[Đức dục] cảm ơn và xin lỗi!

L

l0n3ly_canby

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Những câu chuyện về lời cám ơn và xin lỗi chẳng bao giờ là thừa để nhắc đến trong cuộc sống xô bồ như thế này, dù không phải ai cũng hiểu hoặc hiểu nhưng cho qua, có những điều tưởng như nhỏ nhặt nhất, nhưng lại có ý nghĩa quan trọng thế nào trong cuộc sống này.


Càng ngày tôi càng ít nghe thấy người ta, nhất là những người trẻ tuổi, nói “cám ơn” và “xin lỗi” với nhau. Những lời xin lỗi càng ngày càng thiếu đi trong cuộc sống xã hội (bạn có nhớ bài “Hard to say I’m sorry” của ban nhạc Chicago, hay “Sorry seems to be the hardest word” của Elton John không), thì những lời cảm ơn hầu như không tồn tại, trong khi sự lịch thiệp, khiêm tốn, biết ơn và biết lỗi phải là một phần quan trọng trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Đã bao giờ bạn tự hỏi mình thật sự nói những câu đó bao nhiêu lần trong một ngày, và nếu có nói, thì đã bao giờ chúng ta nói những điều đó một cách thực lòng? Và từ những lời nói đó, đi xa hơn, là những hành động để xin lỗi và cám ơn? Thế đấy, chúng ta đã mất đi thói quen nói hai từ đó. Nhưng những ai có thể nói được hai từ đó lại có những người chỉ biết nói đúng những từ ấy, và không biết làm gì để thể hiện những điều mà họ mới nói từ trong tâm của mình.


Những người phương Tây hoặc một nền giáo dục phương Tây đã luôn sống với hai câu ấy trong suốt cuộc đời họ, và nó luôn xuất hiện trên môi họ bất cứ lúc nào. Đã tồn tại từ hàng trăm năm nay một thứ văn hóa cảm ơn và xin lỗi như thế, và tiếp xúc với họ luôn dễ chịu. Trong xã hội này, thứ văn hóa cảm ơn và xin lỗi đã không tồn tại, hoặc thực tế tồn tại không chân thực và bị lợi dụng. Người ta cảm ơn không bằng lời nói mà bằng phong bì, và những kẻ mắc sai lầm nghiêm trọng chỉ nói xin lỗi một cách ráo hoảnh cho xong chuyện và rồi vẫn giữ cái ghế của mình.


Nhiều người nói với tôi, rằng nói những điều đó ra là một sự khách khí và đôi khi, giả tạo và ai cũng "ngài ngại". Cái chính là thực lòng. Ừ, thì một phần sự thừa nhận ấy là đúng, nhưng tại sao con người ta không thể sống xã giao với nhau trong khi điều đó chẳng có gì là giả dối, tại sao chúng ta không thể biết nói lời cảm ơn một ai đó và nhận lỗi một ai đó chỉ vì điều đó là nhỏ nhặt nhất, trong khi một cái thùng rác vô tri vô giác vẫn có dòng chữ “Cảm ơn đã bỏ rác vào tôi”? Tôi vẫn tin là những ai đã không biết cảm ơn và xin lỗi vì những điều nhỏ nhặt nhất sẽ không thể làm được những điều vĩ đại nhất.


Cuộc sống công nghiệp hiện tại đã làm con người ta thay đổi quá nhiều, và trong bản tính của mỗi người, không phải lúc nào cũng biết đến hai từ cám ơn và xin lỗi. Nhưng có bao giờ ai đặt ra câu hỏi: cuộc sống Phương Tây còn nhanh gấp bội chúng ta, tại sao họ vẫn có thể nói được những điều ấy và chả lẽ họ luôn ngượng và coi chuyện nói điều đó ra là giải dối như chúng ta vẫn nghĩ? Vấn đề là lối sống và giáo dục, mà hình như từ lâu, người ta đã dậy con trẻ những điều này một cách máy móc và giáo điều trong những cuốn “Giáo dục công dân”, mà những tiết học “Giáo dục công dân” lại là được những người có trách nhiệm biến thành những giờ học buồn tẻ.

