Văn 11 Đề cương lớp 11

havi0201

Học sinh chăm học
Thành viên
17 Tháng năm 2015
113
21
76
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

ĐỀ 1
có ý kiến cho rằng "đây thôn Vĩ Dạ " của Hàn Mặc Tử có cả tâm cảnh và phong cảnh . Em hãy làm rõ nhận định trên /
ĐỀ 2
Cảm nhận của anh/ chị về bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh
ĐỀ 3
Một trong những nội dung của bài thơ "Vội vàng " là " Cảm nhận về thiên nhiên , cuộc sống với những quan niệm mới mẻ của Xuân Diệu " Phân tích đoạn thơ sau để làm rõ nhận định trên .
ĐỀ 4
Trong bài thơ Vội vàng tác giả dã cảm nhận về thời gian như thế nào? Phân tích đoạn từ câu 14 đến câu để làm nổi bật cảm nhận ấy
ĐỀ 5 chất sôi nổi trẻ trung của Tố Hữu thể hiện qua bài thơ Từ ấy ?
ĐỀ 6
Phân tích vẻ đẹp cỏ điển và tinh thần hiện đại trong bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh
Các Bạn viết mình dàn ý hoặc bài văn mình tham khảo tí . Cảm ơn nhiều
 
  • Like
Reactions: Lanh_Chanh

Băng _Băng-water

Học sinh chăm học
Thành viên
1 Tháng mười một 2017
244
233
99
22
Thái Bình
ĐỀ 1
có ý kiến cho rằng "đây thôn Vĩ Dạ " của Hàn Mặc Tử có cả tâm cảnh và phong cảnh . Em hãy làm rõ nhận định trên /
ĐỀ 2
Cảm nhận của anh/ chị về bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh
ĐỀ 3
Một trong những nội dung của bài thơ "Vội vàng " là " Cảm nhận về thiên nhiên , cuộc sống với những quan niệm mới mẻ của Xuân Diệu " Phân tích đoạn thơ sau để làm rõ nhận định trên .
ĐỀ 4
Trong bài thơ Vội vàng tác giả dã cảm nhận về thời gian như thế nào? Phân tích đoạn từ câu 14 đến câu để làm nổi bật cảm nhận ấy
ĐỀ 5 chất sôi nổi trẻ trung của Tố Hữu thể hiện qua bài thơ Từ ấy ?
ĐỀ 6
Phân tích vẻ đẹp cỏ điển và tinh thần hiện đại trong bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh
Các Bạn viết mình dàn ý hoặc bài văn mình tham khảo tí . Cảm ơn nhiều
Bài 2
Nhật kí trong tù (1942 - 1943) tỏa sáng tâm hồn cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản vĩ đại Hồ Chí Minh. Tâm hồn tha thiết yêu con người, đất nước bao nhiêu thì cũng thiết tha yêu thiên nhiên cuộc sống bấy nhiêu. Tâm hồn ấy trong những tháng ngày tù đày tăm tối luôn hướng về tự do, ánh sáng, sự sống và tương lai. Trên đường bị giải đi trong chiều buồn ở tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc lòng nhà thơ - người tù bỗng ấm lên và phấn chấn vui vẻ trước thiên nhiên đẹp và hình ảnh cuộc sống bình dị ấm cúng. Cảm xúc nhà thơ viết bài thơ Mộ. Bài thơ được sáng tác cuối thu 1942.
Bài thơ có hai bức tranh rõ nét: hai câu đầu là cảnh hoàng hôn, hai câu sau là cảnh sinh hoạt.
Cảnh hoàng hôn
Trên con đường thanh vắng, thiên nhiên như một hồng thơ đang đón đợi:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.

Bức tranh hoàng hôn đã được xác định thời gian lúc chiều đang trôi chậm và không gian là bầu trời bao la lúc ánh nắng chỉ còn le lói rồi nhường chỗ cho bóng tối lan dần. Phía xa là cánh chim bay mải miết về tổ, trên cao là chòm mây trắng lẻ loi trôi lơ lửng. Thiên nhiên được miêu tả với vài nét chấm phá nhưng đã gợi ra khung cảnh bát ngát, trong sáng êm đềm của hoàng hôn vùng rừng núi. Thiên nhiên có vẻ đẹp trong trẻo, thơ mộng nhưng quạnh quẽ đượm buồn. Vẻ đẹp ấy rung cảm bởi tâm hồn xao xuyến yêu thương của Bác.
Hai câu thơ sử dụng bút pháp chấm phá miêu tả, nhất là cách sử dụng thi liệu mang đậm sắc cổ điển: lấy cánh chim biểu tượng cho hoàng hôn, còn hoàng hôn thì biểu tượng cho nỗi buồn, nhất là đối với người tha hương càng gợi thêm nỗi buồn xa xứ, lòng thương nhớ cố hương, Thôi Hiệu viết:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
(Hoàng Hạc lâu)

