Đừng buông tay, bố ơi...

S

scientists

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Đừng buông tay, bố ơi...​


Chuyện ấy đã hơn chục năm rồi, nhưng có lúc dường như mới xảy ra hôm qua; có lúc dường như là cả một quãng đời. Cô con gái bé bỏng của tôi cuối cùng đã có một chiếc xe đạp riêng. Ðó không phải là chiếc xe đạp ba bánh nữa, mà là chiếc xe hai bánh thật sự. Chiếc xe đạp là kết quả sau một lần ghé vào một cửa hiệu, đó là một chiếc xe đạp nữ màu hồng dễ thương dành cho các cô gái nhỏ. Con gái tôi thích nó ngay. Tôi đành mặc cả, đặt cái "tài sản quý báu" ấy vào trong thùng xe rồi chở về nhà. Tôi còn chưa kịp lấy chiếc xe ấy ra là con gái tôi đã muốn cưỡi ngay trên đường. Ðó là một ngày nắng ấm và lý tưởng cho việc tập đi xe đạp.

Quá trình làm cha làm mẹ là một chuỗi dài những sự kiện thường rơi vào hai thái cực của lòng thương yêu, khi thì chúng ta muốn con cái trưởng thành và độc lập, khi thì chúng ta muốn lũ trẻ vẫn mãi lệ thuộc vào chúng ta. Chúng ta dường như không muốn chấp nhận rằng tình thương yêu mà lũ trẻ dành cho chúng ta dựa những cảm nhận của chúng, chứ không phải dựa vào những gì chúng ta đã làm cho chúng.

Tôi có thể nhìn thấy đứa con gái bé nhỏ của mình trên chiếc xe đạp mới. Cô bé thật nhỏ bé nhưng vô cùng hăm hở. Khản cả giọng khi nài xin tôi: "Ðừng buông tay, bố ơi!". Răng cô bé cắn chặt và đôi tay cũng siết chặt. Một tay tôi giữ nơi yên xe và tay kia nơi ghi đông. Tôi chạy bộ dọc theo xe và con gái. Thỉnh thoảng tôi buông một tay ra, nhưng tôi lại nghe: "Ðừng buông ra bố ơi!".

Cho dù hồi ức của tôi không chính xác lắm, cô bé dường như đã nhanh chóng làm chủ được các hoạt động phức tạp và sau đó thành thạo trong các kỹ năng khác sau vài lần thất bại. Cô bé thể hiện cá tính của mình, mạnh mẽ tìm tòi đương đầu với thách thức và gần như thất vọng với sự thất bại rồi lại đầy ước vọng thành công. Tôi buông tay cầm chừng. "Ðừng buông ra, bố ơi!".

Cô bé nôn nóng suốt bữa ăn trưa. Rồi chúng tôi quay lại nơi vỉa hè để tiếp tục tập. Mặc dù lo sợ bị té nhưng dường như bánh xe trước đã bớt lảo đảo hơn, tôi có thể cảm thấy sự tự tin của con mình. Tôi phải chạy nhanh hơn. Gót chân của con tôi ấn vào bàn đạp với một niềm tự tin và sức mạnh mới.

Thời khắc ấy rồi cũng đến. Tôi cũng đã từng biết đến cái cảm giác thần tiên của lần đầu tiên lướt đi trên xe đạp mà giờ đây con tôi đang có. Con gái tôi cuối cùng cũng cảm nhận được điều đó. Giờ đây tôi không còn phải ì ạch gắng sức chạy để giữ thăng bằng cho cô bé nữa. "Buông tay ra, bố ơi!".

Cô bé lao như tên bắn! Cái đuôi sam tung bay trong gió. Cô bé chạy ít nhất là năm trăm mét trước khi nhẹ nhàng dừng lại thảm cỏ bên đường. Mặt cô bé đỏ hồng, sáng rỡ.

Cô bé nở nụ cười mãn nguyện. Tôi cũng cười theo. Không chỉ vì chia sẻ cái cảm giác thành công của con mà còn bởi vì tôi nhận ra rằng con mình đã bắt đầu một cuộc hành trình. Cô bé đang khởi hành, một cách vững vàng.

