Ở Việt Nam hiện nay, trong 500 thành phố và thị trấn chỉ có 2 thành phố trên 1 triệu dân (Hà Nội khoảng 2,2 triệu người, kể cả ngoại thành; Thành phố Hồ Chí Minh khoảng hơn 4 triệu người với 1/4 là ngoại thành) và 2 thành phố với số dân từ 350.000 đến 1 triệu người. Trong vòng 15 năm tới, nếu không có sự quy hoạch đô thị hợp lý, có khả năng TPHCM và cả Hà Nội sẽ trở thành siêu đô thị với tất cả những vấn đề môi trường phức tạp về mật độ dân cư.
Đặc biệt, lượng nước ngọt đang khan hiếm trên hành tinh cũng bị chính con người làm tổn thương, một số nguồn nước bị nhiễm bẩn nặng đến mức không còn khả năng hoàn nguyên. Hiện nay, Đại Dương đang bị biến thành nơi chứa rác khổng lồ của con người, nơi chứa đựng đủ loại chất thải của nền văn minh kỹ thuật, kể cả chất thải hạt nhân. Việc đổ các chất thải xuống biển đang làm xuống cấp các khu vực ven biển trên toàn Thế giới, gây huỷ hoại các hệ sinh thái như đất ngập nước, rừng ngập mặn và các dải san hô.
Hiện nay, trên Thế giới, nhiều vùng đất đã được xác định là bị ô nhiễm. Ví dụ, ở Anh đã chính thức xác nhận 300 vùng với diện tích 10.000 ha bị ô nhiễm, tuy nhiên trên thực tế có tới 50.000 - 100.000 vùng với diện tích khoảng 100.000ha (Bridges, 1991). Còn ở Mỹ có khoảng 25.000 vùng, ở Hà Lan là 6.000 vùng đất bị ô nhiễm cần phải xử lý.
Sự gia tăng dân số.
Con người là chủ của Trái Đất, là động lực chính làm tăng thêm giá trị của các điều kiện kinh tế - xã hội và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, xung lượng gia tăng dân số hiện nay ở một số nước đi đôi với đói nghèo, suy thoái môi trường và tình hình kinh tế bất lợi đã gây ra xu hướng làm mất cân bằng nghiêm trọng giữa dân số và môi trường.
Đầu thế kỷ XIX, dân số Thế giới mới có 1 tỷ người nhưng đến năm 1927 tăng lên 2 tỷ người; năm 1960: 3 tỷ; năm 1974: 4 tỷ; năm 1987: 5 tỷ và năm 1999 là 6 tỷ người, trong đó trên 1 tỷ người trong độ tuổi từ 15 - 24 tuổi. Mỗi năm dân số Thế giới tăng thêm khoảng 78 triệu người. Theo dự tính đến năm 2015, dân số Thế giới sẽ ở mức từ 6,9 - 7,4 tỷ người và đến 2025 dân số sẽ là 8 tỷ người và năm 2050 sẽ là 10,3 tỷ người. 95% dân số tăng thêm nằm ở các nước đang phát triển do đó các nước này sẽ phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng cả về kinh tế, xã hội đặc biệt là môi trường, sinh thái. Việc giải quyết những hậu quả do dân số tăng của những nước này có lẽ còn khó khăn hơn gấp nhiều lần những xung đột về chính trị trên Thế giới.
Nhận thức được tầm quan trọng của sự gia tăng dân số trên Thế giới, nhiều Quốc gia đã phát triển chương trình kế hoạch hoá gia đình (KHHGĐ), mức tăng trưởng dân số Toàn cầu đã giảm từ 2% mỗi năm vào những năm trước 1980 xuống còn 1,7% và xu hướng này ngày càng thấp hơn.
