[Đức dục - Trí dục] Trí dục mà không có đức dục thì không làm được gì cả

N

nhockhd22

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Ðời sống các nhóm di dân đến càng ngày càng đông vào lúc kinh tế khó khăn mà nền kỹ thuật chế tạo máy móc sản xuất thay sức người mỗi lúc càng tinh vi, các tiểu công nghệ gia đình suy yếu dần, thất nghiệp tràn lan sinh ra dư thừa công nhân, làm cho tiền thuê mướn càng thêm rẽ mạt. Do đó, vì nhu cầu vật chất, vì hoàn cảnh xã hội đặt căn bản trên lợi danh (mà sức mạnh của tôn giáo và luân lý không kềm chế được, do đó đời sống tinh thần và đạo lý lệ thuộc đồng tiền). Vì vậy, có vô số người dùng mọi phương kế để ngoi lên, có số người ngày đêm lao động để tạo ra tiền. Chính vì vấn đề mưu sinh quá nặng mà đa số trong gia đình đông con, các bậc làm cha mẹ cũng như người trong gia tộc ít khi được gần gũi các con để thương yêu, dạy dỗ.

Các em chỉ quay quần bên máy game, tivi, đời sống bị thu gọn trong bốn bức tường.

Ít khi các em được "rong chơi trên những con đường làng" để giao tiếp với bạn bè, xóm giềng để nghe, thấy những phong tục tập quán, cho ngôn ngữ và cá tính của các em phát triển hơn lên.

Khi ra đến xã hội với nếp sống tự do Âu Mỹ các em sẽ thấy những hình ảnh dâm dục từ sách báo, phim ảnh, các lời quảng cáo đường mật láo khoét, các kiểu quần áo hở hang, các hội đoàn đố kỵ, phân rã. Còn có một số nếp sống chạy theo khoa bảng đề cao cá nhân chủ nghĩa, thích làm những gì khác biệt với đoàn thể, với nếp sống luân thường cũ, muốn thiên hạ chú ý tới mình, biết mình là thành phần đặc biệt. Họ thần thánh hóa tiền của, dùng mọi phương kế để triệt tiêu tha nhân. Do đó, bao nhiêu bất công và bất lương xảy ra giữa xã hội, chỉ tại óc tham lam và lòng thị dục kích kỷ chỉ biết làm lợi cho mình và hại cho người. Bao nhiêu đó cũng đủ cho các em thấy rằng mình như đang đứng giữa ngã tư đường, nếu không có người hướng đạo tốt chỉ cho các em đúng lối đi thì sẽ vấp ngã trên đường đời bởi vì mỗi ngã rẽ là một bước quyết định cho cuộc đời.

Các bậc làm cha mẹ nào cũng phải đem con đến trường cho mai sau con học thành tài nên người hữu dụng cho xã hội. Những tiếc thay hệ thống nhà trường trên đất Mỹ chỉ chú trọng nhiều về mặt trí dục, họ chú tâm đào tạo con người vào cac ngành kỹ thuật và chuyên môn để chạy theo tốc độ của nền văn minh cơ khí, một thời đại khoa học vật chất làm bá chủ mà xem nhẹ môn đức dục, phần cốt tủy của tinh thần tạo nên nhân vị con người. Với lại nghề gõ đầu trẻ bây giờ chỉ còn là một việc nhồi nhét kiến thức cho đầy đầu óc kẻ dưới không kể gì đến lương tâm, là một người cha thứ hai đi truyền bá chân lý và giáo huấn tâm hồn. Phải chăng môn đạo lý làm người đã thất truyền hay đang bị coi lạc hậu.

Tóm lại, chúng ta vẫn chưa thấy hài lòng với nền giáo dục hiện nay. Vậy có nên hay không nên mở một trường bổ túc cho các em thêm các môn học như được trình bày dưới đây:

1.- TÂM LINH HỌC:

Ngày nay chúng ta thấy Tòa Án xử biết bao vụ kiện ly dị, cướp của, giết người, lường gạt, các Bác sĩ làm bậy vì thiếu lương tâm, cha mẹ than van con cái hổn ẩu, trụy lạc; các nhà giáo than thở thầy sợ trò hơn là trò kinh thầy, bệnh AIDS ngày càng gia tăng. Ðó là kết quả của tâm hồn con người đi xuống.

Vậy muốn những tệ nạn này bớt đi thì trước tiên phải luyện lấy cái gốc bằng Tâm Linh học, để bổ túc cho sự phát triển con người về mọi mặt sau khi rời ngưỡng cửa học đường để ra đời thành lập sự nghiệp. Vốn sinh ra con người đã có tinh thần hướng thượng, một tâm hồn trong sạch, một ý chí vươn lên, nhưng bản năng lại dễ có khuynh hướng sa lầy vào những cám dỗ dục tình và ảnh hưởng của hoàn cảnh xấu, nghĩa là dễ bị lực ác xô ngã hơn tự ý đi lên nếu năng lực tinh thần không được kích động, hướng dẫn theo lý tưởng hướng thiện.

Tâm Linh học cho con em có cái nhìn xuyên qua được đời phù vân tìm về chân phúc, thiếu nó thì nền tảng luân lý, bác ái không còn, chỉ lo sống vội, hưởng thụ và thấy lợi cứ làm. Ngày xưa chúa Kitô, Phật Thích Ca, đức Khổng Tử đi thuyết giáo để rèn người tứ đó trở thành thiện, từ xấu trở nên đẹp. Vậy tại sao bây giờ không lấy những lời răn dạy đó đem vào học đường để truyền thụ lại cho con em chúng ta.

Tại sao chúng ta không dạy cho chúng biết rằng một ngày nào đó lúc bình minh vừa rực sáng trong một khu vườn đầy hoa thơm, trái ngọt, có những chú nai tơ hiền lành đang đùa giỡn giữa bầy sư tử, và chính nơi đó Thượng đế đã xuống trò chuyện thân mật với con người trong tiếng thông reo hòa cùng tiếng suối chảy rì rào đâu đó, và chúng ta nhấn mạnh cho chúng biết sự liên hệ đó bị cắt đứt bởi lòng độc ác của kẻ dữ. Sau đó chúng ta dạy cho chúng biết lời cầu nguyện, biết làm điều lành, lấy tình thương xóa bỏ hận thù, biết tranh đấu luôn luôn để tìm lại sự liên hệ với người.

Tại sao không cho các em thấm nhuần những giáo lý kinh Phật cùng với những chuyện răn đời làm cho các em phong phú thêm cuộc sống nội tâm.

2.- ÐẠO ÐỨC HỌC:

Phải cho con em giữ lấy những đức tính tốt do các bậc hiền nhân để lại từ cổ chí kim, và hãy nghĩ rằng từ Tây phương sang Ðông Phương, từ xưa đến nay vật đổi sao dời, lòng người thay trắng hóa đen, nhưng tuyệt nhiên đạo đức muôn đời vẫn là chân lý vĩnh cửu, đó là:

- NHÂN: Có lòng thương người.
- NGHĨA: Làm việc phải.
- LỄ: Ăn ở, cư xử cho có lễ độ.
- TRÍ: Làm việc cho đúng.
- TÍN: Nói ra điều gì phải gữ lời.
- CẦN: Làm việc siêng năng.
- KIỆM: No phòng khi đói,lúc có phòng lúc không.

3.- LUÂN LÝ:

Luân lý là biên giới phân chia hiữa cái xấu với cái tốt và điều nên theo, tức là dạy cho con em phải có đủ bổn phận đối với bản thân, nghĩa là quý trọng linh hồn, tiết dục thân thể không nghiện ngập, cờ bạc, hút sách, nên thể thao và luôn luôn học hỏi để mở mang trí tuệ; trong gia đình phải hiếu thảo với cha mẹ, tôn kính ông bà, thờ phượng tổ tiên; khi đi học, phải lấy quân, sư, phụ làm trọng, phải biết ơn thầy và vâng lời thầy; đối với bạn bè cũng phải thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau; khi ra xã hội thì lấy lòng nhân ái mà giao tiếp với mọi người, luôn làm việc lợi ích, biết yêu thương tổ quốc, hy sinh cho dân tộc và nhớ ơn nhà nước đã cưu mang được an cư lạc nghiệp.

