ĐỂ HỌC TỐT MÔN VĂN.

C

conu

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Để học tốt môn văn (MTO 3 - 26/2/2007)


Thầy Lê Xuân Giang (cầm hoa) và cô Trương Thị Việt Thuỷ cùng các Thư kí Toà soạn báo Mực Tím Online.
Thưa cô, em học rất kém môn Văn, nếu nhà trường cho em tự chọn chương trình học, em sẽ không chọn môn Văn...Em nghĩ, nếu mình chỉ học các môn khác (Toán, Lý, Anh...) mà không học môn Văn sau này cũng có thể vào đời kiếm việc được chứ ạ! Thưa cô, cô có đồng ý với cảm nhận của em không?(Lê Ngọc Tú, 18t, Q3)


Thưa cô, trong bài làm văn, em thường mắc lỗi dùng từ và câu cú thường lủng củng. Có cách nào để khắc phục những điều trên không ạ? Và làm sao để trong một bài văn không bị lặp ý?(Nguyễn Kiều Bảo My, 17t, TP Vũng Tàu)



Trước hết em phải chú ý phân môn Tiếng Việt, và khi học Tiếng Việt phải chú ý thực hành và thực hành từ những bài tập đơn giản đến những bài tập phức tạp.

Chú ý những từ loại, các kiểu câu, và cứ sau mỗi bài tập làm văn, thì em phải lọc những câu sai từ, sai câu để sửa nhằm tránh lặp lại những lỗi ấy trong các bài tập làm văn tiếp theo. Có thể mỗi bài tập làm văn thì các em vấp phải một cái lỗi sai khác nhau, lỗi sai nào được sửa thì chúng ta tránh không lặp lại ở bài tập sau.

Thứ hai là em phải kiên trì việc đọc sách mỗi ngày, mỗi ngày đọc vài trang sách, dần dần tăng thời lượng đọc sách lên trong ngày để mình học hỏi và nắm bắt được những cách viết của các nhà văn, các tư liệu văn học. Khi đã viết bài tập làm văn xong thì nên tập thói quen kiểm tra lại bài viết của mình để phát hiện kịp thời những lỗi sai.

Để bài văn tránh bị lặp ý, em nên có dàn bài định hướng trước nội dung sẽ viết và dàn bài này phải tùy thuộc kiểu bài. Trong dàn bài phải chia ra những luận điểm luận cứ, xác định luận điểm nào phải xoáy sâu trọng tâm. Luận điểm nào là luận điểm phụ. Và khi viết văn thì theo dàn bài để tránh lặp ý hoặc thiếu ý. Quá trình làm văn thì em nên huy động nhiều kiến thức đã học một cách đa dạng, phong phú để tránh việc lặp đi lặp lại một ý đơn điệu.


Thưa cô, khi đọc một đề văn về phân tích, chứng minh hoặc nêu cảm nghĩ , chúng em cần phải tuân theo những bước nào để có được một bài văn tốt? Xin cám ơn cô.(Hoàng Kim, 15t, Bình Dương)



Để có một bài văn tốt, em nên theo các bước sau:

Bước 1: Tìm hiểu kỹ đề, xem đề bài cần yêu cầu về những nội dung nào và kiểu bài, nắm chắc phương pháp làm kiểu bài đó.

Bước 2: Tìm ý.

Bước 3: Lập thành dàn ý.

Bước 4: Viết bài văn.

Bước 5: Kiểm tra.

Để viết bài tốt em cần chú ý các điểm sau:

* Nắm chắc phương pháp để viết bài văn theo trình tự nào. Bên cạnh đó, em cần suy nghĩ tìm tòi, huy động những kiến thức đã học liên quan đến nội dung đề. Hơn thế nữa, suy nghĩ sáng tạo của cá nhân là quan trọng nhất. Không nên lệ thuộc bài văn mẫu một cách rập khuôn máy móc. Bởi vì quá trình tiếp nhận văn học là em tiếp nhận những tri thức, cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Cho nên khi em diễn đạt thì ngoài yếu tố câu cú, ngữ pháp, lời văn phải trong sáng còn yêu cầu là thể hiện tình cảm của người viết. Chúng ta cần phải trân trọng và đánh giá cao vai trò sáng tạo trong tiếp nhận của học sinh. Em hãy mạnh dạn nêu những suy nghĩ, ý kiến, những cảm nhận của cá nhân mình, có thể những ý kiến đó chưa hay, chưa đúng nhưng sẽ được thầy cô giáo dạy văn định hướng và từ đó em lại tiếp tục bày tỏ ý kiến cá nhân trên cơ sở định hướng thẩm mỹ của thầy cô. Theo ý kiến riêng của cô là khi các em viết một bài văn cũng là các em đang sáng tạo, cũng có nhu cầu bộc lộ bản thân mình. Vậy thì các em nên dựa trên những định hướng về nội dung, về kiểu bài, để có những sáng tạo nho nhỏ của chính mình, và mình trân trọng những sáng tạo của riêng mình. Lâu dần các em sẽ viết văn tốt, tự tin, và đến với môn văn một cách nhẹ nhàng, thoải mái, thú vị hơn.




Thưa thầy, môn Văn có cần phải học thuộc lòng không? Khi đọc sách, thỉnh thoảng em gặp được những câu văn, cách tả rất hay của các tác giả khác nhau. Nếu em bắt chước những câu ấy hoặc cách tả ấy vào trong bài viết của em thì có bị cho là...đạo văn không ạ?(Nguyễn ngọc Nam, 17t, Bình Dương)



Môn văn rất cần học thuộc lòng. Trước hết là thuộc lòng tác phẩm, và các kiến thức liên quan đến tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Đó là vốn tri thức văn học cần thiết để làm bài, đồng thời là vốn văn hoá cho mỗi người khi bước vào cuộc sống. Học văn mà không thuộc văn thì thuộc cái gì? Một số học sinh lại ra sức học thuộc bài văn mẫu và khi kiểm tra thi cử chỉ mong trúng đề, chép lại văn mẫu. Cách học đó là sai, đáng bị phê phán.

Đối với học sinh, việc bắt chước những câu văn hay của các nhà văn, các nhà nghiên cứu không bị coi là đạo văn. Bao giờ cũng vậy, việc học ban đầu là bắt chước, sau đó mới là phát triển sáng tạo. Chỉ phê phán những trường hợp chép nguyên từng đoạn hay cả bài của người khác.



Thưa thầy, bài viết của em thường bị thầy cô chê là: "viết như nói", hoặc "diễn đạt rối rắm, mơ hồ...". Còn ba mẹ sau khi đọc bài viết của em lại chê là: " Viếl lách giống văn phong của các cô cậu chát chít với nhau trên mạng...". Tóm lại, hình như cách viết của học sinh chúng em hiện nay đang có vấn đề! Thầy có nhận xét như vậy không, thưa thầy?(Phạm Thạch Thảo, 18t, THPT. Nguyễn Thượng Hiền)



Thầy nghĩ rằng, không phải "chúng em" với nghĩa tất cả học sinh mà chỉ là một số học sinh (dù khá đông) có vấn đề trong diễn đạt cả nói và viết. Viết văn nghị luận mà "như nói" là viết sai phong cách ngôn ngữ. Đó là viết câu không đúng chuẩn ngữ pháp, dùng các từ ngữ không thích hợp, đưa từ ngữ sinh hoạt hàng ngày vào văn nghị luận. Ví dụ: ngay trên 1 tờ báo, khi nói về mối tình giữa 2 nghệ sĩ, tác giả viết:"anh chị bồ kết với nhau từ bao giờ không rõ?"