Theo dự tính, sau năm 2050, dân số Thế giới sẽ ngừng tăng và ổn định ở mức 10,3 tỷ. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ để tạo cân bằng giữa dân số và khả năng của môi trường. Các nước chưa liên kết được KHHGĐ với quy hoạch phát triển, thì cũng chưa thể gắn vấn đề dân số với hành động về môi trường. Một câu hỏi được đặt ra là liệu tài nguyên thiên nhiên và các HST của Trái Đất có thể chịu đựng được sự tác động thêm bởi những thành viên cuối cùng của loài người chúng ta hay không? Hơn nữa, điều gì sẽ xảy ra vào năm 2025, khi người thứ 8 tỷ của Trái Đất sẽ ra đời? Nếu người thứ 6 tỷ sinh ra tại một nước phát triển, ví dụ như ở Mỹ thì người đó đương nhiên thuộc vào dân số tầng lớp trên, ít nhất theo nghĩa là có nhà tốt, có nước sạch, có điều kiện vệ sinh và được hưởng giáo dục, chăm sóc y tế thích đáng, có việc làm, có thời gian giải trí. Song người thứ 6 tỷ cũng góp phần tiêu thụ những tài nguyên kỷ lục. Hàng năm, 270 triệu người Mỹ sử dụng khoảng 10 tỷ tấn nguyên liệu, chiếm 30% trữ lượng của toàn hành tinh; 1 tỷ người giàu nhất Thế giới, kể cả người Châu Âu và người Nhật tiêu thụ 80% tài nguyên Trái Đất. Nếu người thứ 6 tỷ được sinh ra tại một nước đang phát triển, nơi tập trung 3/4 dân số của Thế giới thì người đó chỉ có lâm vào cơ hội nghèo đói và thiếu thốn; 1/3 dân số Thế giới (2 tỷ người) đang sống với khoảng 2 USD/ngày; một nửa số người trên Trái Đất có điều kiện vệ sinh kém; 1/4 không được dùng nước sạch, 1/3 sống trong những khu nhà ở không đủ tiện nghi; 1/6 không biết chữ và 30% những người lao động không có được cơ hội có việc làm phù hợp; 5 tỷ người còn lại trên Trái Đất chỉ tiêu dùng vẻn vẹn 20% tài nguyên Trái Đất. Việc tăng những kỳ vọng và nhu cầu thiết yếu để cải thiện điều kiện sống trong những nước đang phát triển càng làm trầm trọng thêm sự tổn hại về môi trường. Một người Mỹ trung bình hàng năm tiêu thụ 37 tấn nhiên liệu, kim loại, khoáng chất, thực phẩm và lâm sản. Ngược lại, 1 người Ấn Độ trung bình tiêu thụ hàng năm ít hơn 1 tấn. Theo Liên Hợp Quốc, nếu toàn bộ dân số của Trái Đất có cùng mức tiêu thụ trung bình như người Mỹ hoặc Tây Âu, thì cần phải có 3 Trái Đất để đáp ứng tài nguyên cần thiết. Rõ ràng, cần phải quan tâm hơn nữa tới sự tiến bộ của con người và công bằng xã hội và phải coi đây là những nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển nguồn nhân lực và cải thiện môi trường. Mỗi Quốc gia phải đảm bảo sự hài hoà giữa: Dân số, hoàn cảnh môi trường, tài nguyên, trình độ phát triển, kinh tế - xã hội.
Sự suy giảm tính đa dạng sinh học (ĐDSH) trên Trái Đất.
Các loài động và thực vật qua quá trình tiến hoá trên Trái Đất hàng trăm triệu năm đã và đang góp phần quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng môi trường sống trên Trái Đất, ổn định khí hậu, làm sạch các nguồn nước, hạn chế xói mòn đất, làm tăng độ phì nhiêu đất. Sự đa dạng của tự nhiên cũng là nguồn vật liệu quý giá cho các ngành công nghiệp, dược phẩm, du lịch, là nguồn thực phẩm lâu dài của con người, và là nguồn gen phong phú để tạo ra các giống loài mới. ĐDSH được chia thành 3 dạng: Đa dạng di truyền; đa dạng loài và đa dạng sinh thái.