4.- SỬ KÝ:

Hễ là người thì phải có nguồn gốc quê hương, việc dựng và giữ nước còn cho đến ngày nay là do công ơn tổ tiên làm nên, muốn biết những điều đó phải học Sử. Học Sử để các em biết các triều đại đương thời, biết cảnh vua tôi thân thiết, biết phản ứng của ông cha đối với chiến tranh xâm lược của giặc Tàu gây bao cảnh sinh ly tử biệt.

Môn Lịch sử giúp các em hồi tưởng lại thời Bà Trưng, Triệu đã cưỡi voi khởi binh đánh giặc Ngô, đem thân nữ nhi xông pha trên gươm giáo dẵm nát quân thù và muôn đời tiếng các Bà còn khẳng khái:

"Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng Kình ở biển Ðông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chớ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tỳ thiếp người ta". (Bà Triệu)

Môn Sử sẽ đưa các em lên thuyền cùng với đoàn quân cửa đức Trần Hưng Ðạo đạp sóng, lướt gió, quyết không hàng giặc qua câu nói sau đây của ông cộng với lòng hy sinh, can đảm, tinh thần yêu nước bất khuất, khi vua Nhân Tôn ngự một chiếc thuyền nhỏ đến bàn việc với Hưng Ðạo Vương:

- Thế giặc to như vậy, mà chống đối với nó thì nhân sự tàn hại, hay là Trẫm hãy chịu hàng đi để cứu muôn dân.

Hưng Ðạo tâu rằng:

- Bệ hạ nói câu ấy thật là lời nhân đức, nhưng mà tôn miếu xã tắc thì sao? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!

Môn Sử cho các em sống vào triều đại vua Lê Long Ðĩnh để được nghe tiếng than oán của dân lành là lòng căm tức, buồn đau cho ông vua hoang dâm, tà đạo, quan quyền, tham lam, hà khắc.

Qua môn Sử, các em sẽ được trở về quá khứ, theo chân đoàn ngự giá của vua Lý Thánh Tôn đi giữa mùa đông giá rét đến các thôn xóm nghèo nàn mà đem thực phẩm, áo ấm cấp phát cho dân lành, và bên tai còn văng vẳng lời phán truyền của vị vua giàu lòng nhân đức:

"Trẫm no mà biết dân còn kẻ đói, ấm mà biết dân còn kẻ rét, thì lòng Trẫm vẫn không yên".

Nay các em chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Mỹ, nhưng khi học sử Việt, mong rằng các em sẽ mãi giữ được tâm hồn Việt Nam, biết thương yêu nòi giống, nhớ ơn tổ tiên và ý thức được bổn phận cùng trách nhiệm cũng như lòng khát khao phụng sự quyền lợi quốc gia dân tộc.

Nếu thiếu tinh thần dân tộc này, các em sẽ biến thành người mất gốc và ích kỷ một cách đê hèn.
 
N

nhockhd22

5.- ÐỊA LÝ:



Học Ðịa Lý giúp các em hiểu biết về nơi chôn nhau cắt rốn, thấy lại hình ảnh quê hương qua nếp sống và sinh hoạt tôn giáo của người dân trên từng mảnh đất. Dù rằng các em đã, hoặc chưa đặt chân đến bao giờ, nhưng qua môn Ðịa Lý các em sẽ nghe và thấy được các di tích lịch sử, những danh lam thắng cảnh cùng tài nguyên phong phú còn tiềm ẩn hoặc đang khai thác trong lòng đất mẹ với một dãy giang sơn hoa gấm trãi suốt từ Bắc chí Nam luôn được trùm phủ một màu xanh của biển, của trời, của rừng cây nhiệt đới.



