Đề bài viết tập làm văn số 6 nghị luận văn học

O

o0albus0o

Nếu Xuân Diệu là nhà thơ của nỗi ám ảnh thời gian thì Huy Cận lại là nhà thơ của nỗi khắc khoải không gian. Những rung cảm mãnh liệt và tinh tế của hồn thơ Huy Cận trước không gian trời rộng sông dài lúc chiều tà đã hoá thân thành bài thơ “Tràng giang” rút trong tập thơ “Lửa thiêng” (1940) độc đáo – “một bài thơ đã đạt đến trình độ cổ điển của một hồn thơ mới”(Xuân Diệu). Bài thơ thể hiện một nỗi buồn cô đơn, một nỗi buồn nhớ nhà, nhớ quê hương trong cảnh hoàng hôn trước tràng giang.
Cảm hứng chủ đạo được thi nhân nói rõ ở câu đề từ: “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Một thiên nhiên bao la mênh mông, một dòng sông dài, không rõ đâu là nguồn, đâu là cửa sông. Một nỗi niềm “bâng khuâng”, một tấm lòng tha thiết “nhớ” khi đứng trước vũ trụ, nhìn “trời rộng” và ngắm “sông dài”. Cảnh và tình giao hòa. Cảnh đẹp mà buồn man mác.Tràng giang nghĩa là sông dài. Nhưng hai chữ nôm na “sông dài” không có được sắc thái trừu tượng và cổ xưa của hai âm Hán Việt “tràng giang”. Với hai âm Hán Việt, con sông trong thơ tự nhiên trở thành dài hơn, trong tâm tưởng người đọc, rộng hơn, xa hơn, vĩnh viễn hơn trong tâm tưởng người đọc. Một con sông dường như của một thuở xa xưa nào đã từng chảy qua hàng nghìn năm lịch sử, hàng nghìn năm văn hóa và in bóng trong hàng nghìn áng cổ thi. Cái cảm giác Tràng giang ấy lại được tô đậm thêm bởi lời thơ đề là “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” (Nhớ hờ - Lửa thiêng)
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả
Củi một cảnh khô lạc mấy dòng”.
Ở hai câu đầu, cảnh vật thực ra tự nó không có gì đáng buồn. Nhưng lòng đã buồn thì tự nhiên vẫn thấy buồn. Đây là cái buồn tự trong lòng lan tỏa ra theo những gợn sóng nhỏ nhấp nhô “điệp điệp” với nhau trên mặt nước mông mênh. Cũng nỗi buồn ấy, tác giả thả trôi theo con thuyền xuôi mái lặng lẽ để lại sau mình những rẽ nước song song.

Ở hai câu sau, nỗi buồn đã tìm được cách thể hiện sâu sắc hơn trong nỗi buồn của cảnh: ấy là sự chia lìa của “thuyền về nước lại” và nhất là cảnh ngộ của một cành củi lìa rừng không biết trôi về đâu giữa bao dòng xuôi ngược. Thử tưởng tượng: một cành củi khô gầy guộc chìm nổi giữa bát ngát tràng giang... Buồn biết mấy!
“ Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đầu tiếng làng xa vãn chợ chiều.”
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót.
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu

Gợi tả một không gian mênh mông, vắng lặng. Cồn nhỏ thì “lơ thơ”. Gió nhẹ và buồn đìu hiu: “Lơ thơ cồn nhỏ, gió đìu hiu. Khác nào câu thơ Chinh phụ ngâm: “Non kỳ quạnh quẽ trăng treo - Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò”? Các từ láy: lơ thơ, đìu hiu; vần lưng: “nhỏ - gió” gợi cả cái hắt hiu, buồn thê thiết. Không một âm thanh một tiếng động, một tiếng vọng nào từ làng xa. Bầu trời thăm thẳm như soi xuống đáy tràng giang, không gian 2 chiều: sâu chót vót”. Con người càng nhỏ bé, cô đơn trước một không gian: “Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”. Câu thơ 7 từ với 3 nét vẽ. Thật hàm súc cổ điển
“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”.


Lại nói về tràng giang. Không cầu. Cũng không đò. Sông đã dài lại thêm mênh mông. Cảnh đôi bờ rất đẹp nhưng vẫn thấm sâu một nỗi buồn xa vắng: “lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”. Trung tâm của bức tranh là “bèo dạt”. Chẳng có mây trôi, chỉ có “Bèo dạt về đâu hàng nối hàng”. Một nét vẽ tượng trưng thứ hai đem đến liên tưởng những kiếp người lưu lạc, trên dòng đời. Đúng là sầu nhân thế, vạn cổ sầu như một số nhà thơ lãng mạn, thường nói:


… “Có phải sầu vạn cổ


Chất trong hồn chiều nay?”…


(“Chiều” - Hồ ZDếnh). Hai tiếng “về đâu” gợi tả một nỗi buồn mơ hồ, ngơ ngác. Chỉ biết hỏi mình, chẳng biết hỏi ai. Cô đơn và buồn đến thế là cùng!


“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,


Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa,


Lòng quê dợn dợn vời non nước,


Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.


Một cái nhìn xa vời đến mọi phía chân trời. Cánh chim như chở nặng bóng chiều đang “nghiêng cánh nhỏ”. Mây lớp lớp đùn lên như những “núi bạc”. Cảnh tượng tráng lệ. Cánh chim nhỏ nhoi tương phản với bầu trời bao la, với lớp lớp núi mây bạc nhằm đặc tả nỗi buồn cô đơn. Chữ “đùn” gợi nhớ một tứ thơ Đường: “Tái thượng phong vân tiếp địa âm” (Thu hứng) - Nguyễn Công Trứ dịch: “Mặt đất mây đùn cửa ải xa”.


Hoàng hôn phủ mờ tràng giang. Con nước làm xúc động lòng quê. Thôi Hiệu 13 thế kỷ trước, đứng trên lầu Hoàng Hạc, nhìn sông Hán Dương, lòng thổn thức: “Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”. Với Huy Cận, chiều nay trên tràng giang, nỗi buồn nhớ quê nhà nhiều lần nhân lên thấm thía: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Nỗi nhớ quê, nhớ nhà mênh mang như gửi về mọi phía chân trời và đang trôi theo tràng giang.


“Tràng giang” là bài thơ tuyệt bút tiêu biểu cho hồn thơ Huy Cận thời tiền chiến. Các chi tiết nghệ thuật được chọn lọc tinh tế. Ngôn ngữ hàm súc cổ điển. Cảnh đẹp mà buồn. Cành củi khô, bèo dạt… đầy ám ảnh, mở ra một trường liên tưởng đầy màu sắc suy tưởng. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương của khách ly hương tạo nên chất thơ, hồn thơ đẹp, để “Tràng giang” thấm sâu vào lòng người, trở thành “một bài thơ ca hát non sông, đất nước” như Xuân Diệu nhận xét
 
N

nightfury

ủa bạn ơi...đề là SUy nghĩ cuả anh (chị) về tâm trạng của nhân vật trữ tình qua hình ảnh dog` sông chứ có phải là phân tích đâu bạn
 
Top Bottom