- Đa dạng di truyền: Vật liệu di truyền của vi sinh vật, thực vật và động vật chứa đựng nhiều thông tin xác định các tính chất của tất cả các loài và các cá thể tạo nên sự đa dạng của Thế giới hữu sinh. Theo định nghĩa, thì những cá thể cùng loài có những đặc điểm giống nhau, những biến đổi di truyền lại xác định những đặc điểm riêng biệt của những cá thể trong cùng loài.
- Đa dạng loài: Được thể hiện đối với từng khu vực, đa dạng loài được tính bằng số lượng loài và những đơn vị dưới loài trong 1 vùng.
- Đa dạng HST: Sự phong phú về môi trường trên cạn và môi trường dưới nước của Trái Đất đã tạo nên một số lượng lớn HST. Những sinh cảnh rộng lớn bao gồm rừng mưa nhiệt đới, đồng cỏ, đất ngập nước, san hô và rừng ngập mặn chứa đựng nhiều HST khác nhau và cũng rất giàu có về ĐDSH. Những HST riêng biệt chứa đựng các loài đặc hữu cũng góp phần quan trọng cho ĐDSH Toàn cầu. Các sinh cảnh giàu có nhất của Thế giới là rừng ẩm nhiệt đới, mặc dù chúng chỉ chiếm 70% tổng diện tích của bề mặt Trái Đất, nhưng chúng chiếm ít nhất 50%, thậm chí đến 90% số loài của động và thực vật.
Sự đa dạng về các giống loài động thực vật trên hành tinh có vị trí vô cùng quan trọng. Việc bảo vệ ĐDSH còn có ý nghĩa đạo đức, thẩm mỹ và loài người phải có trách nhiệm tuyệt đối về mặt luân lý trong cộng đồng sinh vật sống. ĐDSH lại là nguồn tài nguyên nuôi sống con người. Chúng ta đã sử dụng sinh vật làm thức ăn, thuốc chữa bệnh, hoá chất, vật liệu xây dựng, năng lượng,... và cho nhiều mục đích khác, khoảng 100 loài cây cung cấp phần lớn lượng thức ăn cho Toàn cầu, chúng vô cùng quý giá và cần phải được bảo tồn và phát triển. Hơn 10.000 cây khác, nhất là ở các vùng nhiệt đới có thể dùng làm thực phẩm nếu chúng ta biết sử dụng chúng tốt hơn. Cây cối và các sinh vật khác còn là một "xí nghiệp" hoá - sinh tự nhiên. Sức khoẻ của hơn 60% dân số Thế giới phụ thuộc vào các loài cây làm thuốc. Ví dụ, Trung Quốc đã sử dụng 5.000 trong số 30.000 loài cây để làm thuốc. Mất ĐDSH chúng ta cũng mất đi các dịch vụ tự nhiên của các HST tự nhiên, đó là: Bảo vệ các lưu vực sông ngòi, điều hoà khí hậu, duy trì chất lượng không khí, hấp thụ ô nhiễm, sản sinh và duy trì đất đai. Tuy nhiên, nhân loại đang phải đối mặt với một thời kỳ tuyệt chủng lớn nhất của các loài động và thực vật. Thảm hoạ này tiến triển nhanh nhất và có hậu quả rất nghiêm trọng. Theo tính toán, trên Thế giới có 492 chủng quần thực vật có tính chất di truyền độc đáo đang bị đe doạ tuyệt chủng. Sự đe doạ không chỉ riêng đối với động và thực vật hoang dại mà trong nhiều thập kỷ gần đây với cuộc cách mạng xanh trong nông nghiệp, công nghiệp hoá đã làm biến mất nhiều giống loài địa phương quý hiếm, 1.500 giống lúa địa phương đã bị tuyệt chủng trong 20 năm qua ở Inđônêxia. Ở Việt Nam, việc áp dụng rộng rãi các giống lúa mới trong nông nghiệp,... đã dẫn tới sự thu hẹp hoặc mất đi các HST dẫn tới nguy cơ tuyệt diệt 28% các loài thú, 10% các loài chim, 21% loài bò sát và lưỡng cư (Lê Quý An, 2000). Hiện tượng này cũng xảy ra tương tự đối với vật nuôi trên Toàn cầu, đã có 474 giống vật nuôi được coi là quý hiếm và tổng cộng đã có 617 giống vật nuôi đã tuyệt chủng. Nguyên nhân chính của sự mất ĐDSH là:
- Mất nơi sinh sống do chặt phá rừng và phát triển kinh tế.
