đi chơi Tết ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Năm mọi người ơi ^^

V

viethung_94pl

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Mình tự giới thiệu mình là 1 tình nguyện viên của Bào tàng Dân tộc học Việt Nam. Mình muốn giới thiệu cho các bạn một địa điểm vui chơi ngày Tết vô cùng hấp dẫn :D

Vui xuân Tân Mão 2011 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Để đáp ứng nhu cầu vui chơi của đông đảo công chúng thủ đô trong dịp đón mừng năm mới, Bảo tàng DTHVN tổ chức chương trình Vui xuân Tân Mão 2011 trong ba ngày: từ mồng 6 đến mồng 8/2 (mồng 4, mồng 5, mồng 6 Tết).

Chương trình gồm nhiều hoạt động vui chơi bổ ích, những sinh hoạt văn hoá đặc sắc gắn với tết truyền thống và tập quán mừng năm mới của một số dân tộc ở Việt Nam. Đặc biệt, lần đầu tiên người Raglai đến từ tỉnh Ninh Thuận, người Dao Lô gang và người Na Miẻo đến từ tỉnh Lạng Sơn sẽ giới thiệu về văn hoá của mình tại Bảo tàng DTHVN.

Đến Bảo tàng DTHVN vào ba ngày này, du khách có cơ hội thưởng thức các hình thức trình diễn nghệ thuật dân gian, nổi bật là những giai điệu âm nhạc mừng năm mới, cầu an, cầu mùa của các tộc người Raglai, Dao Lô gang, Na Miẻo và Tày, điệu múa sư tử mèo của người Nùng. Đây còn là dịp để du khách khám phá sự tương đồng và khác biệt thú vị giữa các điệu hát giao duyên của 5 tộc người vừa kể, cũng như hoà mình trong âm thanh cồng chiêng và điệu múa của người Raglai hay điệu múa sạp của người Thái. Bên cạnh đó, có rối nước làng quê của phường rối Nhân Hoà ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng), có nghệ thuật thư pháp với sự tham gia của cả hai thế hệ già và trẻ. Những nghệ nhân làng Đông Hồ (Bắc Ninh) trình diễn in tranh, nhưng du khách cũng có thể tự tay thử in bức tranh mà mình yêu thích.

Chương trình Vui xuân Tân Mão 2011 tại Bảo tàng DTHVN có tới hơn hai chục trò chơi dân gian. Đó là những trò chơi thường thấy trong lễ hội mùa xuân của các dân tộc khác nhau, phù hợp với những lứa tuổi và sở thích khác nhau, cả trẻ em và người lớn. Có những trò chơi tương tự hoặc giống nhau ở 3-4 dân tộc, như: đẩy gậy (Tày, Nùng, Việt), đi cà kheo (Hmông, Tày, Việt, Nùng), đánh quay (Dao, Hmông, Nùng, Tày, Việt), đánh cầu lông gà (Thái, Hmông, Pà Thẻn), ném còn (Tày, Nùng, Thái), nhảy bao bố (Nùng, Tày, Việt), cờ gánh (Thái, Việt). Bên cạnh đó là hàng loạt trò chơi thú vị khác. Người Thái có các trò mả mú sứa (“hổ, lợn giao đấu”), tỏ hốn tá lòn (“nhổ lông mày”), tỏ mạ mằng (“bắn hạt mằng”), pa mạ na ố. Người Việt có kéo co, đánh đu, đấu vật, đẩy lưng, đáo mẹt, đáo cọc, đáo đĩa, “chọi trâu”, pháo đất, ô ăn quan, cờ toán, kia - nọ.

Trong ba ngày Vui xuân Tân Mão 2011, trẻ em và các gia đình có cơ hội trải nghiệm làm nhiều loại đồ chơi dân gian: chong chóng, tò he, hoa quả nặn bột, tô vẽ mặt nạ, trang trí con giống giấy bồi, tô vẽ 12 con giáp bằng đất. Ngoài ra, ai cũng có thể được hướng dẫn làm thử một số loại hoa giấy để trang trí.

