1.Bài thơ có hai nguồn cảm hứng lớn, song hành, hài hòa và trộn lẫn vào nhau. Đó là cảm hứng về thiên nhiên vũ trụ và cảm hứng về con người lao động trong cuộc sống mới. Sự thống nhất của hai nguồn cảm hứng ấy được thể hiện qua kết cấu và hệ thống thi ảnh trong bài. Về kết cấu, thời gian của bài thơ là nhịp tuần hoàn của vũ trụ ( từ lúc hoàng hôn đến lúc bình minh) cũng là thời gian hoạt động của đoàn thuyền đánh cá ( từ lúc ra khơi đến khi trở về). Không gian của bài thơ là một không gian lớn lao, kỳ vĩ với trời,biển, trăng, sao, sóng, gió; cũng là không gian của cảnh lao động.
2.
Hai quá trình vận động:
- Hành trình của đoàn thuyền đánh cá từ lúc ra khơi khi mặt trời xuống biển đến lúc trở về trong cảnh bình minh.
- Chuyển vận của vũ trụ trong khoảng thời gian từ hoàng hôn đến bình minh, với mặt trời, trăng sao, gió, biển đang không ngừng vận động.
Trong cái nhìn của tác giả, hai quá trình vận động của thiên nhiên và của con người đã rất nhịp nhàng, hoà hợp với nhau, hơn nữa còn có tác động tương hỗ. Đoàn thuyền xuất phát ra khơi lúc mặt trời xuống biển, kéo lưới khi sao mờ, trời sắp sáng và trở về khi mặt trời đội biển nhô lên. Con thuyền thì có gió làm lái, trăng làm buồm, câu hát cũng căng buồm cùng với gió.
3.
Hai hình ảnh chính được lặp lại là “mặt trời” và “đoàn thuyền”. Sự khác biệt là ở khổ đầu mặt trời xuống biển và đoàn thuyền ra khơi, còn ở khổ cuối là mặt trời đội biển nhô lên và đoàn thuyền trở về. Có một câu thơ gần như được lặp lại nguyên vẹn ở cả hai khổ thơ : “Câu hát căng buồm cùng (với) gió khơi”. Việc lặp lại những hình ảnh, chi tiết này tạo sự tương ứng của khổ thơ đầu và khổ thơ cuối bài, thể hiện trọn vẹn hành trình ra khơi đánh cá rồi trở về của đoàn thuyền nhịp cùng với sự vận hành của thời gian, không gian từ hoàng hôn đến bình minh. Còn câu thơ : “Câu hát… gió khơi” được lặp lại như một điệp khúc để biểu hiện niềm vui, tinh thần phấn chấn của những người lao động trên đoàn thuyền đánh cá, cả lúc lên đường ra khơi và lúc trở về. Sự phấn chấn của người đánh cá lúc trở về được tăng thêm bởi kết quả của chuyến ra khơi, được biểu hiện trong hình ảnh : “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”. Trong cuộc thi đua giữa con người với thiên nhiên, con người đã vượt lên. Sự khác biệt của hai khổ thơ còn ở màu sắc, ánh sáng, ở khổ đầu là hoàng hôn, đêm xuống, bóng tối bao phủ. Còn ở khổ cuối là bình minh, mặt trời rạng rỡ “đội biển nhô màu mới”, ánh sáng rọi vào khoang thuyền đầy ắp cá, được phản chiếu từ muôn nghìn mắt cá thành : “huy hoàng muôn dặm phơi”.