Dòng thời gian cứ lặng lẽ trôi đi. Khi cái giá rét lạnh lẽo của mùa đông dần dần tan biến, những nụ hoa dần hé nở, cây cối lại được khoác lên mình chiếc áo xanh non quyến rũ báo hiệu một mùa xuân mới tràn đầy sức sống, tươi vui đang tràn về.
Tất cả lại cùng đưa tiễn năm cũ và hân hoan, phấn khởi đón chào một năm mới đang đến với mong muốn cho mọi người, mọi nhà đều được sống trong an lành, hạnh phúc. Năm mới đến gắn liền với Tết- cái Tết cổ truyền của dân tộc.
Đã bao đời nay, Tết trở thành một lễ hội nằm trong niềm mong đợi và không thể thiếu của dân tộc Việt Nam. Những người con đất Việt dù đi đâu, ở đâu thì họ vẫn luôn hướng về cội nguồn. Tết là dịp để mọi người quây quần bên nhau, cùng trao cho nhau những lời chúc chân thành, ấm áp.
Trong không khí thật nồng nàn bởi tình xuân lan tỏa, trong cái giá rét của những ngày cuối năm. Với tôi,tôi cảm nhận cái Tết gắn liền với niềm vui trong cái ngát hương của đất trời. Bởi vì “Một năm có 4 mùa, mỗi mùa đều có một nét đẹp riêng và để lại trong lòng người một cảm xúc riêng. Mùa xuân thường nồng nàn, ấm áp, không nhẹ nhàng, lặng lẽ như mùa thu, không sôi động, rộn ràng như mùa hạ cũng không lạnh lẽo thê lương như mùa đông. Mùa xuân đến đánh thức trong ta những âm thanh vang động, những màu sắc lộng lẫy, hương vị ngọt ngào, gieo vào lòng ta những thoáng dao động mơ màng gợi cho ta những suy ngẫm sâu xa về những gì đang xảy ra trong cuộc sống”.
Những ngày đầu năm, khắp làng bản Việt Nam rộn ràng trong tiếng trống hội xuân thúc giục lòng người. Dịp này, bên cạnh các hoạt động lễ nghi mang ý nghĩa tín ngưỡng, những hội vui, diễn xướng sân khấu và các trò chơi truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Có lẽ, có một lễ hội mà không ai là không biết đến, đó là “lễ hội chơi hoa”. Từ đời xưa, phong tục chơi hoa là một thú vui tao nhã, tạo được không khí tưng bừng nhưng yên bình.
Cứ mỗi độ xuân về là muôn hoa khoe sắc, tỏa ngát hương thơm. Từ 25 đến 30 tết, khi ra đường là đã thấy các cửa hàng bán hoa, người người đến xem đông như trẩy hội, nào là hoa cúc, hoa mai, đào, cẩm chướng, lay ơn, thược dược... muôn loài hoa đã về đây, trong thời khắc này để cùng nhau hội tụ. Gần tết, trên mỗi cành đào, những bông hoa mảnh mai nở nụ cười hồng tươi sắc thắm. Mùa xuân, những rừng đào ngút ngàn, nặng trĩu trái đào thơm. Từ xưa, hoa đào đã đi vào thơ ca làm say đắm, rung động lòng người.
Khi những cành đào ở Hà Nội bắt đầu chớm nở, báo hiệu một ngày xuân ấm áp đã đến, thì ở Huế, Nha Trang, Đà Nẵng, Sài Gòn... xứ sở của mai vàng, những cánh mai dịu dàng nở hoa. Mai vàng sống được trên các vùng đất từ Bình Trị Thiên đến Cà Mau. Hoa mai có đài xanh đậm, 5 cánh vàng óng như tơ tỏa ngát hương. Người xưa quan niệm, hoa mai là biểu tượng của sự thanh cao, đẹp đẽ trong tâm hồn. Mùa xuân là mùa của năm mới với những điều tốt đẹp, an lành. Mùa xuân còn là dịp để những con người xa xứ có thể hướng về cội nguồn, về những giá trị thanh khiết và cao quý. Cuộc đời của mỗi con người được ví với mùa xuân, mùa của những bông hoa tươi thắm trên bầu trời trong xanh.
Tết đối với tôi nói riêng và tất cả mọi người nói chung đều có sự khác biệt ở cái cảm nhận về mùa xuân nhưng suy cho cùng thì ai ai cũng nôn nao mong chờ nàng xuân mang hơi ấm đến nhanh để xua tan đi cái u buồn buốt giá của mùa đông.Tết còn là dịp để mọi người quy tụ về mái chùa để cùng nhau cầu nguyện một năm mới mọi sự được hanh thông,gia đình phát đạt,ông bà cha mẹ được nhiều sức khỏe,con cháu được thành đạt... Không phải riêng gì người lớn mong đến tết mà trẻ con còn mong đến tết hơn cả người lớn bởi vì ngày tết để lại trong lòng những bạn nhỏ ấn tượng về những phong bao lì xì may mắn, về những câu đối đỏ đậm hồn dân tộc. Có một bạn nhỏ đã nói rằng: “Xuân sang tết đến là lúc người ta nghĩ đến bánh chưng xanh, những cây hoa mai, hoa đào. Nhưng với riêng em, thứ đầu tiên em nghĩ đến chính là những phong bao lì xì nhỏ hay là những câu đối đỏ trang trọng.”
Có thể nói, tết cổ truyền đã trở thành một lễ hội rất ý nghĩa và quan trọng của dân tộc Việt Nam. Khi bóng thời gian chạm cửa tháng 12 Âm lịch cũng là lúc mọi người nô nức chuẩn bị đón tết. Đặc biệt, với những người xa xứ, đây chính là những giây phút họ được đoàn tụ, đoàn viên với gia đình, được quay trở về với nơi mà mình sinh ra và lớn lên. Tết cũng là lúc, những thành viên trong gia đình thể hiện tình cảm với nhau. Đó là sự tôn kính của con cháu dành cho ông bà, tổ tiên qua những nén hương trầm gợi nhớ về cội nguồn quá khứ. Là những món quà đậm tình nghĩa của những đứa con dành cho cha mẹ. Nhưng có lẽ, những đứa trẻ con là người vui sướng nhất bởi chúng nhận được những phong bao lì xì đỏ thắm. Trong phong bao lì xì ấy là cả tình cảm yêu thương, nâng niu của người lớn dành cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, ngày nay, những phong bao lì xì ấy không chỉ là để người lớn tặng cho trẻ em mà là để con cháu thể hiện sự hiếu kính đối với ông bà. Mọi người trao nhau những phong bì đỏ in trên đó là những họa tiết, những cụm chữ màu vàng thể hiện sự chân tình dành cho nhau. Và còn một thứ nữa không thể thiếu được trong những ngày tết, đó là những câu đối đỏ cầu kì và trang trọng. Sở dĩ nói là cầu kì vì cần phải đặt cái Tâm vào đó, có thế người xem mới hiểu đước ý nghĩa của nó. Những câu đối thường được viết bằng cọ lông, mực Tàu, trên những tấm vải đỏ được trang trí cẩn thận. Những câu đối thật giản dị, quen thuộc: An Khang Thịnh Vượng, Cung Chúc Tân Xuân, ... nhưng thật trang trọng và có ý nghĩa. Những cụ ông, cụ bà có thể cùng nhau ngồi uống trà lại vừa ngắm những câu đối đỏ, như thế mới thật thú vị làm sao!
Một lần nữa, có thể khẳng định rằng, Tết cổ truyền từ lâu đã trở thành ngày lễ chung của dân tộc Việt Nam. Tết không chỉ là dịp để nghỉ ngơi mà dịp để đoàn viên. Những đặc trưng của ngày Tết thật giản dị và gần gũi với chúng ta biết bao nhiêu. Đó là mùi thơm ngọt ngào của gạo nếp trong chiếc bánh chưng xanh, đó là hương thơm nồng nàn từ các loài hoa đang đua nhau khoe sắc, là những phong bao lì xì chứa chan tình cảm hay những câu đối đỏ thắm. Riêng đối với tôi, lúc nào cũng vậy, trong tôi lúc nào cũng là cảm giác hồi hộp xen lẫn hạnh phúc khi xuân sang tết đến. Mọi người cùng thức, đếm từng phút giây đợi khoảnh khắc giao thừa để cùng quây quần bên nhau bên vị ngọt cay của mứt gừng. Còn điều gì thú vị hơn thế, được tận hưởng những cảm giác ấm áp và cùng nguyện cầu một năm mới an lành.