Và người đi trên đường xa trong cảnh hoàng hôn ấy dễ cảm thấy cô đơn và chạnh lòng.
Bài thơ có cách cảm thụ thế giới quen thuộc của thơ xưa, thiên nhiên như đồng cảm với tâm sự của con người. Hình ảnh con chim sau một ngày kiếm ăn vất vả như ẩn dụ hình ảnh người tù mỏi mệt sau một ngày đường bị áp giải. Chòm mây buồn như ẩn dụ tâm trạng cô đơn buồn bã của tù nhân. Tứ thơ cổ điển mà vẫn hiện đại, vì thiên nhiên với con người có sự đồng cảm chứ không đồng nhất. Thiên nhiên mệt mỏi còn có chốn nghỉ, cô đơn mà được tự do, còn người tù không biết đi về đâu và mất tự do không biết đến bao giờ. Nên nhà thơ đang khao khát tự do và một mái ấm gia đình. Tả cảnh mà chứa tình, hàm ý sâu xa, đó là vẻ đẹp hàm súc dư ba của thơ cổ điển.
Tóm lại, hai câu thơ gợi tả cảnh thiên nhiên đẹp mà buồn, vì ‘‘người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Buồn vì xa Tổ quốc, buồn vì bị bắt tù oan, buồn vì mất tự do không biết đến bao giờ. Nhưng trước vẻ đẹp của cảnh ấy lòng người ít nhiều cũng tìm được niềm vui thư thái.
Điểm đặc sắc nghệ thuật của bài thơ là chỉ miêu tả không gian với hai hình ảnh đang vận động: cánh chim bay và chòm mây trôi nhưng diễn tả được sự luân chuyển của thời gian: chiều đang trôi chầm chậm về đêm.
Không gian thay đổi, khung cảnh sinh hoạt của một bản làng miền núi được mở ra một cách tự nhiên:
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng

Hai câu thơ sử dụng bút pháp điểm nhãn của thơ cổ điển, nhưng hình ảnh thơ bình dị, chân thực lại được ghi bởi bút pháp hiện thực. Hình ảnh cô gái mải miết xay ngô và xay xong bên lò lửa rực hồng gợi bức tranh đời sống có vẻ đẹp bình dị, ấm cúng, yên vui. Riêng đối với người tù mệt mỏi, mất tự do thì cảnh ấy trở nên vô cùng hấp dẫn, quý giá, thiêng liêng, vì nó lệ thuộc về thế giới tự do. Chỉ có ai đã từng trải qua những cánh đời đau khổ đầy giông bão mới thấy hết giá trị của từng phút giây cảnh đời bình yên. Do đó bức tranh đời sống trở thành nguồn thơ dạt dào, thể hiện niềm xao xuyến, sự rung động mãnh liệt hồn thơ.
Lò lửa hồng là hình ảnh nổi bật trung tâm của bức tranh thơ, làm nổi rõ hình ảnh của cô gái. Nó sưởi ấm bức tranh thiên nhiên hiu hắt. lạnh lẽo và sưởi ấm tâm hồn nhà thơ. Vậy là, hình ảnh cuộc sống con người là điểm hội tụ vẻ đẹp bài thơ, tỏa sáng ánh và hơi ấm xung quanh. Hình ảnh lò lửa hừng hực đặt bên cạnh cô gái tạo ra vẻ đẹp trẻ trung, đầy sức sống của cảnh thơ. Hoàng Trung Thông cho rằng chữ hồng là nhãn tự của bài thơ là vì vậy. Ý thơ cuối khỏe, đẹp bộc lộ niềm vui, lòng yêu đời, yêu cuộc sống. tinh thần lạc quan của Bác.
Như vậy hai câu thơ là sự quan sát của người đi đường nhưng là cái nhìn của người đang khao khát tìm về cuộc sống bình yên giản dị. Thế nên khi bắt gặp hình ảnh cuộc sống con người giữa miền sơn cước, tình yêu và niềm vui đã tràn ngập cõi lòng. Không phải ngoại cảnh tác động đến con người mà chính cảm xúc của con người trùm lên ngoại cảnh. Thiên nhiên đẹp nhưng chưa đủ mang đến niềm vui. Cuộc sống đẹp đã mang đến niềm vui chan chứa. Điều ấy đã thể hiện phẩm chất nhân văn cao đẹp của nhà thơ.
Nguyên tác chữ Hán không có từ tối, bản dịch thơ thừa từ. Không miêu tả đêm tối mà vẫn cảm nhận được là nhờ ánh lửa lò than. Lấy ánh sáng để làm nổi bóng tối, nghệ thuật là ở đó.
Hình tượng thơ vận động rất tự nhiên, bất ngờ, khỏe khoắn: từ lạnh lẽo, hắt hiu đến ấm nóng, sum vầy, từ tối đến sáng, từ buồn sang vui... đó là điểm đặc sắc trong phong cách thơ của Bác, thể hiện niềm tin yêu cuộc đời dù đang ở trong những tháng ngày đau khổ nhất.
Bài thơ Chiều tối có sự hài hòa giữa phong cách cổ điển với hiện đại, giữa thiên nhiên với tâm hồn. Bài thơ đã cho người đọc thưởng thức bức tranh thiên nhiên đẹp và cảm nhận được vẻ đẹp của tâm hồn lớn. Một tâm hồn phong phú, giàu cảm xúc, một tình cảm hồn hậu, thiết tha với thiên nhiên, cuộc sống con người; luôn hướng về sự sống và ánh sáng, một tinh thần lạc quan trong gian khổ.
Bài thơ thể hiện phong cách nghệ thuật vừa cổ điển vừa hiện đại.
 

