Đừng làm tổn thương niềm tự hào con trẻ

H

hvtp

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Ba câu chuyện với ba cách nhìn, ba kết cục khác nhau đã khiến những bậc làm cha, làm mẹ phải nhìn lại bản thân mình. Sự “lệch chuẩn” của đấng sinh thành chính là tác nhân khiến con bị lệch lạc về tâm lý và khả năng phấn đấu
Đứa bé bịt chặt tai, mặt tái mét, lấm lét tìm đường thoát khỏi sự bao vây của đám bạn cùng trường. Vòng vây khép kín, con bé liều chạy thẳng về phía trước, mở đường cho mình. Nó thoát khỏi đám bạn đùa dai nhưng những lời cay nghiệt phát ra từ đôi môi của những người bạn, có lẽ, sẽ còn vây lấy nó nhiều ngày: “Mẹ mày làm đĩ, mày là con hoang...”.

Nỗi ám ảnh trẻ thơ

Chứng kiến hình ảnh đó trong một lần giúp chị dâu tôi đón cháu ở một ngôi trường cấp 1 ở quận 10 - TPHCM, về nhà, tôi không thể nào quên được nét mặt của cô bé ấy. Hỏi chuyện đứa cháu, mới biết, cô bé ấy thường xuyên bị bạn bè chọc ghẹo ác ý như thế.

Trường sát cạnh chợ, nhiều người buôn bán ở chợ vẫn kháo nhau về chuyện bán phấn buôn hương của N.T.T, mẹ của bé. Nhiều người tiêu cực, dặn dò con không được chơi với cháu.

Thế là nên chuyện. Cháu tôi ngây ngô: “Không bạn nào dám chơi với bạn ấy đâu, mẹ bạn ấy ghê lắm!”. Chắc chắn, chữ “ghê lắm” của cháu tôi không bao gồm các tầng nghĩa như người lớn và cũng chắc chắn rằng cháu tôi, cũng như những đứa bạn của nó, không thể hiểu được “nghề” của mẹ bạn chính xác là gì. Vậy mà vẫn có sự bài xích, tẩy chay mà người phải chịu chính là đứa bé vô tội ấy.

Lần khác, được nghỉ việc giữa chừng, tôi về nhà sớm. Căn hộ chung cư tôi sống vốn luôn ồn ào vì sinh hoạt của những người xung quanh nay lại càng ồn ào hơn bởi một nhóm người, tay mang gậy gộc đến đập cửa đòi nợ.

Khổ chủ, hàng xóm tôi cũng là một tay nghiện đỏ đen có hạng, đã cao chạy xa bay, chỉ còn mỗi người vợ và hai đứa con nhỏ trong nhà, ôm nhau khóc. Làm dữ một lúc, nhóm người đòi nợ cũng bỏ đi. Cửa nhà ấy lại mở. Người mẹ lại quang gánh ve chai lao ra đường kiếm cơm. Khác hẳn thường ngày, hai đứa trẻ không ra vui đùa cùng bạn bè mà ngồi trong nhà nhìn ra. Những ngày sau, tình trạng cũng tương tự. Hỏi chuyện đứa lớn, tôi giật mình khi nghe lời trẻ thơ: “Ba con quỵt nợ người ta, con xấu hổ lắm! Ra ngoài tụi nó cũng không cho chơi chung, lại còn chửi tụi con nữa”. Thằng bé nói ra điều này, khi nó chỉ vừa lên lớp hai, 8 tuổi.
Lỗi lầm người lớn