Bao nhiêu đó cũng đủ cho các em hãnh diện mình là người Việt Nam có một tổ quốc giàu đẹp, thêm cho các em lòng yêu mến quê hương, quyết có ngày về đem tài lực xây dựng nước nhà ngày một cường thịnh.



6.- KỂ CHUYỆN:



Dĩ nhiên trong chúng ta đã trải qua giai đoạn ngồi quây quần, yên lặng hàng giờ liền dưới ánh trăng vàng, cặp mắt mở rộng, lòng khao khát chờ đợi ông bà têm thêm miếng trầu cay hay hút cho xong điếu thuốc sắp tàn, để tiếp tục kể cho chúng ta nghe những câu chuyễn cổ tích được dẫn đầy bằng hai chữ "đời xưa"... có cô bé Lọ Lem đi lạc vào rừng...



Trẻ con ở thời đại nào cũng rất ham thói nghe kể chuyện, tại sao chúng ta không mở rộng cho chúng thấy cuộc đời đầy dẫy sự bí mật. Ðó chính là một cơ hội, một thí dụ, một minh chứng hùng hồn để dạy cho chúng qua một bài học, gương danh nhân (Baden Powell, Disney, Ader v.v...) và động lực nào thúc đẩy họ nhẫn nại, hy sinh chính cuộc đời họ với mục đích giúp cho nhân loại tìm được con đường hạnh phúc, để các em thấy rằng ngoài cấp bằng, tiền của, còn có một giá trị khác cao quý hơn, đó là: biết sống cho kẻ khác, cho lý tưởng và chân lý.



Các bậc phụ huynh rất ít thì giờ để kể cho con em nghe hơn là khi chúng còn ngồi trên ghế nhà trưòong, thế tại sao chúng ta không đem các mẫu chuyện chứa đựng nội dung cao cả của đấng anh hùng như huyền sử về Phù Ðổng Thiên Vương, những chuyện mang tính thủy chung thương mến như cổ tích Trầu Cau, Hòn Vọng Phu, hoặc khác biệt hơn, dẫn đưa chúng vào thế giới ngụ ngôn kỳ ảo có những sinh vật cũng biết suy nghĩ, hành động, cười khóc, giống loài người như các truyện: Sói và Chồn, đại hội Chuột, Ve và Kiến v.v... Ðể chúng muốn rằng những vấn đề đau đớn của cuộc đời phải được giải quyết, để cho chúng ao ước sao cho đời mình cũng được đóng góp một chút gì cho nhân loại như các nhân vật chính trong câu chuyện mà chúng đã nghe.



Tóm lại, kể chuyện cũng là một nghệ thuật nâng tâm hồn các em lên trên mức trung bình, nếu chúng ta biết khéo dùng thuật ngữ hàm chứa ý nghĩa thanh cao của cốt truyện.



7.- MÔN RÈN LUYỆN TÍNH TỰ LẬP BAO GỒM: VẤN ÐỀ VỆ SINH CÁ NHÂN, LỊCH SỰ, LỄ PHÉP, ĂN MẶC VÀ THỂ DỤC:



- Vệ sinh cá nhân: Vệ sinh cũng không kém phần quan trọng trong việc bảo vệ thân thể cho mình và cho người khác, làm đẹp mắt và lịch sự nơi công cộng ngay cả lúc đi cắm trại hoặc du lịch nữa. Chúng ta cần phải dạy cho con em những thói quen tốt như: phải rửa tay trước khi ăn để tránh đem vi trùng qua đường miệng vào cơ thể gây nên bịnh tật năng súc miệng trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy hoặc sau các bữa ăn là điều cần thiết, để bảo vệ hàm răng khỏi chứng hư hại gây ra đau răng. Ngoài ra việc súc miệng còn giữ cho miệng và hơi thở được thơm tho, sạch sẽ. Tập cho các em quen súc chất Antiseptic để khử trùng và nhai kẹo cao su góp phần giữ cho hàm răng được rán chắc. Tập cho các em vệ sinh nhà cửa, xếp đặt đồ đạc ngăn nắp, gọn gàng, vệ sinh sau khi tiểu tiện xong, v.v...