Lòng cha mẹ là nơi bến cảng của những nỗi buồn và niềm hạnh phúc. Vài sự kiện không thể giải thích được dường như xảy ra cùng một lúc. Khi thì nắm giữ, lúc thì buông ra. Khi thì đẩy con đi trên chiếc xe, lúc thì ghì chặt lại và chúc phúc ở cửa trước khi con đến trường. Phận làm cha làm mẹ, chúng ta buộc lòng phải làm cả hai điều: giữ chặt và buông thả, tùy từng lúc. Tôi sẵn lòng cho con chắp cánh bay vì tương lai của chúng. Ðộng viên tính độc lập để khám phá sức mạnh và tài năng của chúng. Nhưng buông tay ư? Không bao giờ.

Sưu tầm​
 
S

scientists

Câu hỏi

Câu hỏi​
Mary Chavoustie

Thật hoan hỉ, sung sướng làm sao - quy trình xin con nuôi sắp hoàn tất! Ngay từ đầu tôi đã trình nộp đầy đủ các đơn từ, giấy xác nhận và trả lời mọi chất vấn. Nhưng quả là lúc ấy, dù phải vật lộn với những dữ kiện và con số, vẫn luôn có một cái gì đó, bất định nhưng rất đặc biệt, cứ quấn lấy trái tim tôi. Đến khi tham dự buổi ra mắt đầu tiên, tôi càng nghĩ ngợi về nó nhiều hơn. Tôi cố không để lộ cảm xúc khi nhìn vào gương mặt của những ông bố bà mẹ tương lai khác - liệu họ có bất an giống mình?

Cuối cùng rồi chúng tôi cũng nhận được cú điện "chờ đợi bấy lâu". Và ngày hôm sau một chú bé tí hon được trao vào tay tôi. Nỗi lo sợ mơ hồ, dai dẳng nọ liền bị chế ngự bởi niềm vui thuần khiết được ôm đứa con trai mới sinh và đặt tên bé là Eric. Tôi ngoái nhìn phòng toà án một lần nữa vào cái ngày mà mọi thủ tục đã xong xuôi. Bây giờ bé đã sáu tháng tuổi, đã biết ọ ẹ, cúc cu và cười khanh khách - tất cả đều hợp pháp và danh chính ngôn thuận. Tuy nhiên, lúc nào tôi cũng nơm nớp tự hỏi, khi nào, ở đâu và làm thế nào bé sẽ hỏi tôi một câu đương nhiên: mẹ có phải là mẹ thật của con không?

Thế là tôi miệt mài đọc và đọc, nhưng chẳng bao giờ cảm thấy an tâm với mớ kiến thức mình thu thập được. Giờ tôi đã biết mình cần phải nói gì, nhưng phập phồng lo không biết mình có nói ra đúng cách cho bé hiểu hay không? Ngộ nhỡ bé hỏi ngay trên đường xa lộ trong khi hai chúng tôi đang bận luồn lách qua dòng xe cộ dày đặc? Liệu tôi có phải tấp xe vào lề đường; hay tôi sẽ bảo bé đợi đến khi về nhà sẽ nói chuyện? Rốt cuộc, câu hỏi quan trọng như thế không thể nào lại thốt ra vào những tình huống như thế.

Có lẽ bé sẽ hỏi tôi trong phòng trò chơi ở một nhà hàng, hoặc khi chúng tôi vừa ra khỏi rạp chiếu bóng. Mình đã được chuẩn bị cho mọi tình huống, tôi thầm trấn an mình. Rồi mình sẽ nhanh chóng nắm bắt tình thế, và sẽ lập tức có giải pháp đối phó với câu hỏi "người nào", "tại sao" và "cái gì" cho coi.

Liệu có câu nào khả dĩ là đáp án chung, giải thích rốt ráo mọi hoàn cảnh không nhỉ? Làm thế nào tôi diễn giải cho bé hiểu rằng bé lớn lên trong tử cung của một phụ nữ này và trong tim của một phụ nữ khác? Làm sao cho bé cảm nhận được sự đau đớn của người mẹ đẻ ra bé, hay niềm vui đến nghẹt thở của tôi trong giây phút được ôm bé vào lòng?

