trước.

__Nhắm mắt xuôi tay rồi là có thể thảnh thơi chứ gì. Có ngon thì dậy mà sống tiếp đi. Nằm đấy làm gì? Muốn xem mọi người khóc hết nước mắt à? Đồ xấu xa!__

Sau một hồi nhìn không chớp mắt, Ân quay người bỏ về phòng mình. Họ hàng nội ngoại lại được thêm một phen xì xào.

Quả nhiên như lời đồn, con gái lớn của Lã Chủ Tịch có dung mạo và khí chất y như… phù thủy.

Tiếng bàn tán còn đang rộ lên thì Ân xuất hiện trong bộ đồng phục trường Thiên Hạ. Một tay bỏ túi áo khoác, tay kia giữ cái quai cặp đang được khoác sau lưng.

“Cháu muốn đi đâu vậy?” - Thấy Ân tiến về phía cửa lớn, bà bác họ nội vội lại gần.

“Bà không thấy cháu mặc đồng phục à?” - Bất ngờ xoay người lại nhìn thẳng vào bà bác, Ân chau mày.

“Ba cháu mới mất mà cháu muốn đi học sao?” - Bà bác có vẻ không vừa ý.

“Thế không cần học nữa à? Ở lại thì ba cháu sẽ sống lại sao?” - Ân nhướn mày nhìn bà bác của mình. Thấy bà không thể thốt lên lời nữa, cô khẽ cúi đầu rồi xoay người bỏ đi.

Nhìn theo bóng Ân, bà bác chậm rãi lắc đầu. Sự tức giận trong ánh mắt nhanh chóng bị thay thế bằng tia nhìn thương cảm.

__Không có mẹ bên cạnh nên tính tình kỳ quái. Đáng thương thật!__

Ân là thế, ánh mắt thờ ơ, nét mặt vô cảm, ăn nói khó nghe. Mặc kệ người khác nghĩ gì về mình, cô vẫn bình thản như không.

Trung học cơ sở Thiên Hạ là ngôi trường điểm hàng đầu Đà Lạt. Đầu vào lấy điểm rất cao vì thế học sinh khá ít và chất lượng học tập thì vô cùng đảm bảo. Học sinh của trường chính là sự lựa chọn hàng đầu cho các nhà hảo tâm muốn đài thọ cho nhân tài ra nước ngoài du học.

Trong trường, mỗi khối có sáu lớp và hệ thống lớp học được chia theo năng lực học tập. Cao nhất là lớp A gồm những học sinh có thành tích gần như tuyệt đối về các môn và hạnh khiểm tốt. Thấp nhất là lớp F, là những học sinh học giỏi nhưng không đều các môn và có chút quậy phá.

Mỗi tháng trường đều tổ chức một cuộc thi đánh giá lại năng lực học tập và xếp lại lớp học. Với truyền thống này, học sinh không học cố định một lớp lâu vì bảng xếp hạng thường thay đổi liên tục. Tuy nhiên, cái tên luôn giữ vị trí đầu bảng lại không hề thay đổi - Lã Thiên Ân.

Là nhân vật nổi tiếng trong trường và là niềm tự hào của các giáo viên, không lạ gì khi chuyện gia đình Ân có tang nhanh chóng truyền đến tai mọi người, trở thành chủ đề để giáo viên chủ nhiệm lớp 9A nói đến trong 15’ đầu giờ.

“Các em, nhà bạn Thiên Ân hôm nay có tang, sau giờ học lớp chúng ta hãy đến viếng và an ủi bạn.” - Thầy giáo chủ nhiệm vừa nói xong thì cả lớp nhao nhao lên bàn tán ngay lập tức.

“Không cần đâu.” - Chất giọng ngang phè đặc trưng của Ân vang lên ngoài cửa lớp làm cả giáo viên lẫn học sinh giật mình.

“Thiên Ân? Sao giờ này em lại ở đây?” - Quay nhìn ra cửa lớp như còn sợ mình nhận nhầm giọng, thầy chủ nhiệm không khỏi ngạc nhiên.

“Giờ này không ở đây thì ở đâu?” - Chau mày nhìn thầy mình, Ân làu bàu.

Cô thừa sức hiểu ý tứ của thầy nhưng sở thích của cô là cố tình không hiểu gì.

Bằng điệu bộ tỉnh bơ, cô đi xuống chỗ mình nơi cuối lớp.

Suốt các tiết học, ngoài kiến thức ra, giáo viên bộ môn còn dành riêng cho Ân ánh mắt ngạc nhiên. Sự xuất hiện của cô trong lớp học vào thời điểm này quả là điều không tưởng.

Đến tiết Ngữ Văn, mọi thứ còn được cường điệu hơn một bậc. Nguyên một tiết học, quý cô Hân chỉ dành để giảng về “nỗi buồn sinh li tử biệt”.

Cố nén tiếng thở dài, Ân đảo mắt nhìn ra cửa sổ như đang truyền sự chán nản ra bên ngoài.

Mùa hè sắp đến, ánh nắng trưa cũng trở nên gay gắt hơn. Chói mắt, cô miễn cưỡng thu tầm nhìn vào trong lớp, những khối hình vuông hình tròn ảo giác cũng theo đó mà xuất hiện.

Cuối cùng, một tiếng chuông kết thúc cho tất những chịu đựng cũng vang lên, Ân trở về nhà trong tâm trạng khá tệ.

Đám tang nào mà chẳng ngập trong nước mắt, nghĩ đến đó thôi là cô đã đủ phát hãi rồi. Cảnh tượng ở nhà, không cần nhìn cũng biết.

Trong ánh nắng trưa như đổ lửa, những tiếng khóc đủ mọi cung bậc, đủ mọi âm điệu quyện vào nhau rồi tỏa đều vào không gian như lời than trách ông trời.

Đứng dựa người ngoài cổng một hồi lâu để lắng nghe bài ca ai oán đang vọng ra từ trong nhà, Ân nhắm hờ hai mắt, gương mặt có vẻ ngưng đọng.

__Không lẽ con phải đến đó đưa ba về sao? Còn không mau dậy đi! Tính đem con bỏ chợ à? Sinh ra thì phải nuôi, nuôi rồi còn phải dạy nữa chứ. Con còn chưa thành người mà ba bỏ đi kiểu đó sao?__

Mặc kệ những suy nghĩ vừa nài nỉ vừa oán trách của cô con gái, mặc kệ nhiệt độ nóng bỏng của lò thiêu, người đàn ông kia vẫn nằm im không hề có ý muốn tỉnh lại, không hề có ý bước ra khỏi quan tài. Và… ông đã thành tro bụi, quay về điểm khởi đầu của con người.

Tro được rải xuống dòng sông trong một buổi sáng trời không có nắng và gió cứa vào tim như sợ những người đưa tiễn kia chưa đủ đau lòng. Rặng cỏ lau ven bờ ngả rạp xuống như lời chào tiễn biệt. Thế là hết! Oanh liệt thế nào, tài ba thế nào đến cuối cùng cũng chỉ còn lại một nắm tro tàn nằm lặng lẽ nơi đáy sông.

Bà Mai vẫn không ngừng vật vã rồi ngất đi. Mọi người đưa bà về nhà. Buổi tiễn biệt cũng đến lúc phải kết thúc, người chết thì đã chết, người sống tiếp tục con đường phải đi. Bên bờ sông chỉ còn lại gió và một cô gái đang đứng trong gió với thân hình sơ xác.

__Vậy là nhất định phải đi à? Nếu vậy thì đi mạnh khỏe nhé! Hãy thay con ôm mẹ!__

Ân xoay người bước đi, không một lần ngoái đầu nhìn lại. Trên mặt nước, lớp bụi tro vẫn còn lờ mờ trong gió. Người thì đi hết rồi nhưng tro thì vẫn còn đó. Cuối cùng là ai tiễn ai đây?

Trong những ngày này, ở trường, Ân luôn bị mọi người vây quanh an ủi, động viên.

Nhìn qua một lượt, cô vốn chẳng quen biết ai trong tất cả.

Từng lượt người đến rồi đi như khách du lịch. Vốn văn chương được tận dụng một cách triệt để nhằm mục đích nói ra những lời an ủi cảm động nhất.

Đáp lại sự xởi lởi đáng mệt mỏi đó, Ân cười hời hợt rồi dựa người ra bức tường phía sau, hai mắt nhắm hờ mặc kệ cho những kẻ dư nước mắt đi khóc người dưng kia vây quanh mình nói những lời có cánh một chữ cũng không lọt tai.

Một ngày chịu đựng thường là một ngày dài hơn bình thường. Nhưng mà dù dài cỡ nào thì nó cũng phải kết thúc thôi. Tiếng chuông cuối cùng cũng phải vang lên giải thoát cho Ân.

Chuông vừa dứt, cô xách cặp đi nhanh ra khỏi lớp và chạy một mạch về nhà trước khi bị vây quanh lần thứ n trong ngày.

“Chị có còn là con người không vậy?” - Vừa mới đi đến phòng khách, cái giọng ẻo lả không lẫn vào đâu của Đan đã vang lên. Tiếp sau đó là bước chân dồn dập về phía Ân.

“Chứ mày nghĩ tao là con gì?” - Ân chau mày nhìn Đan đùa cợt.

“Chẳng có con gì mà ba mất mà vẫn đi học tỉnh bơ như chị.” - Đan quát.

“Thế mày ở nhà khóc lóc thảm thương ba có dậy cười với mày không?” - Ân trừng mắt nhìn đứa con gái trước mặt mình.

“Làm sao có thể?” - Đan cũng không vừa, trừng mắt nhìn lại chị mình ngay lập tức.

“Thì vậy mới bảo mày thôi làm việc thừa thãi đi.” - Ân nhún vai.

“Nói như chị thì đám tang nào cũng có người làm việc thừa thãi à?”

“Chứ còn gì nữa. Ngồi khóc một chỗ có thể giải quyết được vấn đề sao?”

“Sao lại có người máu lạnh như chị cơ chứ?” - Đan tức tối.

“Không lạnh đâu, mày đang làm tao nóng máu đấy.”

“Con làm gì ầm ĩ vậy Đan?” - Bất ngờ, một giọng nói khác vang lên từ phía cầu thang. Nếu không có sự xuất hiện này, có lẽ bao nhiêu bực tức tích tụ mấy ngày nay của Ân sẽ trút lên đầu Đan.

“Không có gì đâu mẹ.”

“Không có gì thì lên phòng nghỉ đi! Mệt mỏi mấy ngày nay rồi.”

Nói rồi bà Mai vẫy tay gọi Đan lại gần và hai mẹ con cùng nhau đi lên cầu thang mà không biết ở phía sau họ, một nụ cười nửa miệng vừa xuất hiện.

__Cảm ơn vì đã sống thật với tôi, người đàn bà tồi tệ!__

Đúng! Việc tốt duy nhất mà bà Mai làm được là bà luôn sống thật với Ân. Không phải con đẻ thì không việc gì phải quan tâm. Không la mắng lại càng không đánh đòn. Hồi bé, Ân và Đan mà cùng quậy phá gì thì cũng chỉ có Đan bị la, con Ân muốn làm gì thì làm, không đốt nhà là được.