Việc giảng dạy và thực tập do các thầy, cô hướng dẫn tại lớp, sau đó cho các em tự làm lấy ở nhà (có sự kiểm soát của phụ huynh) để cho các em hoàn toàn ý thức được việc làm, tránh tật ở dơ và lười biếng.



- Ăn mặc: Ăn mặc là những dịp để cho người ta xét đoán về tư cách và giáo dục của một người và ngược lại, y phục cũng như lời nói, cử chỉ là những dịp để phô bày cá tính của mình. Do đó, chỉ dạy cho con em cách ăn mặc sạch sẽ, đàng hoàng, không hoa hòe, hở hang. Cho các em hiểu rằng không phải mặc đồ đắt tiền hay chọn theo "mốt" mới, là có thể đánh giá con người cao sang hay thấp hèn! Mà trái lại, do sự ăn ở, cách đối xử hoặc tình cảm của mình mà thôi.



Về cách ăn theo Âu Mỹ thì họ có cả một nghệ thuật trong việc ăn uống, nhưng chúng ta không đi quá xa sự hiểu biết của con trẻ, mà phải tập cho con em làm sao biết ăn uống đàng hoàng, tự nhiên, chừng mực, theo như câu ông bà thường nói: "Ăn coi nồi, ngồi coi hướng".



Tập các em biết mời mọi người cùng ăn, không cười nói ồn ào, ngồi ngay thẳng, không xiêu vẹo hoặc gác chân trên ghế, không chống tay hoặc trườn người trên bàn ăn, khi ăn tránh nhai phát ra thành tiếng và làm mất thú vị là không kềm chế được sự sặc, ợ, ngáp, ho, hĩ mũi trong bữa ăn.



- Thể dục: Tập thể dục cho các em để thân thể được khỏe mạnh, cho tinh thần tráng kiện. Tinh thần tráng kiện thì trí óc minh mẫn. Nếu thân xác suy nhược thì tinh thần cũng không có giá trị lợi ích gì. Thể dục không chỉ làm những động tác tay, chân, thở ra, hít vào, chạy, lội mà còn phải giữ luật vệ sinh, biết cách giải trí, ăn ngủ điều độ v.v...



- Vấn đề lịch sự và lễ phép: Người xưa trong sự giao tế người ta lấy "lễ" làm căn bản, nghĩa là lấy lương tri của mình cân đo phải quấy hầu chế ngự những bản tính xấu trong khi xử thế.



Dạy cho con em biết lịch sự, lễ phép, tức là tạo cho chúng có nhân phẩm biết tự tin ở mình mà đi đúng theo nhịp tiến hóa của con người và xã hội mới hiện nay.



Không những tập cho con em biết lịch sự, lễ phép ở ngoài đường, đối với mọi người mà còn biết đối xử với người trong gia đình và ngay cả bản thân các em nữa.



Chúng ta thử nghĩ xem nếu xã hội không ràng buộc được tự do phóng túng, mọi người đều làm theo ý thích của mình (quăng rác bừa bãi, đi chợ hay xem phim thì mua vé chen lấn không sắp hàng v.v...) hoặc bất chấp lễ phép kẻ trên người dưới, không kính trọng nễ nang ai cả (học sinh ra vào lớp không xin phép thầy cô, đi đứng lấc cấc, ăn nói thô thục nơi trang nghiêm, con cái không chào hỏi cha mẹ và người trên v.v...), thì tự nhiên ta sẽ thấy có sự bất hòa, kỳ thị đưa đến gây gổ và thù hằn.



Chính vì thế chúng ta nên giáo huấn cho con em biết mỉm cười với tất cả mọi người, biết cám ơn, xin lỗi, chào hỏi. Ðược vậy, các em mới gây được cảm tình và tình thương của người khác cho các em.