Đầu năm mới, đến chơi xuân tại Bảo tàng DTHVN, du khách có thể thưởng thức hương vị ẩm thực của người Tày ở Lạng Sơn, như: lợn quay lá mác mật, thịt trâu khô xào chua ngọt, lạp xường treo gác bếp, xôi cẩm, bánh pẻng khô, bánh cóc mò, bánh khẩu si, rượu men lá…

Để tổ chức chương trình, Bảo tàng đã mời hơn 90 người đến từ nhiều nơi và thuộc những tộc người khác nhau (Việt, Tày, Nùng, Dao, Na Miẻo, Raglai), đồng thời tuyển khoảng 150 tình nguyện viên là sinh viên, học sinh ở Hà Nội. Chương trình này, cùng với hai khu trưng bày thường xuyên và hai trưng bày chuyên đề hiện hữu, làm cho Bảo tàng DTHVN trở thành địa chỉ lý thú, có nhiều lựa chọn, để du khách thưởng thức, trải nghiệm, khám phá về văn hoá Việt Nam trong dịp đi chơi đầu năm mới. Chương trình Vui xuân Tân Mão 2011 của Bảo tàng DTHVN không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi của đông đảo công chúng thủ đô, mà còn nhằm góp phần vào việc quảng bá và bảo tồn vốn văn hoá cổ truyền quý báu của các dân tộc ở Việt Nam.

* Bảo tàng DTHVN đóng cửa từ ngày 31/1 đến hết ngày 5/2/2011, và tiếp tục mở cửa phục vụ công chúng từ ngày 6/2, mồng 4 Tết.
Các hoạt động trong chương trình Vui xuân Tân Mão 2011:
8:30-17:30 các ngày 6,7,8/2 (tức mồng 4,5,6 Tết, chủ nhật, thứ hai và thứ ba)
Riêng phần trình diễn nghệ thuật và một số hoạt động diễn ra vào các thời điểm nhất định trong ngày (có ghi chú cụ thể)


I. TRÌNH DIỄN NGHỆ THUẬT

1. Âm nhạc dân gian: Raglai (10:00, 10:45, 14:30, 15:15, 16:45)
2. Âm nhạc dân gian– Tày,, Nùng, Dao Lô gang, Na Miẻo (9:30, 11:00, 14:30, 16:30)
3. Múa sư tử mèo: Nùng (9:00, 10:00, 15:30, 16:30)
4. Thư pháp: Việt (8h30 – 17h30)
5. Rối nước: Việt (10:00, 11:30, 14:30, 16:00)

II. TRÒ CHƠI

1. Chơi quay: Việt, Tày, Nùng, Hmông, Dao
2. Cờ gánh: Việt, Thái
3. Cờ toán
4. Đánh cầu lông gà: Thái, Hmông, Pà Thẻn
5. Đánh đu: Việt
6. Đáo mẹt, đáo cọc, đáo đĩa: Việt
7. Kéo co: Việt
8. Kia-Nọ
9. Mả mú sứa (“hổ, lợn giao đấu”): Thái
10. Múa sạp: Thái (9:30, 11:00, 14:00, 15:30, 16:30)
11. Ném còn: Tày, Thái
12. Nhảy bao bố: Việt
13. Ô ăn quan: Việt, Thái
14. Pháo đất: Việt
15. Tỏ hốn tá lòn (“nhổ lông mày”): Thái
16. Tỏ mạ mằng (“bắn hạt mằng”): Thái


III. LÀM ĐỒ CHƠI, HOA, TRANH

1. Nặn tò he và hoa quả bằng bột
2. Tô vẽ đồ chơi giấy bồi
3. Tô vẽ 12 con giáp nặn bằng đất
4. Làm chong chóng giấy
5. Làm hoa giấy
6. Làm trống bỏi
7. In tranh Đông Hồ


IV. ẨM THỰC TÀY LẠNG SƠN

1. Lợn quay lá mác mật
2. Thịt trâu khô xào chua ngọt
3. Lạp xường treo gác bếp
4. Xôi cẩm
5. Bánh pẻng khô
6. Bánh cóc mò
7. Bánh khẩu si
8. Rượu men lá

Hãy cùng bạn bè có những giờ phút vui vẻ và bổ ích!
Hãy dành cho con em mình những ngày vui chơi đặc biệt đầy ý nghĩa
và tạo nên sự gắn bó mật thiết giữa các thành viên, các thế hệ trong gia đình bạn!


Thời gian: 8:30 -17:30 các ngày 6, 7, 8/2/2011 (mồng 4, mồng 5, mồng 6 Tết)
Địa điểm: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Đường Nguyễn Văn Huyên
Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại Lễ tân: 04-3756 2193
E-mail: vme18@vme.org.vn
Website: www.vme.org.vn
 
Top Bottom