Còn viết "rối rắm mơ hồ" lại gắn với nội dung bài, là sự thể hiện tư duy. Nguyên nhân là không chắc vấn đề, không có hệ thống lập luận, viết theo kiểu nhớ gì ghi nấy...

"Phong cách chát chít" là cách gọi lối sử dụng ngôn ngữ viết lệch chuẩn cả về từ ngữ, ngữ pháp khá phổ biến trên mạng hiện nay. Cách viết này vui, có vẻ hiện đại nhưng thực tế rất có hại cho ngôn ngữ tiếng Việt vốn trong sáng, tinh tế, có hại cho người viết vì tạo thói quen xấu khi viết văn bản, cần từ bỏ loại phong cách này.



Thưa cô! Từ trước đến giờ em tự thấy rằng: thực chất em chưa bao giờ học tập nghiêm túc về môn văn mà sao em luôn được các thầy cô và các bạn nói rằng em có học lực tốt về môn Văn. Mỗi khi bắt đầu học môn đó, em không biết nên bắt đầu học từ đâu. Nói chung là em không biết cách học! Mong cô có thể cố vấn cho em! Em xin cảm ơn cô nhiều .(Nguyễn Thị Ngọc, 13t, Thị Trấn Đông Hưng - Thái Bình)



Theo suy nghĩ của cô, khi thầy cô và các bạn đánh giá em có học lực tốt về môn Văn là em đã học môn Văn nghiêm túc rồi. Để trả lời câu hỏi của em, cô muốn nói với em một điều rất thực lòng cô là hãy đến với môn Văn không chỉ bằng sự nghiêm túc mà còn là tấm lòng yêu mến bộ môn Văn. Có lẽ trong nhà trường không có một môn khoa học nào thay thế được môn Văn. Môn học vừa hình thành nhân cách, vừa hình thành tâm hồn, tiếp cận vẻ đẹp một tác phẩm văn chương phải là tâm hồn, là tình cảm, là trái tim. Trong thời đại hiện nay, khoa học kỹ thuật phát triển rất nhanh, môn Văn sẽ giữ lại tâm hồn con người, giữ lại những cảm giác nhân văn để con người tìm đến với con người. Khi em đã thực sự yêu mến bộ môn Văn, thì cách học sẽ trở nên rất dễ dàng. Trước hết, em hãy nắm vững những kiến thức về văn học sử, lý luận văn học, về tác giả, tác phẩm. Tiếp theo, em cần thực hành ứng dụng những bài tập tiếng Việt và gắn phân môn tiếng Việt với đời sống hàng ngày từ trong nói, viết, giao tiếp ứng xử. Và cuối cùng là em viết bài tập làm văn thì tùy thuộc kiểu bài, yêu cầu về nội dung để định hướng mình cần phải viết những gì, viết như thế nào, viết cho ai... Trong quá trình viết, em hãy viết bằng tất cả tình cảm của mình, để em tác động vào tình cảm con người. Bởi vì văn học không chỉ dừng lại ở tác động lý trí, cô mong em sẽ lựa chọn những ngôn từ biểu cảm, linh hoạt trong viết câu, mang giàu hình ảnh, lập luận chặt chẽ, sắc sảo... Em cũng nên có những liên tưởng, tưởng tượng để bài văn của em hay hơn.



Thưa thầy, làm sao để có thể làm một bài văn thuyết minh hay ạ? Để học tốt môn Văn, ngoài việc học bài, làm bài, em còn phải làm gì nữa để có những ý tưởng hay khi viết một bài văn thuyết minh?(Trần Thị Thuỳ Dương, 11t, Vinh hung long an)



Để làm tốt bài văn thuyết minh, trước hết em phải nắm vững đối tượng thuyết minh, vì nội dung bài văn là giới thiệu, làm rõ đối tượng cho người đọc hiểu. Ví dụ: Thuyết minh về một tác giả, em cần nắm vững một số chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp, những đặc điểm của phong cách, về vị trí của tác giả trong lịch sử văn học. Để thuyết minh về một tác phẩm, cần phải trả lời được các câu hỏi: "Tác phẩm của ai, ra đời trong hoàn cảnh nào? Nội dung là gì? Có đóng góp gì về nghệ thuật? Tác phẩm được đánh giá như thế nào?" v.v... Thuyết minh về một di tích lịch sử, một cảnh quan thiên nhiên, một cơ sở văn hóa nào đó thì điều đầu tiên vẫn là hiểu rõ đối tượng. Văn thuyết minh không phải là văn sáng tác, vì thế mọi ý tưởng đều xuất phát từ tri thức. Vấn đề còn lại là sự diễn đạt, là bố cục của bài hợp lí, chặt chẽ.


Kính thưa thầy Giang, em là một học sinh bình thường trong lớp nhưng riêng với môn Văn, em cũng được xếp vào hàng khá. Em có một thắc mắc nhỏ, đó là tại sao chỉ với những đề tập làm văn mang tính chất biểu cảm lãng mạn thì em mới có vốn để viết ,còn những đề mang tính thuyết minh hay bình luận thì đối với em..chẳng có gì để viết! Điều này làm em hết sức lo lắng vì chương trình Văn phổ thông rất phong phú, nhiều thể loại. Đó cũng là lý do tại sao trong khi làm bài thi, em không bao giờ đạt được điểm cao. Em rất mong nhận được sự góp ý của thầy. Em xin chân thành cám ơn và gửi đến thầy lời chúc sức khỏe. (Kiều Oanh, 16t, Quận 11-Tp.HCM)


Em chỉ làm tốt những bài văn mang tính biểu cảm lãng mạn có thể vì hai điều về tính cách. Thú nhất, em yêu thích những tác phẩm lãng mạn có giọng văn biểu cảm. Thứ hai, em chỉ đọc loại tác phẩm ấy. Chính em phải biết rõ điều đó khi em thấy em có vốn về dạng tác phẩm này. Khi viết các tác phẩm thuyết minh hay bình luận em chẳng có gì để viết cũng vì hai điều: Em không đọc các tác phẩm, các bài học chứa đựng các tri thức cần thiết về đối tượng thuyết minh hay những bài nghị luận nên thiếu vốn tri thức, thứ hai, trong các giờ học em chưa thực chú ý hoặc về nhà em không đọc lại bài, không thuộc bài. Lí do em không bao giờ đạt điểm cao là như thế.




Thưa cô, có phải học Giỏi văn ở cấp Tiểu học, rồi THCS thì sẽ học Giỏi Văn ở THPT không? Cô có nghĩ rằng tình trạng đạo đức giới trẻ hiện nay đi xuống là do một phần trách nhiệm thuộc về dạy và học Văn không? Cô trăn trở nhất điều gì khi cô đi dạy nói chung và cụ thể là môn Văn nói riêng?(Hoa Cúc Trắng, 25t, Quận 4)



Trước hết cô cám ơn em, câu hỏi của em đã chạm vào những trăn trở, ray rứt trong lòng cô khi đứng lớp giảng dạy môn Văn. Tình trạng sa sút đạo đức ở một số thanh niên hiện nay đã làm không phải riêng cô mà rất nhiều thầy cô băn khoăn, lo lắng. Trong suy nghĩ của cô, môn Văn vẫn có một phần trách nhiệm trong đó, bởi vì môn Văn là môn học đưa đến những giá trị nhân văn "văn học là nhân học". Môn Văn cũng đào tạo và hình thành nhân cách của con người. Nếu như những giờ Văn tạo được cho học sinh những rung động, xúc cảm để rồi những cung bậc tình cảm, những màu sắc cảm xúc, những số phận con người, những hình tượng văn học... được chuyển hóa từ thế giới tác phẩm sang thế giới tâm hồn các em, thì ấn tượng để lại trong lòng các em rất sâu sắc. Theo cô nghĩ thì hiệu quả giờ Văn, không phải là tức khắc, mà là 1 tác động lâu bền, thâm sâu, và lắng đọng về sau. Mảnh đất tâm hồn các em cần được ươm những hạt giống tốt từ ánh sáng tác phẩm văn học để sau này lớn lên, các em sẽ biết hành động, biết xử lý theo 1 suy nghĩ đúng đắn và biết sống theo một lý tưởng đẹp mà văn học đã nuôi dưỡng tâm hồn các em từ bé thơ cho đến lớn khôn. Vậy thì nếu làm tốt việc học văn ở nhà trường, thì chúng ta đã góp 1 phần nhỏ vào việc giáo dục phẩm chất đạo đức cho học sinh.

Điều cô trăn trở nhất hiện nay là làm thế nào để học sinh yêu thích đến gần môn Văn, học tốt môn Văn bằng tất cả tình cảm của mình. Cô nghĩ văn chương là câu chuyện của một tấm lòng tìm đến với những tấm lòng. Khi nhà văn nhà thơ viết tác phẩm, họ phải có những khao khát, ước vọng mãnh liệt nhất. Cho nên cần có những tấm lòng đồng cảm với các tác giả. Có thể đây là đồng cảm, đồng cảm vì đồng cảm hay đồng cảm vì lòng trắc ẩn nhưng chính sự đồng cảm sẽ thanh lọc tâm hồn các em, giúp tâm hồn các em hướng đến những giá trị cao đẹp của cuộc sống. Học văn không dừng lại ở học cái hay, cái đẹp của tác phẩm, mà còn học rất nhiều cái hay, cái đẹp về tâm hồn, cách sống, cách nghĩ...

Học giỏi văn ở cấp tiểu học rồi THCS, là đã tạo được tiền đề, cái cơ bản để học giỏi văn ở THPT, nhưng em cần phải thường xuyên rèn luyện năng lực văn học của mình, vì cô nghĩ rằng quá trình tích lũy tri thức, kiến thức văn học luôn luôn phải được cập nhật và rèn luyện thường xuyên.


Thưa thầy, cho em hỏi những vấn đề cơ bản của môn tập làm văn lớp 12 là gì? (La Phương Thư, 19t, VỊ THANH _HẬU GIANG)


Thầy hiểu câu hỏi của em có hai vế. Thứ nhất là những vấn đề cơ bản của chương trình môn Văn lớp 12, thứ hai là những dạng đề cơ bản trong các kì thi tốt nghiệp cũng như thi đại học. Chương trình môn Văn lớp 12 bao gồm phần Văn học cách mạng trước 1945 (tác giả Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Tố Hữu) và Văn học 1945 - 1975. Có thể chia giai đoạn Văn học 1945 - 1975 theo thể loại: Thơ, Truyện, Kí và Nghị luận. Văn nghị luận chỉ có bài Tuyên Ngôn Độc Lập, Kí có bài Người Lái Đò Sông Đà còn lại là Thơ và Truyện. Các đề Văn thường có câu hỏi yêu cầu học sinh nắm vững các kiến thức cơ bản về tác giả tác phẩm (cuộc đời và sự nghiệp, đặc điểm phong cách, quan điểm sáng tác, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, đặc sắc nội dung và nghệ thuật của tác phẩm). Đề nghị luận thường yêu cầu phân tích một đọan thơ, một nhân vật hoặc một chủ đề trong một hoặc một số tác phẩm. Cũng có đề yêu cầu phân tích các đặc sắc và nghệ thuật của một tác phẩm: Ví dụ: Nghệ thuật trào phúng độc đáo của Vi Hành, tình huống truyện độc đáo trong Vợ Nhặt... Cần phải nắm vững chương trình, những tri thức cụ thể của từng bài học mới có thể tự tin khi bước vào những kì thi sắp tới.



Thưa cô Trương Thị Việt Thuỷ. Em là học sinh lớp 9 đang học trường THCS Hà Huy Tập. Em xin có câu hỏi: "Để làm tốt những bài văn phân tích, chứng minh hay là những bài viết số 6,7... Trong SGK tập II thì em cần phải đọc những cuốn sách nào? Cám ơn cô.(Trần Thụy Bích Trâm, 15t, TP.HCM)



Chương trình học kỳ 2 lớp 9, em sẽ học nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Nghị luận xã hội bao gồm nghị luận về sự việc hiện tượng trong đời sống và tư tưởng đạo lý. Nghị luận văn học gồm nghị luận về đoạn thơ, bài thơ, truyện... để tham khảo các tư liệu, cô giới thiệu em một vài quyển sách: Tự học ngữ văn 9 tập 1 - 2 (thầy Bùi Tất Tươm), Rèn luyện tư duy sáng tạo (thầy Nguyễn Trọng Hoàn), Tư liệu văn học (thầy Đỗ Ngọc Thống), Bình giảng ngữ văn 9 (thầy Vũ Dương Quỹ)... Ngoài những sách tham khảo, cô khuyên em nên nắm chắc phương pháp làm từng kiểu bài, và có những định hướng đúng về kiểu bài, nội dung để viết. Chúc em có những bài văn hay và kết quả tuyển sinh vào lớp 10 tốt đẹp.



Thưa cô Thủy, cho em hỏi: em biết môn Văn là môn khó học nhất mà sao thầy Văn của em dạy đến những bài Văn bản lại kêu học sinh phân tích, mà đối với học sinh thì chưa học thì biết gì mà phân tích. Khi chúng em trả lời không được thì thầy nói là :"Nhiều khi thấy các em hoc Văn còn không xong vậy học Tiếng Anh để làm gì?" Mong cô chỉ cho em cách học các Văn Bản được tốt hơn? Cảm ơn cô ạ!(Lý Thông, 15t, 480 ntp)



Khi học một văn bản, em nên đọc kỹ văn bản. Bước đầu là đọc để hiểu. Bước thứ hai là đọc để cảm thụ. Cuối mỗi văn bản trong sách giáo khoa có phần đọc tìm hiểu chú thích, em hãy đọc kỹ để nắm chắc về tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, những từ khó chưa hiểu. Tiếp theo, trong phần đọc hiểu văn bản có những câu hỏi gợi ý để em suy nghĩ, trả lời. Em hãy từng bước trả lời các câu hỏi trong phần đọc hiểu, để có thể tìm tòi, phân tích được những giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản. Những kiến thức phần văn sẽ hỗ trợ rất tốt cho em viết bài tập làm văn. Chương trình học kỳ 2 lớp 9, các em có học phần nghị luận văn học, nắm chắc lý thuyết phần này thì em sẽ ứng dụng vào việc phân tích những đoạn thơ, bài thơ. Quá trình phân tích đòi hỏi em phải có sự cảm thụ các văn bản đã học. Hiểu và cảm nhận được cái hay, cái đẹp về nội dung và nghệ thuật của 1 văn bản sẽ giúp em hiểu văn bản sâu hơn và có thể diễn đạt sự cảm nhận đó bằng suy nghĩ và ý kiến của cá nhân mình. Chúc em học tốt môn Văn.



