Câu 2 mình sưu tầm ý bạn kham khảo nha
Hồ Dầu Tiếng thuộc xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Hồ Dầu Tiếng có khu đầu mối nằm tại huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương song lưu vực chủ yếu nằm trên địa phận huyện Dương Minh Châu và một phần nhỏ trên địa phận huyện Tân Châu, thuộc tỉnh Tây Ninh nằm cách thị xã Tây Ninh 25km về hướng Đông, với diện tích mặt nước là 270km² và 45,6km² đất bán ngập nước, dung tích chứa 1,58 tỷ m³ nước. Được khởi công xây dựng vào ngày 29/4/1981 và hoàn thành vào ngày 10/1/1985.
Đây là hồ nhân tạo lớn hàng thứ ba trên cả nước chỉ sau hồ thủy điện Hòa Bình và hồ thủy điện Thác Bà. Nếu chỉ tính hồ thủy lợi thì hồ Dầu Tiếng xếp hàng đầu về quy mô trong cả nước. Công trình này hầu như đã huy động gần hết nhân dân ở độ tuổi thanh niên ở tỉnh Tây Ninh tham gia đào hồ Dầu Tiếng.
Tây Ninh có công trình thủy lợi Dầu Tiếng đóng vai trò chủ lực trong hệ thống phân phối nguồn nước, không chỉ cho riêng tỉnh mà còn tác động đến cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Tính đến nay, toàn hệ thống có tổng chiều dài các kênh gần 1.550 km với ba kênh chính, 64 kênh cấp 1, 448 kênh cấp 2, 671 kênh cấp 3, 4 và 129 kênh tiêu. Thế nhưng chỉ có hơn 129km, chiếm khoảng 8,77% được kiên cố hóa.
Lòng hồ Dầu Tíếng là một nguồn mạch vĩ đại đưa dòng nước ngọt lành đến một vùng đất rộng lớn của tổ quốc. Kênh chính Đông dài 45km, như một dòng sông trải dài qua các huyện phía Đông tỉnh Tây Ninh về đến Củ Chi - Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với kênh phụ cấp I dài 210km. Kênh chính Tây dài 39km vắt qua các huyện phía Tây cùng với nó là hệ thống kênh cấp I dài 145km. Đây chưa kể đến hàng ngàn km kênh cấp II, III dẫn đến từng thôn ấp để tưới tiêu cho gần 83.000ha ruộng rẫy và cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân trong vùng. Hiện năng lực tưới của hồ đạt hơn 67.400ha/vụ cho trong và ngoài tỉnh, đồng thời giúp đẩy mặn, ngọt hóa vùng hạ du sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Ðông, gián tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hơn 32.000ha trong lưu vực.
Từ khi có hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng, bộ mặt nông thôn các vùng hưởng lợi đã thay đổi hẳn, nhiều vùng đất trước chỉ làm được một vụ nhờ nước trời, nay canh tác đến ba vụ, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng tăng thu nhập cho nông dân và xóa đói, giảm nghèo. Không những thế môi trường sinh thái cũng được cải thiện đáng kể.
Hồ Dầu Tiếng ở xa khu dân cư và được quản lý tốt nên nước hồ khá trong sạch. Những ngày trời nắng đẹp, mặt hồ ánh lên màu xanh biếc, sâu thẳm... Dãy núi Cậu sừng sững trải dọc bên hồ tạo nên một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, sơn thủy hữu tình. Trong vùng hồ, các đảo Xỉn, đảo Trảng, đảo Đồng Bò là những nét chấm phá của bức tranh hồ Dầu Tiếng. Đồi Thơ thoai thoải đứng cạnh rừng nguyên sinh sát bên hồ cũng là một mảng đẹp quyến rũ trong bức tranh toàn cảnh. Quanh bờ hồ còn có những thảm cỏ xanh mượt xen lẫn với những cây hoa dại đủ sắc màu.
Trong tương lai, hồ Dầu Tiếng còn được phát triển rất nhiều, nơi đây sẽ thành khu nghỉ dưỡng cao cấp, giải trí, thể thao, công viên, sân golf, công viên rừng, khu săn bắn, câu cá, bãi tắm, du thuyền, các môn thể thao trên nước. Hồ Dầu Tiếng tương lai sẽ còn xanh, đẹp hơn nữa và là một điểm dừng chân đầy ý nghĩa cho mọi du khách khi đến Tây Ninh.