Pé Phương

Học sinh
Thành viên
17 Tháng tư 2018
185
129
36
18
Hà Nội
THCS Kiêu Kị
Đề 1
Dàn ý :
Mở bài :
+ Giới thiệu Hàn Mặc Tử và bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”
+ Trích dẫn nhận định : Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử có cả tâm cảnh và phong cảnh
Mở bài tham khảo : Vĩ Dạ – một làng quê thanh bình nằm bên bờ Hương Giang, thuộc ngoại vi thành phố Huế. Vĩ Dạ đẹp với những con đò thơ mộng, những mảnh vườn xanh tươi bốn mùa, sum sê hoa trái, những ngôi nhà xinh xắn thấp thoáng ẩn hiện sau hàng cau. Thôn Vĩ Dạ đẹp nên thơ, Hàn Mặc Tử đã dành cho nơi đây vần thơ đẹp nhất với tất cả lòng tha thiết mến thương. Bài thơ ” Đây thôn Vĩ Dạ” là tiếng lòng của một thi sĩ tha thiết yêu cảnh, yêu đời. Bởi vậy có ai đó cho rằng : Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử có cả tâm cảnh và phong cảnh.
Thân bài :
1. Giải thích :
+ Tâm cảnh : Bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm, đồng thời giãi bày một nỗi niềm bâng khuâng, một khao khát về hạnh phúc của thi sĩ đa tình, có nhiều duyên nợ với cảnh và con người Vĩ Dạ.
+Phong cảnh :Bài thơ là bức tranh đẹp về thiên nhiên xứ Huế, cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, con người xứ Huế duyên dáng, phúc hậu, Thiên nhiên và con người xứ Huế hài hoà trong vẻ đẹp nên thơ.
2. Bình luận, chứng minh nhận định :

Khổ 1 : Cảnh thôn Vĩ lúc bình minh với những ngọn cau, tàu cau ngời lên màu nắng mới, “nắng mới lên” rực rỡ. Hàng cau cao vút là hình ảnh thân thuộc thôn Vĩ Dạ từ bao đời nay. . Nhà thơ trầm trồ thốt lên khi đứng trước một màu xanh vườn tược thôn Vĩ Giạ: “vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Sương đêm ướt đẫm cây cỏ hoa lá. Màu xanh mỡ màng, non tơ ngời lên, bóng lên dưới ánh mai hồng, trông “mượt quá” một màu xanh như ngọc bích. Đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hoà, con người cần cù chăm bón mới có “màu xanh như ngọc” ấy. Thiên nhiên rạo rực, trẻ trung và đầy sức sống. Con người thôn Vĩ xuất hiện kín đáo, dịu dàng, vừa duyên dáng vừa phúc hậu ( phân tích… ).
+ Nghệ thuật : điệp từ ” nắng”, so sánh ” xanh như ngọc” và tính tứ ” mướt” ->> khắc hoạ hình ảnh thôn Vĩ tươi tắn, sinh động, sang trọng, đầy sức sống.
+ Tâm cảnh: thể hiện ở câu hỏi tu từ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?”
Câu hỏi khắc khoải, như lời tâm sự của nhà thơ với chính mình , bộc lộ ao ước thầm kín được trở về thôn Vĩ ->> Câu hỏi tu từ là một cái cớ để khơi dậy trong tâm hồn nhà thơ bao kỉ niệm sâu sắc , bao hình ảnh đẹp đẽ về xứa Huế .
Cảm xúc của tác giả bộc lộ kín đáo qua đoạn thơ : phải là người yêu tha thiết xứ Huế, gắn bó sâu sắc với thôn Vĩ , niềm khao khát được trở lại thôn Vĩ mới có được trong tâm trí những hình ảnh sinh động và đẹp đẽ như thế. ( Lưu ý : cảnh xứ Huế được hiện lên trong tâm tưởng, trong hoài niệm chứ không phải được ngắm nhìn trực tiếp ).
Khổ 2 : Cảnh thôn Vĩ trong đêm trăng thơ mộng, huyền ảo: có gió , mây, dòng nước, hoa bắp ( hoa ngô đồng ) khẽ lay động trong gió, có con thuyền và dòng sông trăng huyền ảo… ( phân tích )
+ Nghệ thuật : Đối : Gió theo lối gió- mây đường mây
Nhân hoá : dòng nước buồn thiu
Câu hỏi tu từ : thuyền ai…?
Tâm cảnh : Giọng thơ nhẹ nhàng, thoáng buồn.Gió mây đôi ngả như mối tình nhà thơ, tưởng gần đấy mà xa vời, cách trở. Dòng Hương Giang êm trôi lờ lững, trong tâm tưởng thi nhân trở nên “buồn thiu”, nhiều bâng khuâng, man mác.Tâm hồn nhà thơ xao xuyến khi nhìn sông trăng và con thuyền. . Câu thơ gợi tả một hồn thơ đang rung động trước vẻ đẹp hữu tình của xứ Huế miền Trung, nói lên một tình yêu kín đáo, dịu dàng, thơ mộng và thoáng buồn.
Khổ 3 : Cảnh vừa thực vừa mơ : xứ Huế nhạt nhoà trong làn sương khói, người thiếu nữ Huế thoáng hiện, kín đáo và duyên dáng trong màu áo trắng tinh khôi.
Nghệ thuật : Điệp ” Khách đường xa”, câu hỏi tu từ cuối bài thơ ” Ai biết tình ai có đậm đà? ” ->> vừa thể hiện phong cảnh, vừa khắc hoạ tâm cảnh
Tâm cảnh :Con người mà nhà thơ nói đến là con người xa vắng, trong hoài niệm bâng khuâng. Em đẹp dịu dàng, duyên dáng, nhưng khó nắm bắt, khó chiếm lĩnh quá, em ngay càng trở nên xa vời, nhạt nhoà trong sương khói .
–>>Nhà thơ luôn cảm thấy mình hụt hẫng, chơi với trước một mối tình đơn phương mộng ảo. Một chút hi vọng mong manh mà tha thiết như đang nhạt nhoà và mờ đi cùng sương khói.
->>Nỗi trăn trở, dằn vặt trong lòng, nỗi cô đơn trống vắng, niềm khao khát được sống trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi…
Tóm lại : Bài thơ là bức trang đẹp về thiên nhiên xứ Huế, đồng thời là tiếng lòng của một hồn thơ luôn tha thiết yêu đời, yêu người.
Nhận xét chung về nghệ thuật : Bút pháp gợi tả, ngôn ngữ tinh tế, giàu liên tưởng… ( khái quát những biện pháp nghệ thuật tiêu biểu trong bài thơ)
Kết luận : Đánh giá chung về bài thơ, khẳng định ý kiến trên.
 