Thưa thầy, em học Văn khá, nhưng từ khi học lớp 12, cô giáo dạy Văn cứ luôn bắt tụi em học khuôn mẫu theo những gì cô đã soạn cho những bài giảng văn. Theo thầy, tụi em nên làm sao? Em không thích sự rập khuôn mà cô đã chuẩn bị sẵn cho chúng em. Bây giờ môn Văn của em không được giỏi như trước. Em không thấy cái gì là của riêng mình. Mặc dù, em luôn thuộc bài trên lớp (đó là những dàn bài chi tiết, thậm chí là cả những bài văn). Vì muốn điểm khá, em đã học thuộc như những gì cô muốn (dài cả 2 tờ giấy cho một bài!). Lúc làm kiểm tra, em muốn thêm sự sáng tạo cho bài văn của mình thêm hay nhưng không được vì khuôn bài của cô đã chiếm hết thời gian của em. Làm sao để cô giáo dạy Văn của em thay đổi cách dạy, thưa thầy? Trong tình cảnh chung này, muốn giỏi Văn phải học như thế nào? Xin thầy cho em một lời khuyên?(Ngọc Quỳnh, 17t, TP.HCM)



Thầy xin trả lời chung các em Ngọc Quỳnh (TP.HCM); Nguyễn Thị Như Ý (Phú Yên); Thùy Trang (TP.HCM); Như Ngọc (Quảng Ngãi); Nguyen Ngọc Ly No (Quảng Ngãi) và một số em khác hỏi về phương pháp để học tốt môn Văn.

Trước hết, một học sinh giỏi Văn là nắm vững các kiến thức cơ bản về bộ môn, bao gồm kiến thức về lịch sử Văn học, kiến thức về tác giả và tác phẩm. Nguồn kiến thức ấy có từ sách giáo khoa, sách tham khảo và bài giảng của thầy cô. Tuy nhiên Văn học gắn liền với đời sống xã hội do đó, học sinh giỏi Văn thường phải có thêm nhiều kiến thức lịch sử, xã hội khác được bổ sung qua nhiều nguồn thông tin khác nhau như báo chí, sách văn học. Mặt khác, một học sinh giỏi Văn phải có kĩ năng diễn đạt trôi chảy, hấp dẫn, cả nói và viết mà trọng tâm là viết. Muốn có kĩ năng này, bên cạnh năng khiếu cần phải được rèn luyện. Rèn ở trường lớp là làm các bài tập, bài viết do thầy cô yêu cầu, rèn ở nhà là tự viết. Ví dụ: Viết nhật kí, viết cảm nghĩ về một vấn đề nào đó trong đời sống hay một cuốn sách



Thưa thầy, em muốn hỏi tại sao học môn Văn thường dễ chán thế! Tuy em đã cố gắng nhưng em vẫn thấy không nhét nổi. Thầy có cách nào giúp em khắc phục tình trạng này không? Không thích mà phải bị học thì...kinh khủng quá! Cứu em với!(Nguyễn Thị Như Ý, 17t, Sonhoa_phuyen)



Thầy nghĩ rằng số học sinh coi môn Văn là môn học dễ chán, không thích mà phải bị học như em nói là rất ít. Nếu em học Văn mà cảm thấy dễ chán thì có thể do hai nguyên nhân. Thứ nhất, về phía bản thân em không có phương pháp học đúng, có mặc cảm là mình không học được, học mà không hiểu, không nhớ. Thứ hai, thầy cô giáo ở trường đã không khơi gợi được lòng ham học môn Văn ở em hoặc không gợi được, giúp em tìm ra được cái hay cái đẹp của môn Văn. Vì thế, khiến em không thích học bộ môn này. Mặt khác, học sinh đi học không phải chỉ học cái mình thích, nhiều học sinh có thể thích hay không thích một bộ môn nào đó nhưng vẫn phải học vì đó là yêu cầu về tri thức và kĩ năng là vốn Văn hóa mà mỗi người cần được trang bị trước khi đi vào đời sống. Đi học không giống như dự tiệc buffet, nghĩa là tự chọn món ăn hợp khẩu vị. Đi học là khó khăn, thặm chí gian khổ, là sôi kinh, nấu sử. Trong trường hợp này, em phải tự cứu mình trước, đọc kĩ lại bài học tác phẩm, ngẫm xem cái hay cái đẹp mà thầy cô đã nói trong tác phẩm có đúng không. v.v... Đổi mới phương pháp học và cố gắng hơn nữa, trực tiếp đọc các tác phẩm, dần dần em sẽ thoát khỏi tâm trạng chán học Văn.



Thưa cô, viết văn rất cần cảm xúc văn học, làm thế nào để mình có cảm xúc khi viết ạ?(Kim Loan, 15t, ĐÔNG NAI)



Cô rất đồng ý với em là viết văn phải cần cảm xúc bởi người sáng tác tác phẩm văn học đã viết bằng tất cả những cảm xúc nên khi chúng ta tiếp nhận tác phẩm văn học, chúng ta cũng phải tiếp nhận bằng tất cả cảm xúc của mình. Đó là sự đồng cảm giữa người viết và người đọc. Nhưng làm thế nào để tạo ra được cảm xúc này là một vấn đề khó. Bởi như em biết, tạo nên cảm xúc phải là sự cảm thụ của trái tim, tấm lòng và tình cảm của mình. Ý kiến của cô là em nên đọc hiểu kỹ tác phẩm, rồi nắm chắc hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, cuộc đời của tác giả... Trên cơ sở hiểu đúng, em hãy lựa chọn những ngôn từ có chất văn chương, viết văn giàu hình ảnh, câu văn thì linh hoạt... Quan trọng là cách diễn đạt của em, em diễn đạt tình cảm của mình bằng giọng văn biểu cảm, có chất văn chương. Sáng tác văn học là khó. Cảm thụ văn học lại càng khó hơn. Nguyễn Du đã viết: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Em hãy đến với tác phẩm văn học bằng trái tim, tấm lòng của mình thì những cung bậc tình cảm vui, buồn, thương, hờn giận từ tác phẩm văn học sẽ đi vào lòng em. Em sẽ biết thương cảm những số phận bất hạnh, biết căm ghét sự bất công, cái xấu, cái ác... Văn học sẽ khơi dậy và đánh thức những tình cảm bên trong của em. Từ những tình cảm gần gũi đời thường nhất như thương ông bà, cha mẹ, anh em, thầy cô bè bạn... đến những tình cảm lớn hơn như làng xóm, quê hương. Văn học sẽ bồi đắp tâm hồn em, thấm dần vào lòng em. Khi mà em thực sự có những cảm xúc thật trong lòng mình thì em viết bài văn mới có cảm xúc được. Nếu em đã từng học văn, em sẽ thấy đã có những tác phẩm văn học lay động và đánh thức cả một dân tộc đứng lên đánh giặc để giữ nước. Như một cô gái mở đường rất bình thường, nhưng tình yêu tổ quốc trong lòng cô thì lúc nào cũng tỏa sáng "Em đã lấy tình yêu tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom". Chính những giây phút lắng lòng nhất, cảm xúc sẽ nâng cao. Và từ đó, em sẽ tiếp nhận cảm thụ tác phẩm văn học tinh tế và sâu sắc hơn.



Thưa thầy cho em hỏi vì sao năm cải cách lớp 10 này chương trình nặng quá? Môn Văn em không biết học sao cả, thầy có thể giúp em học tốt môn văn đuợc không? Em sắp thi học sinh giỏi cấp trường rồi, em mong thầy sẽ trả lời câu hỏi của em.(Đoàn Thị Như Ngọc, 17t, Quảng Ngãi)



Câu hỏi của em có hai ý: Sao chương trình Văn lớp 10 nặng quá và em không biết cách học môn Văn.

Về chương trình, quan niệm thế nào là nặng, là vừa, là nhẹ... rất khác nhau. Quả thật, chương trình Văn lớp 10 có khá nhiều kiểu Văn bản, gần như mỗi tiết học một Văn bản khác nhau, nên không chỉ học sinh mà cả một số thầy cô cũng cảm thấy nặng. Tuy nhiên, yêu cầu về nội dung và kĩ năng đối với từng tiết học từng Văn bản lại không nặng lắm. Em cần đọc kĩ mục yêu cầu cần đạt để xác định trọng tâm bài học.