Một tối, khi tôi đang lúi húi nấu món khoai tây nghiền, mệt nhoài sau một ngày công việc chưa đâu vào đâu, bức bối vì trời đã trễ trầy trễ trật thì một cậu bé ba tuổi, nhỏ xíu chạy ùa vào đứng bên cạnh tôi.

"Mẹ", bé gọi rối rít. "Con muốn hỏi mẹ một câu".

"Ừ hử", tôi ậm ừ theo thói quen.

"Mẹ", bé giật giật vạt áo tôi. "Mẹ, con nói là con muốn hỏi mẹ một câu".

"Rồi rồi", tôi ngừng tay và quay qua nhìn đôi mắt rực sáng đang chằm chặp nhìn mình, cảm thấy có cái gì đó không ổn. Bé chớp chớp, cố kìm không cho nước mắt trào ra, nhưng vô ích. Tôi cúi xuống, quên khuấy món khoai tây và ngày làm việc tồi tệ. Cho dù điều gì chăng nữa cũng không quan trọng bằng cậu bé nhỏ đang đứng trước mặt tôi. Tôi nâng cằm bé lên, dịu dàng hỏi, "Chuyện gì vậy con? Có điều gì quan trọng đến nỗi con khóc vậy?".

Ngay khi vừa dứt lời, tôi biết ngay tức thì. Tới lúc rồi đây. Giây phút thấp thỏm bấy lâu đã tới, trong khi tôi chẳng mảy may chuẩn bị gì, không khác chi hồi đầu tiên ý nghĩ này thoáng qua trong óc mình.

"Mẹ, Sarah bảo mẹ không phải là mẹ thật của con. Con bảo nó sai rồi mà nó cứ nhất quyết cãi lại con. Sarah sai rồi, phải không mẹ?".

Tất cả những lời đoán già đoán non, tính toán, sắp xếp giờ đây biến sạch. Tôi câm nín, chỉ kéo bé sát vào lòng, ôm chặt lấy một cách máy móc. Con trai tôi, con trai qúy báu của tôi. Chùi đi những giọt nước mắt đang rơi lã chã xuống má bé, rồi bằng một vẻ điềm tĩnh mà tôi không bao giờ ngờ mình có được, tôi chìa bàn tay ra.

"Cưng ơi, con có thấy bàn tay mẹ không?"

"Dạ thấy", bé đáp, gật đầu lia lịa.

"Ừm", tôi thủng thỉnh. "Con sờ vào tay mẹ coi". Những ngón tay xíu xiu của bé vạch vạch vào lòng bàn tay tôi.

"Con có cảm thấy mẹ là thật đối với con?", tôi hỏi.

"Có!", bé đáp cùng nụ cười bừng nở trên gương mặt. Bé di di ngón tay dọc lên cánh tay, lên mặt rồi lùa vào tóc tôi.

"Thế thì mẹ là mẹ thật của con, và tình yêu của mẹ là thật. Nhưng còn có một phụ nữ khác cũng rất thật. Bà ấy yêu con lắm, yêu đến nỗi bà cho con cuộc sống, để con lớn lên trong bụng bà cho đến khi con sinh ra và nhập vào gia đình Ba và Mẹ đây. Bà ấy được gọi là mẹ đẻ của con. Rồi một ngày nào đó con sẽ gặp bà".

"Con thấy điều ấy thế nào?", tôi hỏi - không chắc là hỏi mình hay hỏi bé.

Eric ôm cổ tôi và hôn tới tấp khắp má tôi. Áp bé sát vào lòng mình, nước mắt loà nhoà. Tôi chưa kịp bình tâm thì bé đã buông tôi ra và chạy vù lên phòng khách, tiếp tục với trò chơi đang bỏ dở của mình.

Thế là sự việc đã xảy ra. Tôi đã thấy những giọt nước mắt cần được lau khô của bé; còn lại là những cái vuốt ve nơi bàn tay mình. Tôi đã thấy bé cần được ôm ấp, nồng nhiệt nhất có thể. Câu hỏi đã được nêu ra, và tôi đã có câu trả lời.

Tôi biết, trong lần khác và tại nơi khác, sẽ lại có những câu hỏi khác, khó khăn hơn. Nhưng từ giờ trở đi, tôi biết... mình đã trả lời tốt.

ST
 
Top Bottom