đề: cảm nhận của em về điểm bắt đầu và điểm kết thúc.@-)
"Đường xa vạn dặm cũng phải được bắt đầu bằng những bước đi nhỏ bé".
Đúng như bạn nói, đề này là một đề mở. Do đó, người ra đề không kì vọng chúng ta sẽ triển khai phân tích vấn đề một cách đầy đủ, toàn diện (theo chiều rộng) mà mong muốn được lắng nghe cách nghĩ, cách nhìn nhận riêng của chúng ta đối với vấn đề được nêu ra. Đồng thời, người ra đề cũng muốn thông qua vấn đề có tính chất gợi mở này mà học sinh có thể liên hệ, suy nghĩ về cuộc sống của cá nhân mình, của những người xung quanh, xác định cho mình cách hành xử, thái độ, tâm thế trước những vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Vì vậy, bên cạnh việc giải thích nội dung cơ bản của vấn đề (làm tiền đề để triển khai bài viết), phần quan trọng nhất trong bài viết sẽ là trình bày cách nhìn nhận, các trải nghiệm thực tế của cá nhân người viết với vấn đề được nêu ra.
1. Giải thích nội dung vấn đề.
- Sự phát triển của mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan đều diễn ra theo những quá trình: có khởi đầu, phát triển, kết thúc.
- Quá trình vận động và phát triển của mọi sự vật, hiện tượng là một quá trình liên tục, nên điểm kết thúc của quá trình này lại là điểm khởi đầu cho một quá trình mới (như hoàn thành chương trình học phổ thông các em lại bước sang quá trình mới, trở thành những sinh viên đại học...). Đây là cách nhìn nhận biện chứng về thế giới.
- Trong thực tế cuộc sống, việc xác định đâu là điểm khởi đầu, đâu là điểm kết thúc là một vấn đề rất quan trọng. Xác định điểm khởi đầu để chuẩn bị chờ đón cơ hội mới, thử thách mới. Xác định điểm kết thúc để biết điểm dừng, để xác định được mục tiêu, để chuẩn bị cho một "khởi đầu" mới...
2. Cách nhìn nhận, đánh giá, thái độ, kinh nghiệm của cá nhân đối với vấn đề nêu ra
-
Sự khởi đầu: người xưa thường nói "Vạn sự khởi đầu nan", nhưng khởi đầu không chỉ có những thách thức, khó khăn mà còn cả những thời cơ, cơ hội mới. Em có thể nhắc tới câu nói của Bác Hồ : "Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước". Và chúng ta đang là những người trẻ tuổi, những người chủ (không phải là người chủ tương lai mà đã, đang là những chủ nhân đích thực) của đất nước, chúng ta phải làm gì để xứng đáng với vai trò của mình, với sự kì vọng của thế hệ cha anh, với sự phát triển mạnh giàu của đất nước.
- Tuyến 13 nói rất đúng:
không phải là sự kết thúc nào cũng là không tốt. Đôi khi, sự kết thúc là để mở ra một sự khởi đầu mới. Người phương Tây thường nói: Khi một cánh cửa này đóng lại thì sẽ có một cánh cửa khác mở ra cho bạn. Biết chấp nhận thất bại, biết điểm kết thúc của nó để rút ra bài học cho mình, để dũng cảm bước tiếp, để không còn vấp ngã (hay sợ vấp ngã), để sẵn sàng cho một sự khởi đầu mới... (em tìm những ví dụ để chứng minh nhé).
- "Đường xa vạn dặm được bắt đầu từ những bước đi nhỏ bé". Đừng quá băn khoăn trước những dự định, những kế hoạch, những khó khăn thử thách, đến cách khởi đầu, đến sự kết thúc.... Hãy hành động, hãy dũng cảm cất bước, và bạn sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống: không phải ở điểm bắt đầu, không phải ở điểm kết thúc, mà chính là ở quá trình chúng ta vất vả, nỗ lực không ngừng để đi từ điểm bắt đầu đến điểm kết thúc đó.
Đấy là một vài suy nghĩ của mình về đề văn này. Những ý đó chưa được sắp xếp một cách hệ thống, trình bày có phần lộn xộn và chưa đầy đủ nhưng hi vọng bạn sẽ "nhặt" được cái gì đó có ích từ "đống chữ" này.