Sử 9 Đề thi chọn HSG Sử 9 tỉnh Nghệ An - Năm học 2021 - 2022

Võ Nguyễn Thu Uyên

Cựu Phụ trách nhóm Sử|CV nhiệt huyết|Cựu CN CLB Sử
Thành viên
20 Tháng ba 2017
4,208
12,673
991
Thành phố Hà Nội
Nghệ An
Học viện Ngân Hàng
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
NGHỆ AN
ĐỀ CHÍNH THỨC
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH LỚP 9
NĂM HỌC 2021 - 2022

Môn thi: LỊCH SỬ – BẢNG A
Thời gian: 150 phút, không kể thời gian giao đề.
Câu 1 (5,0 điểm)
a. Dựa vào thông tin sau và kiến thức đã học, hãy trình bày hoàn cảnh lịch sử của hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.​
Thời gian
Nội dung sự kiện
Tháng 6/1929​
Thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng.​
Tháng 8/1929​
Ra đời An Nam Cộng sản Đảng.​
Tháng 9/1929​
Thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn.​
6/1/1930 - 7/2/1930​
Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản.​
b. Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua những nội dung nào?
c. Em có suy nghĩ gì về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930?
Câu 2 (6,0 điểm)
Mặt trận Việt Minh có vai trò như thế nào đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945?
Câu 3 (4,0 điểm)
“Với chính sách mở cửa, tổng giá trị xuất nhập khẩu năm 1997 lên tới 325,06 tỉ USD (tăng gấp hơn 15 lần so với năm 1978 là 20,6 tỉ USD). Cũng tính đến năm 1997, có 145 nghìn doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Trung Quốc và đã đầu tư vào Trung Quốc hơn 521 tỉ USD. Đời sống nhân dân được nâng cao rõ rệt: từ năm 1978 đến năm 1997, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đã tăng từ 133,6 lên 2090,1 nhân dân tệ; ở thành phố, từ 343,4 lên 5160,3 nhân dân tệ.” (Nguồn: SGK Lịch sử 9, trang 19, NXB Giáo dục)
a. Từ thông tin trên, hãy cho biết nền kinh tế Trung Quốc từ sau năm 1978 có sự chuyển biến như thế nào?
b. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự chuyển biến của kinh tế Trung Quốc từ sau năm 1978?
Câu 4 (5,0 điểm)
Về Chiến tranh lạnh:
a. Trình bày biểu hiện của Chiến tranh lạnh.
b. Hậu quả của chiến tranh lạnh đối với nhân loại?
c. Từ hậu quả của Chiến tranh lạnh, các nước cần làm gì để bảo vệ hòa bình, an ninh thế giới hiện nay?​

- - - HẾT - - -
Thí sinh không được sử dụng tài liệu, cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh:
…………………….............……................………… Số báo danh: ................................
 

Võ Nguyễn Thu Uyên

Cựu Phụ trách nhóm Sử|CV nhiệt huyết|Cựu CN CLB Sử
Thành viên
20 Tháng ba 2017
4,208
12,673
991
Thành phố Hà Nội
Nghệ An
Học viện Ngân Hàng
ĐÁP ÁN THAM KHẢO
Câu 1 (5,0 điểm)
a. Hoàn cảnh lịch sử của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam:
+ Cuối năm 1929, phong trào công nhân, phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ, chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá sâu rộng vào cách mạng Việt Nam.
+ Ở Việt Nam xuất hiện ba tổ chức cộng sản cuối năm 1929, nhưng lại công kích lẫn nhau tranh giành Đảng Viên, tranh giành ảnh hưởng tác động không tốt đến phong trào cách mạng Việt Nam.
+ Yêu cầu bức thiết của cách mạng lúc này là phải thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập một Đảng cộng sản duy nhất để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam lúc này.
+ Quốc tế cộng sản cũng chỉ thị phải thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập một Đảng cộng sản duy nhất.
+ Với cương vị là phái viên của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam cộng sản đảng đến Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) để bàn việc thống nhất.

b. Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua những nội dung sau:
+ Hội nghị đã thảo luận và nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng cộng sản Việt Nam.
+ Thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn. => Đây là cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam.
+ Người ra lời kêu gọi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh....
+ Ban chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng thành lập gồm 7 ủy viên.

c. Suy nghĩ gì về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930: Ở phần này các bạn có thể sử dụng phần ý nghĩa của sự ra đời của Đảng để làm nhé!
+ Đảng cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp quyết liệt của nhân dân Việt Nam, là sự sàng lọc nghiêm khắc của lịch sử Việt Nam trong mấy thập kỉ đầu của thế kỷ XX.
+ Là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam trong thời đại mới.
+ Là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ đây, cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta đặt dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng cộng sản Việt Nam, một đảng có đường lối cách mạng khoa học và sáng tạo, có tổ chức chặt chẽ, đội ngũ cán bộ đảng viên kiên trung, nguyện suốt đời hi sinh cho lí tưởng của Đảng, cho độc lập dân tộc, cho tự do của nhân dân.
+ Là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên có tính quyết định cho những bước phát triển nhảy vọt mới trong lịch sử tiến hóa của dân tộc Việt Nam.