Pé Phương

Học sinh
Thành viên
17 Tháng tư 2018
185
129
36
18
Hà Nội
THCS Kiêu Kị
đề 4
“Vội vàng’’ là một trong những bài thơ đặc sắc nhất trong tập “Thơ thơ” (1938). Vượt qua dòng chảy thời gian hơn 60 năm rồi, mà những ý tưởng mới mẻ về thời gian, về tuổi xuân, về tình yêu đời, yêu cuộc sống- cùng với một giọng thơ nồng nhiệt đắm say vẫn lôi cuốn chúng ta một cách kì lạ. Đây là đoạn thơ trích trong phần 2 bài “Vội vàng” nói lên sự cảm nhận về thời gian của thi sĩ Xuân Diệu:
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già.
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi.
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than thẩm tiễn biệt …”
1. Hai câu thơ đầu đoạn, với cách ngắt, nhịp 3/5, đọc lên ta cảm thấy cái nhún nhảy của mùa xuân, của thời gian:
“Xuân dương tới / nghĩa là xuân dương qua
Xuân còn non / nghĩa là xuân sẽ già”.
Các từ ngữ: “đương tới” với “đương qua”, “còn non'” với “sẽ già” tương ứng, đối lập nhau, diễn tả mùa xuân và thời gian vận động không ngừng. Bước đi của mùa xuân, dòng chảy của thời gian là mải miết, vô tận. Trong hiện tại “đang tới" đã có màu li biệt “đương qua”. Chữ “đang” chuyển thành chữ “đương” mộ: cách nói điệu đà, rất thơ. Trong dáng vẻ “còn non” hôm nay đã báo hiệu một tương lai “sẽ già”. Cách cảm nhận của thi sĩ về thời gian và mùa xuân là tinh tế và biểu cảm. Đó là một ý tưởng rất tiến bộ. Cũng chữ “non” và chữ “già” ấy, ông có những các cảm nhận rất độc đáo bằng một tâm hồn lãng mạng với cặp mắt xanh non.
“Tinh yêu đến, tình yêu đi, ai biết
Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt...
(...) Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ!
Em, em ơi! Tình non sắp già rồi...”
(“Giục giã")
Và ông cũng nhìn thấy sự vật phát triển và đổi thay không ngừng. Mùa xuân thời gian và sự sống thật vô cùng kì diệu:
“Mấy hôm trước còn hoa
Mới thơm đây ngào ngạt
Thoáng như một nghi ngờ
Trái đã liền có thật”.
("Quả sấu non trên cao")
2. Bảy câu thơ tiếp theo nói lên nghịch lí giữa tuổi trẻ, đời người với thời gian và vũ trụ. Và đó cũng là bi kịch của con người, đời người. Khi “xuân hết”, tuổi trẻ đi qua “nghĩa là tôi cũng mất”. Mất ý vị cuộc đời. Tuổi trẻ đáng yêu biết bao! Mỗi người chỉ có một thời son trẻ. Cũng như thời gian trôi qua, tuổi trẻ một đi không trở lại:
“Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất”.
“Lượng trời cứ chật” mà “lòng tôi rộng”, muốn trường sinh bất tử, muốn trẻ mãi không già. Quy luật của sự sống thật vô cùng nghiệt ngã: “Không cho dài thời trẻ của nhân gian”. “Hảo hoa vô bách nhật - Nhân thọ vô bách tuế” (Nguyễn Du). “Mỗi năm một tuổi như đuổi xuân đi...” (Tục ngữ). Một lần nữa thi sĩ lại đặt ngôn ngữ trong thế tương phản giữa “rộng” với “chật”, để nói lên cái nghịch lí của đời người. Cũng là một cách cảm nhận thời gian rất thực.
“Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian”
Xuân của bốn mùa thu thì tuần hoàn (xuân khứ, xuân lai, xuân bất tận) nhưng đời người chỉ có một thời thanh xuân. Tuổi trò “chẳng hai lần thắm lại”. Vũ trụ đất trời thì vĩnh hằng, vô hạn. trái lại đời người thì hữu hạn. Kiếp nhân sinh nhiều bi kịch. Ai cũng muốn trẻ mãi không già, ai cùng muốn được sống mãi với tuổi xanh, tuổi hoa niên. Tiếng thơ cất lên như một lời than tiếc nuối:
... Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”
“Tiếc cả đất trời vì không được trẻ mãi để tận hưởng mọi cái đẹp của thiên nhiên và cuộc đời. Đó là lòng yêu đời và ham sống, khao khát được sống hết mình với tuổi trẻ:
“Mười chín tuổi, hỡi những nàng má ngọc.
Ríu rít chim, là tuổi ước mơ hoa!
Hãi chàng trai kiều diễm mãi vui ca.
Mười chín tuổi! Chẳng hai lần hoa nở!”
("Đẹp" - Xuân Diệu)
“Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” cùng như “Mười chín tuổi! Chẳng hai lần hoa nở”, đó là bi kịch của người đời, xưa và nay. Có ham sống và yêu đời mới cảm nhận sâu sắc bi kịch ấy. Vì thế không được vung phí thời gian và tuổi trẻ.
3. Hai câu thơ cuối dào dạt cảm xúc. Nhà thơ xúc động lắng nghe bước đi của thời gian, tiếng “than thầm tiễn biệt” của sông núi, của cảnh vật. Xuân Diệu rất nhạy cảm với thời gian trôi đi qua “mùi”, “vị” của năm tháng “chia phôi” trong dòng chảy vô tận. Một cách cảm nhận thời gian rất thơ, rất tinh tế:
"Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi.
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt”.
Đoạn thơ trên đây cho thấy vẻ đẹp trong thơ Xuân Diệu: Sự trau chuốt về ngôn từ, sự tinh tế trong cảm xúc biểu hiện. Một quan niệm nhản sinh rất tiến bộ về thời gian, về mùa xuân và tuổi trẻ. Cái tôi cá nhân trữ tình được khẳng định. Ham sống và yêu đời; sống hết mình, sông trong tình vêu - đó là những ý tưởng rất đẹp, vẻ đẹp của một hồn thơ lãng mạn - “vội vàng" không nghĩa là sống gấp như ai đó đã nói.
 