Đảo mắt nhìn quanh ngôi nhà nay thiếu mất một hình bóng (dù rằng hình bóng ấy chẳng mấy khi xuất hiện ở nhà) cuối cùng đôi mắt Ân dừng lại ở bàn thờ, nơi đã có thêm một tấm hình nữa.
 
D

daik.dihoc

Chương 2: Di chúc

Vị luật sư nổi tiếng và cũng là cố vấn luật pháp của công ty Lã Thị ngồi trên ghế tay cầm một tờ giấy A4. Trong tờ giấy ấy, có chữ ký và con dấu của ba Ân - Bản di chúc.

Ông đã kết thúc nội dung cần đọc, tháo mắt kính xuống và cất tờ di chúc vào cặp, cẩn thận khóa lại.

“Xin chia buồn cùng gia đình!” - Kết thúc việc công bố di chúc là câu nói kinh điển trước giờ ông vẫn dùng trong trường hợp này.

“Cảm ơn ông!” - Đáp lại cái nhìn chia sẻ, bà Mai cười buồn.

“Tôi không hiểu vì sao Lã chủ tịch lại lập ra bản di chúc như thế này. Mong rằng trong ba năm tới, bà và các con không phải chật vật!”

“Tôi sẽ ổn thôi. Một lần nữa xin cảm ơn ông!”

“Vậy tôi xin phép.” - Vị luật sư nói rồi nhanh chóng rời khỏi. Chẳng ai muốn ở lâu tại một nơi mà bầu không khí của nó khiến bản thân hít thở không thông.

Bà Mai tiễn ông đến cửa rồi quay trở lại chỗ ngồi. Nét giận dữ bị kìm nén ngày càng lộ rõ trên mặt bà. Bầu không khí không mấy dễ chịu ập tới.

Sự im lặng bá đạo căn phòng, kéo dài lê thê.

Bà Mai tức đến nỗi không thốt lên lời. Bà ta và con gái chỉ được có một nửa gia tài, còn một nửa là của Ân - Con gái của người vợ trước. Đã thế ba năm nữa mới có thống kê tài sản, khi đó di chúc mới được thực hiện. Với một người tham lam như bà thì điều này hứa hẹn sẽ làm bà mất ăn mất ngủ một khoảng thời gian dài.

Đan ngày thường nhõng nhẽo lúc này cũng biết điều im bặt. Bây giờ mà dại dột nói gì thì sẽ thành “thớt” cho mẹ chém.

Người thoải mái nhất trong phòng lúc này chỉ có Ân. Cô ngồi gác chân lên bàn, dựa vào lưng ghế một cách lười biếng, hai mắt nhìn bâng quơ ngoài cửa sổ.

Hướng mắt nhìn sang phía bà Mai, biểu hiện của bà lúc này lại càng làm cô thấy thích thú hơn.
Không hề có ý phá tan sự im lặng, cô đảo mắt tinh nghịch nhìn đông nhìn tây mặc cho hơi thở của bà Mai càng lúc càng nặng nề.

Tiếng đồng hồ tích tắc góp phần nhấn mạnh sự im lặng đáng sợ.

Cuối cùng, Ân đứng lên khỏi chiếc ghế êm ái. Trước khi rời khỏi, cô tiện tay rút một tờ bản sao di chúc đang nằm trên bàn rồi vừa đi vừa phe phẩy trước mặt.

__Đã nhắm mắt xuôi tay rồi mà còn muốn xem náo nhiệt sao? Vậy để con giúp ba chơi cùng bà ta vậy.__

Trở về phòng của mình, Ân với tay lấy cái túi xách trên nóc tủ rồi bỏ bộ võ phục được gấp ngay ngắn vào trong.

Trước khi đi ra, cô gấp bản di chúc thành máy bay phi ra ngoài cửa sổ. Chiếc máy bay được gió nâng đi không xa thì hạ cánh xuống một dòng sông nhỏ. Nước từ từ liếm láp tờ giấy trắng và cuối cùng là nuốt trọn nó bằng sự ướt át lạnh lẽo.

Khoác quai giỏ lên vai, cô ra khỏi nhà, đi bộ về phía võ đường gần đó.

Ba giờ chiều - Nắng đã dịu bớt và gió thổi nhè nhè đưa tiếng thông reo hòa vào không trung.

Võ đường Nhân Trí Dũng nằm trong một con đường dốc ít người qua lại nhưng học sinh rất đông. Tuy nhiên, hôm nay không có lịch học nên khá vắng vẻ.

Trước cổng, tấm bảng đã bạc màu theo năm tháng nhưng vẫn chễm chệ uy nghiêm dòng chữ đỏ “Võ đường Nhân Trí Dũng”.

Ngước nhìn tấm bảng một lúc lâu, Ân lặng lẽ tiến vào trong. Nơi này là một phần làm nên con người cô. Người thầy kia không chỉ dạy cô các đường quyền, những thế võ mà còn dạy cô bài học làm người.

“Mọi chuyện ổn chứ học trò yêu?” - Ân vừa xoay tay nắm cửa bước vào trong thì một giọng nam trầm đã vang lên ngay lập tức.

“Không thể ổn hơn được nữa.” - Cô uể oải trả lời mà chẳng buồn đưa mắt tìm xem thầy mình đang “ẩn nấp” ở đâu.

“Nghe miễn cưỡng quá vậy?” - Không biết từ đâu mà thầy đứng ngay phía sau cô.

“Vậy chắc thầy nghe lầm rồi đấy.” - Ân nói rồi ngồi phịch xuống sàn, tiếp theo là nằm xoài ra đất, hai tay vòng lên đầu.

“Rốt cuộc là rớt bao nhiêu giọt nước mắt mà trông mệt mỏi đến thế?”

“Chẳng giọt nào hết.” - Ân nhắm mắt và thở dài. Nằm như thế này khiến cô cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều.

“Kìm nén bao nhiêu ngày giờ định đến đây trút nỗi lòng đấy à?”

“Không có, con đến học bài mới.”

“Chỉ cần thi nữa thôi là lấy đai võ sư rồi, thầy còn gì để dạy con nữa đâu.”

“Vậy thầy đấu với con một trận nhé!” - Giọng nói có vẻ hào hứng, Ân ngồi dậy lắc lắc đầu cho tỉnh táo rồi đứng bật dậy.

“Ăn đòn cấm ăn vạ.”

“Thầy tự nói mình ấy.” - Ân nói rồi phá lên cười sau đó đi về phía phòng thay đồ.

Khi bước vào là một Thiên Ân mệt mỏi, lười biếng nhưng khi đi ra thì lại là một Thiên Ân oai phong và nghiêm túc trong võ phục đen.

“Sao lại đeo đai đen?” - Thầy Ân chau mày nhìn.

“Đeo đai đen đánh thắng đai trắng mới oai.” - Ân cười tươi.

“Láu cá thật!” - Thầy Ân cũng cười.

Hai thầy trò cùng khởi động, làm nóng người. Sau khi nghi thức bái tổ kết thúc, một trận đấu nảy lửa diễn ra.

Không ai có thể tưởng tượng được một cô gái mảnh khảnh khi mang trên mình bộ võ phục lại dữ dội đến thế. Nhưng hơn thế nữa là sự nghiêm túc và sự quyết tâm đáng nể phục. Sau bao nhiêu đau nhức, bao nhiêu chấn thương, ngày hôm nay sự quyết tâm ấy đã được hậu đãi đích đáng.

Sau trận đấu, hai thầy trò đi bộ vòng quanh võ đường để điều hòa nhịp tim. Trò thì rạng ngời vì thành quả mình đạt được. Thầy thì tự hào vì đào tạo ra một học trò giỏi. Đai trắng thua đai đen mà không hề oan ức.

Trên đường về nhà, Ân vừa lững thững bước đi vừa ngửa cổ nhìn lên bầu trời đang dần tắt nắng.

Cho đến khi mùi thức ăn thơm phức từ đâu bay tới. Thì ra mùi thơm hấp dẫn đó xuất phát từ quán ăn gia đình ở bên kia đường. Ngửi mùi đã thấy ngon, thảo nào đông khách đến thế. Cô cũng đã đói bụng rồi, có lẽ sẽ ăn tối ở đây.

Bốn phía vây quanh đều là những gia đình gồm bố, mẹ, con cái đang cười đùa trong bữa ăn. Họ gắp thức ăn cho nhau và nhìn nhau âu yếm. Ân lúc này trong mắt mọi người thật quá cô đơn. Nhưng đó là người khác nhìn vào và cảm thấy vậy. Phần Ân, cô chẳng hề cảm thấy mình cô đơn chút nào. Có thể vì cô không ý thức được sự cô đơn đang vây quanh mình. Trước giờ cô luôn một mình như thế này và nó trở thành một thói quen.

Ra khỏi quán khi đèn đường bắt đầu lên, Ân thong thả đi bộ và nhìn ngắm cảnh vật hai bên đường. Mọi thứ đều chỉ còn là cái bóng lờ mờ nhòe nhoẹt trong ánh sáng vàng hiu hắt. Dòng xe cộ dần trở nên tấp nập hơn.

Đi ngang qua con đường cho người đi bộ, cô ngẫu hứng rẽ vào dù nó không dẫn về nhà. Vào giờ này, con đường này không đông lắm. Ngoài cô ra thì chỉ còn một vài du khách nước ngoài.

Cơ hồ trong gió có tiếng đàn guita và tiếng hát của ai đó. Ân tiếp tục đi sâu vào trong thì thấy một chàng trai trạc tuổi mình đang ngồi ôm đàn hát. Một vài du khách đang đi qua dừng bước lại, họ thả vài tờ tiền vào bọc đàn đang để mở sau đó rời khỏi.

Cũng giống như những người đó, Ân lại gần và thả một tờ tiền vào chiếc hộp để trước mặt chàng trai. Nhưng cô không bỏ đi mà đứng dựa người vào cột đèn, lắng nghe những âm thanh mộc mạc đang cất lên.

Một bài hát có giai điệu đồng quê thanh bình bằng tiếng Pháp được xướng lên.

Ân vốn mù tịt về âm nhạc nhưng không hiểu sao bài hát của chàng trai này thật sự thu hút cô. Dù không biết lời bài hát đang nói gì nhưng giai điệu của nó thật sự cuốn cô xuôi dòng cảm xúc và chảy theo từng nốt nhạc.

Không còn anh chàng hát rong, không còn cột đèn mà cô đang dựa, không còn con đường cho người đi bộ, thậm chí bản thân cô cũng tan ra.

Một làng quê thanh bình với những mái nhà xinh xắn hiện ra. Đàn cừu trắng đang thong thả nhấm nháp trên đồng cỏ. Cách đó không xa, bên cạnh con sông hiền hòa, đám trẻ đang nô đùa vui vẻ. Nhìn lên cao hơn một chút sẽ thấy người chăn cừu đang ngồi trên mỏm đá thổi sáo. Từ chỗ ngồi của anh ta có thể nhìn thấy cánh đồng lúa mạch vàng ươm dưới thung lũng đang dập dìu trong gió.

Một tâm hồn nhạy cảm thường rất dễ bị chi phối bởi các tác nhân ngoại cảnh và Ân sở hữu một tâm hồn như thế. Chính vì lý do này mà cô quyết định rời khỏi vị trí đang đứng ngay khi bản nhạc đồng quê kết thúc và một bản nhạc có giai điệu buồn được tấu lên. Cô muốn giữ cái tâm trạng thoải mái hiện tại và không hy vọng điều gì phá vỡ nó.