Khi học mỗi bài Văn em có thể tự đặt cho mình câu hỏi, học bài này cần nắm được những nội dung gì, cần rèn luyện kĩ năng gì. Chỉ cần trả lời hai câu hỏi đó em sẽ vững vàng tự tin để học và thi môn Văn.



Thưa cô, em có tật phải tham khảo các bài văn mẫu rồi mới có thể viết bài luận thầy cho ở trường được. Để khắc phục tình trạng này em phải làm sao? Cô giúp em với bởi cuối năm nay em có ý định thi vào trường Lê Hồng Phong. Cám ơn cô ạ.(Thu Thuỷ, 15t, PTCS. Phan Tây Hồ . Gò Vấp)



Trước hết cô muốn nói với em một điều là em cần xác định thế nào là bài văn mẫu, những căn cứ nào để em đánh giá là bài văn mẫu...Theo ý cô thì em tham khảo bài văn mẫu, tham khảo những tư liệu văn học, nhưng điều quan trọng là em phải trên cơ sở những cái đã học, đã đọc để trình bày suy nghĩ ý kiến của cá nhân mình. Quan trọng là tính sáng tạo của cá nhân và cảm thụ văn học thì không thể rập khuôn máy móc cứng nhắc mà phải cảm thụ bằng ý kiến của cá nhân. Vậy thì để khắc phục tình trạng này, cô nghĩ tất cả những điều em đã đọc về các bài văn mẫu, em xem là tư liệu tham khảo. Để viết bài văn tốt, em phải có phương pháp học văn như thế nào để có thể viết được các kiểu bài, và các loại đề tài, kể cả những đề mở. Vậy thì trước hết chúng ta hãy bắt đầu từ phân môn Vân: Nắm chắc các kiến thức về môn Văn tự đọc hiểu, đọc cảm thụ. Các kiến thức về văn học sử, lý luận văn học, tác giả tác phẩm, giá trị nội dung nghệ thuật... Riêng phân môn tiếng Việt thì em cần nắm chắc những cái cơ bản về cách dùng từ, viết câu, liên kết câu, đoạn... cho chính xác. Phân môn tập làm văn: đối với mỗi đề bài em hãy đọc kỹ tìm hiểu đề, tìm ý, và lập dàn bài để định hướng được những luận điểm, luận cứ và có cái nhìn khái quát về bài viết. Sau đó, em viết thành bài tập làm văn. Quá trình viết bài tập làm văn, em luôn nhớ là những tìm tòi, lựa chọn, phát hiện, huy động kiến thức, lập luận... Bên cạnh đó, phải biết diễn đạt bằng tình cảm của mình, những ý kiến suy nghĩ nêu lên trong bài viết có tính sáng tạo cá nhân nhưng phải có định hướng.



Thưa thầy, khi học văn Nghị Luận, em nên chú ý đến những gì để có thể làm văn cho tốt?(Phùng Ngọc Liên, 13t, 1052 Nguyen Van Qua F. Dong Hung Thuan Q. 12)



Để làm tốt Văn nghị luận, em cần phải có vốn kiến thức Văn học (nếu là nghị luận Văn học) và kiến thức Xã hội (nếu là nghị luận Xã hội). Bởi vì, nghị luận là bàn bạc về một vấn đề nào đó, nên phải có kiến thức mới có thể bàn luận. Nhưng để bàn luận đúng, thuyết phục cần có kĩ năng lập luận, biết nêu vấn đề, giải thích vấn đề và nhận định đánh giá, chứng minh làm rõ vấn đề. Kĩ năng lập luận gắn với vốn từ và kĩ năng diễn đạt có vốn từ phong phú, diễn đạt trội chảy thì lập luận mới chặt chẽ, hấp dẫn. Khi học những tác phẩm nghị luận, cần chú ý hệ thống lập luận của bài, cách nêu, cách giải thích và chứng minh vấn đề ở trong bài vừa là để hiểu, vừa là để học kĩ năng cách thức lập luận. Sau mỗi bài Văn nghị luận, nên rút ra dàn ý và tự đặt ra các vấn đề tương tự để tập viết.



Thưa cô, cô giáo dạy em ở trường khuyên chúng em phải làm dàn bài chi tiết trước khi viết bài tập làm văn. Nhưng thú thật là em không bao giờ làm dàn bài khi viết cả, vì nếu có làm cũng chẳng bao giờ kịp thời gian. Thưa cô, như vậy có bất hợp lý không ạ?(Anh Thư, 15t, PTCS. Lê Lợi Q.3)



Theo ý cô, trước khi làm bài, các em lập một dàn bài để định hướng được kiểu bài, nội dung. Nếu có dàn bài thì em có thể có cái nhìn khái quát toàn bài viết của mình: có bao nhiêu luận điểm, luận cứ... Em có thể phân chia thời gian cho từng nội dung, và có thể tránh lạc đề, thiếu ý... Nếu sợ không kịp thời gian thì em có thể viết dàn bài đại cương. Có dàn bài định hướng thì em sẽ viết bài tốt hơn. Cô chúc em thành công.



Thưa cô, em học lớp 7, về môn Ngữ Văn em chỉ hiểu về Văn Bản và Tiếng Việt còn Tập Làm Văn về Văn Nghị Luận thì em chẳng hiểu được gì cả! Mong cô chỉ hướng cho em để học tốt hơn về phần tập làm văn (nghị luận)? Em cám ơn cô!(Nguyễn Yến Ngọc, 13t, Tổ 10, ấp 1, xã mỹ long ,huyện cao lãnh ,tỉnh đồng tháp)



Trong chương trình lớp 7 học kỳ 2, các em có học văn nghị luận với phép lập luận chứng minh và lập luận giải thích. Đây là 1 kiểu bài khó đối với em, nhưng các em hãy đọc kỹ các văn bản nghị luận trong chương trình lớp 7 như: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta, Đức tính giản dị của Bác Hồ, Ý nghĩa văn chương... Khi viết tập làm văn, em cần tìm hiểu đề, xem đề bài yêu cầu nghị luận nào, nội dung nghị luận là gì, cách thức nghị luận đó cần theo phép lập luận nào, nội dung nghị luận về vấn đề gì, để làm gì, viết cho ai... Tiếp theo, em hãy tìm ý và lập thành dàn ý: luận điểm, luận cứ cần thiết... Sau đó em viết thành văn bản. Để có thể viết được bài văn nghị luận tốt, em cần ôn lại lý thuyết để nắm chắc thế nào là luận điểm, luận cứ, lập luận, cách viết bài văn nghị luận... Với lứa tuổi của các em, các em vẫn có thể nghị luận được những vấn đề đơn giản gần gũi với cuộc sống của mình. Em hãy tự tin khi viết bài văn nghị luận. Cô tin tưởng là em sẽ viết được. Chúc em thành công.



Thưa thầy, theo em thì nếu đề văn ra ở dạng đề mở Vd:Suy nghĩ của em về hạnh phúc, vv... thì học sinh có thể phát huy hết khả năng sáng tạo của mình trong từng câu văn. Là 1 học sinh cấp ba, em thú thật ngoài những tác phẩm văn học thời đại mới và viết về cuộc sống xã hội hiện tại thì những bài Hịch bài Cáo không hề có chút cảm hứng nào! Vậy thì làm sao mà học tốt được? Em muốn hỏi có bao giờ các đề thi tốt nghiệp hay đại học ra dạng đề mà chúng em mong muốn ở trên không ạ?(Nguyễn Quỳnh Nga, 16t, Vinh-nghệ an)



Câu hỏi của em khá dài. Tuy nhiên, có thể gom lại thành hai ý chính: Em không có cảm hứng với các bài Văn học cổ điển, như Hịch, Cáo và mong muốn được làm các bài thi tốt nghiệp hay thi đại học về nghị luận xã hội ở dạng đề mở.