Băng _Băng-water

Học sinh chăm học
Thành viên
1 Tháng mười một 2017
244
233
99
22
Thái Bình
ĐỀ 1
có ý kiến cho rằng "đây thôn Vĩ Dạ " của Hàn Mặc Tử có cả tâm cảnh và phong cảnh . Em hãy làm rõ nhận định trên /
ĐỀ 2
Cảm nhận của anh/ chị về bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh
ĐỀ 3
Một trong những nội dung của bài thơ "Vội vàng " là " Cảm nhận về thiên nhiên , cuộc sống với những quan niệm mới mẻ của Xuân Diệu " Phân tích đoạn thơ sau để làm rõ nhận định trên .
ĐỀ 4
Trong bài thơ Vội vàng tác giả dã cảm nhận về thời gian như thế nào? Phân tích đoạn từ câu 14 đến câu để làm nổi bật cảm nhận ấy
ĐỀ 5 chất sôi nổi trẻ trung của Tố Hữu thể hiện qua bài thơ Từ ấy ?
ĐỀ 6
Phân tích vẻ đẹp cỏ điển và tinh thần hiện đại trong bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh
Các Bạn viết mình dàn ý hoặc bài văn mình tham khảo tí . Cảm ơn nhiều
Bài 5
1/ Khái quát: Hoàn cảnh ra đời bài thơ có gì đặc biệt?
- Đất nước bị xâm lăng, xã hội rối ren với nhiều luồng tư tưởng khác nhau: dân chủ tư sản "cải lương", cách mạng vô sản,... => người thanh niên bước vào đời với nhiều nỗi hoang mang, trăn trở:
"Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước
Chọn một dòng hay để nước trôi?"
- Trong hoàn cảnh ấy, người thanh niên Nguyễn Kim Thành đã may mắn được tiếp xúc với lý tưởng Cách mạng => tìm ra chân lý, lẽ sống của cuộc đời mình => dấu mốc quan trọng trong cuộc đời nhà thơ => bài thơ ghi lại cảm xúc đầy hạnh phúc, vui sướng ấy.
- "Từ ấy" trở thành tên tập thơ đầu tay của Tố Hữu => có vai trò như một bản tuyên ngôn nghệ thuật của người nghệ sĩ - chiến sĩ: "Sống, viết, chiến đấu cho lý tưởng Cách mang vô sản."
2/ Nội dung chính:
2.1. Tâm hồn sôi nổi, trẻ trung của người thanh niên lần đầu đến với lý tưởng Cách mạng:
- tiếng hát hào hứng, thiết tha thể hiện niềm vui sướng khi được ánh sáng của lý tưởng Cách mạng chiếu rọi: "Mặt trời chân lý chói qua tim!"
- tâm hồn rộng mở với cuộc đời => cái tôi hòa vào cái ta chung của đất nước, dân tộc: đặc biệt là sự kết nối, hòa nhập với quần chúng nhân dân cần lao, không chỉ bằng tình đồng chí, mà còn bởi tình thân gia đình, tự xem mình như một người con, người em, người anh của đại gia đình Cách mạng => tinh thần đoàn kết dân tộc, tình đồng bào, nghĩa đồng đội.
- tinh thần đi đầu, trách nhiệm tiên phong của người Cách mạng.
2.2. Tiếng thơ sôi nổi, trẻ trung
- Sử dụng các động từ, tính từ mạnh: "bừng", "chói", "đậm", "rộn", "buộc",....
- Sử dụng các hình ảnh với gam màu nóng, rực rỡ, chói lọi thể hiện rõ tinh thần của tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, đầy sức sống: "mặt trời", "nắng hạ", "vườn hoa lá",...
- nhịp điệu câu thơ nhanh, dồn dập, giọng điệu có sự biến đổi: từ hào hứng, sôi nổi, đầy nhiệt thành đến thiết tha, trìu mến, đầy yêu thương.
3. Tổng kết:
- Khẳng định chất sôi nổi, trẻ trung là giọng chủ đạo của các bài thơ Tố Hữu sáng tác ở thời kì đầu, thể hiện rõ nhất qua bài thơ "Từ ấy" => thể hiện chất tâm hồn nhà thơ ở thời kỳ đầu đến với Cách mạng => cũng là tiếng hát chung của cả một thế hệ các chiến sĩ Cách mạng.
- Ý nghĩa của bài thơ khi ra đời trong những năm đầu Cách mạng: khích lệ tinh thần thanh niên Việt Nam đi theo và tin yêu vào lý tưởng Cách mạng, đưa lý tưởng Cách mạng đến gần hơn với quần chúng nhân dân lao động.
Trên đây là dàn ý, trong quá trình phân tích, em chú ý bám sát vào câu chữ và luôn phải đặt bài thơ trong hệ quy chiếu với hoàn cảnh ra đời và điệu tâm hồn nhà thơ, để tránh bình tán không chính xác. Trong quá trình làm bài có gì chưa rõ thì hỏi nhé, các anh chị luôn sẵn lòng giúp đỡ. Chúc em ôn thi tốt và đạt kết quả cao! ^^
 