Ai cũng biết và biết rất rõ, trong những trường hợp như thế này, trẻ con chẳng làm gì nên tội. Chúng không quỵt nợ, không bán phấn buôn hương nhưng chúng lại trở thành nạn nhân chịu điều tiếng một cách nặng nề. Trở lại câu chuyện của cô bé bị bạn bè tẩy chay, đến ngay cả chị dâu tôi, một nhân viên văn phòng, trình độ đại học hẳn hoi, cũng không bước qua được tâm lý đám đông. “Mẹ nó làm nghề đó lâu nay, chắc chắn là bị HIV rồi. Biết đâu, con bé ốm yếu đó cũng đã bị. Chơi chung với con mình, rủi ro đụng chạm, lây nhiễm đâu biết chừng. Tụi nhỏ sứt đầu chảy máu là chuyện thường mà”- lý do của chị tôi là vậy. Với những phụ huynh khác thì: “Mẹ nó vậy, tính cách nó cũng tiêm nhiễm phần nào, phải biết chọn bạn mà chơi chứ”. Những lý do mà người làm cha, làm mẹ ấy đưa ra có cái lý của họ. Và chính cái “lý” ấy đã khiến những trái tim non bị cô lập, bị tẩy chay. Sự tẩy chay nào cũng ảnh hưởng lớn đến việc phát triển nhân cách và nhận thức của trẻ nhỏ.
Chuyện đau lòng đến nay, người của xóm lột hành tỏi gần chợ Nguyễn Tri Phương, Q.10 - TPHCM vẫn còn nhớ. Con bé vẫn hằng ngày cùng mẹ đến lãnh, giao hành tỏi tuy xấu xí nhưng ngoan ngoãn, lễ phép. Thương cái nết của người mẹ và đứa con, dân trong xóm không để bụng chuyện người cha vừa là xã hội đen vừa nghiện rượu, uống vào là sẵn sàng gây gổ với mọi người. Chiều đó, người cha cùng bạn bè cũng vào cuộc nhậu. Giữa chừng thiếu rượu, thiếu cả tiền nên người cha đến tiệm tạp hóa mua chịu. Chủ quán không đồng ý. Đôi bên lời qua tiếng lại và thế là “choảng” nhau. Công an đến hiện trường giải quyết thì ông chủ quán đã mang thương tích khá nặng. Án tù được tuyên sau hai năm thì con bé đã trở thành người hoàn toàn khác. Bỏ học, cặp kè với những thành phần bất hảo và trở thành đàn chị. Hai năm sau nữa, con bé ngày nào đã là một trong những đầu gấu chuyên trấn lột tiền, xin đểu các học sinh nơi ngôi trường cấp 2 nó theo học ngày nào. Người mẹ bất hạnh khổ vì chồng, nay lại khổ vì con. Chị bức xúc kể về con mình: “Nó nói người ta khinh nó thì nó phải làm cho người ta sợ”.
Cần lắm sự cảm thông

Ba đứa bé, ba cảnh đời. Khó lòng mà nói trước được tương lai các cháu khi chúng phải đối mặt với dư luận khi tuổi còn quá nhỏ. Con đường sa chân của con bé, là con đường mà những đứa trẻ có cha, mẹ không tốt dễ dàng vướng vào. Mỗi người có một xuất thân, nghề nghiệp, phong cách sống... khác nhau. Tâm lý đám đông, vẫn bài xích những nghề nghiệp, hành vi trái với quy chuẩn đạo đức của xã hội. Họ đem sự bài xích ấy đến với cả những người thân xung quanh đối tượng vi phạm nên khó lòng tránh khỏi những điều tiếng, chọc ghẹo. Giá như những người ngoài cuộc ấy biết giới hạn sự bài xích, giới hạn việc tẩy chay và dành cho những đứa trẻ, người thân của đối tượng xấu ánh nhìn thông cảm. Chỉ một chút cảm thông ấy thôi, cũng có thể xoay ngược tương lai của những đứa trẻ không may có xuất thân chưa đẹp ấy.
Cũng phải nhìn nhận rằng, với bất kỳ đứa trẻ nào, người cha vẫn luôn là “cánh chim đưa con đi thật xa” và mẹ là “cành hoa cho con cài trên ngực”. Vấn đề của những người “lệch chuẩn”, ngoài việc chỉnh đốn lại cuộc sống và bản thân, còn phải khéo léo giải thích để con trẻ có cái nhìn tích cực hơn. Chỉ khi niềm tự hào về đấng sinh thành tồn tại trong lòng con trẻ, chúng mới có khả năng phấn đấu và phát triển tâm lý một cách bình thường.

Đặng Quý Yên
 
Top Bottom