- 14 Tháng chín 2018
- 805
- 1,015
- 181
- 26
- Thừa Thiên Huế
- Đh sư phạm huế


ĐỂ LÀM BÀI ĐỌC HIỂU TỐT NÊN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?
Xin chào tất cả các bạn! Năm học mới đã sắp chính thức bắt đầu rồi đúng không nhỉ? Các bạn lớp 9 và 12 chắc cũng đã bắt đầu ôn tập để chuẩn bị cho kì thi hết sức quan trọng của đời mình. Theo như cấu trúc đề thi thường thấy của môn văn thì phần đọc hiểu là phần khiến nhiều bạn cảm thấy khó khăn bởi vì tính chất đa dạng của nó cũng như sự khó hiểu trong một số câu hỏi mang tính chuyên sâu. Chính vì vậy mình đã viết topic này để chia sẻ cách mình đã ôn luyện phần đọc hiểu như thế nào nha!
Trước hết các bạn nên hiểu giá trị đọc hiểu trong bài làm văn của mình. Các bài đọc hiểu thường sẽ chiếm 3 điểm trong bài thi ngữ văn. Các câu trả lời đọc hiểu yêu cầu tính chính xác cao, không cần trình bày rườm rà vẫn ăn được số điểm rất lớn. So với việc dành điểm trong bài viết văn nghị luận thì việc ăn điểm ngay phần đọc hiểu là một lợi thế để bạn có thể bứt phá để có số điểm đáng mơ ước. Bài đọc hiểu cũng là phần mở đầu của một bài làm cho nên những câu trả lời chính xác, súc tích sẽ là ấn tượng tốt đẹp đầu tiên đối với người chấm. Chính vì vậy chăm chút một chút, tìm hiểu nhiều hơn một chút bài đọc hiểu sẽ giúp bài bạn giá trị.
Các bài đọc hiểu sẽ được chia làm 4 câu với những mức độ cơ bản sau:
*Câu hỏi nhận biết (Câu 1)
- Đây là câu hỏi thường hỏi:
+ Đối các tác phẩm văn xuôi: Phong cách ngôn ngữ văn bản, phương thức trần thuật, phương thức biểu đạt, các thao tác lập luận và các biện pháp tu từ,…
+ Đối với thơ: Thể thơ, biện pháp tu từ nổi bật, hình thức thể hiện bài thơ, chi tiết, hình tượng,…
- Yêu cầu đối với câu trả lời: ngắn gọn, đủ ý
Ví dụ: Đề bài yêu cầu xác định thể thơ của bài thơ sau:
Biết nói gì trước biển em ơi
Trước cái xa xanh thanh khiết không lời
Cái hào hiệp ngang tàng của gió
Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ
Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời
Cái giản đơn sâu sắc như đời
Trước cái xa xanh thanh khiết không lời
Cái hào hiệp ngang tàng của gió
Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ
Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời
Cái giản đơn sâu sắc như đời
(Trước biển – Vũ Quần Phương, Thơ Việt Nam 1945-1985, NXB Văn học, 1985, tr.391)
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?
Với loại câu hỏi này bạn chỉ cần trả lời là thể thơ tự do.
Như vậy là bạn ăn trọn số điểm. Với loại câu hỏi này bạn không nên trả lời dài dòng. Càng dài càng dễ mất điểm và sai.
*Câu hỏi thông hiểu (câu 2 và câu 3)
- Phần này yêu cầu các em chủ yếu trả lời câu hỏi hiểu biết về từ, ngữ, câu, nhận định, biện pháp tu từ nhất định,…
- Với những câu hỏi về nghĩa, các em cần tư duy, suy nghĩ về nghĩa của từ, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nếu có nhiều ý nên viết chúng thành một đoạn văn diễn dịch hoặc quy nạp và trình bày các ý kiến của mình.
- Những câu hỏi về biện pháp tu từ thì các em trước tiên phải chỉ ra sự xuất hiện của biện pháp đó trong câu và ý nghĩa của biện pháp đó trong những hoàn cảnh cụ thể
- Thường sẽ có câu hỏi xác định nội dung khái quát của đoạn văn hoặc bài thơ đó. Điều này sẽ yêu cầu năng lực khái quát của các bạn. Các bạn có thể dựa vào câu hỏi ở phước trước, câu số 4 để thâu tóm lại những nội dung chính. Thường câu 4 sẽ hỏi về câu chủ đề của đoạn văn hoặc gợi mở về nội dung chính của đoạn văn cho các bạn.
*Câu hỏi nâng cao (câu số 4)
- Với những đề thi THPT QG gần đây thì câu hỏi nâng cao thường yêu cầu các em tìm ra một câu văn thể hiện được chủ đề của cả đoạn văn đã đọc hiểu trước đó. Để trả lời đúng câu hỏi này không chỉ đòi hỏi sự nhận biết, tư duy mà còn phải có sự nhìn nhận, suy nghĩ sâu xa về thông điệp của đoạn văn để tìm được ý khái quát nhất.
- Ngoài ra các đề mang tính gợi mở hơn thì sẽ để các bạn tự chọn một thông điệp trong đoạn văn hoặc khổ thơ mà bạn cảm thấy thích thú nhất. Việc của bạn là đi chứng minh vì sao mình chọn nó, giá trị của nó trong cuộc sống nói chung và riêng bạn nói riêng. Cuộc sống là một bản nhạc đa sắc màu nên mỗi lựa chọn của bạn đều được chấp nhận nếu có lập luận chắc chắn, lí lẽ, dân chứng thuyết phục.
- Với dạng câu hỏi này viết đoạn văn ngắn trong 3-5 dòng giải thích ngắn gọn, súc tích là có thể có điểm tối đa rồi nha.
Như vậy thì ta có thể thấy là đọc hiểu văn bản là phần không hề khó và hoàn toàn có thể ghi điểm tối đa. Điều quan trọng là các em phải biết cách vận dụng tốt các kiến thức tiếng Việt để làm bài hiệu quả. Học văn là cả một quá trình việc biết hệ thống tiếng việt tốt đôi khi cũng chưa đủ để tạo nên những bài làm tốt. Chính vì vậy bạn phải luyện tập thường xuyên, luôn trau dồi những hiểu biết của mình trong quá trình học. Trong khoảng thời gian ôn thi ĐH mình thì việc luyện các đề đọc hiểu là một phần không thể thiếu. Mình thường sẽ giải từ 1-2 đề đọc hiểu trong một tuần. Với số lượng tuy nhỏ nhưng nếu duy trì trong thời gian dài sẽ thành một thói quen tốt. Mình chỉ cần đặt bút vào bài đọc hiểu là phản xạ ngày càng nhanh. Những kiến thức, những câu hỏi trả lời ngắn gọn và đầy đủ với mình sẽ dần không còn quá thử thách như thời gian đầu luyện tập nữa.
Trên là những chia sẻ của mình về bài đọc hiểu trong đề thi cơ bản. Hi vọng những chia sẻ của mình sẽ giúp các bạn tìm được cách học phù hợp để chinh phục các dạng câu hỏi trong phần đọc hiểu nha!
Hi vọng sẽ nhận được những ý kiến, những phản hồi của các bạn ở dưới bài viết này.
Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ!
Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ!