* Hình tượng người lính chủ yếu hiện lên qua nỗi nhớcủa Quang Dũng:
Cả bài thơ là nỗi nhớ khôn nguôi của Quang Dũng về đoàn quân Tây Tiến nên hình tượng người lính chủ yếu hiện lên qua nỗi nhớ của nhà thơ – một đại đội trưởng trong đoàn quân Tây Tiến năm xưa. Nhờ vậy hình tượng người lính Tây Tiến hiện lên chân thực hơn và được bao bọc trong một tình cảm vừa trìu mến thân thương, vừa trân trọng cảm phục.
*Phân tích, cảm nhận trực tiếp về hình tượng người lính Tây Tiến:
a. Qua nỗi nhớ của Quang Dũng, người lính Tây Tiến hiện lên trong tầm vóc của "đoàn quân", "đoàn binh", một tập thể đông đảo hùng hậu. Cách cảm nhận như thế mang lại một âm hưởng hào hùng cho tứ thơ.
b. Vẻ đẹp của tinh thần nỗ lực vượt lên trên những khó khăn gian khổ:
- Lính Tây Tiến phần đông xuất thân từ học sinh, sinh viên Hà nội, nên hiện thực của đời sống chiến đấu nơi rừng thiêng nước độc Tây Bắc thực sự là những thử thách lớn lao.
- Lính Tây Tiến là những con người đặc biệt gan góc, dũng cảm, luôn vượt lên trên khó khăn gian khổ thiếu thốn của đời sống chiến đấu, những khắc nghiệt dữ dội của thiên nhiên rừng thiêng nước độc Tây Bắc để đóng góp sức mình cho cuộc kháng chiến chung của dân tộc:
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
…...........................................
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”
Thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội, khắc nghiệt, những hiểm nguy và cái chế rình rập khắp nơi nhưng đều trở nên vô nghĩa trước bước chân của người lính Tây Tiến. Nhà thơ đã dùng hình thức đối lập tương phản để khắc hoạ vẻ đẹp của người lính Tây Tiến. Thiên nhiên càng dữ dội khắc nghiệt vẻ đẹp của người lính Tây Tiến càng nổi bật. Lính Tây Tiến trở thành đối thủ xứng tầm của thiên nhiên.
c. Vẻ đẹp ngoại hình dữ dội, lẫm liệt oai phong của những người lính Tây Tiến :
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
d. Đằng sau ngoại hình thô mộc, dữ dội, oai phong là vẻ đẹp của một nội tâm phong phú, tinh tế, vẻ đẹp của một tâm hồn lãng mạn, hào hoa, nhiều mơ mộng:
- Cái nhìn đắm say tình tứ trước những vẻ đẹp nữ tính trong đêm hội đuốc hoa:
“Kìa em xiêm áo tự bao giờ", "Khèn lên man điệu nàg e ấp"
- Tâm hồn mơ mộng luôn hướng đến những khung trời hoa lệ: "Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”. Trong môi người lính Tây tiến đều có một tâm hồn thi sĩ.
- Niềm khát khao về một dáng Kiều và sự thống nhất giữa tình yêu riêng tư với tình yêu đất nước:
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà nội dáng Kiều thơm”
e. Vẻ đẹp của lý tưởng sống chiến đấu tự nguyện cao cả:
“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
g. Vẻ đẹp của tinh thần và tư thế hi sinh cao đẹp phi thường:
- Sự hi sinh của một người lính cụ thể:
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời”
- Sự hi sinh của nhiều người lính Tây Tiến vô danh:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ"
“ Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
h. Trong vẻ đẹp của hình tượng người lính Tây Tiến còn có vẻ đẹp của chính tâm hồn Quang Dũng – một người lính Tây Tiến năm xưa. Dù đoàn quân Tây Tiến đã trở về Hòa Bình thành lập Trung đoàn 52, dù Quang Dũng đã chuyển sang đơn vị khác, nhưng khoảng cách thời gian, không gian vẫn không thể làm phai mờ những kỷ niệm - dù là nhỏ nhất - của nhà thơ về Tây Bắc, về đồng đội trong đoàn quân Tây Tiến, về một thời gian khổ . Đó là vẻ đẹp của một tâm hồn ân tình ân nghĩa với quá khứ, không bao giờ lãng quên một thời gian khổ.
Kết luận: Qua nỗi nhớ của Quang Dũng, hình tượng người lính Tây Tiến đã hiện lên với nhiều vẻ đẹp độc đáo cả về tầm vóc, ý chí, bản lĩnh lẫn ngoại hình, cả về nội tâm, lí tưởng sống chiến đấu lẫn tinh thần thái độ hi sinh. Bút pháp tương phản lãng mạn, lý tưởng hoá được nhà thơ sử dụng khéo léo để thể hiện vẻ đẹp của đoàn quân Tây Tiến. Chính vẻ đẹp độc đáo này là một trong những cội nguồn làm nên sức hấp dẫn lâu bền của bài thơ đồng thời là những đóng góp không nhỏ của Quang Dũng đối với thơ ca kháng chiến chống Pháp khi thể hiện đề tài người lính.