Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
Chính sự khốc liệt của chiến tranh đã tạo nên tiểu đội xe không kính. Những chiếc xe từ khắp mọi miền Tổ quốc về đây họp thành tiểu đội.Cái “bắt tay” thật đặc biệt “Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”. Xe không kính lại trở thành điều kiện thuận lợi để các anh thể hiện tình cảm. Cái bắt tay thể hiện niềm tin, truyền cho nhau sức mạnh, bù đắp tinh thần cho những thiếu thốn về vật chất mà họ phải chịu đựng. Có sự gặp gỡ với ý thơ của Chính Hữu trong bài thơ “Đồng chí” : “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” nhưng hồn nhiên hơn, trẻ trung hơn. Đó là quá trình trưởng thành của thơ ca, của quân đội Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Tình đồng chí, đồng đội còn được thể hiện một cách ấm áp, giản dị qua những giờ phút sinh hoạt của họ:
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi lại đi trời xanh thêm.
+ Gắn bó trong chiến đấu, họ càng gắn bó trong đời thường.Sau những phút nghỉ ngơi thoáng chốc và bữa cơm hội ngộ, những người lính lái xe đã xích lại thành gia đình: “Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”. Cách định nghĩa về gia đình thật lính, thật tếu hóm mà thật chân tình sâu sắc. Đó là gia đình của những người lính cùng chung nhiệm vụ, lí tưởng chiến đấu.
+ Điệp ngữ “lại đi” và hình ảnh “trời xanh thêm” tạo âm hưởng thanh thản, nhẹ nhàng, thể hiện niềm lạc quan, tin tưởng của người lính về sự tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Câu thơ trong vắt như tâm hồn người chiến sĩ, như khát vọng, tình yêu họ gửi lại cho cuộc đời.
=> Chính tình đồng chí, đồng đội đã biến thành động lực giúp các anh vượt qua khó khăn, nguy hiểm, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thân yêu.Sức mạnh của người lính thời đại Hồ Chí Minh là vẻ đẹp kết hợp truyền thống và hiện đại.
Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chủ cần trong xe có một trái tim.
- Giờ đây những chiếc xe không chỉ mất kính mà lại không đèn, không mui, thùng xe có xước. Chiếc xe đã biến dạng hoàn toàn. Người lính xế lại chất chồng khó khăn. Sự gian khổ nơi chiến trường ngày càng nâng lên gấp bội lần nhưng không thể làm chùn bước những đoàn xe nối đuôi nhau ngày đêm tiến về phía trước.
- Nguyên nhân nào mà những chiếc xe tàn dạng ấy vẫn băng băng chạy như vũ bào? Nhà thơ đã lí giải: “Chỉ cần trong xe có một trái tim”.
+ Câu thơ dồn dập cứng cáp hẳn lên như nhịp chạy của những chiếc xe không kính. Từ hàng loạt những cái “không có” ở trên, nhà thơ khẳng định một cái có, đó là “một trái tim”.
+ “Trái tim” là một hoán dụ nghệ thuật tu từ chỉ người chiến sĩ lái xe Trường Sơn năm xưa. Trái tim của họ đau xót trước cảnh nhân dân miền Nam sống trong khói bom thuốc súng, đất nước bị chia cắt thành hai miền.
+ Trái tim ấy dào dạt tình yêu Tổ quốc như máu thịt, như mẹcha, như vợ như chồng… Trái tim ấy luôn luôn sục sôi căm thù giặc Mỹ bạo tàn.
=> Yêu thương, căm thù chính là động lực thôi thúc những người chiến sĩ lái xe khát khao giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Để ước mơ này trở thành hiện thực,chỉ có một cách duy nhất: vững vàng tay lái, cầm chắc vô lăng. Vì thế thử thách ngày càng tăng nhưng tốc độ và hướng đi không hề thay đổi.
=> Đằng sau những ý nghĩa ấy, câu thơ còn muốn hướng con người về chân lý thời đại của chúng ta: sức mạnh quyết định chiến thắng không phải là vũ khí mà là con người giàu ý chí, anh hùng, lạc quan, quyết thắng.
=> Có thể coi câu thơ cuối là câu thơ hay nhất của bài thơ. Nó là nhãn tự, là con mắt thơ, bật sáng chủ đề, tỏa sáng vẻ đẹp hình tượng người lính lái xe thời chống Mỹ.