8.- CÁC MÔN KHÁC NHƯ: CA DAO, TỤC NGỮ, PHONG TỤC VIỆT NAM:



Theo Việt Nam Tân Tự Ðiển của Thanh Nghị thì ca dao là câu hát phổ thông trong dân gian; tục ngữ là thành ngữ (lời nói đã quen dùng) có ý răn hoặc châm biếm việc đời; phong tục là cách sống quen của một dân tộc và có nhiều người lại nói ca dao là tâm hồn của đất nước, quê hương; tục ngũ là túi khôn của dân tộc.



Dù thế nào đi nữa thì ca dao, tục ngữ vẫn là viên kim cương quý giá trong kho tàng văn học Việt Nam, chỉ một hoặc hai câu ngắn mà nó lắng đọng và hàm súc ý nghĩa sâu xa cho đức tính con người, thí dụ như các câu:



- Thương người như thể thương thân (Nhân).

- Tiền tài như phấn thổ, nghĩa trọng như thiên kim (Nghĩa).

- Trên kính, dưới nhường (Lễ).

- Biết sự trời, mười đời chẳng khó (Trí).

- Một sự bất tín, vạn sự không tin (Tín).



Hoặc các câu:



- Cá không ăn muối cá ươn,

Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.



- Bầu ơi thương bí lấy cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.



- Giàu nhân giàu nghĩa mới giàu,

Giàu tiền giàu bạc hơn nhau sự thường.



- Một cây làm chẳng nên non,

Ba cây chụm lại thành hòn núi cao. v.v...



Vậy chúng ta nên đem ca dao, tục ngữ để giảng dạy cho con em chúng ta tại hải ngoại, lấy nó trang sức cho tâm hồn và cũng là lợi khí cho việc đấu tranh trên trường đời nữa.



9.- VẤN ÐỀ CUỐI CÙNG: KỶ LUẬT



Kỷ luật là phép tắc được đặt ra để giúp cho các em có một phương cách hiểu biết và làm đúng những điều đã đưa ra, các em phải chấp nhận nó vì lợi ích của bản thân cũng như của ngưòi khác, nếu các em vi phạm thì phải chịu hậu quả nặng nhẹ tùy theo sự việc các em gây ra như: chép bài phạt, quỳ gối, học thuộc bài liên quan đến điều em vi phạm v.v... Kỷ luật là để bảo đảm sao cho việc rèn người được thuận tiện trong một bầu không khí yên lành.



Kỷ luật là để cho một số em có tính ngang tàng vô trật tự trở nên lễ phép, hiền lành và cũng để nâng một số em nhút nhát, yếu đuối bớt đi những vấp ngã khi trưởng thành nhờ tuân phục các kỷ luật. Thí dụ: luật lệ ngoài đường phố cho những ai lái xe trong khi say rượu hoặc không cột dây an toàn, nếu ta không tuân phục thì sẽ dễ gây tai nạn làm thiệt mạng người khác và nguy hại cho cả bản thân nữa. Vì thế cảnh sát công lộ cần phải trừng phạt để vì sợ mà không dám tái phạm.



Nhưng đối với các em chúng ta có thể dùng uy quyền, tuổi tác và kiến thức để đối xử với các em vừa cương vừa nhu tùy theo tâm lý của mỗi cá nhân, gây cho các em lòng kính phục phát xuất từ con tim.



KẾT LUẬN



Trong kiếp sống tha hương, ai ai cũng có tâm trạng hướng lòng về quê mẹ mong một ngày đất nước sớm thanh bình, để đem kiến thức, máy móc cơ khí, kỹ thuật điện tử trở về góp phần xây dựng quê hương, làm lại xã hội và nâng cao dân sinh, dân trí. Giờ phút đó chắc hẳn chúng ta cần một lớp sĩ phu biết phục vụ nhân dân bằng tâm hồn ái quốc, khao khát hiến thân cho quyền lợi quốc gia, muốn vậy thì ngay từ bây giờ chúng ta hãy bổ túc cho các em chương trình này hầu phát huy tinh thần dân tộc tính nơi các em.
 
Top Bottom