Cũng đã đến lúc về nhà!

Ân là một cô gái có tính cách khá khó đoán, lối trang trí phòng ngủ cũng thể hiện phần nào sự kì quái của chủ nhân. Những mảng đối lập sáng tối giữa giấy dán tường, nền nhà, những đồ vật trong phòng tạo nên một cảm giác kì lạ cho người nhìn. Tương phản đến cao trào nhưng cũng hài hòa tuyệt đối.

Ra khỏi phòng tắm với trạng thái vô cùng dễ chịu, Ân ngồi vào bàn học và bắt đầu chuẩn bị mọi thứ cho ngày mai lên lớp. Dù sở hữu sự khôn ngoan và nhạy bén hơn người nhưng như thế chưa đủ để cô chủ quan coi thường việc học. Cô luôn cố gắng học thật chăm chỉ và kết quả thì không phụ lòng cô bao giờ. Với cô, cuộc sống giống như tiếng hét đập vào vách núi. Có người hét lên thì sẽ có tiếng vọng đáp trả. Có bỏ ra thì sẽ có thu hoạch.

Trời về khuya trùng trùng sương giăng lối, ánh đèn vàng hiu hắt đổ bóng xuống con đường lạnh lẽo, những bức tường xám xịt nằm im lìm trong màn đêm cô tịch. Mọi người đều đã chìm vào giấc ngủ say sau một ngày mệt mỏi với quá nhiều lo toan bộn bề, chỉ duy nhất ô cửa sổ tầng hai của căn biệt thự cuối phố vẫn hắt ra ánh sáng trắng không mệt mỏi.
 
D

daik.dihoc

Chương 3: Âm mưu và thủ đoạn

Sương mù ôm ấp vầng dương, ánh sáng hồng đào mông lung kì ảo báo hiệu ngày đến. Nơi đường chỉ ngăn cách trời và đất, quả cầu lửa đang kiêu hãnh nhô lên.

Như thường lệ, bà Mai thức dậy làm thức ăn, pha sữa cho cả hai cô con gái. Bà là một người phụ nữ khéo léo trong việc thể hiện sự chu đáo nhưng lại không biết cách che đậy sự thờ ơ. Bà luôn làm ầm lên nếu Đan bỏ bữa sáng nhưng lại không bao giờ quan tâm Ân có ăn hay không.

Sau khi làm vệ sinh cá nhân, Ân đi xuống nhà bếp nhưng không ngồi vào bàn ăn. Cầm nhanh ly sữa trên bàn, cô đi ngược về phòng mình. Cô không khó chịu việc phải ngồi ăn cùng bàn với mẹ con bà Mai nhưng cô cũng chẳng có nhã hứng muốn thử cái cảm giác đó.

Khi Ân trở lại nhà bếp, sữa trong ly đã không còn một giọt.

Thấy cái ly không vừa được đặt lên bàn, bà Mai nhìn Ân vẻ lấm lét.

Là người vô cùng nhạy bén và tinh ý, Ân hoàn toàn nhận ra ánh mắt kì lạ đang chiếu vào mình. Nhưng bên cạnh đó cô còn có tài giả vờ như không biết gì.

“Con đổi ảnh thờ à?” – Cố tỏ ra tự nhiên, bà Mai hỏi.

“Ừ, một tấm là đủ rồi.” – Ân gật gù.

“Làm gì có ai đem ảnh cưới ra làm ảnh thờ chứ.” – Bà Mai cố gắng nặn ra một nụ cười.

“Cả hai vợ chồng đều đã qua thế giới bên kia rồi, lấy tấm ảnh cưới làm ảnh thờ có sao đâu.” – Ân nhún vai rồi đảo mắt nhìn về phía bàn thờ. Hai tấm hình của ba mẹ cô đã được cô thay bằng một tấm hình cưới của hai người.

“Có phải con muốn mọi người vào nhà này đều biết dì là vợ hai phải không?” – Bà Mai có vẻ không vui.

“Yên tâm đi! Dì sẽ không còn ở trong nhà này nữa.” – Ân nở một nụ cười chuẩn mực.

“Nói vậy là ý gì?” – Đang ăn sáng, nghe thấy vậy, Đan chau mày nghi hoặc.

“Tức là hai người bị đuổi đó.” – Ân nhún vai.

“Chị nói gì vậy? Sao chị có thể đuổi mẹ con tôi đi?”

“Muốn lấy giấy tờ nhà cho xem không?” – Ân nghiêng đầu, mắt tròn xoe nhìn Đan không chớp.

“Chị đừng có quá đáng.” – Đan gắt.

“Biệt thự này là của mẹ tao, trước khi qua đời bà ấy đã nói ba tao sang tên cho tao.” – Mặc kệ sự tức giận của Đan, Ân nói giọng đều đều. Quay nhìn sang bà Mai đang gồng người, gương mặt kìm chế, cô tiếp lời: “Dì về nhà này cũng nhờ mẹ tôi cả thôi”.

Nghe Ân nói, bà Mai phá lên cười giễu cợt rồi cất cao cái giọng chua ngoa: “Mày sai rồi, là ba mày yêu tao nên mới cưới tao về. ****** mới qua đời không lâu là đã bị ba mày quên rồi.”

Một tràng cười giễu cợt khác vang lên nhưng lần này giọng cười là của Ân.

“Vậy là dì vẫn không biết gì à? Trước khi ra đi mẹ tôi đã van nài ba tôi lấy vợ khác vì bà ấy sợ không có người lo lắng chăm sóc cho đứa con mới tròn một tuổi là tôi đây. Dì nghĩ gì mà nói ba tôi yêu dì?” – Ân vừa nói vừa quan sát nét mặt bà Mai một cách thích thú.

“Cái gì? Mày… ba mày… dám lừa dối tao bao nhiêu năm qua.” – Quả nhiên bà Mai tin những lời Ân nói. Hai mắt trợn ngược đầy tức giận, giọng nói chua ngoa **** người không bao giờ vấp nay không thể trôi chảy nữa.
“Tôi lừa dì cái gì, dì nói tôi nghe xem?” – Ân nghiêng đầu cố tình tỏ ra ngây ngô: “Còn về ba tôi, dì không lừa dối ông ấy sao? Dì có đếm hết được số tình nhân của mình không?”

“Mày…” – Vừa giận, lại không biết phải cãi lại thế nào, bà Mai cứng họng.

“Dọn đồ lẹ đi!” – Ân vừa nói vừa xua xua tay.

“Chị làm vậy thì mẹ con em biết đi đâu bây giờ?” – Thấy mẹ mình không thể cãi lại được nữa, Đan dùng ngay chiêu khổ nhục kế. Gọi chị xưng em rồi mắt ngân ngấn nước và tiếp theo là bật khóc.

“Yên tâm đi! Mẹ của mày đã nuốt một bụng không nhỏ đâu. Cái tài khoản cũng rủng rỉnh lắm rồi. Hơn nữa còn có tình nhân giàu có lo cho mà, mày đừng sợ chết đói.” – Dứt lời, Ân đủng đỉnh đi về phòng mình.

“Thật hả mẹ? Con vẫn sẽ được sống trong biệt thự sang trọng chứ?” – Đan nghe xong nín khóc ngay lập tức, quay ra nhìn mẹ mắt sáng rỡ.

“Ừ, con đừng lo! Mẹ sẽ mua cho con một căn biệt thự to và đẹp gấp đôi nơi này.” – Bà Mai nói với con mình rồi nở một nụ cười đắc thắng.

__Mày nghĩ mày có thể đấu lại tao sao? Tao từng này tuổi không lẽ lại để con nhãi như mày “chiếu tướng” à? Xem mày lên mặt được mấy lần nữa. Sang thế giới bên kia với ba mẹ của mày đi!__

Nghe mẹ nói xong, Đan vui vẻ chạy lên phòng dọn đồ đúng lúc gặp Ân đang đi xuống. Đi qua Ân, Đan cố tình hất mặt một cái rất kiêu rồi cong cớn đi lên lầu. Nhìn điệu bộ của Đan, Ân chỉ mỉm cười. Một nụ cười khó đoán! Cô cố tình bước chậm hơn để đợi đến lúc Đan về phòng.

Không uổng công chờ đợi, tiếng hét tuy thất thanh nhưng vẫn yểu điệu của Đan đã vang lên và tiếp sau đó là tiếng bước chân dồn dập chạy xuống dưới nhà.

“Mẹ ơi, Miu chết rồi.” – Đan vừa nói vừa khóc.

“Chết rồi sao?” – Ân nhướn mày tỏ vẻ ngạc nhiên.

“Chị đã làm gì nó?” – Đan hét lên.

“Ban nãy nó cứ luẩn quẩn dưới chân, tao nghĩ nó đói nên đổ sữa dì pha cho nó uống. Sao uống xong lại lăn ra chết nhỉ?” – Bộ mặt ngô nghê của Ân lại một lần nữa được cô cố ý phô ra.

“Chị…” – Đan tức muốn hộc máu trong khi bà Mai vừa giận vừa sợ đến biến sắc.

“Dì này, dì có thấy mình quá lộ liễu không? Di chúc mới đọc mấy hôm mà đã muốn dàn xếp cho tôi một cái chết do tự tử và công bố giấy từ bỏ quyền thừa kế có chữ ký giả cùng với điểm chỉ tay rồi sao? Còn ba năm nữa tài sản mới được chia, dì từ từ nghĩ cách đi nhé! Ráng nghĩ ra cách nào hay hay một chút chứ nếu muốn đấu với tôi bằng cái cách sơ sài này thì chỉ phí công bày trò thôi!” – Ân nở một nụ cười “tỏa nắng” rồi bỏ đi học.

__Con nói không sai phải không? Bà ta ra tay ngay lập tức mà. Quả là lòng tham đáng sợ! Ba đã thấy ba gây rắc rối cho con gái mình chưa?__

***

Trong một buổi sáng đẹp trời, người ta nghe thấy tiếng quát đầy giận dữ của Thiện và tiếng khóc nức nở oan ức của Đan phát ra từ sân thượng trường Ánh Dương.

“Cái gì? Em bị chị cùng cha khác mẹ đuổi ra khỏi nhà?”

“Con mèo của anh tặng em cũng bị chị ta giết chết rồi.”

“Con nhỏ đó đâu? Để đấy anh dạy dỗ nó.” – Có vẻ như cơn giận của Thiện đã được những giọt nước mắt của Đan nâng đến giới hạn cuối cùng. Dám cá rằng nếu ở đây có cái gì có thể đập vỡ thì nó đã sớm vỡ từ lâu.

“Bỏ đi Thiện… mẹ em… nói không muốn chị em trong nhà… xích mích.” – Đan níu tay Thiện, nước mắt rơi lã chã.

“Nó có nể nang gì mẹ con em đâu mà em phải thế này?” – Thiện cố gắng kiềm chế để cơn giận không làm mình thô lỗ với Đan.

“Nhưng đó là nhà của chị ấy mà. Với lại tại bé Miu cứ quanh quẩn dưới chân chị ấy nên…” – Đan vẫn không ngừng khóc.