Có thể thấy ngay, trong suốt những năm học cấp II và cấp III em đã không nắm được, không cảm nhận được những giá trị nội dung và nghệ thuật của một số tác phẩm kinh điển như: Hịch Tướng Sĩ, Cáo Bình Ngô. Vì thế, em không hề có chút cảm hứng trước tác phẩm này, như thế là không đạt yêu cầu khi học một bộ môn rất quan trọng trong nhà trường. Em không có cảm hứng là vì không hiểu và không chịu tìm hiểu. Đối với học sinh, như thế là không được, việc hiểu và yêu các tác phẩm nổi tiếng của Văn học dân tộc vừa là yêu cầu về mặt tri thức, vừa là yêu cầu về mặt tình cảm một công dân Việt Nam. Một học sinh Việt Nam không thể thiếu hụt tri thức về Văn học dân tộc, không thể không có tình cảm trân trọng tự hào về nền văn hiến của dân tộc. Em mong muốn đến lúc nào đó các đề thi sẽ ra ở dạng mở về nghị luận xã hội. Đó cũng là dạng đề đang dần dần chiếm vị trí quan trọng trong các đề thi nhưng không phải vì thế mà không còn những đề yêu cầu học sinh nắm vững tri thức Văn học nhất là Văn học dân tộc.



Thưa thầy, theo em học cấp 2 khá dễ dàng, chỉ cần đi học thêm là có thể đạt từ khá giỏi trở lên. Như thế em có thật sự giỏi không? Còn ở cấp 3 bây giờ, em không còn đi học thêm nữa nên điểm số cũng xuống theo. Em không biết tình trạng học văn của em ở mức nào, có cần phải đi học thêm để lấy lại phong độ không?(Trần Trung Hiếu, 16t, Thi xa phan rang thap cham tinh ninh thuan)



Nếu đi học thêm em đạt từ khá giỏi trở lên và không đi học thêm điểm số cũng xuống theo thì theo thầy có hai vấn đề đặt ra. Thứ nhất, nếu em tiếp tục đầu tư cho môn Văn về cả thời gian và sự cố gắng, em dễ dàng đạt khá và giỏi. Sự đầu tư ấy có thể là học thêm với các thầy cô hoặc học nhóm với bạn bè, tự học. Thứ hai, em đi học thêm và được giải trước các bài kiểm tra nên dễ dàng có điểm khá giỏi. Như thế, cách học thêm ấy là tiêu cực, học chỉ vì điểm số và điểm số không phản ánh đúng khả năng của em. Việc có cần phải đi học thêm không, em phải tự đánh giá đúng khả năng đáp ứng yêu cầu môn học đến mức nào, thiếu hụt về điều gì để bổ sung rèn luyện thêm. Chẳng hạn, thiếu vế kiến thức thì phải ôn để nắm vững bài học, yếu về kĩ năng, phải tập viết nhiều hơn.



Thưa cô, em học rất kém môn Văn, nếu nhà trường cho em tự chọn chương trình học, em sẽ không chọn môn Văn...Em nghĩ, nếu mình chỉ học các môn khác (Toán, Lý, Anh...) mà không học môn Văn sau này cũng có thể vào đời kiếm việc được chứ ạ! Thưa cô, cô có đồng ý với cảm nhận của em không?(Lê Ngọc Tú, 18t, Q3)



Trước hết cô cảm ơn em về câu hỏi này. Câu hỏi này của em không phải chỉ riêng em hỏi mà có nhiều học trò cũ của cô cũng suy nghĩ như vậy. Em và các học trò cũ của cô đều làm cho cô phải băn khoăn, trăn trở và suy nghĩ rất nhiều. Nếu như em không học môn Văn thì em cũng có thể vào đời kiếm việc được. Và hiện nay có rất nhiều công việc, mà học sinh chỉ cần giỏi các môn ngoại ngữ, toán, lý, hóa và cả tin học thì có thể kiếm nhiều công việc có tiền lương rất cao. Đó là thực tế không thể phủ nhận được. Nhưng cô muốn chia sẻ với em 1 suy nghĩ của cô là văn học có khả năng nhân đạo hóa con người, thanh lọc tâm hồn con người, hướng con người về những giá trị tinh thần cao đẹp. Có những giá trị tinh thần chứa đựng trong tác phẩm tác động vào tâm hồn của em, bồi đắp tâm hồn em. Mà tác động văn học thì rất lâu bền và thâm sâu, gần như không một môn học nào có thể thay thế được, bởi vì môn văn có khả năng đi sâu vào tâm hồn con người nhất. Em có thể tưởng tượng khi mà cuộc sống với đà phát triển nhanh về khoa học, và người ta không cần tới môn văn nữa thì sẽ như thế nào. Có phải môn văn giữ lại tâm hồn con người, để con người ta biết nhạy cảm với cuộc sống, giữa người với người sống với nhau đầy lòng nhân ái. Các em đã học tác phẩm Chí Phèo, em có đồng tình với cô là 1 Chí Phèo hung hãn, đập phá, chửi bới... không phải là 1 Chí Phèo để ta giận, ta buồn cười mà để ta chảy nước mắt. Hoặc cái nạn đói năm Ất Dậu, vậy mà vẫn có 1 ngọn lửa tình người thắp giữa đêm đen cuộc sống: Ngọn lửa của niềm tin trong lòng cậu Tràng, ngọn lửa niềm vui trong lòng của Tứ, ngọn lửa tỏa sáng ở cuối bài. Ngọn lửa cứ lớn dần lên. Và giữa đêm đen con người ta vẫn thắp lên ngọn lửa tình thương và khát vọng. Nhà văn Kim Lân đã nhen lửa và thắp lửa để ánh sáng chói lòa. Văn học đến với em chính là để giữ lại những cảm giác nhân văn để con người tìm đến với con người. Có lúc em có thể bắt gặp được những con người, những số phận trong tác phẩm đồng cảnh với mình. Cũng có lúc em cảm thấy lòng mình trắc ẩn, xót xa thương cảm về 1 số phận trong tác phẩm văn học... Cứ như thế, những cung bậc tình cảm khác nhau luôn đan xen trong lòng em khi em đến với văn học để rồi em bừng tĩnh về 1 chân lý của cuộc đời, về vận mệnh của con người.

Điều cô muốn nói với em, học tốt môn toán, lý, Anh nhưng em đừng từ chối môn văn. Có thể môn văn không giúp em về công việc làm ở ngoài xã hội. Nhưng đến với môn văn là điều kiện để em học tốt các môn toán lý Anh, bởi vì môn học nào cũng cần diễn đạt suy luận trình bày. Và sau này, khi em cần diễn đạt suy nghĩ ý kiến của mình thì em sẽ thuận lợi hơn. Vả lại chúng ta là người Việt Nam, chúng ta học môn Văn để hiểu được tâm hồn, suy nghĩ, văn hóa của cha ông ta và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Cô rất mong em đến với môn văn và thích học môn văn.



Thưa thầy, để bình luận được Văn ở THPT cần phải có cảm nhận sâu sắc và kiến thức rộng, em nghĩ đây là lí do chênh lệnh giữa THCS và THPT. Chính vì vậy để mở rộng kiến thức, hiện nay nhiều bạn của em đọc rất nhiều sách tham khảo nên phát biểu rất đúng, làm thầy cô vui…Thầy nghĩ sao về vi?
 