Băng _Băng-water

Học sinh chăm học
Thành viên
1 Tháng mười một 2017
244
233
99
22
Thái Bình
ĐỀ 1
có ý kiến cho rằng "đây thôn Vĩ Dạ " của Hàn Mặc Tử có cả tâm cảnh và phong cảnh . Em hãy làm rõ nhận định trên /
ĐỀ 2
Cảm nhận của anh/ chị về bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh
ĐỀ 3
Một trong những nội dung của bài thơ "Vội vàng " là " Cảm nhận về thiên nhiên , cuộc sống với những quan niệm mới mẻ của Xuân Diệu " Phân tích đoạn thơ sau để làm rõ nhận định trên .
ĐỀ 4
Trong bài thơ Vội vàng tác giả dã cảm nhận về thời gian như thế nào? Phân tích đoạn từ câu 14 đến câu để làm nổi bật cảm nhận ấy
ĐỀ 5 chất sôi nổi trẻ trung của Tố Hữu thể hiện qua bài thơ Từ ấy ?
ĐỀ 6
Phân tích vẻ đẹp cỏ điển và tinh thần hiện đại trong bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh
Các Bạn viết mình dàn ý hoặc bài văn mình tham khảo tí . Cảm ơn nhiều
Đề 6:
Tuy văn chương không phải là sự nghiệp chính của cuộc đời nhưng với di sản thơ ca phong phú để lại cho đương thời và hậu thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà thơ lớn, một danh nhân văn hóa lớn không chỉ của Việt Nam mà của toàn nhân loại. Rất nhiều bài thơ được sáng tác theo thể thất ngôn Đường luật, trong đó sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc cổ điển và hiện đại đã làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của thơ Người. Điều đó thể hiện rõ nét qua nhiều bài thơ, tiêu biểu là bài “Mộ” - “Chiều tối” rút từ tập “Nhật ký trong tù”, tập thơ sáng tác trong hoàn cảnh tác giả bị giam cầm tại nhà lao của chính quyền Tưởng Giới Thạch từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu 1943.
Nói đến màu sắc cổ điển trong thơ là nói đến những yếu tố về nội dung và thi pháp có sự ảnh hưởng rõ nét của thơ phương Đông – chủ yếu là thơ Đường Trung Quốc, vốn được coi là mẫu mực về đề tài, thể loại, bút pháp, thi liệu. Do đâu thơ Hồ Chí Minh lại đậm đà chất cổ điển? Bác vốn xuất thân từ một gia đình Nho học. Ông ngoại và phụ thân của Bác vốn là những bậc túc nho nổi tiếng đương thời nên người con ưu tú của gia đình, con người Việt Nam đẹp nhất ấy đã tiếp thu, kết tinh được vẻ đẹp truyền thống của nền văn hóa cổ phương Đông. Với tâm hồn phong phú, trí tuệ anh minh, lại giỏi chữ Hán và am hiểu sâu sắc thơ Đường, thơ Người vì thế đậm đà chất cổ điển. Điều đó được thể hiện: giàu cảm hứng với thiên nhiên, bút pháp chấm phá như ghi lấy linh hồn của tạo vật, ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc ý tại ngôn ngoại. Bên cạnh đó, đã sống và làm việc, tiếp xúc với văn minh phương Tây, hồn thơ ấy rất sáng tạo và hiện đại, biểu hiện ở: tính chất dân chủ của đề tài, hình tượng thơ luôn vận động khỏe khoắn hướng về ánh sáng và tương lai, chủ thể trữ tình hòa hợp với thiên nhiên nhưng không là ẩn sỹ mà là chiến sỹ. Điều đáng nói là chất cổ điển và hiện đại luôn hài hòa trong thơ của Hồ Chí Minh mà bài thơ Chiều tối là một sáng tác tiêu biểu.
Trong bài, mỗi hình ảnh thơ luôn có sự vận động kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp cổ điển và bút pháp hiện đại. Hình ảnh tuy mang dáng dấp của thi liệu thơ cổ nhưng ý thơ, cảm hứng thơ và nhân vật trữ tình lại hoàn toàn hướng về ánh sáng, hướng tới thiên nhiên và cuộc sống con người. Hai câu thơ đầu mở ra không gian cảnh núi rừng khi chiều tối:
Quyện điểu qui lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)