Thêm những chi tiết nữa: bây giờ người ta cũng không biết xếp hàng, không có ý thức xếp hàng, và lúc nào trong đầu hầu như tất cả cũng có một suy nghĩ ích kỷ cho riêng mình và không cần biết đến bất cứ ai khác. Xã hội có những quy định bất thành văn (“First come, first serve-ai đến trước dùng trước), và thành văn (“Queue by law”-Xếp hàng), nhưng đó không phải là xã hội mà chúng ta đang sống. Người ta chen ngang và húych nhau ở khắp mọi nơi, trong những chỗ đổ xăng, trên đường xá, trong trường học, trên cầu thang, ở các thang máy. Và người ta vượt đèn đỏ ở mọi ngã tư, vượt đường sắt lúc chắn tàu đang đóng với một sự vội vã thật đáng trách, trong khi sự vội vã, hối hả và đầy hăng say như khi vượt đèn đỏ ấy đáng lẽ cần phải được thể hiện trong công việc và trong cuộc sống.

Thế nên, bây giờ, tôi hay cảm thấy vừa ngạc nhiên vừa xúc động, khi có một ai đó đi cùng chiều với mình nói với sang “anh quên gạt chân chống xe máy kìa”. Ít ra, vẫn còn có những người biết quan tâm đến những người khác. Và những câu nói tưởng như rất đơn giản ấy đôi khi lại là những món quà nhỏ, nhưng rất có ý nghĩa trong cuộc sống này.


(Theo blog BLV Anh Ngọc)
 
L

l0n3ly_canby

GivingThanks.jpg

Những Cái Thùng Thiếc Rỗng

Chúng ta ai cũng biết câu ngạn ngữ: “Thùng rỗng kêu to”. Mà đúng vậy, những cái thùng thiếc rỗng thường kêu to nhất!
Trong đời sống của một người, những lãnh vực không được “đổ đầy” ơn phước đã trở thành những cái thùng rỗng. Những cái thùng rỗng này khua vang chát chúa, đến nỗi át mất tiếng vang của những cái thùng đã được đổ đầy “chắc nịch” những ơn phước từ Trời. Khi điều này xảy ra, mọi suy nghĩ của người đó chỉ tập trung vào cái tiếng ồn ào của cái thùng thiếc rỗng. Kết quả là người đó đã không nhận ra những ơn phước khác đang tuôn tràn trong đời sống để bày tỏ lòng tri ân đến Thượng Đế.
Đôi khi chỉ một cái lon thiếc rỗng bé tí lại kêu to hơn một cái thùng to tổ bố chứa đầy bao phước hạnh.
Đây là lý do tại sao nhiều người chỉ cảm ơn Thiên Chúa khi gặt hái điều mình mong muốn nhưng thất bại trong việc bày tỏ thái độ biết ơn trong mọi hoàn cảnh.
Thậm chí nếu chúng ta không có được điều mình mong muốn để cảm tạ Thượng Đế, chúng ta vẫn luôn luôn có thật nhiều điều khác cần ghi nhớ, do vậy chúng ta nên bày tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh như sứ đồ Phao-lô nhắc nhở: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Chúa Cứu Thế Giê-xu” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:18)
Chúng ta không nên để những điều bất như ý cướp mất sự thỏa lòng trong đời sống, nhưng luôn luôn cảm tạ vì ý muốn tốt lành của Ngài trong đời sống chúng ta.
Nếu chúng ta quan sát thật cẩn thận, lắng nghe thật chăm chú và xem xét thật tường tận, chúng ta sẽ khám phá rằng có nhiều chiếc thùng trong đời sống chúng ta đã được đổ thật đầy. Khi nhận ra được như vậy, chúng ta không còn kêu to chát chúa như những cái thùng rỗng nữa.
 
Top Bottom