Nước mắt của Đan một lần nữa thành công trong việc làm cơn giận của Thiện vượt quá sự kiềm chế. Hất tay Đan ra, cậu xăm xăm bước về phía cánh cửa sân thượng. Vừa đi vừa lớn tiếng quát: “Không thể bỏ qua được.”

“Anh mà làm gì chị ấy, mẹ sẽ đánh em đó.” – Đan vội chạy theo ôm Thiện từ phía sau, nước mắt của cô nhanh chóng thấm ướt một khoảng lưng áo cậu.

Mảng áo ướt át đó đã làm Thiện dịu đi.

Quay người lại, cậu ôm Đan vào lòng mà dỗ dành: “Được rồi, em đừng khóc nữa! Anh sẽ không làm gì đâu. Lát nữa đi học về chúng ta đi xem nhà nhé!”

“Xem nhà gì anh?” – Đang rúc sâu trong lòng Thiện, Đan ngẩng đầu đưa đôi mắt tròn xoe, ngơ ngác nhìn cậu.

“Nhà cho hai mẹ con em chứ nhà gì.” – Vừa nói Thiện vừa xoa đầu Đan đồng thời ôm cô chặt thêm.

“Như vậy không được đâu.” – Đan lắc đầu nguầy nguậy.

“Chứ để mẹ con em ở ngoài đường à? Không nói nhiều nữa!” – Thiện cương quyết. Đan im lặng một hồi rồi miễn cường gật đầu.

__Quen với Ân Thiện – Con trai tập đoàn Vương Thị quả không sai lầm.__

“Định làm người khác đau mắt sao?” – Trong khi đôi tình nhân nhỏ đang dần chìm vào thế giới hai người thì từ đằng xa một giọng nam vang đến có vẻ không mấy hài lòng. Bản thân sự xuất hiện của giọng nói đã khiến bầu không khí lãng mạn trở nên bối rối, nay thêm sự “không hài lòng” làm nó không những bối rối mà còn vỡ tan.

“Anh Minh, anh Nhật.” – Đan buông Thiện ra, cúi đầu chào hai người con trai mới đến.

“Chỉ ôm thôi mà, làm gì mà đau mắt.” – Thiện cười cười xoa đầu chữa thẹn.

“Xem nó coi, có người yêu rồi mặt cũng mỏng đi, biết đỏ mặt nữa cơ đấy.” – Nhật vừa nói vừa chỉ vào Thiện, một tay xoa xoa cằm ra chiều ngẫm nghĩ.

“Mới sáng sớm đã muốn ăn đòn rồi đúng không?” – Thiện nắn nắn nắm đấm.

“Em về lớp trước được không? Anh có chuyện muốn nói với Thiện.” – Minh quay sang nhìn Đan, giọng nói không có vẻ gì là muốn thuyết phục, nó giống như ra lệnh nhiều hơn.

Vốn chẳng ưa gì Minh và cũng thừa biết Minh đang đuổi mình, Đan cố nuốt cục tức rồi mỉm cười hòa nhã: “Vậy em đi trước.”

Đan đi rồi nhưng ánh mắt tiếc nuối của Thiện còn dõi về phía cánh cửa. Mãi một lúc lâu mới sực nhớ ra hai thằng bạn đang đứng bên cạnh: “Có chuyện gì à?”

“Có gì đâu, chỉ là muốn ba thằng ở riêng thôi.” – Minh nhún vai.

“Mày vẫn có ác cảm với Đan à?” – Thiện tỏ ra không vui.

“Mày quen với nhỏ nào là thằng này có ác cảm với nhỏ đó à?” – Nhật chen ngang.

“Sao vậy?” – Thiện ngơ ngác.

Thấy gương mặt không hiểu gì của Thiện, Nhật cười gian rồi trả lời rành rọt: “Vì nó yêu mày mà.”

Hai cái cốc rõ đau cùng lúc giáng xuống đầu làm nụ cười của Nhật tắt ngấm. Cậu đưa tay xoa đầu và nhìn hai thằng bạn vẻ oan ức.

“Còn không phải như vậy à? Vậy chứ tại sao lúc nào mày cũng khó chịu với Đan?”

Đáng ra phải trả lời cậu hỏi của Nhật thì Minh lại thở hắt ra một tiếng, mắt nhìn xa xăm xuống bên dưới sân trường.

__Vì tao không tin con nhỏ đó. Ở nó có cái gì làm tao muốn đề phòng.__

“Sau giờ học ra ngoại ô nhé. Lâu rồi không đến đó.” – Thấy Minh im lặng, Nhật cũng không hỏi thêm mà chuyển đề tài ngay lập tức. Cậu biết rằng nếu gặng hỏi thêm thì nhiều phần trăm là cậu sẽ ăn thêm vài cái cốc lõm đầu.

“Tao bận rồi.” – Thiện từ chối.

“Đi với Đan à?” – Minh chất vấn.

“Ừ. Em ấy bị đuổi ra khỏi nhà rồi. Em ấy cần một chỗ để ở.” – Thiện rầu rĩ.

“Dại gái thấy sợ! Coi chừng phá sản vì gái đấy.” – Nhật châm chọc.

“Mua một ngôi nhà mà phá sản được sao?”

Nhật và Thiện, người nói qua, người cãi lại, không ai để ý Minh đang im lặng và có vẻ suy tư.

Đúng như lời hứa, chiều hôm đó, Thiện đưa Đan đi mua nhà. Một ngôi nhà thật sự đáng để người khác phải mơ ước. Trong lòng Đan lúc này thầm cảm ơn chị gái đã đuổi mình ra khỏi nhà. Nếu không phải là Ân tuyệt tình thì Đan đâu thể sở hữu ngôi biệt thự lớn như lâu đài này.

Xem ra mẻ lưới này của Đan đã bắt được một con cá vàng. Tập đoàn Vương Thị – Một trong năm con rồng kinh tế của Việt Nam, làm dâu nhà này thì ăn cả đời không hết.

Mẹ nào con nấy! Quả thật cao tay! Trong ba năm đợi thống kê tài sản và di chúc được thực hiện xem ra mẹ con bà Mai sẽ không phải chật vật lo lắng gì. Còn Ân một thân một mình không biết sẽ ra sao.

Rốt cuộc Lã Mạnh Quân muốn xem điều gì mà lại bày ra bản di chúc như thế? Đã chết rồi vẫn muốn chơi đùa với người còn sống sao? Phải nói rằng chủ tịch công ty phần mềm trò chơi, đến khi chết đi vẫn để lại một trò chơi độc đáo.

Đời là một vở kịch bi hài được cấu tạo từ một tấn trò đời kệch cỡm. Kẻ tính toán là kẻ thua thiệt, người hời hợt thánh nhân đỡ nâng. Trò chơi cuối cùng của Lã Mạnh Quân là trò chơi hay nhất của ông. Vai diễn của ông trong vở kịch cuộc đời đã kết thúc. Giờ ông là một khán giả theo dõi những người sống tiếp tục màn kịch hay.

Đấu đá, tính toán, thủ đoạn, tranh giành, mưu hại, lợi dụng lẫn nhau…

Không có những thứ đó thì cuộc đời sẽ mang một cái tên khác chứ không phải là “cuộc đời”.

 
D

daik.dihoc

Chương 4: Cố nhân

Hai năm sau.

Một buổi sáng đẹp trời! Từ khung cửa sổ, cô gái đưa đôi mắt nhìn bầu trời đầy nắng ấm. Ánh mặt trời chiếu vào làm gương mặt trắng trẻo kia ửng hồng đầy sức sống. Đôi môi đỏ khẽ mở ra hớp một hơi không khí trong lành. Trước một mĩ nhân, gió – Kẻ xưa nay nổi tiếng vô tình cũng không kìm lòng được mà đến bên vuốt ve gương mặt thon gọn và luồn nhẹ vài mái tóc mềm mại mà thổi nó bay lên nhè nhẹ.

So với hai năm trước, cô cũng đã thay đổi ít nhiều. Cô cao thêm, những đường cong trên cơ thể cũng hoàn thiện hơn, da trắng hơn và những cái mụn của tuổi mới lớn đã biến mất hoàn toàn để lại một làn da hoàn hảo. Duy chỉ có đôi mắt là vẫn thế, vẫn cái nhìn như xuyên thấu tâm can người khác và ánh lên vẻ ngạo mạn hoàn toàn không để ai trong mắt.

“Ân, mày không đi học à?” – Thấy đã hơn bảy rưỡi mà bạn mình còn đang ngồi bên cửa sổ, Ngọc Linh – Bạn cùng nhà của Ân nhắc nhở.

“Đi chứ. Nhưng hôm nay là ngày khai giảng mà, từ từ rồi tới. Cũng chỉ ngồi nghe diễn thuyết thôi chứ có làm gì đâu.” – Ân nhún vai.

“Tao thật không hiểu vì sao mày lại phải đi học. Định làm lưu manh giả danh trí thức à?” – Mỹ Phụng – Cô bạn cùng nhà thứ hai của Ân từ ngoài cửa đi vào.

“Lưu manh thì đúng rồi nhưng giả danh trí thức thì không có đâu. Trí thức thật mà.” – Ân cười thật tươi để lộ hai má lúm đồng tiền và hàm răng trắng bóng đều như bắp.

__Đâu thể làm lưu manh cả đời.__

Thôi trả treo với hai cô bạn cùng nhà, Ân đi nhanh vào phòng tắm để thay đồng phục rồi trở ra.

“Nhìn thế này ai bảo là lưu manh.” – Linh chọc ghẹo khi Ân trở ra.

Ân không nói gì, chỉ mỉm cười rồi lững thững ra khỏi nhà.

“Không mang cặp à?” – Thấy Ân đi người không, Phụng gọi với theo nhưng Ân không trả lời mà vẫn xăm xăm bước tiếp.

“Hôm nay trường khai giảng, có học hành gì đâu mà cần phải mang cặp theo.” – Linh giải thích.

“Vậy à? Tao không biết.” – Phụng nhún vai.

“Mày không nhớ chứ không phải không biết. Nó nói từ mấy hôm trước rồi.” – Linh bắt bẻ.

“Ừ tao không nhớ. Trí nhớ tao vốn kém mà, ngày xưa đi học tao để quên cặp ở nhà hoài.”

“Hay lắm ấy mà còn khoe.”

Đột nhiên điện thoại của Phụng reo lên nhưng không phải có người gọi cũng không phải có tin nhắn. Phụng cầm điện thoại đọc đọc cái gì đó rồi tắt tiếng chuông đi.

“Hôm nay qua bên Bùi Thị Xuân đòi nợ đấy.” – Ném điện thoại qua một bên, Phụng quay sang nhắc Linh.
“Còn cần mày nhắc à? Phải cài nhắc nhở mới nhớ được mà tinh tướng.”

Trong khi hai cô bạn còn đang đấu khẩu ở nhà thì Ân đã đi bộ gần tới trường. Trên con đường cô đang đi, không nhiều học sinh cùng mặc đồng phục giống cô. Có gì đâu, trung học Lộ Thiên vốn ít học sinh mà.