Cảnh được gợi lên qua bút pháp ước lệ quen thuộc của thơ cổ đồng thời nói lên thật đúng hoàn cảnh của Bác và mang những nét mới. Người đọc có thể hình dung cảnh người tù đang bị áp giải ngẩng mặt lên trời quan sát cảnh vật, nhận ra cánh chim bay và chòm mây trôi ngang qua bầu trời. Cảnh đó phảng phất một nỗi buồn hiu quạnh. Nửa đầu bài tứ tuyệt này, người đọc được chiêm ngưỡng một bức tranh thiên nhiên có đường nét cánh chim bay tìm về tổ, có hình ảnh chòm mây trôi lững lờ. Những hình ảnh này xuất hiện thật tự nhiên, vừa song hành vừa đăng đối. Không có một chữ nào chỉ thời gian nhưng người đọc cảm nhận ngay được thời gian lúc này là chiều muộn. Chỉ bằng mấy nét chấm phá, tả rất ít nhưng lại gợi nhiều, tác giả tái hiện được cả linh hồn của cảnh vật: Cánh chim bay về rừng tìm chốn ngủ với dáng điệu mỏi mệt và đám mây lẻ loi trôi chầm chậm giữa lưng trời. Nghệ thuật đối ngẫu, một nét đặc trưng của thơ cổ, càng làm nổi bật dáng chim nhỏ nhoi và vũ trụ rộng lớn lúc hoàng hôn. Cánh chim ấy dường như mang bóng tối đang phủ dần lên cảnh vật. Câu thơ mang đậm phong vị cổ thi. Bởi khi tả cảnh chiều tối, các thi nhân xưa vẫn thường dùng hình ảnh cánh chim. Nguyễn Du, ngôi sao sáng chói trong bầu trời thơ ca Việt Nam thời Trung đại, trong kiệt tác Truyện Kiều đã viết: “Chim hôm thoi thót về rừng”. Và Bà Huyện Thanh Quan, bậc nữ lưu tài danh của dân tộc sống ở thế kỷ XIX, trong thi phẩm “Chiều hôm nhớ nhà” cũng viết: “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi”. Những áng cổ thi ấy đều dùng cánh chim tả cảnh chiều tà buồn vắng, hiu quạnh. Lý Bạch, bậc Tiên thi đời Đường ở Trung Quốc khi tả không gian trong bài Độc tọa Kính Đình sơn đã viết: “Chúng điểu cao phi tận – Cô vân độc khứ nhàn” nghĩa là: Các loài chim bay cao hết/ Đám mây cô đơn nhàn hạ trôi. Cánh chim của Lý Bạch xưa dường như bay vút vào không gian, như tan biến vào cõi vĩnh hằng. Còn cánh chim trong thơ Bác không bay đi hết, nó chỉ chuyển trạng thái từ bay sang ngơi nghỉ để rồi lại tiếp tục chu trình tuần hoàn của sự sống. Còn hình ảnh chòm mây trôi nhẹ, lời thơ Nam Trân dịchđã uyển chuyển linh hoạt nhưng vẫn chưa lột tả được chữ “cô vân” – đám mây lẻ loi và chưa thể hiện được ý nghĩa của từ láy “mạn mạn” trong nguyên tác. Điều đó chứng tỏ ngôn ngữ thơ Hồ Chí Minh vô cùng hàm súc. Ở đây, cánh chim bay mỏichòm mây cô đơn dường như mang theo cả nỗi lòng của tác giả, một người tù đang bị đày ải “giải tới giải lui” khắp mười ba huyện ở tỉnh Quảng Tây, nơi đất khách quê người lạ lẫm - có hôm tới 53 cây số một ngày – phía trước lại là một nhà tù khác đang chờ đón. Thế nhưng tác giả không san sẻ cho cảnh vật nỗi niềm buồn đau của cảnh ngộ mình đang phải từng trải. Trái lại, Người đã quên mình để sẻ chia, đồng cảm, hòa hợp với thiên nhiên tạo vật xung quanh. Đằng sau bức tranh phong cảnh ấy là một phong thái ung dung của một con người đang khao khát tự do, tuy bị mất tự do nhưng vẫn làm chủ mình, làm chủ hoàn cảnh ở mọi tình huống. Cũng chính điều này còn cho thấy vẻ đẹp hiện đại của thơ Hồ Chí Minh ẩn chứa và hòa hợp ngay trong những thi liệu thơ đậm chất cổ điển.
Phần sau của bài thơ đã tiếp nối mạch thơ ở phần trên thật tự nhiên, tái hiện bức tranh lao động và sinh hoạt thường nhật của con người nơi xóm núi.
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng
(Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng)