Câu 2 (6,0 điểm) Vai trò của Mặt trận Việt Minh đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945: Mặt trận Việt Minh đóng vai trò vô cùng to lớn trong toàn bộ quá trình chuẩn bị và tiến hành Tổng khởi nghĩa thắng lợi trong cách mạng tháng Tám năm 1945.
+ Ngày 19 – 5 – 1941, Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) ra đời.
+ Mặt trận Việt Minh chú trọng xây dựng lực lượng chính trị trong quần chúng thông qua các Hội Cứu quốc để tập hợp rộng rãi các lực lượng yêu nước tham gia chống Pháp.
+ Tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang tiến tới Tổng khởi nghĩa: Lực lượng vũ trang lớn mạnh dần, đội du kích Bắc Sơn phát triển thành Cứu quốc quân; Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập (1944); Việt Nam Giải phóng quân ra đời (1945).
+ Xây dựng căn cứ địa cách mạng:
- Cao Bằng được chọn làm nơi thí điểm đầu tiên xây dựng căn cứ địa cách mạng. Đến năm 1942, khắp chín châu của Cao Bằng đều có hội cứu quốc, trong đó có 3 châu hoàn toàn.
- Căn cứ địa đã không ngừng lớn mạnh và lan rộng các tỉnh: Cao - Bắc - Lạng – Hà – Tuyên - Thái...
+ Tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chính trị, vũ trang và khởi nghĩa từng phần ở các địa phương với nhiều hình thức như: biểu tình, mít tinh, tuần hành, đánh chiếm kho thóc Nhật...tập dượt cho quần chúng đấu tranh.
+ Triệu tập kịp thời Đại hội Quốc dân ở Tân Trào, trực tiếp kêu gọi, huy động mọi lực lượng tham gia đấu tranh giành chính quyền trong cả nước. (Tháng 8/1945)

Câu 3 (4,0 điểm)
a. Những chuyển biến của nền kinh tế Trung Quốc:

+ Tháng 12 - 1978, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra đường lối cải cách – mở cửa do Đặng Tiểu Bình khởi xướng.
+ Sau 20 năm (1979 – 1998) nền kinh tế Trung Quốc tiến bộ nhanh chóng, đạt được mức tăng trưởng cao, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.
+ GDP tăng trung bình hằng năm trên 8%.
+ Cơ cấu thu nhập trong nước theo khu vực kinh tế có sự thay đổi lớn, từ chỗ lấy nông nghiệp làm chủ yếu, đến năm 2000 thu nhập nông nghiệp chỉ chiếm 16%, công nghiệp và xây dựng tăng lên 51%, dịch vụ là 33%.

b. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự chuyển biến của kinh tế Trung Quốc từ sau năm 1978 là:
+ Lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, tiến hành cải cách và mở cửa.
+ Chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa linh hoạt hơn.
+ Hiện đại hóa và xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, biến Trung Quốc thành nước giàu mạnh, dân chủ và văn minh.

Câu 4 (5,0 điểm) Về Chiến tranh lạnh:
a. Biểu hiện của Chiến tranh lạnh:

+ Sự kiện được xem là khởi đầu cho chính sách chống Liên Xô, gây nên cuộc chiến tranh lạnh là thông điệp của tổng thống Truman tại Quốc hội Mĩ ngày 12 - 3 - 1947, khẳng định: Sự tồn tại của Liên Xô là nguy cơ đối với Nước Mỹ và đề nghị viện trợ khẩn cấp 400 triệu USD cho 2 nước Hi Lạp vào Thổ Nhĩ Kỳ.
+ Với kế hoạch Măcsan (6 - 1947) Mỹ viện trợ khoảng 17 tỉ USD giúp các nước Tây Âu, khôi phục nền kinh tế bị tàn phá sau chiến tranh, mặt khác nhằm tập hợp các nước Tây Âu vào liên minh quân sự chống Liên Xô và các nước Đông Âu.
+ Mĩ thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm Chống Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu.
+ Tháng 1 - 1949, Liên Xô và các nước Đông Âu thành lập Hội đồng tương trợ kinh tế để hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước xã hội chủ nghĩa.
+ Tháng 5 - 1955, Liên Xô và các nước Đông Âu đã thành lập Tổ chức Hiệp ước Vacsava - một liên minh chính trị - quân sự mang tính chất phòng thủ của các nước Xã hội Chủ nghĩa Châu Âu.
=> Sự ra đời của NATO và Tổ chức Hiệp ước Vacsava đã đánh dấu sự xác lập của cục diện hai cực, hai phe. Chiến tranh lạnh đã bao trùm cả thế giới.

b. Hậu quả của chiến tranh lạnh đối với nhân loại:
+ Thế giới luôn trong tình trạng căng thẳng, thậm chí có lúc đứng trước nguy cơ bùng nổ cuộc chiến tranh thế giới mới.
+ Các cường quốc đã chi một khối lượng khổng lồ về tiền của và sức người để sản xuất các loại vũ khí hủy diệt, xây dựng hàng nghìn căn cứ quân sự.
+ Chiến tranh lạnh đã gây ra những hậu quả nặng nề cho nhân loại, đẩy loài người đứng trước nhiều thảm họa: đói nghèo, dịch bệnh, thiên tai...

c. Từ hậu quả của Chiến tranh lạnh, để bảo vệ hòa bình, an ninh thế giới hiện nay, các nước cần:
+ Giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn bằng phương pháp hòa bình.
+ Không tham gia chạy đua vũ trang hoặc lôi kéo các nước vào các tổ chức, liên minh quân sự đe dọa đến hòa bình và an ninh thế giới.​
+ Phát triển kinh tế, giáo dục, an ninh quốc phòng, kiên quyết chống trả các thế lực khủng bố, phát động chiến tranh...
+ Giáo dục thế hệ trẻ về những mất mát mà chiến tranh đem lại, khơi dậy ý chí, tinh thần bảo vệ hòa bình thế giới...
 
Top Bottom