Điểm vào trường thì không quá cao nhưng tiền học phí thì đủ cao để không phải muốn học là học. Vốn là một ngôi trường trung học bình thường nhưng lại may mắn được hai con rồng kinh tế của ViệtNam- Tập đoàn Vương Thị và tập đoàn Vũ Thị chọn làm sân đấu đá.

Trung học Lộ Thiên được lột xác như ngày hôm nay tất cả là nhờ bản tính háo thắng của hai ông chủ tịch tập đoàn Vương – Vũ.

Không biết là có phải có thù hằn gì với nhau hay không mà hai tập đoàn này luôn đấu đá với nhau. Cả hai luôn kìm kẹp nhau chứ không đơn giản chỉ là cạnh tranh trên thương trường. Vương Thị mở siêu thị, Vũ Thị cũng mở siêu thị. Vũ Thị xây bệnh viện, Vương Thị cũng xây bệnh viện. Đến khi Vương Thị tài trợ cho trung học Lộ Thiên, Vũ Thị cũng nhảy vào tài trợ không ít. Thi nhau đầu tư xây dựng trường, mở rộng trường, tu sửa trường, rồi thì mời những giáo viên giỏi nhất với mức lương hấp dẫn, phát học bổng, mua trang thiết bị giảng dạy tiên tiến. Mọi người nhìn vào mà chóng hết cả mặt.

Muốn học ở Lộ Thiên trừ khi nhà giàu có tiếng, còn không thì đi trường khác học sẽ tốt hơn. Trong ngôi trường này, sự phân hóa giàu nghèo được đẩy lên đến cao trào. Ba giai cấp được phân chia rõ ràng. Tầng lớp quý tộc là những người có quan hệ máu mủ với hai tập đoàn Vương – Vũ. Tư sản là những cô cậu ấm con nhà giàu. Còn vô sản là những học sinh vào trường nhờ vào học bổng và Ân là một trong số đó.

Buổi lễ khai giảng với hoa, bong bóng và những bài phát biểu ngán ngẩm bắt đầu. Đến gần trưa mà thầy hiệu trưởng vẫn không có dấu hiệu kết thúc trong khi lũ học sinh đang ngồi ngáp ngắn ngáp dài. Một số tiếng phàn nàn bắt đầu xôn xao trong đám đông.

Sau những bài diễn văn tưởng như bất tận là nghi thức “truyền thống” của trường – Bốc thăm lớp học. Từng học sinh lần lượt lên bốc một phiếu trong thùng thăm theo từng khối. Sẽ có hai mươi tờ phiếu có nội dung giống nhau nghĩa là một lớp chỉ có hai mươi học sinh.

Sau khi bốc thăm xong, các học sinh lên lớp của mình để giao lưu với giáo viên chủ nhiệm và các bạn mới. Buổi lễ khai giảng đã dài lê thê, đứa nào cũng đói vì trời đã gần trưa, thế mà giờ còn phải ngồi nghe người khác giới thiệu về bản thân mình và mình cũng phải tự giới thiệu về mình với mọi người. Quả là biết cách hành hạ!

Vừa đến trước cửa lớp 12A1, Ân đã nghe những tiếng nói, tiếng cười vui vẻ của các nữ sinh. Chắc là gặp lại bạn cũ nên vui.

Quả không sai, bên trong lớp có hai nhóm nữ sinh đang tay bắt mặt mừng với nhau. Một nhóm nam sinh cũng đang đùa giỡn, cười nói rôm rả. Chỉ có mười mấy người mà lớp giống y như cái chợ. Hầu như không ai để ý đến Ân, mà cô cũng chẳng để ý đến ai. Ngồi vào bàn cuối cùng của dãy trong cùng, cô lấy Mp3 ra nghe nhạc để không phải nghe những câu chuyện của đám nữ sinh mà theo cô thì đó là những câu chuyện hết sức nhảm nhí.

Đang ngồi dựa người vào tường, mắt nhắm lim dim nghe nhạc thì tiếng hét thất thanh của tất cả nữ sinh trong lớp làm Ân giật mình. Mở mắt ra, cô thấy ba nam sinh rất đẹp trai đang đứng ngoài cửa lớp. Mỗi người đẹp một vẻ nhưng tóm lại là cả ba đều rất đẹp.

Nhìn qua một lượt, đôi mắt Ân dừng lại ở nam sinh đứng giữa.

__Đó chẳng phải là Thiện, người yêu của Đan sao?__

__Học cùng lớp à? Phiền thật!__

Phớt lờ tiếng la quá khích của đám nữ sinh, Thiện và hai người bạn của mình đi vào lớp một cách bình thản như không nghe thấy gì. Cậu tiến lại bàn cuối của dãy còn lại, Minh và Nhật lần lượt ngồi hai bàn bên trên.

Ân nhún vai ra vẻ không quan tâm rồi lại nhắm mắt tiếp tục nghe nhạc. Để không bị bất cứ tiếng động nào làm phiền nữa, cô chuyển qua nghe rock và mở volum to hết cỡ.

Từ trên đầu lớp, một nữ sinh tóc nâu tiến lại gần chỗ Ân với bộ dạng kênh kiệu.

“Ra chỗ khác ngồi đi!” – Nữ sinh tóc nâu đến trước mặt Ân ra lệnh.

Tiếng nhạc rock đang đập hai bên tai Ân đủ để cô không hay biết gì.

“Thiên Ân, mày dám làm lơ tao à?” – Nữ sinh tóc nâu thấy Ân vẫn im lặng thì nói lớn tiếng hơn. Cả lớp im phăng phắc theo dõi chuyện gì sẽ xảy ra.

Vẫn thấy Ân ngồi im dựa đầu vào tường, hai mắt nhắm bình thản, nữ sinh tóc nâu đập bàn giận dữ tưởng rằng mình bị coi thường. Bao nhiêu con mắt trong lớp lập tức đổ dồn về phía bàn cuối dãy trong cùng.

Bây giờ Ân mới lờ mờ mở mắt ra nhìn nữ sinh đang đứng trước mặt mình. Chà, là Kim tiểu thư của công ty trang sức Kim Vạn đây mà. Hai năm Ân học ở trường này cũng là hai năm Kim Ánh Liên liên tục bày trò kiếm chuyện với cô. Trong trường này giai cấp vô sản là những người để những đứa ăn no rửng mỡ thuộc tầng lớp quý tộc và tư sản đem ra mỉa mai và vui đùa. À, không phải “những người” đâu, chỉ có một người thôi. Những học sinh được trao học bổng không thể chịu được sự phân biệt quá đáng nên đã chuyển trường hết rồi. Cả trường này chỉ còn một người thuộc giai cấp vô sản đó là Ân.

“Làm gì mà ồn ào vậy?” – Một giọng nam trầm vang lên ngoài cửa lớp làm tất cả những người nghe thấy phải quay ra nhìn. Sự xuất hiện của Đình Hy làm nữ sinh không hẹn mà cũng thi nhau hét lên.

“Anh! Anh cũng học lớp này à?” – Thấy Hy, Thiện vui vẻ hỏi.

“Ừ!” – Câu trả lời của Hy làm đám nữ sinh hét lên một lần nữa. Không hét làm sao được. Xem ra những người nổi tiếng đều quy tụ về một nơi rồi. Công tử nhà họ Vương học lớp này, bây giờ thiếu gia tập đoàn Vũ Thị cũng học tại đây. Chà, long hổ quây quần.

“Cậu đang làm gì mà ồn ào vậy?” – Chậm rãi đi vào lớp, Hy nhướn mày nhìn Liên.

“Tớ…” – Liên ấp úng vì không biết phải nói hành động mình đang làm là gì. Cô đỏ mặt rồi bỏ ra khỏi lớp trước khi chết vì xấu hổ.

“Mọi chuyện ổn rồi.” – Liên đi khỏi, Hy đến trước mặt Ân nói bằng giọng trấn an.

Thấy miệng chàng trai trước mặt mấp máy như đang nói gì đó, Ân tháo tai phone ra khỏi tai mình. Bây giờ mọi người mới vỡ lẽ ra là nãy giờ cô nghe nhạc nên không hay biết gì.

“Cậu vừa nói gì?” – Ân chau mày hỏi Hy.

“Nãy giờ cậu không hay biết gì à?” – Hy tròn mắt nhìn Ân. Hóa ra “nghĩa cử cao đẹp” của cậu đã không được cô gái trước mặt biết đến.

“Không. Tôi bỏ lỡ chuyện gì à?”

“Không có gì đâu.” – Hy cười khổ rồi ngồi vào chiếc bàn trước mặt Ân.

***

........
 
D

daik.dihoc

Giáo viên chủ nhiệm lớp Ân là một sinh viên mới ra trường, tên Trần Tuấn Kiệt. Kiệt tốt nghiệp loại xuất sắc khoa sư phạm chuyên ngành hóa học và được mời về Lộ Thiên giảng dạy.

Có thể nói rằng các nữ sinh trong lớp đều đang cảm thấy mình rất may mắn. Lớp có đến bốn hotboy, bây giờ giáo viên chủ nhiệm cũng đẹp trai nữa. Xem ra từ bây giờ họ có động lực để đi học rồi.

Duy chỉ có Ân không hề nghĩ như vậy. Cô thừa biết thầy giáo đứng trên kia là ai.

Gặp lại Kiệt là điều không nằm trong dự đoán của cô. Cứ nghĩ rằng sau ngày hôm đó, cả hai sẽ vĩnh viễn không còn việc gì phải gặp nhau. Không ngờ hôm nay cố nhân lại tìm về.

Sau khi giới thiệu về bản thân, Kiệt bỏ qua phần các học sinh tự giới thiệu về mình với bạn cùng lớp và để lớp ra về. Chỉ chờ có vậy, đám học sinh ào ra ngay lập tức, chỉ có Ân vẫn ngồi tại chỗ khoanh tay trước ngực.


“Không về sao?” – Hướng mắt về chỗ Ân, Kiệt hỏi.

“Kết thúc buổi giao lưu nhanh như vậy không phải vì muốn nói chuyện với tôi sao?” – Ân cười khẩy.

“Em vẫn nhạy bén như ngày nào.”

“Vì vậy nên anh mới không thể đánh lừa tôi.” – Ân nhún vai.

“Phu nhân muốn anh chuyển lời đến em rằng nếu muốn yên thân thì hãy ký vào giấy từ bỏ quyền thừa kế. Đừng chống đối nữa!” – Kiệt vào thẳng vấn đề.

“Anh hãy nói với bà ta rằng tôi không muốn yên thân nên bà ta hãy cứ làm những gì bà ta muốn. Muốn chơi trò đấu trí với tôi sao? Cửa sổ cũng không có! Tôi sẽ đợi xem con tốt lần này là ai.” – Ân cười lớn tiếng rồi bỏ đi, Kiệt còn đứng lại nhìn theo bóng cô cho đến khi khuất hẳn.

__Vẫn sắc bén và khôn ngoan như ngày nào. Phu nhân à, bà ở thế yếu rồi. Chi bằng từ bỏ trước khi thua thảm thương. Muốn đấu với Thiên Ân, thật sự bà thua một nước.__

Lấy điện thoại ra, Kiệt gọi cho bà Mai nói lại chính xác những gì Ân vừa nói.

“Con nhỏ đáng chết! Nó nói vậy sao?” – Bà Mai giận dữ hét lớn đến nỗi tiếng trong điện thoại vọng ra nghe rất rõ.