C

conu

(tiếp)
Thưa cô, em học rất kém môn Văn, nếu nhà trường cho em tự chọn chương trình học, em sẽ không chọn môn Văn...Em nghĩ, nếu mình chỉ học các môn khác (Toán, Lý, Anh...) mà không học môn Văn sau này cũng có thể vào đời kiếm việc được chứ ạ! Thưa cô, cô có đồng ý với cảm nhận của em không?(Lê Ngọc Tú, 18t, Q3)



Trước hết cô cảm ơn em về câu hỏi này. Câu hỏi này của em không phải chỉ riêng em hỏi mà có nhiều học trò cũ của cô cũng suy nghĩ như vậy. Em và các học trò cũ của cô đều làm cho cô phải băn khoăn, trăn trở và suy nghĩ rất nhiều. Nếu như em không học môn Văn thì em cũng có thể vào đời kiếm việc được. Và hiện nay có rất nhiều công việc, mà học sinh chỉ cần giỏi các môn ngoại ngữ, toán, lý, hóa và cả tin học thì có thể kiếm nhiều công việc có tiền lương rất cao. Đó là thực tế không thể phủ nhận được. Nhưng cô muốn chia sẻ với em 1 suy nghĩ của cô là văn học có khả năng nhân đạo hóa con người, thanh lọc tâm hồn con người, hướng con người về những giá trị tinh thần cao đẹp. Có những giá trị tinh thần chứa đựng trong tác phẩm tác động vào tâm hồn của em, bồi đắp tâm hồn em. Mà tác động văn học thì rất lâu bền và thâm sâu, gần như không một môn học nào có thể thay thế được, bởi vì môn văn có khả năng đi sâu vào tâm hồn con người nhất. Em có thể tưởng tượng khi mà cuộc sống với đà phát triển nhanh về khoa học, và người ta không cần tới môn văn nữa thì sẽ như thế nào. Có phải môn văn giữ lại tâm hồn con người, để con người ta biết nhạy cảm với cuộc sống, giữa người với người sống với nhau đầy lòng nhân ái. Các em đã học tác phẩm Chí Phèo, em có đồng tình với cô là 1 Chí Phèo hung hãn, đập phá, chửi bới... không phải là 1 Chí Phèo để ta giận, ta buồn cười mà để ta chảy nước mắt. Hoặc cái nạn đói năm Ất Dậu, vậy mà vẫn có 1 ngọn lửa tình người thắp giữa đêm đen cuộc sống: Ngọn lửa của niềm tin trong lòng cậu Tràng, ngọn lửa niềm vui trong lòng của Tứ, ngọn lửa tỏa sáng ở cuối bài. Ngọn lửa cứ lớn dần lên. Và giữa đêm đen con người ta vẫn thắp lên ngọn lửa tình thương và khát vọng. Nhà văn Kim Lân đã nhen lửa và thắp lửa để ánh sáng chói lòa. Văn học đến với em chính là để giữ lại những cảm giác nhân văn để con người tìm đến với con người. Có lúc em có thể bắt gặp được những con người, những số phận trong tác phẩm đồng cảnh với mình. Cũng có lúc em cảm thấy lòng mình trắc ẩn, xót xa thương cảm về 1 số phận trong tác phẩm văn học... Cứ như thế, những cung bậc tình cảm khác nhau luôn đan xen trong lòng em khi em đến với văn học để rồi em bừng tĩnh về 1 chân lý của cuộc đời, về vận mệnh của con người.

Điều cô muốn nói với em, học tốt môn toán, lý, Anh nhưng em đừng từ chối môn văn. Có thể môn văn không giúp em về công việc làm ở ngoài xã hội. Nhưng đến với môn văn là điều kiện để em học tốt các môn toán lý Anh, bởi vì môn học nào cũng cần diễn đạt suy luận trình bày. Và sau này, khi em cần diễn đạt suy nghĩ ý kiến của mình thì em sẽ thuận lợi hơn. Vả lại chúng ta là người Việt Nam, chúng ta học môn Văn để hiểu được tâm hồn, suy nghĩ, văn hóa của cha ông ta và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Cô rất mong em đến với môn văn và thích học môn văn.



Thưa thầy, để bình luận được Văn ở THPT cần phải có cảm nhận sâu sắc và kiến thức rộng, em nghĩ đây là lí do chênh lệnh giữa THCS và THPT. Chính vì vậy để mở rộng kiến thức, hiện nay nhiều bạn của em đọc rất nhiều sách tham khảo nên phát biểu rất đúng, làm thầy cô vui…Thầy nghĩ sao về việc này?(Song Nghi, 17t, Camau)



Thầy rất hoan nghênh những học sinh đọc nhiều sách Văn học nói chung, sách tham khảo nói riêng. Đó là nguồn kiến thức bổ sung hết sức quan trọng để học sinh học tốt môn Văn cũng như các môn học khác. Do đọc nhiều sách nên các bạn em phát biểu đúng, thầy cô vui, thầy cũng vui. Đừng nghĩ như thế là sao chép, là thuộc bài theo kiểu sáo vì người trả lời được câu hỏi tức là nắm được vấn đề. Chỉ phê phán những trường hợp chép lại các bài trong sách tham khảo để làm bài văn của mình.



Thưa cô, học Văn có cần phải có năng khiếu không ạ? Em nghe nói ai giỏi môn tự nhiên sẽ học không khá các môn thuộc về xã hội. Em thấy nhận xét đấy rất đúng vào trường hợp của em. Thưa cô em học khá Toán, Lý, Hoá...còn Văn Sử Địa, nhất là Văn, em học vô cùng vất vả mới...gần điểm trung bình! Chắc em không có năng khiếu Văn Chương thật rồi!(Phạm Hoài Nam, 14t, Linh Trung Thủ Đức)



Trước hết cô rất muốn em hiểu năng khiếu văn chương khác với năng lực văn học. Rất ít học sinh có năng khiếu văn chương. Vả lại nhà trường cũng không đào tạo nhà văn nhà thơ nên không nhất thiết phải có năng khiếu văn chương mới học được. Cô nghĩ chỉ cần em rèn luyện năng lực về văn học tức là khả năng em diễn đạt trình bày, cảm thụ văn học... Muốn vậy, thì tùy từng khối lớp với những kiểu văn bản khác nhau, cách làm bài văn khác nhau để em có thể nắm chắc từng kiểu bài và biết cách thức, phương pháp để viết các kiểu bài đó.

Riêng cô, cô nghĩ giỏi môn tự nhiên thì thường là giỏi cả môn xã hội, bởi vì tư duy suy luận tốt cũng là điều kiện để học tốt môn xã hội. Riêng em, em học khá các môn tự nhiên, mà không học khá môn xã hội là bởi vì em chưa biết cách học và chưa tự tin khi học môn xã hội chứ không phải em không có năng khiếu văn chương tốt. Bắt đầu cho học môn văn, em nên tập thói quen đọc sách hàng ngày, mỗi ngày một ít. Đọc các sách tư liệu văn học, các tác phẩm văn học của các tác giả lớn trong nước và ngoài nước... Đọc có định hướng, đọc để hiểu, để học, để cảm thụ tác phẩm văn học. Quá trình đọc em nên tích lũy những kiến thức văn học vào trong 1 sổ tay nho nhỏ để có thể nhớ và khắc sâu kiến thức. Đến trường, em hãy tập trung và tích cực học tập trong giờ văn. Em hãy soạn và chuẩn bị bài trước ở nhà thật chu đáo. Theo sự dẫn dắt của thầy cô, em hãy tham gia trả lời câu hỏi, nêu ý kiến suy nghĩ của mình một cách tự tin. Đối với bài tập làm văn, em hãy nắm chắc phần lý thuyết, phương pháp viết kiểu bài. Khi viết bài tập làm văn, em hãy tập suy nghĩ, tìm ý, vận dụng kiến thức đã học, rồi sắp xếp các ý theo một bố cục mạch lạc, lập luận chặt chẽ có sức thuyết phục, lựa chọn ngôn từ, câu văn viết giàu hình ảnh, có cảm xúc. Và em đừng quên đọc lại bài, để kiểm tra. Có thể ngay bây giờ, em chưa có thể học giỏi liền môn văn. Nhưng nếu em quyết tâm, và có lòng yêu thích bộ môn văn thì dần dần cô tin là em sẽ viết bài tập làm văn tốt. Em hãy nghĩ rằng đây là 1 bộ môn khoa học rất gần với cuộc sống của chúng ta và cũng rất cần thiết cho tâm hồn chúng ta. Bởi vì học văn là học tâm hồn. Cố lên em nhé!