- Săn bắt quá mức để buôn bán.
- Ô nhiễm đất, nước và không khí.
- Việc du nhập nhiều loài ngoại lai cũng là nguyên nhân gây mất ĐDSH.
Thế nào là sinh vật ngoại lai? Đó là những sinh vật lạ lọt vào một HST mà trước đó không có do hoạt động vô tình hay hữu ý của con người, từ đó nảy sinh mối đe doạ cho các loài bản địa. Điều này xảy ra chủ yếu do 2 nguyên nhân:
- Nhập nội các sinh vật lạ hoặc các sản phẩm sinh học mới mang tính thương mại nhưng chưa được các cơ quan chuyên môn kiểm tra và đánh giá.
- Phóng thích các sinh vật được truyền gen vào môi trường tự nhiên nhưng chưa đánh giá được đầy đủ ảnh hưởng của chúng đến các HST.
Liên quan đến vấn đề này, xuất hiện phạm trù về "An toàn sinh học trong quản lý môi trường". Đó là các quy định pháp lý thống nhất trên lãnh thổ một Quốc gia về các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học cao (công nghệ gen), nhằm đảm bảo an toàn cho người, các HST và môi trường.
Đặc điểm chung của những sinh vật ngoại lai là:
+ Sinh vật sản xuất nhanh (bằng cả sinh sản vô tính và hữu tính).
+ Biên độ sinh thái rộng, thích ứng nhanh với những thay đổi của môi trường.
+ Khả năng cạnh tranh về nguồn thức ăn, nơi cư trú lớn.
+ Khả năng phát tán lớn.
Những tác hại do sinh vật ngoại lai gây nên: Các sinh vật lạ khi xâm nhập vào môi trường thích hợp, chúng có thể tiêu diệt dần các loài bản địa bằng:
+ Cạnh tranh nguồn thức ăn (động vật)
+ Ngăn cản khả năng gieo giống, tái sinh tự nhiên của các loài bản địa (thực vật) do khả năng phát triển nhanh với mật độ dày đặc
+ Cạnh tranh tiêu diệt dần các loài bản địa, làm suy thoái hoặc thay đổi tiến tới tiêu diệt luôn cả hệ sinh thái bản địa.
Hậu quả của quá trình này không dễ khắc phục, không chỉ gây tổn thất về giá trị ĐDSH, mà còn gây tổn thất không nhỏ về kinh tế.
Những nơi sinh vật ngoại lai dễ xâm nhập: Sự xâm nhập của các loài sinh vật ngoại lai thường bắt đầu từ những vùng nhạy cảm, những HST kém bền vững như: Vùng cửa sông, bãi bồi, các vực nước nội địa, các vùng đảo nhỏ, các HST nông nghiệp độc canh, vùng núi cao với các HST bản địa thuần loài (thực vật). Ví dụ, Ốc bươi vàng (Pila sinensis) được nhập khẩu vào nước ta trong khoảng hơn 10 năm nay, với khả năng sinh sản rất nhanh và thức ăn chủ yếu là lúa đã gây nên đại dịch phá hoại lúa ở nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh thuộc miền Trung và miền Bắc nước ta. Nạn dịch này không chỉ làm giảm sản lượng lúa của các địa phương mà hàng năm, nhà nước đã phải chi ra hàng trăm triệu đồng để tiêu diệt loài ốc này.
Hầu hết các loài bị đe doạ đều là các loài trên mặt đất và trên một nửa sống trong rừng. Các nơi cư trú nước ngọt và nước biển, đặc biển là các dải san hô là những môi trường sống rất dễ bị thương tổn