“Phu nhân, lần này không dùng kế đánh lạc hướng đâu. Cô ấy biết cả rồi.”

“Tôi cần cậu nói cho tôi hiểu à? Không dùng cách này nữa nhưng cậu hãy ở lại trường và quan sát nhất cử nhất động của nó.” – Bà Mai nói rồi cúp máy không để Kiệt nói thêm điều gì.

Nghĩ mãi mới ra cách để cho Kiệt – Người một năm trước đã từng tiếp cận Ân xuất hiện lần nữa khiến Ân đề phòng rồi tung con át chủ bài vào khi cô còn mải đề phòng Kiệt. Thế nhưng kế hoạch chưa kịp thực hiện thì đã phá sản, Ân hoàn toàn không quan tâm đến Kiệt mà đang chờ đợi người đến sau.

Quả nhiên một nửa tài sản nhà họ Lã là một miếng mồi thơm ngon béo ngậy. Nó đủ cám dỗ để thao túng suy nghĩ của con người. Đây không phải là lần đầu tiên bà Mai nghĩ cách hạ Ân và cũng không phải là lần đầu tiên kế hoạch thất bại. Muốn nắm được điểm yếu của Ân chẳng phải là điều dễ dàng.

Nếu Nguyễn Ánh Mai là Chu Du thì Lã Thiên Ân sẽ là Gia Cát Lượng.

Đứng bên ngoài cửa lớp và nghe toàn bộ những gì Kiệt nói trong điện thoại, Ân nở một nụ cười mỉa mai nhưng phảng phất sự chua chát khó hiểu. Thở hắt ra một tiếng, cô bỏ đi.

Đang lững thững bước xuống cầu thang thì điện thoại reo lên. Số của Phụng hiện lên trên màn hình.

“Gì vậy?”

“…”

“Xong rồi, vừa được ra về.”

“…”

“Ừ, tao về ngay.”

Ân cúp máy, còn chưa kịp cất điện thoại vào túi thì giọng nói dù hai năm không nghe vẫn còn ám ảnh vang lên bên tai.

“Chị cũng học ở đây à?” – Không biết từ đâu mà Đan đang đứng chắn ngang đường của Ân.

“Ừ, sao?” – Ân trả lời mà gương mặt không hề có vẻ gì là muốn nói chuyện với Đan.

“Nghe nói sau khi đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà không lâu chị đã bán biệt thự. Khó khăn đến thế mà có thể học ở đây sao?” – Đan mỉa mai.

“Nói chuyện với đứa con nít đúng là phiền thật đấy!” – Ân ngán ngẩm.

“Ai là con nít, tôi thua chị có hai tuổi thôi. Chị đừng nghĩ chị…” – Đan còn đang gân cổ lên cãi thì thấy Thiện, Nhật, Minh và cả Hy đang đi đến. Cô lập tức bỏ lửng câu nói rồi chuyển sang chủ đề khác.

“Chị này, em mới đến còn chưa biết mọi thứ ở đây. Chị dẫn em đi xem trường nhé!”

Thấy thái độ kì lạ của Đan, Ân quay đầu lại nhìn thì thấy bốn nam sinh chỉ còn cách mình vài bước chân.

“Người quen của em à?” – Thiện kín đáo nhìn Ân đánh giá rồi quay sang nhìn Đan.

“À, đây là chị gái em, tên là Thiên Ân. Thật không ngờ chị em cũng học ở đây.” – Kèm theo lời giới thiệu là một nụ cười hết sức duyên dáng.

Lời Đan vừa dứt, mắt Thiện lập tức lóe lên như có lửa.

“Thì ra đây là cô chị không có tính người đã đuổi mẹ con em sao?” – Cậu cười mỉa mai, nhìn Ân đầy khinh bỉ.

Trước lời công kích của Thiện, Ân cười khẩy rồi quay mặt bỏ đi không thèm cãi lại cũng chẳng buồn tức giận. Trước giờ cô vẫn luôn như vậy, không quan tâm người khác nghĩ gì, không để ý người khác nói gì, ngoài bạn bè ra thì không coi ai ra gì.

Thái độ coi thường của cô làm Thiện không khỏi ngơ ngác. Nếu là đứa con gái yếu đuối thì đã khóc thút thít mà thanh minh. Còn nếu là đứa đanh đá thì đã cãi lại rồi. Đằng này dửng dưng như không nghe thấy rồi bỏ đi. Thật không ngờ trên đời có kiểu người thế này.

“Tao đang nói chuyện mà con nhỏ đó bỏ đi kiểu đó sao?” – Mãi một hồi sau Thiện mới giật mình phát hiện mình bị lờ. Cậu quay sang hỏi Minh như thể không tin được điều vừa xảy ra. Trước giờ được săn đón còn không hết thế mà bây giờ bị một cô gái phớt lờ. Lần đầu tiên trong đời! Mà những điều đầu tiên thì sẽ khó quên đây.

“Mày không biết nên hỏi à?” – Không thèm an ủi thằng bạn vừa bị sốc đang còn ngơ ngác, Minh ném cho Thiện một câu vô cùng vô tâm.

“Chị em vẫn vậy mà. Chị ấy ngạo mạn đến nỗi làm người xung quanh phát điên. Anh đừng để ý làm gì!” – Đan giải thích mà như đổ thêm dầu vào lửa.

“Thôi, mày dẫn tình yêu của mày đi tham quan trường đi! Đừng có đứng đần ra đấy nữa.” – Nhật vỗ vai Thiện.

Thiện ậm ừ rồi tay trong tay cùng Đan đi.

Cậu đi khỏi thì mọi người nghe thấy tiếng cười khùng khục từ lồng ngực Hy phát ra. Hóa ra nãy giờ anh chàng này đang nín cười.

“Đừng cười nữa, đi ăn trưa thôi. Thằng kia nó đi với em yêu rồi, chắc không đi với tụi mình đâu.” – Minh đấm vào ngực Hy rồi đi trước.

Anh chàng đang cười bị đấm thì ho khan vài tiếng rồi cũng nhanh chóng rời khởi vị trí. Đương nhiên Nhật sẽ đi theo, đâu thể đứng lại đó một mình.

Ân lúc này đang chạy rất nhanh giữa cái nắng trưa cuối hè.

“Làm gì lâu vậy?” – Vừa thấy cô, Phụng càu nhàu ngay.


Nhìn Phụng bây giờ mới nhếch nhác làm sao. Ngồi giữa tám đứa trẻ gồm sáu gái và hai trai đang khóc hét lên, mặt Phụng cũng như đang mếu. Một hồi nữa mà Ân còn chưa về có khi Phụng cũng òa khóc thật.

“Dỗ có mấy đứa trẻ mà làm cũng không xong còn kêu ca gì nữa.” – Ân chau mày, hơi thở thở gấp gáp.

Nghe tiếng Ân, đám trẻ khóc to hơn rồi chạy ào đến bên cô miệng gọi to: “Mẹ Thiên Ân, mẹ Thiên Ân…”

“Tại sao lại hư như vậy? Mẹ đi học là ở nhà khóc thế này sao?” – Ân chau mày.

“Tại mẹ Mỹ Phụng kể chuyện ma cho bọn con nghe. Sợ quá nên mới khóc.” – Bé Thỏ giải thích, đôi mắt còn dính nước ánh lên tia oan ức.

“Mày hết trò làm rồi à?” – Ân lừ mắt nhìn Phụng.

“Vì không nhớ được trọn vẹn một truyện cổ tích nào, chỉ nhớ truyện ma nên tao kể.” – Phụng cười cầu hòa.

“Nín đi các con! Để mẹ xử mẹ Phụng cho.” – Ân dỗ dành mấy đứa nhỏ. Chúng tương đối nghe lời nên không lâu sau thì ngừng khóc.

Quay sang nhìn Phụng, Ân hít sâu lấy hơi định mắng cho Phụng một trận ra trò thì Linh từ ngoài chạy vô, trên tay cầm một cái hộp gỗ đựng đầy những lọ sơn móng tay.

“Muốn sơn móng tay thì qua đây với mẹ nào!”

Mấy đứa bé gái nghe vậy thì chạy đến chỗ Linh ngay lập tức, còn hai thằng bé vẫn đứng bám tay Ân.

Thấy Linh đã quăng “phao cứu trợ” cho mình, Phụng lập tức lảng sang chuyện khác để nói trước khi Ân kịp cho cô một trận xối xả: “Tối nay có việc phải làm đấy.”

“Để lát nữa nói tiếp.” – Ân nói rồi đá mắt về phía mấy đứa trẻ. Cô không muốn tâm hồn trẻ thơ của chúng bị vẩn đục bởi những chuyện liên quan đến cuộc sống của cô.

“Giờ không nói sợ tí nữa quên.” – Phụng cười cười xoa đầu.

“Đưa đầu mày đây tao đập ra rồi xắp xếp lại cho. Cái gì mà mới tí tuổi đã đãng trí rồi.” – Dù đang sơn móng tay cho mấy đứa bé gái, Linh vẫn tranh thủ bon chen.

Ân nhìn vào đồng hồ trên tay rồi quay sang nhìn Phụng.

“Đúng ra giờ này bọn trẻ phải đi ngủ chứ.”

“Ừ, thì tao kể truyện cho mấy đứa nhỏ dễ ngủ ai ngờ tụi nó khóc ầm lên.” – Phụng cười xun xoe.

“Mày ru ngủ bằng truyện ma à? Hay nhỉ!” – Ân nhìn Phụng kiểu như “không thể tin nổi” nhưng rồi thật nhanh, cô lấy lại vẻ nghiêm túc quay sang nói với Linh: “Đừng sơn nữa, để bọn trẻ đi ngủ trưa đi!”

Nghe Ân nói vậy, Linh đá lông nheo với mấy bé gái đang ngồi xung quanh mình: “Các con, các con thương mẹ Thiên Ân bằng nào?”

“Bằng trời, bằng đất.” – Đã được tập trước và được sử dụng nhiều lần, sáu bé gái đáp trôi chảy.

“Đi ngủ! Chiêu này cũ rồi.” – Ân nghiêm giọng.

“Mẹee… Thiênnn… Ânnn…” – Bọn nhỏ gọi Ân và kéo dài từng chữ làm cô cũng muốn chảy ra thành nước.

“Nửa tiếng thôi đấy.” – Ân nheo mắt.

“Vâng!” – Lũ trẻ đáp vui vẻ.

Hai bé trai bắt đầu chơi kéo co với Ân. Cô ngồi trên ghế và nếu kéo cô té khỏi ghế được thì coi như thắng.

“Phịch!” – Tiếng Ân đổ khỏi ghế và té xuống đất.

“Bo với Bin càng ngày càng khỏe nhỉ? Mẹ thua rồi.”

“Vậy phải để bọn con búng trán.” – Bo nhanh nhẩu.

“Búng nhẹ nhẹ thôi đấy!” – Ân nhăn mặt giả vờ sợ sệt.

Hai thằng bé thích thú lần lượt búng “póc, póc” vào trán cô.

Ôm đầu, Ân làm bộ xuýt xoa: “Vỡ trán mẹ rồi.”

Hai thằng bé nghe vậy tiếng cười càng giòn giã hơn.