Mùa xuân cũng đang dần đến,Tôi xin chúc những câu chúc tốt đẹp đến với người thân bạn bè gần xa một mùa xuân tràn đầy hi vọng .Lời chúc mùa xuân này sẽ đến với tất cả mọi người vào thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới: “Chúc thành công, chúc may mắn, chúc mọi sự an lành, chúc cho những ước mơ trở thành hiện thực, chúc phú quý đại lợi, an khang thịnh vượng. Và dễ thương nhất là lời chúc: VẠN SỰ NHƯ Ý”.
Tết Nguyên Đán là ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Khi Tết đến em được về quê, được ăn cỗ và được lì xì. Tết đến khi mùa xuân đến. Mùa xuân cho ta một không khí ấm áp. Mùa xuân cũng là điểm khởi đầu của một năm mới. Xuân đến những nụ hoa dần hé nở, cây cối lại châm chồi, nảy lộc. Tết đến, người ta đi chợ sắm Tết, chuẩn bị những cành đào đẹp, mổ lợn, giã giò, gói bánh chưng, trang hoàng câu đối Tết... Trong ngày Tết, các cụ già được con cháu mừng thọ, các cháu nhỏ thì nôn nóng được lì xì và mặc áo đẹp. Tết đến, em được cùng người thân đi du xuân đón năm mới, được đón giao thừa trong đêm 30. Tết Nguyên Đán là dịp nghỉ ngơi của mọi người sau một năm lao động mệt nhọc, là thời khắc đón chào một năm mới với bao điều hạnh phúc và ước mơ. Ai ai trong chúng cũng đều mong chờ ngày Tết đến, một cái Tết thật trọn vẹn. Chúc cho tất cả mọi người đón một năm mới thật vui vẻ và hạnh phúc.
Ở các quốc gia Đông Á, đặc biệt là những nơi có ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, ngày Teét cổ truyền (hay còn gọi là Tết Nguyên Đán, Tết âm lịch) là một trong những ngày lễ lớn nhất của người dân. Từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Singapore, … cho tới những nước Âu – Mỹ, những nơi có cộng đồng người Việt và Hoa sinh sống, tất cả cộng đồng dân cư ở đây đều có những cách riêng để tổ chức ngày lễ trọng đại này.
Là một người Việt Nam, ai cũng đều có những cảm giác háo hức, mong chờ mỗi độ xuân về. Dù là bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng trải qua năm tháng, ngày Tết Nguyên Đán từ lâu đã trở thành một ngày không thể thiếu của cả dân tộc Việt Nam và có những nét độc đáo riêng biệt. Từ ngày 23 tháng chạp âm lịch, mọi nhà đã làm lễ cúng ông Táo về trời, những chợ hoa được mở ra, tấp nập những người mua kẻ bán với đủ loại hoa cùng nhiều màu sắc. Tết ở miền nam thì người dân thích những loại hoa màu vàng như hoa mai, trong khi ở miền bắc thì người dân lại có hoa đào. Không khí đón Tết của cả 2 miền cũng có những điểm khác nhau, miền nam thì có cái nắng nhẹ cùng sự mát mẻ của mùa xuân, là thời điểm để mọi người tận hưởng khoảng thời gian đẹp nhất trong năm và để các bạn trẻ thỏa sức vui chơi hòa cùng sắc xuân. Tết miền bắc thì lại có cái se lạnh, lắm khi rét buốt của mùa đông còn sót lại, là thời điểm để mọi người đi xa quay về sum họp cùng gia đình, thăm bạn bè và vãn cảnh chùa…
“Người ta đi, mua sắm Tết,
Người dâng hương đi lễ chùa”
Khoảnh khắc đón giao thừa chính là khoảnh khắc đẹp và đáng nhớ nhất của ngày Tết Việt Nam, cái cảm giác hồi hộp vui mừng khó tả khi bước sang một năm mới với nhiều khởi đầu mới. Người người, nhà nhà quây quần bên nhau cùng những chiếc bánh trưng bánh tét, mâm ngũ quả và tất nhiên là những phong bao lì xì dành cho các em nhỏ cũng như mừng tuổi các cụ già với mong muốn một năm mới đầy thành công.
Tuy xã hội ngày càng hiện đại, nước ta ngày càng hội nhập với thế giới nhưng đối với mỗi người dân Việt, ngày Tết sẽ mãi mãi là những ngày lễ đáng nhớ nhất trong năm và là một nét truyền thống độc đáo không bao giờ phai nhòa.