Nếu bức tranh thiên nhiên phần đầu bài thơ có phần ảm đạm, buồn vắng quạnh thì phần thơ cuối này hoàn toàn ngược lại: Cô gái xóm núi xay ngô bên bếp lửa đã toát lên một vẻ đẹp khỏe khoắn, trẻ trung và ấm áp. Điều thú vị là tác giả đã dùng nghệ thuật vẽ mây nẩy trăng, lấy ánh sáng của lò than để nói về bóng tối của không gian vùng sơn cước lúc màn đêm buông xuống. Trời không tối, làm sao thấy được hình ảnh “lô dĩ hồng”. Hình ảnh thơ này thật bình dị và cũng rất sáng tạo, thể hiện nét mới, chất hiện đại của bài thơ. Hơn nữa trong bài, hình tượng thơ không tĩnh tại như thường gặp trong thơ cổ mà có sự vận động hướng về ánh sáng, về tương lai. Bài thơ rất phong phú về sự vận động: vận động của cánh chim, vận động của chòm mây, vận động của con người đang làm việc hăng say. Và ngay cả thời gian trong bài cũng vận động từ chiều muộn cho đến tối hẳn. Tâm trạng nhân vật trữ tình cũng có sự vận động: từ mỏi mệt, lẻ loi, lạnh lẽo sang vui tươi, ấm nồng cùng cảnh vật và con người. Cách miêu tả và quan sát trong bài của tác giả từ hướng ngoại sang hướng nội, từ cao đến thấp, từ xa đến gần. Trong thi phẩm, chữ “hồng” chính là nhãn tự, là điểm sáng của cả bài thơ có sức lan tỏa lớn. Lô dĩ hồng đã diễn tả được thời gian vận động rất tự nhiên của cảnh vật. Sắc hồng của lò than đang đượm đã xua đi bóng đêm và sự lạnh lẽo của núi rừng lúc chiều tối, lan tỏa hơi ấm ra xung quanh, nhân lên niềm vui, niềm lạc quan của con người, nó củng cố và mài sắc thêm ý chí của người chiến sỹ cách mạng trong hoàn cảnh tù đày nghiệt ngã nơi xa xứ. Nghệ thuật ở hai câu cuối bài còn có một nét đặc sắc khác rất đáng lưu ý. Giữa câu thơ thứ ba và câu bốn có những cụm từ lặp lại theo hình thức đảo ngược: “ma bao túc” và “bao túc ma hoàn”. Hình thức này đã tạo nên kết cấu vòng tròn giữa hai câu thơ, gợi lên sự cảm nhận về vòng quay đều đều của chiếc cối xay ngô và từ vòng quay ấy gợi lên sự luân chuyển của thời gian tuần tự
Trước cảnh vật và cuộc sống con người nơi xóm núi, trong lòng tác giả dâng lên dạt dào cảm xúc. Qua đó, người đọc thấy được vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh: tha thiết yêu thiên nhiên, cuộc sống, con người. Hai câu thơ sau khiến người đọc vô cùng cảm động bởi đã ghi lại cảnh sinh hoạt quen thuộc, bình dị của một gia đình nơi xóm núi. Điều đó chứng tỏ trong hành trình hoạt động cách mạng, toàn tâm toàn trí vì sự nghiệp cứu nước, cứu dân, nhưng trong trái tim Bác Hồ vẫn có một khoảng dành cho tình cảm gia đình. Về tấm lòng yêu đời của Người ở hai câu thơ cuối, Hoài Thanh đã nhận xét: “ Một hình ảnh tuyệt đẹp về cuộc đời thiếu thốn, vất vả mà vẫn ấm cúng, đáng quý, đáng yêu. Những hình ảnh như thế không thiếu gì chung quanh ta nhưng thường nó vẫn trôi qua đi. Không có một tấm lòng yêu đời sâu sắc không thể nào ghi lại được”.
Chiều tối chỉ vẻn vẹn bốn câu thơ thất ngôn song đã cho thấy tâm hồn vô cùng cao đẹp và tài năng văn chương của Bác. Sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp cổ điển và hiện đại đã mang đến cho bài thơ một vẻ đẹp vừa truyền thống vừa mới mẻ. Đây cũng chính là một trong những yếu tố làm nên đặc sắc nghệ thuật thơ Đường luật của Hồ Chí Minh - con người của tương lai ấy - luôn hướng về thiên nhiên, cuộc sống, con người với sự đồng cảm và trân trọng “Nâng niu tất cả chỉ quên mình” (Tố Hữu)./.
p/s: phần mở bài hơi dài bạn có thể rút ngắn lại nhé!
 
Top Bottom