Cô nhi viện – Một nơi chẳng đứa trẻ nào muốn đến. Nghe thôi đã cảm thấy lạnh lẽo và sợ hãi. Nhưng ở cô nhi viện Mái Ấm này thì khác, nó ấm áp và đầy ắp tiếng cười.

Bọn trẻ ở đây đứa nào cũng hay nói hay cười, hoạt bát, đáng yêu. Chúng hoàn toàn chưa đủ tuổi để ý thức được rằng mình là những đứa trẻ bị bỏ rơi, là những đứa trẻ mồ côi. Nhưng có lẽ khi chúng đủ trí khôn để hiểu được mọi chuyện thì cũng sẽ không buồn nhiều vì đã có Ân, Linh và Phụng yêu thương và làm mẹ của chúng.

Mặt khác, chính những đứa trẻ này là nguồn hạnh phúc của ba cô gái. Phụng và Linh cũng là trẻ mồ côi từ nhỏ. Ân tuy không mồ côi từ nhỏ nhưng hiện giờ cũng có thể gọi là mồ côi. Điều gì khiến ba cô gái này luôn mỉm cười và mạnh mẽ đến thế? Chính là được nhìn thấy những đứa trẻ này vui vẻ mỗi ngày.

Bán biệt thự của mẹ để xây cô nhi viện, cả đời Ân sẽ chẳng bao giờ hối hận vì điều này.

Cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa khi ta có một ai đó để yêu thương, có một ai đó để ta sống vì họ và có một ai đó cần đến ta. Trong cái số phận thiệt thòi mà cuộc đời ban cho, ba cô gái đã tìm ra cách để thấy được ý nghĩa của cuộc sống.

Trở thành “lưu manh” để kiếm thật nhiều tiền lo cho lũ nhỏ, Ân chưa bao giờ cho rằng đó là quyết định sai lầm
 
D

daik.dihoc

Chương 5: Đại tỷ Thiên Ân

Bản thân Ân và cả hai người bạn cùng nhà đều có một thời gian tập cho mình thói quen ăn một mình dù họ không thích việc đó. Từ khi sống chung một nhà, chẳng ai nói ai nhưng cả ba thường đợi nhau cùng ăn, cái thói quen một mình cũng dần bị xóa đi.

Trong khi Linh thổi sáo ru bọn trẻ ngủ, Ân làm nóng lại thức ăn rồi dọn ra bàn, còn Phụng chỉ việc ngồi im. Cô bị Ân và Linh cấm lại gần bếp từ sau cái lần cô chiên cá rồi bỏ lên nhà và quên mất. Đến khi nhớ ra thì cá đã cháy thành than còn cái chảo bị lủng một lỗ. Lần đó hàng xóm đã phải gọi cứu hỏa vì họ ngửi thấy mùi khét nồng nặc.

Ba cô gái thường chọn những câu chuyện vui vẻ để tăng khẩu vị cho bữa ăn. Dù sao tâm trạng tốt thì tiêu hóa cũng tốt theo.

“Tối nay tao với Phụng sẽ đi, mày ở nhà với bọn nhỏ nhé!” - Một câu chuyện khôi hài vừa kết thúc, Ân nghiêm túc nói.

“Ừ, nếu đòi được thì tốt nhưng không được thì đừng làm bậy đấy.” - Linh cũng theo cái dáng vẻ nghiêm túc của Ân mà nghiêm giọng dặn dò. Cô vốn là một người cẩn thận và luôn nghĩ đến những trường hợp không khả quan. Vì không có được sự nhanh nhạy ứng phó với mọi hoàn cảnh như Ân nên cô ghét những điều ngoài dự kiến.

“Tao biết rồi.” - Ân lơ đãng trả lời. Cô hiểu Linh là người lo xa nhưng cô nghĩ Linh cũng hiểu cô không phải là người thích động tay chân.

“Tao không nói mày, tao nói con Phụng ấy.” - Linh chau mày rồi đá ánh mắt về phía Phụng.
“Khỏi lo.” - Phụng đưa ngón tay cái quệt mũi, không chút gì phật ý với sự không yên tâm về mình của Linh.

“Chủ nợ bảo lão này lì lắm, nợ mấy năm rồi mà cứ ì ra không chịu trả. Mà lão có tiền chứ đâu phải không có.” - Linh hướng ánh mắt về phía Ân giống như cố tình nói cho cô nghe. Dù sao thì có nói với Phụng cũng như không.

“Định xù nợ đây mà.” - Phụng nhận xét một câu không cần thiết.

“Gia đình lão thế nào?” - Ân hỏi nhưng không có vẻ gì đang quá để tâm vào câu chuyện.

Với thái độ của Ân, nếu là người lạ, chắc chắn sẽ không còn hứng thú để đối đáp nhưng Linh lại chẳng phải là người lạ, vì thế, cô hiểu được cái vẻ thờ ơ của Ân vốn đã được tạc sẵn lên mặt.

“Vì thói cờ bạc và vũ phu nên vợ con lão bỏ đi lâu rồi. Lão chỉ có một thân một mình thôi.” - Linh điềm tĩnh trả lời.

“Nếu đòi được thì chủ nợ sẽ trả chúng ta một nửa số tiền đó. Một khoản không nhỏ đâu.” - Phụng nhanh nhảu.

“Ừ, sẽ đòi được thôi.” - Ân cười tự tin.

“Mày lúc nào cũng tự tin nhỉ!” - Phụng nhận xét.

“Vì tao là Lã Thiên Ân mà.”

“Lại bắt đầu.” - Linh ngán ngẩm.

***

Nắng cuối hè gay gắt ngay cả khi đã quá trưa, tiếng ve sầu kêu râm ran như đang cố níu kéo mùa hè trước khi nó kịp sang thu.

Trời về chiều, nắng ngừng chiếu nhưng nhiệt độ nóng hầm hập từ mặt đường bốc lên còn rất rõ rệt.

Nắng nghiêng độ in bóng cánh cổng cô nhi viện xuống mặt đất đang tỏa nhiệt. Khung cảnh có phần cô tịch và hoang vắng.

Đừng vội để bề ngoài đánh lừa, bên trong cánh cổng, phía sau bức tường kia, bầu không khí đang không hề cô tịch chút nào, trái lại, nó còn rất ồn ào và sôi động.

Cái nơi ồn ào và sôi động đó cụ thể chính là phòng tắm.

Là trẻ con đứa nào cũng thích nghịch nước, mà cơ hội để nghịch ngợm trong ngày chỉ vỏn vẹn trong khoảng thời gian tắm nên bọn trẻ không dễ gì bỏ qua. Bé Nấm - Con bé lùn nhất trong sáu bé gái và cũng là đứa nghịch nhất cho tay bịt vòi nước đang chảy làm nước bắn ra thành tia văng khắp phòng.

Tắm xong cho tám đứa thì ba cô gái cũng ướt sũng.

Dù vất vả nhưng tiếng cười giòn dã của bọn trẻ thì không bao giờ tắt. Vì thế mà ba cô gái vẫn thích khoảng thời gian này nhất.

Những khoảng thời gian vui vẻ thường trôi qua rất nhanh, mới đó mà giờ ăn tối đã đến. Sau khi cho bọn trẻ ăn tối, Ân và Phụng ra ngoài làm việc.

Ngồi ở phía trước, Ân tỏ ra rằng mình đang chăm chú chạy xe trong khi Phụng ngồi phía sau quay ngang quay ngửa nhìn hai bên đường. Xe đã lăn bánh được một lúc lâu nhưng cả hai vẫn im lặng không nói gì. Đèn đường đã lên và dòng người cũng trở nên vội vã hơn. Họ muốn mau trở về bên gia đình để dùng bữa cơm tối ấm cúng. Vào thời khắc này, mạnh mẽ mấy cũng khó mà không chạnh lòng.

Sống là không ngừng đau khổ, người thoát ra được khỏi nỗi đau thì ít, người sống chung được với chúng cũng không nhiều, phần lớn là để cho chúng nuốt chửng mất.

“Mày có bao giờ tủi thân vì không có gia đình không?” - Trong lúc dừng đèn đỏ, Phụng tì cằm vào vai Ân mà hỏi.

“Không.” - Ân trả lời dứt khoát trong khi mắt vẫn nhìn thẳng về phía trước.

“Đôi lúc tao thật cảm thấy ngưỡng mộ mày. Mày dựa vào đâu mà luôn cao ngạo và mạnh mẽ như thế.” - Phụng thở dài, gục hẳn đầu vào vai Ân.

“Tao dựa vào chính mình thôi, dựa vào tao là Lã Thiên Ân. Mày còn phải ngưỡng mộ tao dài dài.” - Ân nói nửa đùa, nửa thật. Cô chỉnh kính chiếu hậu để có thể nhìn thấy gương mặt Phụng lúc này.

Đèn đỏ cũng vừa lúc chuyển xanh.

“Sao tao không thể dựa vào chính mình như mày nhỉ? Tao vẫn luôn yếu đuối và thèm muốn một gia đình.” - Đôi mắt Phụng gợn lên những cơn sóng buồn bã. Cô đưa mắt vừa ngưỡng mộ, vừa ghen tị nhìn vào những ngôi nhà sáng điện hai bên đường. Bên trong đó, ắt hẳn là một gia đình hạnh phúc.

“Tao cũng muốn có một gia đình nhưng nếu không thể có thì cũng không việc gì phải tủi thân hay đau khổ. Đừng đày đọa mình vì những điều không phải lỗi của mình!” - Ân nói một cách dứt khoát. Tính đến thời điểm này, cô luôn biết kiểm soát tâm tư tình cảm một cách hoàn hảo. Người ngoài nhìn vô tưởng chừng cô không hề có tâm tư gì.

Phụng còn định nói thêm điều gì nữa nhưng xe đã dừng lại trước một ngôi nhà. Cả hai cùng xuống xe, câu chuyện chấm dứt ở đây.

 
D

daik.dihoc

Bên trong, toàn bộ đèn đều được bật sáng nhưng vẫn không cách nào xua tan vẻ u ám bao trùm căn nhà.

Đằng sau cánh cổng, dù có rất nhiều người mặc đồ đen đi qua đi lại nhưng vẫn không thể làm nhạt đi sự hoang vắng một cách cố ý.

Lần đầu tiên Ân đến đây vào hơn một năm trước cũng không tránh khỏi sự hoang mang trong lòng. Nhưng giờ đây, cái vẻ bí ẩn này đã quá quen thuộc với cô và còn có chút khôi hài.

Cô đi trước, điềm tĩnh tiến vào trong. Phụng theo sau bước chân có phần rụt rè. Do điều hòa bên trong nhà để nhiệt độ thấp hơn bên ngoài nên cả hai lập tức cảm thấy mình bước vào một thế giới lạnh lẽo âm u. Tiếng đế giày của hai cô gái va xuống sàn vang vọng ra hành lang vắng càng làm mọi thứ trở nên lạnh lẽo hơn. Nơi này dễ khiến người ta cảm thấy sợ.

Đây cũng chính là mục đích của nữ chủ nhân ngôi nhà này. Một người phụ nữ thích dọa người khác. Cố tình làm cho ngôi nhà mình âm u, cố tình tỏ ra nham hiểm nhưng thực chất cái đầu cũng không quá khôn ngoan. Cái tên Diều Hâu cũng không ngoài mục đích làm mình trở nên nguy hiểm trong mắt mọi người. Trong trường hợp này, dùng câu “thùng rỗng kêu to” là vừa vặn nhất.