Thưa thầy, em là học sinh ban Toán nhưng sức học Văn của em cũng khá. Tuy nhiên ở HK2 năm 11, có nhiều bài viết chủ yếu là luận về ý kiến của bản thân với những vấn đề xã hội, và các tác phẩm văn học mà chúng em chỉ học đoạn trích. Vậy em xin hỏi, làm thế nào để phân tích một cách rõ ràng và chính xác một tác phẩm mà mình chỉ học đoạn trích nhỏ? Nhân đây cho em hỏi thêm, lớp em có một bạn học rất giỏi các môn tự nhiên nhưng rất kém các môn xã hội, nhất là môn Văn. Thầy có thể chỉ giúp là thế nào để học tốt các môn xã hội, nhất là môn Văn không ạ? Em xin cám ơn thầy.(Trần Nguyễn Huyền Trang, 17t, Ninh hoa- khanh hoa)



Trong chương trình không có bài nào yêu cầu học sinh phân tích một tác phẩm trong khi chỉ học một đoạn trích. Đề bài chỉ yêu cầu học sinh phân tích chính trích đoạn được học. Tuy nhiên, để làm tốt bài phân tích trích đoạn em cũng cần nắm vững các kiến thức chung về tác giả, tác phẩm: Tác phẩm của ai, sáng tác trong hoàn cảnh nào, giá trị nội dung và nghệ thuật, vị trí của đoạn trích trong tác phẩm... Còn để học tốt các môn xã hội nói chung, môn Văn nói riêng thì trước hết cần phải đầu tư cả thời gian công sức cho môn học. Nắm vững các kiến thức cơ bản, rèn luyện theo các đề bài được thầy cô cho hoặc trong các tài liệu tham khảo là cách thông thường nhất để học tốt bộ môn.



Thưa cô, làm văn thì ngắn dài có là vấn đề quan trọng không ạ? Khi làm văn cô giáo em luôn bắt phải viết dài!(Phương Thúy, 15t, Thanh hoa)



Theo suy nghĩ của cô, thì bài văn ngắn dài không phải là vấn đề quan trọng, mà quan trọng là nội dung của bài văn có đạt yêu cầu về nội dung, kiểu bài, và bài viết có thể hiện được năng lực hiểu và cảm thụ văn học của người viết không. Kiến thức văn học có chính xác không, cách diễn đạt, ngôn từ câu văn như thế nào. Trước đây giáo viên thường yêu cầu học sinh viết dài là để rèn luyện cho học sinh viết bài tập làm văn có kiến thức, có ý, biết triển khai ý... và cũng để đánh giá khả năng viết của học sinh. Đợt thay sách giáo khoa lần này, nội dung đánh giá cũng thay đổi nên vấn đề không phải là dài hay ngắn mà là chú ý đến chất lượng của bài viết.



Thưa cô làm thế nào để em có thể hiểu được các đề văn tốt hơn vì mỗi lần đọc đề văn là em không thể suy nghĩ được đề văn đi theo hướng nào cho việc làm bài tốt. (Lân, 19t, Cà Mau)



Để có thể hiểu được các đề văn em phải đọc kỹ đề, phân tích đề. Và khi đọc đề thì em phải định hướng kiểu bài về những nội dung đối với đề. Bước đầu tiên này rất quan trọng để định hướng cho việc tìm ý, lập ý và viết thành bài văn. Cho nên sau khi đã tìm hiểu đề kỹ, em hãy suy nghĩ tìm tòi ý, để lập thành dàn ý. Sở dĩ các em lúng túng không biết đề văn đi theo hướng nào là vì các em chưa lập được dàn ý, chưa xác định được các ý chính, ý phụ cần triển khai. Cô nghĩ lập được dàn ý thì em sẽ viết được bài văn đi theo hướng nào. Có lẽ em sẽ khó lập dàn ý, nếu như em chưa nắm chắc kiểu bài và phương pháp làm bài. Vì vậy, trước khi tìm hiểu đề em phải nắm chắc lý thuyết về các kiểu bài đã đọc. Cuối cùng là viết bài văn. Khi viết, em hãy dựa theo khung dàn ý có sẵn để triển khai, và phân bố thời gian viết cho hợp lý theo từng ý chính, ý phụ, bố cục bài cho rõ ràng, mạch lạc, có mở bài, thân bài, kết bài. Thật ra, việc tìm hiểu đề không khó, vấn đề là phải biết cách thức, phương pháp để viết bài văn theo từng kiểu bài đã học. Cô chúc em thành công.


Thưa thầy, Cấp THPT có rất ít học sinh giỏi văn, có phải chăng vì do môn văn quá tải đối với chúng em, vì chúng em đã không tìm thấy sự yêu thích môn văn, đồng thời cũng vì sự thiếu hụt kiến thức của giáo viên bộ môn?(Nguyễn Mai Quỳnh, 16t, Tánh Linh_Bình Thuận)



Vấn đề em đặt ra tương đối khó và chính em cũng đưa ra ba đáp án: Sự quá tải của chương trình, sự không đầu tư cho bộ môn của học sinh, sự thiếu hụt kiến thức của giáo viên. Phần nào câu hỏi của em đã là câu trả lời. Tuy nhiên theo thầy vấn đề cơ bản là sự phân hóa của dạy và học trong chương trình THPT. Bước vào THPT, học sinh bắt đầu có định hướng nghề nghiệp, đầu tư của gia đình và xã hội cũng tập chung cho định hướng ấy. Ví dụ: Học sinh nghiêng về các môn Khoa học Tự nhiên vì định hướng nghề nghiệp là các ngành nghề kĩ thuật. Trong chương trình mới, sự phân hóa giữa hai ban A và C càng rõ rệt. Số học sinh học ban Khoa học Xã hội rất ít. Như thế sự yêu thích môn Văn và sự đầu tư cho môn Văn giảm rõ rệt so với ở THCS. Cũng có người nói ở THCS thầy cô "gò" học sinh hơn, học sinh học đều các môn hơn vì định hướng nghề nghiệp chưa có. Các kì thi chuyển cấp đều thi Văn, nhiều cuộc thi do các trường, các quận, các tờ báo tổ chức đều thi Văn. Điều đó cũng góp phần làm cho chất lượng dạy học Văn ở THCS có phần cao hơn vì thuận lợi hơn.

Vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời nhưng do thời gian có hạn nên cuộc giao lưu trực tuyến xin được khép lại tại đây. MTO xin chân thành cảm ơn thầy Lê Xuân Giang - chuyên viên môn Văn Sở GD-ĐT TP.HCM và nhà giáo ưu tú Trương Thị Việt Thuỷ - Hiệu phó trường THCS Lê Quí Đôn - TP.HCM cùng tất cả bạn đọc.
 
Top Bottom