“Hiếm khi khách quý ghé thăm.” - Người phụ nữ có gương mặt góc cạnh và khá hoang dã được gọi là Diều Hâu đang ngồi trên ghế sofa uống rượu. Thấy Ân, bà lập tức cười niềm nở. Chỉ có trước mặt Ân bà mới thôi ra vẻ vì bà biết làm như vậy chẳng khác nào diễn hài cho cô xem.

“Chị cho em mượn ba người nhé!” - Ân nghiêm túc vào thẳng vấn đề.

“Con nhỏ này! Sao lúc nào cũng nghiêm túc như thế? Ngồi xuống đây uống vài ly với chị. Phụng cũng ngồi xuống đi em!” - Diều Hâu cười như không cười, ánh mắt lướt qua phần ghế trống.

Biết không thể từ chối, Ân lặng lẽ ngồi xuống. Phụng thấy vậy cũng làm theo. Người giúp việc mang ra hai cái ly và rót rượu vào đó.

“Công việc ở cô nhi viện thế nào?” - Đợi người giúp việc đi khỏi, Diều Hâu tiếp túc trò chuyện.

“Có Phụng và Linh giúp em nên cũng đỡ vất vả.” - Ân vừa nói vừa bình thản nâng ly rượu lên ngang tầm với mắt. Tiếp theo là đủ tám bước nếm và thử rượu, động tác rất thanh thoát và thuần thục.

“Ai thì chị không biết chứ Phụng, nó không gây phiền phức cho em là mừng rồi. Trong giới này, ai mà không biết bà hoàng đãng trí Mỹ Phụng chứ.”

“Chị đừng chọc em nữa.” - Phụng cười nũng nịu, uống vội một hớp rượu để chữa thẹn. Phụng không những không phải người kiểu cách mà còn vô cùng hấp tấp. Bây giờ hay mười năm nữa cũng chẳng có chuyện cô điềm tĩnh thử rượu và nhâm nhi như cái cách Ân làm.

“Quán bar của chị xây đến đâu rồi?” - Ân không phải là người giỏi tìm chuyện để nói, cũng may cô nhanh trí nhớ ra Diều Hâu đang xây dựng một quán bar gần trung tâm thành phố.

“Bên ngoài thì xong rồi, giờ chỉ cần trang trí bên trong nữa thôi.” - Vừa nói, Diều Hâu vừa chậm rãi mồi một điếu thuốc.

“Vị trí đó rất tốt, sẽ nhanh trở thành một quán bar hàng đâu.” - Ân thành thật nhận xét.

“Em thật sự nghĩ vậy sao?” - Diều Hâu nhả nhanh khói thuốc trong miệng ra, đôi mắt bà sáng lên vẻ kỳ vọng, cứ như Ân nói gì thì điều đó chắc chắn sẽ trở thành sự thật.

“Em chắc chắn.” - Ân cười tự tin.

“Vậy đến lúc đó, em về trông coi quán cho chị nhé!” - Đã muốn đề cập đến vấn đề này từ lâu nhưng sợ bị từ chối nên Diều Hâu còn ngần ngại, nay Ân lại khơi mào trước, chẳng có lý do gì mà bà không “tiện thể”.

“Để khi nào khai trương rồi nói tiếp. Giờ em đi làm việc đã. Em mượn ba người ở chỗ chị nhé!” - Ân cố tình lảng sang chuyện khác, trong lòng phần nào cảm thấy mình không nên hỏi về chuyện quán bar thì hơn nhưng không nên thì cũng đã làm rồi.

Anh hùng là kẻ biết thời thế. Từ giờ đến lúc quán bar xây xong, còn nhiều biến động sẽ xảy ra. Một vài băng nhóm sẽ nổi lên, một số thì bị bóp chẹt. Vì Ân hoạt động hoàn toàn độc lập và cũng không phải là xã hội đen nên cô cần suy xét kĩ khi dính vào một băng nhóm nào để tránh rước họa oan. Có thể cô là người quá tính toán. Tuy nhiên, nếu sống trong thế giới này mà không có cái đầu thì chết trong tay kẻ khác là chuyện không xa.

“Ừ, muốn mang đi bao nhiêu thì mang nhưng phải mang về đủ đấy.” - Không có đầu óc cũng có thể đoán ra Ân cố tình lảng tránh, vì vậy không lí gì Diều Hâu không nhận ra. Nếu đã biết người ta không có ý trả lời, hỏi tiếp cũng chỉ để nghe lời nói dối, hà tất phải cố chấp đến cùng.

“Chị yên tâm!” - Ân nói rồi uống một hơi hết ly rượu và đứng lên đi khỏi. Phụng cũng nhanh nhẹn đi theo, chỉ mong mau chóng ra khỏi nơi lạnh lẽo này.

Bóng hai cô gái đã khuất sau cánh cửa nhưng Diều Hâu vẫn nhìn theo không chớp mắt.

__Một đứa bất trị nhưng có cái đầu. Nếu có thể thu phục và giữ ở bên mình thì thật tốt!__

Ân ra ngoài, chọn trong số đàn em của Diều Hâu ba người con trai cao ráo, mặt mũi có phần hung dữ. Họ cúi đầu chào cô như chào một đàn chị rồi đi lấy ôtô chạy theo sau môtô của cô.

Ngày Ân đến lần đầu tiên, sau khi cô đi khỏi, Diều Hâu đã căn dặn đàn em của mình lần sau gặp cô nhất định phải tỏ ra lễ độ. Khi đó, trong lòng họ vạn lần không phục. Theo Diều Hâu bao năm, họ chưa một lần thấy bà hậu đãi với ai như thế. Nhưng sau vài lần tiếp xúc với Ân, chính cái khí thế bức người của cô khiến họ cung kính từ tận tâm.

Ngồi trong quán café, năm con người dán mắt vào sòng bài đối diện. Đây là nơi con nợ lần này thường xuyên lui tới (Sáu ngày một tuần). Nó thuộc địa bàn của một nhóm xã hội đen rất mạnh, Ân không muốn vào trong làm loạn để tránh xích mích không đáng có.

Sau khi kế hoạch được bàn xong, chiếc bàn họ ngồi gần như lọt thỏm trong không gian ồn ào xung quanh. Nó yên tĩnh đến kì lạ!

Như đã nói, Ân không phải là người biết cách gợi chuyện, ba người con trai kia lại càng không dám mở miệng bắt chuyện với người mà họ xem là đàn chị. Phụng ban đầu còn thở ngắn than dài vì bị bắt phải chờ đợi nhưng đã sớm im lặng sau khi mượn từ chủ quán quyển tạp chí thời trang. Từ bên ngoài nhìn vào, trông họ giống như năm người xa lạ miễn cưỡng ngồi chung một bàn, hoàn toàn không có ý tìm hiểu đối phương.

Gần mười giờ, sòng bài bắt đầu tấp nập người đến chơi. Những người đi ra khỏi đó vào giờ này chỉ có thể là thua sạch sẽ nên phải ra về. May sao con nợ mà Ân đang đợi là một kẻ không có đầu óc vì vậy mà ông ta phải rời khỏi vào giờ bắt đầu đông tay chơi.

Ông ta loạng choạng đi vào một con hẻm vắng nhưng không tối. Không lâu sau, ông ta chạy trở lại đường lớn, nét mặt hoảng loạn, đôi mắt hoang mang sợ hãi.

Phụng đã đứng đợi sẵn ở đầu hẻm. Vừa thấy ông ta, cô lập tức mỉm cười như đã quen biết từ lâu. Từ từ tiến lại gần, cô vẫn giữ nụ cười trên môi, sau đó là một cú đá xoáy làm người đàn ông ngất tại chỗ.

Người đàn ông lờ mờ tỉnh lại và thấy mình đang ở trong một khu nhà kho bỏ hoang, trước mặt ông là hai cô gái vẻ mặt lạnh băng nhưng cũng không kém phần xinh đẹp.

Không biết nên nói ông ta lạc quan hay ngu ngốc khi thấy gái đẹp là lập tức quên tình hình. Rõ ràng đang bị trói mà vẫn không nghĩ đến điều gì sẽ xảy ra.

“Ông Phán.” - Thấy con nợ đã tỉnh, Ân gọi tên ông bằng chất giọng ngang phè của mình.

Đợi ánh mắt người đàn ông chiếu vào mình, cô tiếp lời: “Ông nợ bà Nguyễn Minh Hà sáu mươi triệu, số tiền lời bà ấy xem như cho ông. Trả nợ hoặc trả giá.”

“Tôi không có tiền.” - Ông Phán trả lời ngay lập tức, bụng nghĩ thầm hai đứa con gái thì làm gì được ông.

“Vậy sao? Vậy thì…”

Sự xuất hiện của hai người thanh niên mặt mày hung dữ làm gián đoạn câu nói của Ân. Họ chậm rãi đi đến gần cô, trên tay xách một cái vali bằng nhôm.

Mặt ông Phán lúc này đột nhiên tái xanh, cắt không còn một giọt máu. Hai người thanh niên vừa đến ông đã gặp qua, hơn nữa cũng chỉ mới một tiếng trước.

Họ chính là nguyên nhân khiến ông tỉnh cả rượu mà bỏ chạy khỏi con hẻm.

Cảnh tượng khi đó bắt đầu chạy qua đầu ông như một cuốn phim được lập trình sẵn, tua đi tua lại. Đó là cảnh một người con trai bị hai gã côn đồ đòi nợ đánh nằm lê lết dưới đường. Cuối cùng vì không có tiền trả đã bị mổ lấy nội tạng. Tiếng hét thê thảm khi đó, ông thề là cả đời cũng không thể quên.

Mồ hôi lạnh bắt đầu túa ra đầu trán, ông nuốt khan một cái, ánh mắt nhìn trân trối vào hai người con trai trước mặt.

“Đại tỉ, đây là nội tạng của thằng đó.” - Gã đang xách vali hướng về Ân, nói bằng giọng cung kính.

“Ừ, hôm nay vất vả rồi. Còn thằng cha này nữa, giải quyết nốt luôn đi!” - Ân nói rồi hất mặt về phía ông Phán.

“Dạ đại tỉ.” - Hai gã côn đồ nhận lệnh, lập tức lấy trong áo ra con dao ban nãy, trên lưỡi dao vẫn còn dính máu chưa kịp khô.

“Các người… các… người làm… như vậy… là phạm… phạm pháp đấy.” - Thấy hai gã côn đồ tiến về phía mình, ông Phán sợ hãi miệng lắp bắp. Bản năng sinh tồn thúc giục ông bỏ chạy nhưng hai chân hai tay đã bị chói chặt vào ghế, chỉ có thể giãy giụa trong vô vọng.

“Bọn tao chính là luật pháp đây.” - Gã côn đồ mặc áo da tỏ vẻ giễu cợt.

Trong tích tắc tính từ khi gã côn đồ lại gần và giơ cao con dao lên, ông Phán đã kịp hét lên: “Đừng! Xin tha cho tôi! Tôi trả, tôi sẽ trả!”
 
Top Bottom